Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
GÃ NÁT RƯỢU

Truyện ngắn của Trần Thúc Hà

(Nguồn: VNĐN số 31 – tháng 05 & 06 năm 2019)

 

 Kẻ nát rượu - Đào Tấn Hưng.jpg
Minh họa: Đào Tấn Hưng


Gã khát rượu, tay chân gã bần thần, các mạch máu trong người như có trăm ngàn con sâu bọ lúc nhúc, miệng gã nhạt thếch, nước dãi tứa ra như người đói thấy mùi thức ăn. Gã thiếu rượu từ sáng sớm. Gã chờ. Khi nghe tiếng trống báo tang ông cụ nhà bên cạnh chết từ tối hôm qua, gã tỉnh người. Gã vác cái mặt gầy nước da tai tái, có mấy nếp nhăn xếp nếp như cái mo cau trên vừng trán hẹp, đôi lông mày rậm với cặp mắt lờ đờ sang viếng ông cụ bởi gã biết đám tang có rượu.

Ngoài sân nhà ông cụ rạp che bằng bạt dựng lên để làm nơi tiếp đón khách đến viếng. Mấy dãy bàn ghế được bày ra. Trên mỗi bàn có bình trà, vài đĩa bánh kẹo và một chai rượu gạo. Đã có khách đến thắp hương cho ông cụ. Trà rượu được rót ra trên các dãy bàn có người ngồi, nét mặt ai cũng buồn buồn để phân ưu với thân nhân người quá cố.

Đang đói rượu, gã chăm chắm nhìn vào bàn nào chai rượu còn đầy nên gã chẳng thấy gì, chẳng có gì phải buồn. Với lại cả đời gã chưa biết buồn. Đến vợ con gã từ bỏ gã ra đi biệt xứ, gã gật gù hơi men: cho rộng cửa rộng nhà - ngôi nhà hai gian lợp lá của gã chỉ nhỉnh hơn cái chuồng trâu của người ta bên gốc mít, trống trơ với một chiếc giường gỗ cũ kỹ. Người bị đi ở tù hay buồn cho thân phận. Với gã, ở tù lần đầu vì tội cướp túi xách gây thương tích cho một người phụ nữ. Lần thứ hai ở tù gấp hai lần trước cũng chỉ vì a dua theo bọn côn đồ đánh người để trộm cướp tài sản, gã cũng không có gì phải buồn. Người ta ở tù thì mất danh dự, không được tự do. Với gã, vào cái tuổi chưa già nhưng không còn trẻ nữa, cái tuổi biết suy nghĩ việc đời một cách chín chắn, biết những việc nên làm, những điều phải tránh thì ở gã chẳng có gì sất ngoài chén rượu, nên danh dự, thứ không ăn không uống được gã không cần biết đến, tự do gã chẳng thèm, tù tội thì cũng chẳng gì ghê gớm, có khi là nơi nghỉ dưỡng thân xác, khỏi lo ngược xuôi rình rập cướp giật vì đã có cơm ăn ngày hai bữa tuy không ngon cũng chẳng đói, mà chỉ cần cuốc ba cái cục đất trồng khoai trồng sắn đạt mức khoán là được. Việc động tay động chân không xa lạ với gã bởi ngày thường gã cũng đi phụ hồ, làm việc vặt cho thiên hạ để kiếm miếng cơm. Hiềm một nỗi, ở trong tù thèm rượu quá. Lão là một con sâu rượu. Có rượu như đời lên cung mây, không rượu đời chán phèo, tựa như trần gian này không còn gì thích thú, chẳng có gì đáng sống. Bằng mọi cách gã phải xoay được rượu. Cho nên, trong đám tang ai buồn đau xót thương khóc than mặc, gã không chú ý, gã chỉ biết là được ngồi vào bàn tha hồ nốc rượu mà không phải móc từng ngàn đồng bạc hiếm hoi để trả.

