Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
NGÔI SAO KHÔNG TẮT

Truyện ngắn của Nguyễn Duy Đồng

(Nguồn: VNĐN số 31 – tháng 05 & 06 năm 2019)

 

Ngôi sao không tắt - Lâm Văn Cảng.jpgMinh họa: Lâm Văn Cảng

Trong nhà tưởng niệm Khu di tích Lịch sử Chiến khu D, chị đứng sát tôi. Chúng tôi nhìn nhau nhưng chẳng ai nhận ra người thân vì ngoại hình đã thay đổi rất nhiều. Tôi lên lão. Chị lão bà. Không rõ chị cần những thông tin hay muốn hỏi điều gì mà đứng nghe người hướng dẫn viên thuyết trình chăm chú như nuốt lấy từng lời: “Di tích địa điểm chiến thắng chốt chặn Tàu Ô (Xóm Ruộng) đã ghi dấu một trong những giai đoạn ác liệt nhất trong Chiến tranh Việt Nam. Tại đây, trong suốt 150 ngày đêm (từ ngày 05/4/1972 đến 28/8/1972), Sư đoàn 7 của ta đã tổ chức đánh gần 800 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 8.189 tên; bắt sống 211 tên; bắn rơi và phá hủy 119 máy bay các loại; Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể tránh sự mất mát đau thương. Sư đoàn 7 đã hy sinh gần 1.000 cán bộ chiến sỹ.

- Anh là nhà báo? - Giọng chị rặt âm sắc địa phương, y nguyên trong quá khứ giúp tôi nhận ra chị. Chị em “tay bắt mặt mừng” nhưng giọt lệ nhanh chóng thầm rơi trên khóe mắt hai người. Ký ức dội về.

***

Nhà chị ngay trước ngõ nhà tôi. Khi chưa có chị, căn nhà tranh hai gian, một chái ấy có bốn người: ông bà Lộc, anh và thằng Huân. Căn nhà “rất sạch” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ông Lộc rít thuốc lào sòng sọc, bà Lộc bỏm bẻm nhai trầu, nhưng không vương vãi vết tích gì. Buổi trưa, tôi và Huân thường xuyên trà trợt dưới bóng nhãn trước sân và cãi nhau ỏm tỏi khi chơi “cờ gánh” - một loại cờ sấp ngửa, quân cờ bằng bẹ chuối cắt ra hoặc bằng vỏ củ lạc, bàn cờ vẽ trên đất. Có tiếng thông minh, học giỏi, nhưng cờ không thể thắng nó, tôi cú lắm.

Anh. Không chỉ là người anh tự hào của Huân mà còn là thần tượng của cả làng tôi. Người tầm thước, khỏe mạnh, đẹp trai, hát hay, thổi sáo giỏi, tính tình hòa đồng, nói chuyện có duyên, là mẫu người lý tưởng của lũ trai choai chúng tôi. Cái gì anh làm, anh nói, đặc biệt là anh hát chúng tôi đều bắt chước theo và thấy hãnh diện cho rằng mình giống anh.

Chị. Ở xóm dưới. Da trắng, mặt tròn, nở nang, thùy mị, các cụ khen có vẻ đẹp mặn mà, tốt mạ (ý nói dễ đẻ) và cũng hát hay, múa đẹp, dễ gần, dễ mến nên được mến mộ từ lũ gái tơ chẳng thua gì anh.

Háo hức nhất là những buổi họp chi đoàn thôn. Lũ mục đồng chúng tôi và bọn gái tơ, xong bữa tối là kéo đến đứng lấp ló ngoài nhà kho hợp tác, chờ được thưởng thức văn nghệ, nhất là được chứng kiến tiết mục của anh - chị. Đến nay, tôi vẫn còn nhớ những ca từ trong ca kịch “Ngô - Khoai”, hát theo lối ví dặm xứ Nghệ:

Anh: “Bà con ơi… / Tôi là Ngô lương thực/ Ngô ích nước lợi dân/ Bà con chớ hiểu nhầm/ Mặt thằng Ngô Đình Diệm/ Cái mặt… thằng Ngô Đình Diệm… / Ngô tôi dùng rất tiện/ Ăn vừa bổ lại vừa ngon/ Rang vừa thơm lại vừa giòn/ Ăn kêu như pháo nổ/ Rành kêu như pháo nổ…”.

