Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
GIÓ VẪN THỔI NÔN NAO

Truyện ngắn của Hội An

(Nguồn: VNĐN số 31 – tháng 05 & 06 năm 2019)

 

 mh truyen ngan Gio van thoi non nao.jpg
Minh họa: Hứa Tuấn Anh


Sơn vừa bước vào nhà đã nghe mùi thức ăn thoảng lên thơm nức. Lại món gà kho rau răm rồi. Kim tắt bếp rồi bước nhanh ra đứng bên bàn, cạnh anh:

- Anh biết chuyện gì chưa? Làng mình sắp được nhận bồi thường rồi. Nghe nói cũng khá đó nghe.

- Em nghe hơi nồi chõ ở đâu vậy? Bao năm nay em đâu quan tâm gì chuyện quê đâu?

- Con Hồng gọi điện cho em. Không phải chuyện tào lao đâu. Nghe nói nhà chú Bằng ước chừng phải được vài tỷ kìa.

- Thì nhà chú Bằng vườn rộng mênh mông, ai bì được.

- Vườn nhà mình cũng rộng chứ bộ. Hồi em về đi quanh vườn cũng đã mỏi chân...

- Nhưng cũng chỉ được nửa nhà chú Bằng là cùng.

- Thì cứ coi vậy đi. Thế không phải cả tỉ à?

- Vậy thì mừng cho chú thím nó, nghèo khổ từ hồi nào giờ rồi.

- Anh nói vậy mà nghe được hả? Đất của ông bà, vậy chứ phần nhà mình đâu?

Kim vừa nói vừa mở to mắt, người hơi gồng lên như là có điều phẫn uất, hai tay dang ra rồi vịn vào bức tường gần đó.

Sơn cất cái cặp lên kệ, nói chậm rãi:

- Thì hồi trước bố mẹ có hỏi ý kiến vợ chồng mình. Em nói là em không về ở đó, mà cũng chẳng lấy làm gì. Cho tất chú thím nó còn gì.

- Thì hồi đó đất chẳng có mấy giá trị em mới nói vậy chứ.

- Anh còn nhớ là em nói đất cả làng này chẳng bằng vài mét đất thành phố, lấy làm gì.

- Thì nếu không có chuyện quy hoạch nước ngoài đầu tư xây nhà máy thì chả vậy à. Nhưng mỗi thời mỗi khác. Giờ giá trị cả tỷ mà chẳng lẽ chú thím ấy lấy cả thì còn coi anh chị ra cái gì!

- Trên danh chính sổ đỏ chỉ có tên chú thím ấy thôi. Mà mình nhà cửa xe cộ đều có rồi. Tranh giành làm gì với em út nữa. Em thật là...

- Anh định nói gì? Nói em tham lam hả? Hồi nào giờ chú thím ấy trồng cấy thu hoạch trên đất vườn em có đòi hỏi tính toán gì. Mà giờ anh thừa tiền rồi hả? Em đang tính chưa có tiền đâu cho con Vân Anh đi du học cho bằng anh nó đây.

Kim bắt đầu tỏ ra giận dữ, lời nói nghe vóng lên, âm sắc vừa nhấm nhẳng vừa chanh chua như có giọng mũi vậy. Sơn không muốn căng thẳng thêm. Anh mở cửa đi ra ngoài, nói với lại.

- Thôi, em về xã mà hỏi xem người ta có đền bù cho người không có tên trong sổ đỏ không?

* * *

Nhà bố mẹ Sơn ở ven chân đồi một vùng bán sơn địa. Quê Sơn ruộng đất ít nên chung cái nghèo của cả vùng. Sau này phong trào trồng cây công nghiệp lan rộng ra, dân quê anh cũng biết trồng dứa xuất khẩu. Nhưng việc trồng cấy manh mún lại đầu ra không ổn định nên việc thoát nghèo khá chật vật. Chuyện mất mùa do thiên tai, do sâu bệnh là chuyện cơm bữa. Rồi chuyện được mùa mất giá cũng chẳng hiếm hoi gì.

