Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
LÀNG BƯỞI CỦA TÔI NGÀY ẤY

Nguyễn Tân Triều

(Nguồn: VNĐN số 31 – tháng 05 & 06 năm 2019)

  

Ngày ấy, tôi là một thanh niên mới lớn, tuổi chưa đến 20, lòng đầy ắp những hoài bão lớn lao được góp sức mình dựng xây quê hương đất nước. Quê tôi, làng Bưởi Tân Triều, một cù lao bốn mùa tươi xanh cây trái với cuộc sống yên lành của người dân mộc mạc. Ruộng đồng, với tiếng chuông nhà thờ êm ả ngân nga trong những buổi hoàng hôn thanh vắng… Thế nhưng trong cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc để giành lại chánh nghĩa, giành độc lập cho quê hương… làng tôi là vùng đệm giữa chiến khu Đ và phi trường Biên Hòa, một phi trường quân sự bậc nhất của vùng Đông Nam Á lúc bấy giờ nên bọn Mỹ ngụy ra sức giữ gìn, bảo vệ. Chúng lập đồn bốt, tuần tra liên tục, bắt người vô cớ và có thể xả súng vào bất cứ đối tượng nghi vấn nào, ở bất cứ thời điểm nào. Cho nên, dù sống trong vùng tạm chiếm, dưới mắt chúng tôi, bọn chúng là những tên ác ôn rất đáng kinh tởm! Mặc dù bị bao vây bởi đồn bốt, hàng rào và những cuộc tuần tra liên tục, tinh thần chiến đấu vẫn được bà con dân làng thể hiện hết sức quyết tâm và cụ thể. Nhà nào cũng có một hệ thống hầm hào bí mật, rộng rãi, có thể chứa được nhiều người. Đêm về, thật yên lặng vắng vẻ, nhưng nếu để ý, ai cũng biết rằng mọi hoạt động đều đang được diễn ra một cách âm thầm, bí mật nhưng hết sức khẩn trương và chính xác.

Ngay từ thời điểm đầu năm 1975, một không khí rất ồn ã, náo nức bao trùm cả làng Bưởi. Ai cũng náo nức, phấn khởi về những tin tức bí mật cứ rỉ rả truyền tai nhau và mọi người, kể cả trẻ con đều chuẩn bị một cái Tết thật đặc biệt. Bọn trẻ chúng tôi, ban ngày đi học, chăn trâu ngoài đồng, thường bí mật tìm hiểu về vị trí các đồn bốt giặc, cửa quy hướng nào, bao nhiêu lô cốt, bố trí bằng súng gì, có bao nhiêu lính canh nơi ấy,… rồi bí mật báo cho các chú biết kèm theo sơ đồ vẽ được. Rồi cái Tết cũng trôi qua trong sự yên ắng đầy sốt ruột của mọi người nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Trong khi mọi người còn đang thất vọng thì lại có tin tức mới: Quân ta đang chuẩn bị Tổng tiến công! Mọi người lại hăng hái chuẩn bị những gì có thể được một cách tốt nhất để giúp cho cuộc kháng chiến được thành công.

… Và, những tin vui tới tấp loan truyền. Từ vùng 1, vùng 2 bị thất thủ rồi đến Kon Tum… Ngày lại ngày, qua Đài BBC, Đài Phát thanh Giải phóng, tin vui như một luồng gió thổi bùng lên hy vọng của mọi người. Riêng các đồn bốt xung quanh làng, bọn ngụy tăng cường lực lượng, phòng thủ tối đa hơn, 24/24 giờ. Thế nhưng, cuộc tiến công như vũ bão của lực lượng giải phóng đã thúc đẩy tình hình thay đổi nhanh hơn. Ngày 18/4, Định Quán được giải phóng, rồi đến Xuân Lộc, Long Khánh… Bọn Ngụy đã thả đến mấy quả bom thế hệ mới ngay tại Long Khánh để chặn đường tiến quân về Sài Gòn của quân Giải phóng nhưng hoàn toàn thất bại. Ngày 28/4, quân địch co cụm lại tại tất cả các đồn bốt để phòng thủ, chịu trận trước những cuộc tấn công kinh hồn của quân giải phóng từ tất cả các mặt trận. Đặc biệt ở khu vực sân bay Biên Hòa, pháo cao xạ của quân giải phóng đã dập liên tục vào nơi đây từ các hướng Chiến khu Đ, Tân Uyên, Trảng Bom… gây nên những tiếng nổ kinh hồn và những đám cháy bất tận với các cột khói bốc cao che kín cả bầu trời. Một số các kho đạn trong sân bay đã bốc cháy tạo nên hàng loạt tiếng nổ kinh thiên động địa suốt cả ngày đêm!