Chị: “Ơ… rằng là bạn tình ơi… / Chớ đừng khoe khéo, khoe hay/ Mà chua lòng bạn/ Mà cay lòng người…” rồi múa lên: “Khoai thời này/ là cái khoai thời này”.

Các cụ bảo, lâu lắm làng tôi mới xuất hiện một cặp nam thanh, nữ tú như thế.

Mùa xuân 1970 anh nhập ngũ. Đêm liên hoan tiễn đưa trai làng tòng quân được tổ chức ngay tại sân nhà anh. Văn nghệ sôi nổi lắm. Lũ choai không phải lấp ló phía ngoài mà được cùng ngồi nghe. Anh không hát bài hát quen thuộc. Giọng ca trầm hùng: “Theo lời Bác gọi” (thơ Lê Văn Kỳ, nhạc Nguyễn Xuân Khoát) và tiếng sáo cao vút, dồn dập: “Anh vẫn hành quân” (thơ Trần Hữu Thung, nhạc Huy Du) do anh thể hiện như thôi thúc, như tiếng kèn xung trận đã làm lũ chúng tôi cũng rực lên ý chí tuổi thanh xuân. Chị cũng không hát bài cũ mà ngâm thơ “Đường hành quân” (thơ Lưu Trùng Dương), giọng ngâm ngọt ngào của chị làm xao lòng người. Anh lính tuổi tròn đôi mươi và người chinh phụ cập kề mười tám được tôi cải biên bài thơ “Núi đôi” của Vũ Cao: “Một năm về trước, em mười bảy/ Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng/ Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa/ Bữa thì em tới, bữa anh sang”. Đêm đó, trăng rằm vằng vặc, sương nặng hạt ai nấy mới ra về. Tôi nằm ngoài thềm ngủ hóng gió bỗng tỉnh giấc vì tiếng vỗ cánh phành phạch và tiếng gáy kéo dài của chú gà trống oai vệ nhà tôi. Ngước sang sân nhà anh, Hằng Nga đang ghen với hai cái đầu chụm lại, tay họ quàng lưng nhau. Tôi hiểu “chia tay” là thế đó vì tuổi tôi đã sang ngưỡng khao khát chứ không ngây ngô nữa. Sáng hôm sau, chị tiễn anh ra tận bến đò ngang. Khi chiếc thuyền nhỏ dần và mất hút, chị mới “chân bước hững hờ theo bóng lẻ” quay đầu.

Ba tháng sau, mười lăm ngày phép, anh về trong bộ quân phục màu Tô Châu thật kiêu hãnh. Anh được ưu tiên về phép vì “cả ba viên trúng vòng mười” và vì sắp vào chiến trường “B dài”. Đám cưới anh chị được tổ chức vội vàng, đơn sơ. Sáng hôm sau anh lên đường…

***

Từ đó gia đình ông Lộc có người ra trận và có thêm người “con gái” hiếu hạnh đúng như cái tên Hiền Thục của chị.

Tuần trăng mật và chiếc gối đôi chỉ một người dùng, nhưng không vì thế mà gia cảnh kém vui, thậm chí, vườn tược, nhà cửa, lợn gà… phởn phơ hẳn ra. Chiếc điếu tre của ông Lộc bóng láng, cái liễn đồng nhổ nước trầu của bà Lộc cũng sáng ra. Thiếu hơi chồng, chị vẫn phây phây. Chị hãnh diện có chồng ra trận!

Thư anh không kể lể gian lao, bệnh tật, chỉ nói khỏe, vui và niềm tin chiến thắng. Nhớ nhất là bức thư anh gửi về đúng dịp đón Xuân mới Nhâm Tý (1972). Bức thư làm cả thôn vui vì có bài thơ viết nắn nót trên giấy pơ-luya nền hoa vẽ tay rất cầu kỳ. Chẳng rõ bài thơ do anh viết hay góp nhặt trong trong thơ quần chúng, nhưng ông Lộc lấy làm hãnh diện, ai đến cũng hể hả khoe. Bài thơ có những câu: Tết đến Xuân về thật vui thay. Khắp nơi thắng Mỹ rộn cờ bay; Thơ ơi thơm mãi mùi giấy mới. Bay tới quê nhà gặp yêu thương… Làm theo di chúc Bác dặn dò/ Ra đi đánh Mỹ đã hẹn hò/ Chờ ngày thống nhất tự do con về. Bức thư làm chị khấp khởi như tâm trạng của người chinh phụ trong “Thăm lúa” của nhà thơ Trần Hữu Thung.

