Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TẢN MẠN VỀ TÂY BẮC

Ghi chép của Đàm Minh Khôi

(Nguồn: VNĐN số 31 – tháng 05 & 06 năm 2019)

 

 

Được đi và đặt chân tới những vùng đất mới là một niềm hạnh phúc trong cuộc sống. Với tôi, những dịp đi và trở lại Tây Bắc đã để lại những ký ức khó quên về mảnh đất này. Từ con người, khí hậu cho đến thiên nhiên nơi đây đều mang một nét đẹp rất riêng. Trong bài thơ Tiếng hát con tàu, nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết: “Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc/ Khi lòng ta đã hóa những con tàu”. Tây Bắc dễ gây thương nhớ trong lòng người là thế và cũng chính là mảnh đất khơi dậy những nguồn cảm hứng bất tận cho thơ ca, nghệ thuật.

Tôi được biết đến Tây Bắc lần đầu tiên thông qua bài hát “Hoa ban trắng” của cố nhạc sĩ Trần Lập. Bài hát ấy miêu tả về câu chuyện tình của người dân tộc Thái - Mường khi tình yêu của chàng Khum và nàng Ban trở thành một biểu tượng đầy thuần khiết. Ngay từ lúc đó, cảm quan về Tây Bắc của tôi đã mở ra với những suy tưởng về một vùng đất núi non bạt ngàn, những ngôi nhà sàn và các nhóm người dân tộc thiểu số. Sau này, có dịp tìm hiểu thêm, tôi mới biết rằng Tây Bắc là khu vực có địa hình cao bao gồm 6 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Ngoài ra, nơi đây còn là nơi sinh sống của các dân tộc ít người như: H’mông, Dao, Tày, Thái… Đây được coi là một trong ba tiểu vùng địa lý tự nhiên của Bắc bộ Việt Nam (hai tiểu vùng kia là vùng Đông Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng).

Tây Bắc vốn nổi tiếng với vùng đất được mệnh danh là “thành phố sương mù” mang tên Sapa. Thật may mắn khi giờ đây đặt chân lên Sapa đã trở nên dễ dàng hơn với một chuyến xe khách đi tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, khởi hành từ bến xe Mỹ Đình. Bởi trước năm 2014 khi tuyến đường này chưa được xây dựng, việc di chuyển từ Hà Nội lên Lào Cai gặp khá nhiều khó khăn do đặc trưng về mặt địa hình. Sau khi đưa khách tới Lào Cai, tuyến xe này sẽ chuyển khách sang một xe trung chuyển để đi tiếp đến thị trấn Sapa.

Nói về Sapa có lẽ sẽ cần những câu chuyện dài hơn nữa. Nhưng tôi vẫn không quên được những điều tuyệt vời tại đây. Đó là những buổi tối dạo phố và thưởng thức những món nướng dân dã ăn chung với cơm lam. Các món nướng đủ mọi loại từ gà tẩm mật ong nướng, cá hồi nhồi rau thơm nướng giấy bạc cho đến bò cuộn cải mèo nướng… Nhìn chung, so với các hàng xiên que ở vùng dưới thì đồ nướng ở đây được làm cầu kì và tẩm ướp ngon hơn. Ngoài ra, du khách còn có thể thưởng thức các món ăn này chung với rượu Táo Mèo hay các loại rượu khác của người dân tộc Dao, Thái.

Có lẽ, khoảnh khắc được đứng trên đỉnh núi và vẫy lá cờ Việt Nam cắm trên cột mốc sẽ luôn là một trong kỉ niệm đáng nhớ nhất của tôi về vùng đất này. Đỉnh Phan-xi-păng, giờ đây đã trở thành giấc mơ có thể chinh phục được với rất nhiều người. Bởi sự có mặt của những công trình nhân tạo mà việc di chuyển lên đỉnh Phan đã trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cái cảm giác được đứng ở “nóc nhà Đông Dương” và trải nghiệm bầu không khí tại nơi đây thì vẫn luôn rất tuyệt vời. Những cơn gió lạnh ồ ạt thổi thốc vào mặt du khách khi nhìn từ trên đỉnh xuống. Hay cái lạnh giá buốt nơi đây khiến mọi người xung quanh phải mặc nhiều lớp áo ấm đan xen. Ở xa, có một vài anh chị đang cố gắng ôm chặt lấy nhau trong một khoảnh khắc bất giác khiến tôi bật cười. Tất cả tạo nên một không gian sống động trên đỉnh Phan-xi-păng khi tôi có dịp đặt chân đến vào những ngày cuối năm.