Ngày 29/4, sân bay Biên Hòa thất thủ. Bọn địch đã tháo chạy, bỏ lại một hậu cứ rộng lớn của sân bay hoàn toàn vô chủ. Người từ khắp nơi xông vào hôi của, mặc cho đạn nổ, bom rơi ngay cạnh bên mình! Tại làng quê tôi, cảnh tượng bi hài cũng diễn ra liên tục. Trong không khí đầy hoảng loạn và hỗn độn khi Biên Hòa thất thủ, bà con tỏa ra khắp ngả đường reo vang chiến thắng, người phất cờ, kẻ nhảy múa liên miên, kẻ đi tìm người thân bị thất lạc trong chinh chiến. Bọn trẻ chúng tôi thì xách xe đạp, dàn ngang ra đường, vừa la vừa chạy khắp chốn như bị động kinh. Tại Ủy ban xã, tôi thấy các anh chị du kích đang treo cờ giải phóng, dọn dẹp hiện trường và tổ chức ngay các đội tự vệ của địa phương. Còn bọn ngụy thì sao? Chúng kéo nhau bỏ chạy thục mạng về phía bờ sông, vừa chạy vừa vứt bỏ vội vàng súng ống, ba lô và cả quần áo lính đang mặc trên người. Có tên chỉ còn mặc độc mỗi chiến quần lót trên người và có tên thậm chí chẳng mặc gì cả! Chúng chạy trối chết theo quán tính và tìm cách thoát ra khỏi khu vực đang tranh chấp càng sớm càng tốt. Tại bờ sông Đồng Nai, bọn trẻ chúng tôi được chứng kiến một cảnh tượng không tưởng: Trong vô vàn tiếng súng đạn rền vang, bọn lính ngụy trong tư thế Adam hốt hoảng vội vàng phóng ùm xuống sông để bơi sang bờ bên kia trốn chạy thì ngược lại, những con chó của bà con lối xóm, do hoảng sợ với tiếng bom đạn cũng từ bên kia sông đang hối hả bơi qua để lội lên bờ! Hai hình ảnh hoàn toàn trái ngược nhau nhưng cũng làm cho tôi ray rứt mãi!... Trọn ngày hôm ấy, chúng tôi còn chạy đi khắp nơi, vào mãi tận chi khu Công Thanh để xem tình hình giải phóng. Đâu đâu, bà con cũng đổ ra đường để đón các anh giải phóng, cờ hoa được treo đầy khắp nơi và truyền tay khắp chốn. Các mẹ, các chị, hối hả may thật nhiều những lá cờ giải phóng, nửa đỏ, nửa xanh, có ngôi sao vàng và cờ Tổ quốc màu đỏ sao vàng để phân phối cho mọi nơi chuẩn bị ngày mít tinh mừng giải phóng. Thật bất ngờ, ngày giải phóng đến, ngay tại quê mình, bọn địch tự tan rã, không phải tốn một viên đạn nào! Và đến ngày 30/4/1975, trong khi trên đài, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng và kêu gọi quân lính bỏ súng thì tại quê nhà chúng tôi đang có cuộc mít tinh lớn để mừng ngày giải phóng. Hầu như mọi người đã bỏ ngỏ nhà cửa của mình để kéo hết ra xã tham dự. Tại đây, không khí náo nức, phấn khởi chưa từng có, ai ai cũng hân hoan vì đã đánh tan được Mỹ ngụy, giải phóng quê hương… Tiếng reo hò vang động cả một làng quê vốn yên bình tĩnh lặng bởi những bốt đồn bao quanh từ trước đến nay…

… Và giờ đây, đi giữa cờ hoa rợp nắng, tôi say sưa nhớ lại cái không khí nhộn nhịp, phấn khởi của ngày giải phóng… Hơn bốn mươi năm hay chỉ mới vừa hôm qua? Hình ảnh người chiến sĩ giải phóng với đôi dép râu bình dị, chiếc mũ tai bèo cộng với bộ đồ bà ba đen quen thuộc sẽ vẫn là một hình ảnh đẹp nhất trong vô vàn những hình ảnh đẹp mà hồi ức tuổi thơ của tôi đã kịp ghi nhận từ hơn bốn thập kỷ trước. Quê hương đã có nhiều đổi thay vượt bậc, cuộc sống của xã hội ngày một nâng cao, cơ sở hạ tầng đã tiến lên theo thời đại. Con người đã tiếp cận với khoa học kĩ thuật và đã làm chủ được thiên nhiên, đưa đất nước tiến lên ngang tầm thế kỉ…

 

T.T

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​