Sau lá thư ấy, ba tháng, nửa năm, hết năm, trong làng ai cũng nhận được tin của người đi chiến trường, trừ chị. Anh bưu tá đâm ra ngại gặp chị mặc dù trong thâm tâm muốn ngược lại.

***

 Từ đó có ngôi sao phương Nam vời vợi xuất hiện trong mắt chị. Đêm đêm, dáng chị ngồi dõi về phương Nam trông như hòn vọng phu. Mới đầu, tôi tưởng chị cũng thích ngắm sao băng và khám phá thiên văn như tôi. Sau đó mới hiểu, chị đang chia sẻ nỗi niềm với một ngôi sao nhấp nháy đúng như ca từ: “Nhìn ngôi sao lấp lánh suốt canh thâu như mắt ai nhấp nháy đang tìm nhau” trong bài hát Đêm nay anh ở đâu” của Phan Huỳnh Điểu.

Sau giải phóng Miền Nam 1975, các chiến binh còn sống đều trở về quê nhà, nhưng vẫn không thấy bóng anh. Nỗi đau buồn lớn nhất của gia đình ông Lộc và chị Hiền Thục không phải vì con, vì chồng hy sinh mà vì anh không về, cũng không có giấy báo tử. Chịu đựng nỗi đau thầm lặng, nhiều lần chị mạnh dạn tìm đến cơ quan có thẩm quyền huyện, tỉnh để hỏi nhưng không tìm ra manh mối. Chị không tìm đến cơ quan Trung ương, vì ngại những lời xầm xì. Nếu anh đào ngũ, hoặc đầu hàng, theo địch nên không có giấy báo tử thì thật khủng khiếp.

Đến tuổi nghĩa vụ, thằng Huân rủ tôi xung phong nhập ngũ. Tôi nhất trí ngay vì muốn được mặc bộ quân phục. Còn Huân vì muốn chứng tỏ danh dự của gia đình. Kết quả, tôi không trúng tuyển vì mắc hen suyễn nặng. Huân vào lính và hy sinh anh dũng tại mặt trận Tây Nam, có giấy báo tử rõ ràng.

***

Từ đó người chinh phụ đọng trong đồng tử ngôi sao phải một mình gánh vác cha mẹ chồng già yếu, bệnh tật, thiếu thốn đủ điều, nhất là nỗi buồn đầy tràn không ai chia sớt. Chị gồng mình để tồn tại, để làm trọn bổn phận dâu con. Bây giờ ông Lộc không còn sức kéo thuốc lào mà chỉ ho sù sụ, nghe đến não lòng. Bà Lộc bị tai biến liệt nửa người, nuốt cháo không xong, còn đâu bỏm bẻm nhai trầu. Chị bươn chải, hết lợn gà, vườn tược, đồng áng, lại lo cơm cháo, thuốc thang, tắm rửa cho hai ông bà. Nhưng sự ân cần đó cũng không thể giữ bố mẹ chồng chị thêm vài năm. Chị lần lượt thay anh tiễn ông bà về nơi chín suối.

Chị một mình hương khói bàn thờ với ba di ảnh, bốn bát nhang. Nhà chồng thấy chị còn trẻ, khuyên chị về ở với bố mẹ đẻ và đi bước nữa. Nhưng chị lắc đầu, nhất quyết ở lại căn nhà này. Chị hay sang nhà tôi và tôi cũng đến chơi với chị như lúc còn thằng Huân. Chị em chúng tôi quý nhau như tình ruột thịt. Lúc củ khoai nướng, khi nắm lạc rang, có gì ngon chị đều mang sang cho tôi và tôi cũng không ngại việc nặng nhẹ giúp chị. Tháo cất chiếc giường đôi, chỉ để lại chiếc giường một cạnh cửa sổ thì tôi hiểu. Nhưng nhà không có gì để sợ mất trộm mà chị cứ bảo tôi chặt tre rào nhà, ngăn dậu thật chắc chắn, thì chị không giải thích. Sau này tôi mới nhận ra vì sao các ông “xồn xồn” trong làng cứ hay viện cớ ghé nhà chị và vì sao nhà chị lại luôn cửa đóng, then cài.