Nhà Sơn có 3 chị em. Chị Hường là cả lấy chồng dưới thị xã, nhà có xưởng làm đồ mộc nên đời sống cũng đỡ. Sơn học đại học xong thì định cư rồi lấy vợ ở thành phố này. Nghề nghiệp cả hai vợ chồng đều ổn định nên đời sống không đến nỗi. Chỉ thương chú Út từ nhỏ đã đau yếu, lại có tật ở chân đi bước cao bước thấp nên ở nhà tiếp tục sống với bố mẹ. May mà rồi trời cũng thương cho chú cô vợ tuy ít học nhưng khá đảm đang và ngoan nết. Hai vợ chồng chú ráng làm lụng nên đời sống tạm ổn. Chỉ tội nhà nông lo được cho hai đứa con học hành đã khó, nói chi sửa sang nhà cửa hay sắm đồ trong nhà. Lâu lâu có dịp đi công tác ghé thăm quê, Sơn hay đứng lặng ngắm căn nhà lợp ngói âm dương đã cũ kĩ hư hỏng nhiều chỗ. Lại ngắm hai tấm hình thờ bố mẹ như đang muốn trò chuyện cùng mình. Anh nhớ lại ngày xưa cả nhà đã ưu tiên tất cả cho việc học hành của anh. Chị Hường và cả chú Út đều chỉ học đến lớp 9 rồi phải nghỉ để phụ giúp công chuyện nhà. Anh học giỏi, đều đều lên lớp và năm nào cũng mang giấy khen về. Khi hấp hối, bố anh còn dặn mẹ: Phải lo chu tất chuyện học cho thằng Sơn. Rồi nó sẽ là trụ cột cho cái nhà này. Vậy mà bây giờ, bao nhiêu năm trôi qua, anh chỉ lo cho gia đình nhỏ của anh chứ đâu trụ cột được cho ai như kì vọng của bố mẹ.

* * *

Sơn chuẩn bị đi ngủ thì điện thoại reo. Là của chú Út. Chú ấy chỉ nói đơn giản là lúc nào rảnh anh tranh thủ về bàn công chuyện nhà một chút. Kim nghe vậy, đang nằm bỗng giật thột ngồi ngay dậy: "Thôi sáng mai anh mua vé chiều thứ 6 này đi, được lợi 2 ngày cuối tuần. Chắc là có tiền đền bù rồi đó". Anh không trả lời vợ, ra phòng khách nằm lăn ra cái ghế sofa gác tay lên trán nghĩ ngợi. Có lẽ Kim nói đúng: Chú thím ấy đã nhận tiền đền bù và cần anh cho ý kiến về số tiền lớn này. Kim cũng đúng khi nói anh thừa tiền rồi hả? Với những người giàu sụ mà còn không chê tiền chứ đừng nói anh chỉ ở mức đủ chi tiêu cơ bản thôi. 2 đứa con anh, thằng lớn đi du học bằng học bổng tự kiếm và hiện tại vẫn phải vừa học vừa kiếm việc làm thêm cho đủ chi tiêu. Chỉ con bé Vân Anh học thêm các môn và tiếng Anh đã ngốn hết phân nửa lương anh rồi. Mà nó còn mơ mai mốt được như anh nó. Như anh nó cũng có nghĩa phần bù đắp thêm tốn hơn nhiều so với học trong nước. Liệu anh có lo nổi cho con bé không nếu chỉ dựa vào sức mình? Và anh không chỉ được quyết định một mình. Còn Kim nữa, cô ấy thực tế hơn anh, và cô ấy còn nhỉnh hơn anh khi quyết định nhiều việc trong nhà.