Vào bàn, chẳng đợi ai mời, gã lia lịa nốc hết cốc này đến cốc khác. Lúc đầu óc lâng lâng chếnh choáng, gã biết mình đã ngấm rượu. Không như ở nơi khác, khi đã chạm ngưỡng, gã khua tay múa chân, miệng cười nói như thằng điên, không biết trời đất là gì, thì lần này gã còn chút tỉnh táo để cho gã biết sợ, gã sợ hồn ma ông cụ hơn lúc ông cụ còn sống nên gã lặng lẽ ra về. Gã nhớ nhiều năm trước, sau mấy năm ở phố phường, lúc con người gã đã tẩm trong rượu, đụng vào đâu cũng bốc mùi men, gã lại quay về làng quậy phá gây lộn. Đã nhiều lần trật tự thôn xóm đưa gã ra nặng nhẹ, ngon ngọt, nhưng tựa nước mưa xối mái tôn, vợ con hết nước mắt rồi bỏ gã đi, gã cũng không thôi ngập chìm trong hơi men. Dân làng không có cách gì trị lại gã, người ta ghét thằng liều mạng, sợ gã làm càn nên bảo nhau kín cổng cao tường, tránh xa gã. Khi trong làng không làm ăn gì được, gã trở lại phố phường, lang thang đến nhiều nơi khác rồi hai lần vào tù cũng chỉ vì khát rượu. Ra tù gã về làng. Tưởng những ngày tháng trong tù gã bỏ được thói hư tật xấu, nào ngờ gã ngựa theo đường cũ, càn quấy ma mãnh hơn trước. Người làng thốt lên: nhà tù mà nó chẳng coi ra gì nữa là ba cái việc phê bình khuyên can! Trong làng có một ông cụ - ông cụ nhà bên cạnh vừa qua đời. Một hôm, gã gây lộn, làm náo loạn ở quán rồi chếnh choáng về nhà với bộ mặt tái dại, hai con mắt sòng sọc vằn lên những tia máu hung dữ. Ai thấy gã cũng sợ hãi né tránh, trẻ con không dám bén mảng tới gần. Riêng ông cụ, chờ cho gã đi đến gần bờ ao liền khóa tay dìm gã xuống nước, chốc chốc lôi gã lên cho gã thở. Gã vùng vẫy làm một vùng nước ao đục ngầu như trâu đầm nhưng không thoát khỏi tay ông cụ mặc dầu gã trẻ hơn ông cụ - ông vốn là lính đặc công. Cứ thế, nhiều lần ông cụ dìm xuống kéo lên cho đến lúc gã nổi gai ốc, người run cầm cập ông cụ mới đưa gã lên bờ. Ông cụ cho gã mặc áo ấm, thoa dầu nóng, kéo gã về nhà nấu vội nồi cháo hành cho gã húp để chống cảm lạnh. Khi gã hoàn hồn ông cụ nói: Mày phải bỏ rượu cho vợ con nhờ, cho xóm làng yên ổn! Kẻ ngấm rượu sợ nhất là nước. Đằng này bị ngâm dưới nước làm cho gã lạnh thấu xương không chịu nổi. Gã lấm lét nhìn ông cụ: Con lạy ông, con xin bỏ. Từ đấy gã sợ ông cụ, thấy ông ở đâu là tránh né đến đó. Nhiều hôm phải chạm mặt ông cụ gã tỏ ra lễ độ, miệng lí nhí cúi chào.Nhưng gã không từ bỏ được con ma men, gã lại rời làng đến quậy phá những nơi khác.