***

Không được làm lính, tôi đành theo đường kinh sử, thi đậu vào Đại học Bách khoa. Nghỉ hè, tôi thường sang chơi với chị, nằm lăn ra giường đọc sách. Không biết thằng Huân tầm được ở đâu mà toàn sách hay, kinh điển như: “Thép đã tôi thế đấy”, “Ruồi trâu”, “Những người khốn khổ”, “Sông đông êm đềm”, “Chiến tranh và hòa bình”… Những quyển sách được chị giữ gìn cẩn thận, không dính một hạt bụi. Chăn gối cũng sạch sẽ, thơm hương bưởi, hương chanh nhưng tôi lại thấy ấm cúng dễ chịu hơn mùi nước hoa ngoại đài các của các tiểu thư nhà giàu trường tôi. Tôi đọc sách. Chị làm việc nhà. Chị em hỏi chuyện nhau nhưng chẳng ai nhìn ai. Đến kỳ nghỉ hè cuối cùng của đời sinh viên tôi mới hiểu và thương sự mất mát của người chinh phụ. Một lần tôi sang chơi nhằm lúc chị đang gội đầu. Chị cúi xuống thau nước, cổ áo trễ để lộ triền ngực đầy đặn, trắng ngần, rưng rức tuổi xuân. Tôi bỗng rạo rực, đứng thần ra… Sực tỉnh, tôi thấy thương chị vô cùng…

Đến năm thứ tư, tôi vẫn vô cảm trước phái đẹp, bị bạn bè chê “pê-đê”, cù lần. Khi sắp ra trường tôi mới… tập yêu. Để chứng tỏ mình là đàn ông. Vào cuộc chơi, tôi mới hiểu thế giới người đẹp như thế nào. Nhiều phen tôi bị các nàng đá lăn lóc như quả bóng trên sân. Có nàng môi son, mặt phấn lung linh nhưng tâm dạ như ác quỷ. Thần tượng về “hoa hậu” trong tôi sụp đổ. Từ ấy, chỉ có chị là “Hoa hậu” trong tôi. Chị là viên ngọc quý hiếm, không lấp lánh trong không gian mà lấp lánh trong lòng người. Càng quý trọng chị, tôi càng thương “hòn vọng phu”. Nghĩ về chị, trái tim trai trẻ của tôi rạo rực…

Ra trường, cái bằng kỹ sư Đại học Bách khoa danh giá vẫn không giúp tôi dễ tìm việc làm, phải chờ sự phân công của nhà nước. Ở nhà với mẹ cả năm trời không thấy giấy báo nhận việc. Tôi là con út. Các anh chị đều tha phương cầu thực, chẳng ai bám nghề nông. Buồn vì sự mưu sinh khó khăn, ý tưởng về chị càng trỗi dậy. Tôi hai sáu, chị ba mươi nhưng đứng cạnh nhau, ai chẳng bảo đẹp đôi. Trời cho chị sức vóc và tinh thần lạc quan nên cơ thể vẫn đầy quyến rũ. Nếu để cho bông hoa ấy lặng lẽ phai tàn thì thật phũ phàng. Tự dưng tôi muốn gắn bó với mảnh đất chôn nhau, cắt rốn, muốn có người vợ sống với mẹ và kế thừa nghề nông.