Tây Bắc không chỉ có thế. Tây Bắc còn gắn liền với những chứng nhân lịch sử. Đó là đập thủy điện Hòa Bình do Liên Xô xây dựng cho nước ta vào những năm đầu thập niên 80. Công trình vĩ đại ấy vốn cất giữ một điều bí mật mà những công nhân kỹ sư Liên Xô gửi gắm lại cho hậu thế. Thầy Thông - người đi chung đoàn với tôi chuyến ấy có tiết lộ về bức thư “xuyên thế kỉ” đã được niêm ấn trong một khối bê tông hình thang tại sân nhà truyền thống Đập thủy điện Hòa Bình. Nội dung của lá thư ấy sẽ chỉ được mở vào ngày 1-1-2100 theo lời dặn dò để lại của những kỹ sư Liên Xô. Dù cho sẽ còn rất lâu nữa chúng ta mới biết được sự thật nằm sâu bên trong “bức thư thế kỉ”, nhưng công trình thủy điện Hòa Bình sẽ mãi đánh dấu một thời điểm vàng son trong quan hệ thân thiết giữa Việt Nam và Liên Xô - những người anh em trong khối xã hội chủ nghĩa.

Tây Bắc còn là những mùa xuân trường tồn gắn liền với chứng tích “cây đào Tô Hiệu” nằm tại nhà tù Sơn La, Thành phố Sơn La. Có dịp đến và tham quan nhà tù Sơn La, chúng ta mới có thể hiểu được những khó khăn và sự khắc nghiệt mà các chiến sĩ cách mạng của ta đã phải chịu đựng thế nào. Năm xưa, cũng chính tại nơi này, đồng chí Tô Hiệu - thủ lĩnh của các phong trào cách mạng trong nhà tù đã vun trồng nên “cây đào Tô Hiệu”. Đây được xem là biểu tượng cho tinh thần đấu tranh bất diệt của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Tôi cũng như các bạn trong đoàn rất cảm động khi biết rằng ông đã trồng cây đào bằng chính nguồn nước ít ỏi được cấp của mình. Đúng là chỉ có những ý chí bất khuất mới có thể truyền tải nguồn năng lượng sống mạnh mẽ ở nơi “địa ngục trần gian” này. Rời khỏi khu di tích, những hình ảnh về các phòng giam, “cây đào Tô Hiệu” hay các tài liệu được lưu giữ tại phòng trưng bày vẫn đọng lại trong tâm trí tôi. Nó như khắc ghi về một thời kì “gian lao mà anh dũng” của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam quả cảm, can trường.

Đặt chân đến Sơn La buổi hôm ấy, tôi còn có dịp đến thăm khu di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến. Nằm tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, di tích này là nơi ghi dấu nơi hành quân năm xưa của đoàn quân Tây Tiến. Vì ở đây lúc này thời tiết đang là mùa đông nên khí hậu rất lạnh. Tiếng gió thổi rin rít ngang tai nghe như tiếng hành quân kề bên của đoàn quân Tây Tiến. Chị hướng dẫn viên của đoàn đưa chúng tôi đến với phòng trưng bày. Điều ấn tượng nhất chính là bức tượng nhà thơ Quang Dũng được đặt ở một góc trang trọng trong phòng. Từ thần thái đến ánh mắt của nhà thơ được tạc lại rất tinh xảo khiến các khách tham quan thêm phần ngưỡng mộ tài năng của nhà thơ đáng kính. Bên cạnh ông là bài thơ Tây Tiến nổi tiếng mà các thế hệ học sinh chúng tôi được học thời phổ thông. Khu di tích có nhiều hạng mục tham quan, nhưng đáng nhớ nhất vẫn là đài vọng tưởng được thiết kế rất đẹp nằm trong khu hoài niệm. Đứng tại đây, tôi mới thêm hiểu được lý do ra đời hai câu thơ nổi tiếng: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Bởi lẽ, đứng từ phía trên đài chúng ta có thể nhìn qua biên giới Việt - Lào mà cũng có thể ngắm từ phía xa một Hà Nội đang khuất dần sau những rặng núi. Chẳng trách, những chiến sĩ Tây Tiến năm xưa đã có những phút giây đầy mơ mộng tại mảnh đất thi vị này.