Gã về nhà đánh một giấc đến sáng. Khi đã no nê rượu và ngủ một giấc dài, gã tỉnh táo hơn, chợt nhớ ra gã chịu ơn ông cụ nên gã lại lần sang đám tang. Bây giờ, gã đã biết chú ý đến chung quanh, gã nhìn thấy cứ có người đến viếng là ba tiếng trống trầm trầm cùng hòa theo tiếng kèn như lời khóc than của đội nhạc tang lễ lẫn trong khói nhang, tạo nên không khí buồn thương, gợi cho gã cảm giác buồn. Thật lạ! Đây không phải lần đầu gã đi dự đám tang. Ở trong làng, hay nơi xa xứ, hễ ở đâu có người quá cố gã đều lần đến bất kỳ gia chủ đó giàu hay nghèo, quen hay lạ. Gã đến không vì thương tiếc hay máu mủ ruột rà mà vì ở đó có rượu không mất tiền. Người ta than khóc vì những cái chết quá tức tưởi, quá thê thảm đau lòng hay tiếc thương một con người đáng sống hơn nữa, gã không quan tâm, gã chỉ chăm chắm vào chén rượu. Nhưng đám ma của người từng làm cho gã sợ, dù trong đời gã chưa hề biết sợ ai kể cả cái còng của mấy ông công an thì gã lại buồn. Gã nhớ tuy người ấy có lần dìm gã đến ngạt thở nhưng là người duy nhất không ghét gã; người từng cứu gã sống. Đó là một lần gã bị ốm, đồng bọn đưa gã về nhà đợi chết. Nhà chẳng có ai, ông cụ biết, sang cho gã thuốc uống, cho cơm cháo ăn. Nay ông cụ đã nhắm mắt xuôi tay, liệu có còn ai thương gã, nên gã thấy buồn, lúc ông cụ còn sống gã không hề có cảm giác này.

Trước lúc di quan, bàn ghế được dọn dẹp để lấy chỗ cho người đến viếng mặc niệm và đọc điếu văn tiễn biệt người quá cố về thế giới bên kia. Trong lúc không ai chú ý, gã lẹ làng thuồn một chai rượu vào túi quần rồi đứng lẫn trong đám người nghe đọc điếu văn.

Trưởng ban lễ tang là ông Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã lên đọc điếu văn. Giọng ông vừa kính cẩn vừa tha thiết: Cụ ông là đảng viên Đảng Cộng sản, thọ bảy mươi năm, ở trần thế thì đã có năm mươi hai năm hết mình cho xã hội. Năm mười tám tuổi cụ tham gia đánh Mỹ, đánh Pôn pốt, đánh bọn xâm lược phương Bắc, tiếp làm cán bộ cho đến tuổi về hưu. Những năm chiến tranh cụ không ngại hy sinh, trên mình cụ mang nhiều vết thương, được Nhà nước tặng thưởng ba Huân chương chiến công. Đối với nước, cụ là một công dân xuất sắc. Đối với làng xóm, cụ là một người mẫu mực. Cụ còn hướng dẫn giúp đỡ bà con chung quanh biết làm việc tốt, biết thương yêu đùm bọc nhau vượt qua nghèo khó. Với gia đình, cụ là một người chồng tốt, thủy chung, thương yêu vợ con hết mực, chăm lo dạy bảo con cái nên người. Cụ mất đi là một tổn thất lớn cho chúng ta, cho gia đình thân hữu. Giờ phút biệt li này, chúng ta nguyện theo gương cụ để làm một người tốt. Xin vĩnh biệt! Nhiều tiếng khóc thảm thiết òa lên của thân nhân làm gã xúc động. Gã nhận ra con người ta phải sống như thế nào, để khi trăm tuổi được tiếng tốt với người chung quanh. Gã động lòng nhớ vợ con. Ôi! Gã cũng đã có một mối tình đẹp, thuở đôi mươi chiều chiều đi làm đồng về thường nán lại bờ đê trò chuyện với cô gái cùng làng, rồi trở thành vợ chồng. Khi sinh con trai đầu lòng, hai vợ chồng bàn nhau cố làm lụng cho con ăn học thành kỹ sư bác sĩ, nở mày nở mặt với xóm làng. Vợ chồng gã học chưa hết cấp hai, chỉ biết quẩn quanh với ruộng đồng. Trong những năm làng quê thay đổi, gã cũng theo trai làng ra phố kiếm việc để có thu nhập. Nhưng chỉ được năm đầu. Thấy bạn bè ăn chơi, bia rượu, gã cũng lao theo rồi thành nghiện, chểnh mảng công việc. Không ai mướn, gã đi bụi đời cướp giật để qua cơn khát rượu. Đã không giúp được gì cho vợ con, gã còn về xoáy tiền nhà, hành hạ vợ con. Khuyên can không được, chịu hết nổi, vợ con gã đành bỏ xứ đi. Mấy năm sau, có người gặp vợ con gã ở nơi xa, về nói cho gã biết thằng con gã không đi học, theo mẹ ra chợ gom rác, kiếm sống, gã lạnh lùng nói có miếng ăn làm gì cũng được. Bây giờ nhớ lại gã thấy xót, như có gì đó cứa trong gan ruột. Không biết vợ con gã sống chết ra sao, phiêu bạt đến nơi nào. Gã chợt nhận ra rằng không thể sống liều mạng được. Nhưng nên sống thế nào thì gã chưa nghĩ ra.