Đêm ba mươi, tôi qua nhà chị. Hai chị em ngồi canh bánh chưng. Một mình, nhưng năm nào chị cũng gói bánh. Thưở đó nếp đậu, nồi niêu, củi lửa không dễ kiếm nhưng chị bảo, chị phải nấu để vừa có bánh thờ, vừa cho ấm nhà, ấm cửa. Heo may se lạnh. Ngồi cạnh bếp lửa lâu thấy nóng, chị thay đồ tây bằng đồ bộ rồi lại ngồi nhìn lửa cháy. Ánh lửa rực lên xuyên qua đồ bộ mỏng manh, sắc đẹp sung mãn của chị bỗng đập vào mắt tôi, làm tôi bị mê hoặc. Để tránh cảm xúc đó, tôi ra sân. Một trời sao lung linh, huyền ảo. Giọng ca da diết truyền cảm của Thu Hiền vọng tới từ loa xóm: “Nhìn ngôi sao lấp lánh suốt canh thâu như mắt ai nhấp nháy đang tìm nhau… Đêm nay anh ở đâu… Dù bao năm tháng, dù nắng mưa em vẫn chờ”, ngày thường đã rơi nước mắt, thời khắc này càng xao động. Phải chăng, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu viết “Đêm nay anh ở đâu” dành riêng cho chị hay… còn nhiều chinh phụ khác. Tôi vào nhà, nhận ra chị đang sụt sịt, dùng mùi xoa lau mắt. Có lẽ chị không muốn tôi nhận ra nỗi niềm riêng nên bảo tôi: “Sắp giao thừa rồi, em về đi kẻo mẹ trông”. Tôi ra về như kẻ mộng du…

Giao thừa. Tiếng pháo giòn vang, bầu trời rực sáng. Lời chúc tết của Chủ tịch nước và chương trình ca nhạc chào xuân rộn ràng làm mọi nhà, mọi người hứng khởi. Riêng tôi vẫn lạc lõng với khung cảnh chung. Không sao thoát khỏi “ý nghĩ vớ vẩn” trong đầu, tôi cố dỗ giấc ngủ nhưng vẫn thấy hiển hiện hình ảnh chị ngồi nhìn ngôi sao nhấp nháy, nước mắt chảy dài. Thế rồi, tôi vùng dậy, chạy sang nhà chị, nằm lên chiếc giường đơn. Chị đến ngồi bên cạnh, tôi né sang một bên, nhường chỗ cho chị. “Em buồn ngủ thì cứ ngủ, đủ chỗ nằm mà”. Chị nằm xuống bên tôi tự nhiên như người mẹ. Cảm giác ấm áp từ cơ thể mềm mại của chị truyền sang làm tôi trào lên xúc cảm. Tôi muốn ôm lấy chị, muốn thốt lên một câu đã chuẩn bị sẵn từ lâu nhưng không đủ can đảm. Một sự đấu tranh tư tưởng quyết liệt, dâng cao: “Nếu bỏ qua cơ hội này thì mãi mãi không thể”. Tôi lấy hết bình sinh, tim đập mạnh. Nhưng chưa kịp mở lời thì chị bỗng trở mình, nghiêng sang tôi. Chao ôi. Tôi vội vàng ôm lấy chị, người run như lên cơn sốt, giọng lạc đi: “Chị… Em… thương… chị”. Chị cũng ôm tôi, mãnh liệt hơn. Nỗi lo trong tôi vụt tan biến, dành chỗ cho nụ hôn nồng cháy. Thì ra, chị cũng đang khát. Ừ, “thịt da ai cũng là người”, rừng rực sức sống thế này mà phải chịu đựng đến hơn mười năm… Bỗng có âm thanh rất lạ, như tiếng ai thở dài từ phía bàn thờ. Chị giật nảy mình, đẩy tôi ra và ngồi bật dậy. Tôi cũng ngồi lên. Một khoảng lặng. Lặng đến mức nghe rõ tiếng tim đập của hai người. Chị vuốt ve, lau mồi hôi đẫm trên trán tôi, nói dịu dàng như dỗ dành em bé: “Chị rất cảm ơn em. Chuyện chị em mình nếu thành đôi lứa cũng là lẽ thường. Nhưng, em không thể vì chị mà bỏ phía trước rực rỡ cờ hoa của đời mình”. Tôi muốn giãi bày ngay, cả về mặt tình cảm, cả về cái chị gọi là “phía trước rực rỡ cờ hoa” và mặc cảm có lỗi với ngôi sao không tắt của chị. Nhưng chị ngăn lại…

 “Mơ cái gì mà ú ớ vậy con?”. - Mẹ lay mạnh vào người tôi. Tỉnh ra, biết là giấc mơ tôi vừa mừng, vừa tiếc. Tôi có linh cảm giấc mơ này như giác quan thứ sáu, đã đánh thức, cảnh báo giúp tôi tránh sai lầm. Kể từ đó chúng tôi mới thật sự đúng nghĩa tình chị em.