Nói về Tây Bắc cũng không thể quên được những đứa trẻ dễ mến nơi đây. Khi nghỉ đêm tại nhà sàn Mộc Châu (Thành phố Hòa Bình), tôi có dịp làm quen và nói chuyện với các em nhỏ người dân tộc sinh sống tại đây. Cuộc sống của các em ở các vùng Tây Bắc mang nhiều màu sắc khác nhau. Những em nhỏ tại Mộc Châu, nơi chúng tôi dừng chân thì đa phần cuộc sống ổn định và được đầy đủ cơm ăn áo mặc hơn. Bởi một phần từ nguồn thu nhập do bố mẹ các em có được từ việc kinh doanh các homestay. Sáng sớm, các em đạp xe đến trường. Chiều tối lại về nhà, có đứa thì phụ bố mẹ nấu cơm cho khách, có đứa thì chơi ở dưới nhà sàn. Lúc tôi đến, các em lại tập viết cho nhau. Từng nét chữ nắn nót là một sự yên tâm nơi bố mẹ chúng bởi các em đang được học tập đàng hoàng.

Các em nhỏ tại những địa điểm du lịch như thị trấn Sapa lại khác. Tại đây, các em có một điều kiện sống khó khăn hơn. Các em đa phần đều bỏ học và đi làm từ rất nhỏ. Công việc chính của chúng éo le thay, lại là… xin tiền du khách. Các du khách đến tham quan và nghỉ lại tại đây đều không lạ gì cảnh các em bồng bế nhau xin tiền. Khi có dịp hỏi chuyện một người bản xứ sao các em bỏ học từ sớm thế, chị có nói rằng chúng bỏ học một phần vì nhà nghèo, một phần vì… nhà xa. Khoảng cách từ nhà đến trường của bọn nhóc đôi khi là cả một quả đồi. Vì thế, các giáo viên địa phương phải rất vất vả trong việc vận động các em quay lại trường, lớp.

Những góc nhìn đó là chưa đủ để bao quát hết về cuộc sống của các trẻ em vùng đồng bào dân tộc miền núi tại Tây Bắc. Nhưng qua đó, tôi càng thấy mình cần phải có trách nhiệm học tập thật tốt khi đang được hưởng những điều kiện sống đủ đầy.

Ngày rời Tây Bắc về dưới miền xuôi, lòng tôi lại dậy lên nỗi bồi hồi khó tả. Tôi tự hỏi rằng: liệu lần quay lại tiếp theo, có thể là vài năm nữa, Tây Bắc có còn như mình hình dung hay không? Liệu rằng những cảnh quan ấy, những con người ấy có còn mang những dáng dấp “Tây Bắc” như mình được biết hay không? Có lẽ, sau cùng thì, những điều thay đổi đó nếu có xảy ra thì nên là những thay đổi tích cực hơn. Những khu rừng không còn bị chặt phá để phục vụ du lịch, những đứa trẻ sẽ được đến trường học tới nơi tới chốn và hy vọng rằng những di tích lịch sử tại đây sẽ được chú tâm gìn giữ. Những điều ấy, nếu thành hiện thực, thì sẽ là những chuyện nên vui.

Đ.M.K

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​