Nhưng dù sao đời sống gia đình nhỏ của anh cũng coi là tạm ổn so với chú Út. Chỉ ít lâu nữa rồi lần lượt 2 đứa nhà chú ấy cũng hết phổ thông. Nếu chúng đậu đại học, làm sao để chúng trọ học xa nhà? Làm sao lo nổi tiền học? Mất vườn rồi chú ấy sẽ làm gì để kiếm sống? Chuyển nghề khác thì cũng phải học nghề và có vốn liếng chứ? Còn cái nhà nữa? Riêng lo cái nhà cấp 4 cũng hết cả phân nửa tiền rồi. Còn bao nhiêu nữa đâu mà anh tham dự phần mình. Còn phải tính chị Hường nữa chứ? Khi đi lấy chồng chị ấy có chút của hồi môn nào đâu? Ôi chao! Rối nùi cái đầu. Anh thừa biết trong chuyện đất cát thời nay, phần vì giá đất nhiều khi lật đảo như làm xiếc, phần vì những đền bù cho các dự án mà bao nhiêu gia đình lâm vào cảnh anh em không nhìn mặt nhau. Tiền mang lại hạnh phúc nhưng cũng có khi ngược lại. Không loại trừ có cả án mạng nếu không kìm chế nổi lòng tham. Anh sẽ giải quyết sao đây để vẹn cả nhiều đường?

Đêm đã khuya. Lâu lâu có tiếng còi xe xa xa vọng lại. Tiếng rao bánh mì khuya quen thuộc nghe sao khắc khoải. Và gió, gió nôn nao quá chừng trên hàng cây đuôi công trước đường nhà anh.

* * *

 Chần chừ mãi, cả nửa tháng sau anh mới quyết định về quê kết hợp sau chuyến công tác. Trước khi đi, Kim đắn đo một chút rồi nói:

- Hay em cùng về với anh?

- Rồi tối bé Vân Anh ở nhà một mình à? Có cần phải về cả 2 người cho tốn kém?

- Nó lớn rồi, tự lo được mà. Em không yên tâm để một mình anh quyết định những việc lớn.

Anh hiểu Kim nghĩ gì. Cô ấy không yên tâm vì biết anh không thể nào giành món lợi về mình trước vợ chồng chú Út. Nhưng anh cố kìm chế để nói một cách nhẹ nhàng:

- Em yên tâm. Anh sẽ cân nhắc mọi việc. Còn có chị Hường và bác Lộc trưởng họ nữa. Anh sẽ mời bác ấy đến cho khách quan em nhé.

Và anh quay đi ngay để khỏi nhìn vào ánh mắt mang nhiều dấu hỏi nghi ngờ của vợ.

Sơn dạo một vòng quanh khu vườn, nơi mà sắp tới sẽ là địa chỉ của nhà máy dệt may chứ không còn là làng anh nữa. Tháng tư. Những bụi bông trang thẳng hàng từ cổng vào đến sân nở hoa rực rỡ đón chào anh. Mấy cây đào tết khoe sắc hoa nay đang khoe lớp trái đầy lông đã nhinh nhỉnh lớn. Chỉ vài tháng nữa đào mới chín nhưng mùi đào thơm thơm vẫn thoang thoảng bao bọc lấy anh. Hàng mít ven bờ rào trái lúc lỉu trên thân cây đông đúc như đoàn quân duyệt binh vậy. Vài cây nhãn sau vườn trái sai chi chít nhưng cũng chưa đến mùa. Dù quê nghèo nhưng quang cảnh khu vườn đã từng gắn bó với anh thời thơ ấu nay sắp lìa xa vẫn gây xúc cảm cho anh mãnh liệt. Rồi mai đây anh về quê là về đâu khi khu vườn cũ không còn?

Rốt cuộc bữa cơm đón anh do cô em dâu tháo vát dọn ra chỉ có mỗi mình anh là khách thôi. Bác Lộc đau thấp khớp nặng lâu nay không thể sang được. Còn chị Hường chắc mai anh phải tới thăm chị vì con dâu mới đẻ bận bịu quá.

Sơn nhìn mâm cơm thịnh soạn có món ngan nấu giả cầy thơm nức mùi riềng mà anh từng rất thích, thêm đĩa tôm rim đỏ au và tô canh cua đồng nấu mướp hương vườn nhà. Anh đón ly rượu quê từ tay chú Út, trách nhẹ:

- Thêm chỉ mình anh, thím bày gì lắm món cho bận bịu thế!