Năm sau, tôi nhận công tác ở Khu công nghiệp Biên Hòa. Mẹ tôi ra Hà Nội ở với anh cả. Căn nhà tổ tiên nhượng lại cho người cháu họ. Không còn người thân dương, cũng chẳng có người thân âm (các cụ đều mất và hỏa táng ở nơi khác) nên tôi ít về quê. Và vì thế, dẫu quý nhau nhưng đời sống khó khăn, kẻ Nam người Bắc thì tôi và chị lâu không gặp nhau cũng lẽ thường.

***

Tôi và chị ghi vào sổ tay đầy đủ thông tin: họ tên, quê quán, ngày sinh, ngày nhập ngũ, ngày hi sinh, chức vụ đúng như trên văn bia về liệt sĩ Nguyễn Viết Thụ (người chồng của chị - hi sinh tại Chốt chặn Tàu Ô, thuộc chiến khu D). Chúng tôi ra ngồi trên chiếc ghế đá nơi góc vắng người.

- Em làm nhà báo từ khi nào? Sao kỹ sư lại làm nghề này? - Câu hỏi, ai bảo chị chỉ biết ruộng vườn.

- Dạ, về hưu làm nghề viết lấy vui chị ạ.

Phải nói chị thay đổi quá nhiều. Dù vẫn giữ lại nét đẹp hiền thục và giọng nói thân thương, nhưng dáng vóc đã ra bà (dẫu tính ra chỉ mới sáu tư). Tôi bỗng nhớ thân thể nõn nà đã làm tôi ngây ngất vì yêu, vì thương sự thiệt thòi của người chinh phụ đáng được hưởng hạnh phúc gia đình. Tôi thấy cay cay trong mắt…

- Sao chị vào tận đây?

- Có người mách chị có tên anh ghi nơi này.

- Giá như em biết, nhất định em sẽ chụp tên anh trên văn bia và viết báo để chị mang về quê cho dân làng biết.

- Chị không tin anh đầu hàng địch, chỉ nghĩ anh đã xả thân vì Tổ quốc, nhưng sự bặt vô âm tín như thế, khổ lắm em ạ - chị lau nước mắt, nói. Bị mất quyền lợi vợ liệt sĩ chị không tiếc, chỉ hiềm nỗi sự nghi kị của thiên hạ làm danh dự của gia đình, của chị bị tổn thương.

Nhìn sắc mặt chị, tôi hiểu, nỗi đau buồn của chị đang dội về nên tìm lời xoa dịu:

- Trong chiến tranh chuyện gì chẳng có thể xảy ra. Sự thất lạc, mất mát trong thời chiến cũng dễ hiểu chị à.

- Bây giờ chị chỉ có một mong muốn tìm được nơi anh nằm, thế là mãn nguyện. Truy tìm nguyên nhân, kiện tụng chẳng để làm gì. Em giúp chị được không?

- Dạ, em sẽ cố gắng - tôi trả lời vậy chứ biết mò kim đáy biển, làm sao đạt được nguyện vọng của chị.

Ngày đầu cuộc tìm kiếm, chúng tôi gặp được một nhân chứng sống, mừng rỡ, ngỡ như trong mơ.

- Tôi hiểu tường tận về anh Nguyễn Viết Thụ như hiểu chính mình - vị khách mở đầu câu chuyện.

- Gặp được bác quả thực phúc nhà lớn cho chúng em - chúng tôi mừng khôn tả.

- Anh Thụ và tôi ăn ở cùng nhau tại chiến khu Đ từ giữa năm 1970. Anh vui tính và tốt bụng. Là B trưởng nhưng chỉ khó tính trong lúc luyện tập, còn ngoài giờ lại thoải mái, thân mật như anh em trong nhà, không phân biệt ai với ai.