Trên đường đưa tang, gã bị cuốn theo dòng người mà không biết mình đi đâu, bởi đầu óc gã như mớ chỉ rối. Một bên là chút tình cảm thương vợ nhớ con và nỗi sợ cô đơn khi chiều tà. Một bên là rượu ăn mòn tim gan gã, biến gã thành kẻ bụi đời. Hai thứ tình cảm giằng xé trong gã, tựa như hai con chó giành giật một miếng mồi.

Đến nghĩa địa. Quan tài được hạ xuống. Những nắm đất của thân nhân bạn bè ném xuống huyệt mộ tiễn đưa người đã khuất. Gã cũng ném một nắm đất lên quan tài. Và cảm nhận đầy đủ một bóng người đã khuất khi huyệt mộ đắp lên với những vòng hoa phủ đầy.

Gã biết rồi ai cũng chết.

Chết chưa phải là hết, tuy thân xác vùi sâu xuống ba tấc đất rồi biến thành cát bụi! Chết rồi còn để lại tiếng khóc tiếc thương, còn những dòng chữ trên tờ giấy đọc trước mọi người ghi lại đầy đủ một thời đã sống, với những vòng hoa trên mộ chí. Xưa nay gã là một thằng cô hồn, coi sống chết như rác rưởi vậy mà gã chạnh lòng khi nghe nhắc đến những kẻ bất nhân tồi tệ. Gã cũng là một tên tồi tệ, một thằng người bụi bặm, xấu xa, để lại cho vợ con nỗi tủi nhục ngay khi gã đang sống sờ sờ. Mà vợ con gã đâu có tội tình gì! Gã hối hận.

Trên đường về nhà, nỗi hối hận lớn dần thành khối ngưng đọng trong tim, gã càng nhớ đến thưở còn vợ con, gia đình đầm ấm. Những ngày gã chưa nghiện ngập, đi đâu về thằng con cũng sà vào gã, những bữa ăn dù đạm bạc, vợ gã cũng lo được cơm nóng canh ngọt... Gã đau đớn nhận ra rằng: rượu đã biến gã thành một thằng người không tình nghĩa, khiến người ta kinh tởm và ghê sợ. Bây giờ gã phải từ bỏ rượu.

Gã vừa chớm nghĩ đến điều tốt đẹp thì cơn khát ập đến. Cổ họng gã chưa được giọt rượu nào từ sáng đến giờ. Chai rượu trong túi quần lấy được trong đám tang cựa quậy. Một chút chần chừ nhưng rồi cơn khát lên tận cổ, không cưỡng được, gã dừng lại, lấy chai rượu ra định tu một hơi. Chợt như có ai chặn tay gã, lờ mờ đâu đó xa thẳm có tiếng nói vang lên: Vợ con mày đang khốn khổ! Mày không thương vợ con?! Gã khựng lại, đứng thừ ra như người lạc vía, mặc cho nước bọt nhễu ra bên khóe miệng. Lương tâm gã thức tỉnh, ý muốn làm người tử tế trong gã trỗi dậy. Gã phải gồng mình lên chống chọi với cơn khát rượu. Làm người hay làm con vật giây phút này sẽ quyết định! Gã lấy tay áo quệt nước bọt, mặt đanh lại, lông mày rướn cao, mắt trợn lên, răng nghiến chặt. Gã quật chai rượu vào tảng đá bên đường. Chai vỡ tan tan tành, rượu chảy lênh láng. Gã thét to: Tao từ mày!

Gã đi về nhà, mặc cho một mảnh chai găm vào chân tứa máu. Căn nhà trống trải. Gã cúi xuống gỡ mảnh chai, xé chiếc khăn rịt vết thương, tự nhủ: mình sẽ đi tìm mẹ con cô ấy…

T.T.H

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​