Hà, cô em dâu anh giục 2 đứa con ngồi vào mâm, lấy thêm đĩa rau luộc và nước chấm đặt vào bàn rồi thủng thẳng:

- Lâu lâu anh mới được về ăn cơm với vợ chồng em và các cháu. Mà chị Kim công việc bận rộn, anh có muốn ăn món quê cũng khó. Con Lan còn nhắc mẹ là lần trước về bác thích ăn canh cua đó.

Sơn gắp vào chén cho 2 đứa cháu mỗi đứa một con tôm rồi búng vào mũi con bé Lan: - Thích ăn canh cua nên khích để mẹ nấu hả?

 2 đứa cháu hích nhau rồi cười khoái trá.

Chú Út nói nếu cả 2 đứa hè này đều đạt học sinh giỏi thì cho đi chơi thành phố một chuyến để vào thăm nhà bác luôn. Cả nhà phấn khích vì ý tưởng được đi chơi xa một chuyến, lại là vào nhà bác làm ai cũng hào hứng và bữa ăn sôi nổi hẳn lên.

Cơm xong, đợi cho 2 đứa cháu vào phòng trong học bài và Hà dọn nhanh chén bát, cả 3 người lớn ngồi vào bàn uống nước. Chú Út mở tủ lấy ra tờ biên lai nhận tiền rồi vuốt tờ giấy phẳng phiu, nói một cách trịnh trọng:

- Tiền đền bù được cả thảy một tỷ ba dư mấy chục. Em còn để cả thảy ở ngân hàng. Giờ ý anh thế nào?

Ý mình thế nào à? Trong một thoáng Sơn nhớ ra hình ảnh Kim ngồi bật dậy trong đêm và giọng nói nhấm nhẳng chanh chua của vợ. Anh nhấp từ từ một ngụm chè chát rồi chậm rãi nhưng quả quyết:

- Anh nghĩ chú thím chia cho chị Hường một phần nhỏ, còn thì để lại mà lo mọi việc. Giờ còn phải lo chỗ ở, nhà cửa vườn tược. Mà đất vườn ít còn phải lo làm thêm nghề phụ gì đó cũng phải có vốn liếng chứ. Còn phải lo cho 2 đứa mai mốt học lên nữa. Anh lấy làm gì?

Hà nãy giờ ngồi im, giờ mới lên tiếng:

- Xã quy hoạch cả vùng ven chân núi Rường chia từng phần đất ở cho làng mình mỗi nhà một sào.Vậy là chúng em chỉ phải lo dựng nhà thôi anh. Đất là của ông bà cha mẹ để lại. Vậy theo em thì trừ một phần để xây lại phần mộ các cụ cho tươm tất, còn thì chia 3 cho công bằng, ai cũng được hưởng cái lộc của cha mẹ anh ạ.

Sơn nhìn sang Hà, chiếc áo thun rẻ tiền mặc nhà cũ kĩ, mái tóc búi gọn sau gáy, gương mặt tròn có một vệt nám bên má trái. Trông cô già dặn hơn cái tuổi bốn mươi của mình. Vẻ lam lũ hiện rõ cả trên ánh mắt và dáng vẻ. Và anh bỗng liên tưởng tới Kim. Sao họ khác nhau quá! Kim đẹp hơn, được học hành chu đáo, có thu nhập tốt hơn nhiều, nhưng thái độ với tiền bạc thì khác hẳn cô em dâu. Sơn hơi ngạc nhiên về Hà, tưởng cô chỉ tập trung lo việc nội trợ và con cái chứ không mạnh dạn bày tỏ chính kiến trong việc này.

Chú Út tiếp lời vợ:

- Vậy thì em có ý kiến thế này: Trừ một trăm để tu bổ phần mộ ông bà tổ tiên và góp một ít vào kế hoạch làm đường liên thôn của xã huy động. Còn lại chia 3. Nếu anh có ý nhường vợ chồng em thì em chỉ xin anh một trăm thôi. Vậy là nhiều rồi.