Chúng tôi chờ thông tin về nơi anh yên nghỉ, nhưng vị khách cứ lan man kể. Sốt ruột, tôi đành lên tiếng:

- Bây giờ, nhờ bác dẫn chúng tôi đến chỗ anh nằm.

- Ôi, tôi… tôi có biết đâu.

- Sao? Bác cũng không biết? - chúng tôi ngạc nhiên.

- Lúc đó anh Thụ chạy trước tôi. Tôi nhìn thấy anh trúng đạn nhưng tìm không ra nơi anh ngã xuống. Một sự mất tích kỳ lạ. Nếu bị “Cọp ba móng” (1) ăn xác thì còn dấu vết chứ - vị khách bỗng nghẹn lời...

Hai chị em thu thập thông tin từ nhiều nguồn, tìm đến cả nhà ngoại cảm nhưng suốt hai tuần đào lên, lấp xuống vẫn không có kết quả. Tiễn chị ra bến tàu, tôi hứa sẽ tiếp tục tìm kiếm anh. Khi tiếng còi tàu nhỏ dần, tôi trở về nhà, hình bóng người chinh phụ đọng mãi trên con ngươi lại di chuyển vào não bộ tôi.

Theo ngày hy sinh của anh ghi trên văn bia, tôi làm mâm cơm cúng. Ai ngờ, đêm đó tôi thấy anh về thật. Anh vẫn đẹp như thời được chúng tôi thần tượng:

- Biết hai chị em tìm anh cả năm nay nhưng anh không lên tiếng vì nghĩ rằng khi sống bắn giết nhau, chết lại cùng nằm một chỗ. Vui, buồn, sướng, khổ đều cùng nếm trải, mấy chục năm rồi, giờ không lẽ anh bỏ họ.

- Anh nói gì em không hiểu. Sao đồng đội lại giết nhau? Ai bỏ ai? - tôi ngạc nhiên.

- Không phải đồng đội mà là kẻ thù. Một người lính phía bên kia ngã xuống trước, thằng Mỹ chạy đến đó cũng trúng đạn và cuối cùng anh đang xung trận đến đó cũng gục xuống, ba người nằm chồng lên nhau.

- Thế khi thu dọn chiến trường, chẳng lẽ chôn tập thể cả ta lẫn địch? Tôi chưa thông.

- Dù là ta hay địch thì cũng chết cả rồi. Cái số xui, chết còn chưa yên thân. Sau đó, máy bay Mỹ dội bom. Tất cả thành nấm mộ chung cho đến bây giờ. Anh rất thương chị. Lấy chồng ở với nhau chưa tròn đêm rồi làm “hòn vọng phu”, phí một đời xuân sắc.

Thấy anh buồn lặng như còn vướng gì đó, tôi băn khoăn.

- Anh còn muốn thêm gì ạ?

- Anh không dám đòi hỏi, chỉ trăn trở, trăn trở thôi.

- Dạ, anh cứ nói.

- Ừ, mà biết đâu em là nhà báo, em có thể giúp anh. Anh sẽ mang ơn em. Hai kẻ chôn cùng anh chắc cũng có vợ, có con, cũng còn người thân đang mòn mỏi tìm kiếm. Em xem có cách gì giúp họ gặp được thân nhân (?!)

- Dạ, em sẽ làm được ạ - tôi cố làm anh vui.

- Cảm ơn em, thế là anh an tâm rồi. Thôi chào em.

- Anh ơi… Tôi chạy theo anh và… tỉnh giấc.

***

Đêm thinh không mà lòng tôi ngổn ngang. Tôi ra sân, cố tìm lại sự thanh thản. Bầu trời man mác đầy sao khiến tôi thấy dễ chịu. Nhưng bất ngờ một ánh sao băng vụt ngang, sáng lóe. Tự dưng tâm trạng thay đổi, tôi lại thấy lòng chùng xuống. Tôi sẽ đáp ứng được nguyện vọng của chị. Nhưng còn nguyện vọng của anh? Thật khó…

N.D.Đ

 

 

(1): Ở miền rừng chiến khu Đ có giai thoại có con cọp ba móng thành tinh chuyên bắt người ăn thịt.

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​