Hà cười với chồng: - Vậy là anh tham rồi đó. Còn chị Kim và các cháu đã lớn. Mình tự quyết là chưa có sự đồng ý của họ đâu nhé.

Nói qua nói lại mãi, rốt cuộc Sơn chỉ nhận hai chục triệu là số tiền cần mua cho con bé Vân Anh cái xe máy để sang năm nó lên đại học phải học xa nhà. Còn phần của chị Hường thì tùy ý chị ấy.

Cuộc bàn thảo tuy không giống ý nhau nhưng nhẹ nhàng và đầy tình ruột rà buổi tối đã vào giấc mơ của Sơn đêm ấy. Tuy nhiên bên bàn nước không phải vợ chồng chú Út mà là Kim. Kim nghe lời thuật lại của anh về ý của em trai em dâu thì cười rạng rỡ. Cô đang gọt táo nên đút luôn cho anh một miếng to làm anh bị trám đầy miệng không nói được. Mãi rồi quyết định của anh mới ra khỏi miệng thành lời. Nhưng vừa nghe đến đó thì Kim đã không còn muốn nghe thêm nữa. Cô hét lên, hét to đến mức anh tỉnh dậy mà không cách chi có thể ngủ lại. Anh ngồi dậy ra sân, ngắm ánh trăng cuối tháng đang rải bàng bạc lên khu vườn yên tĩnh. Rồi có tiếng chú gà trống nào đó khơi mào cho dàn nhạc gà gáy thanh bình và rộn rã chào ngày mới. Anh ngây ngất trước bản nhạc bình minh êm đềm của quê hương yêu dấu và thấy nhói lên lòng tiếc nhớ khi biết rằng rồi đây cảnh này sẽ là quá khứ.

Mọi chuyện về gia đình chú em vẫn còn phía trước nhưng rồi anh cũng đành từ biệt quê hương ra đi. Cô em dâu chỉ vào cái túi nilon to đã được chuẩn bị:

- Đây là mấy chục cái bánh gai quê mình để anh đưa đi làm quà cho bạn bè và hàng xóm. Mấy cân đậu xanh lòng của nhà mình để chị Kim dành nấu chè. Hồi về quê con bé Vân Anh thích ăn chè đậu lắm. Đậu nhà mình ngon và bở, mai mốt hết vườn chắc gì có nữa. Còn chục túi giảo cổ lam để anh chị dành pha nước uống phòng bệnh mỡ máu. Nó là của vùng núi quê mình nên đủ chất lượng và không có chất bảo quản anh à.

Sơn thấy bùi ngùi cay cay con mắt nhưng cố pha trò:

- Thím định biến anh cán bộ đi công tác thành tay buôn nông sản Bắc Nam rồi.

* * *

Đặt túi đồ trước cửa chờ Kim đi làm về, anh chợt thấy bồn chồn. Anh sẽ đối diện với Kim ra sao về chuyện đã đã tự mình quyết định? Dù đủ bản lĩnh và đủ mềm mỏng nhưng anh biết sẽ chẳng dễ dàng gì thu phục ngay được vợ. Chưa đến giờ tan tầm nên con đường nhỏ trước nhà anh người còn thưa thớt. Chiều xuống dần. Nắng chỉ còn le lói từng đốm nhỏ xa xa.

Nhưng rốt cuộc giấc mơ ở quê của anh không đúng hẳn. Kim không la hét om sòm. Cô ấy chỉ lạnh nhạt nhìn túi quà cô em dâu:

- Trong này đậu thiếu gì mà mang cho nặng nhọc, vừa chật nhà lại dễ mốc. Muốn ăn chè thì mua vài bịch, nấu chi mất công. Giảo cổ lam để đó cho bà ngoại, mình đã mỡ máu đâu mà ăn cay uống đắng cho khổ. Xem bánh gai đợt này có ngon không chứ bánh quê mình mang đi xa hay bị cứng lại lắm.

Chỉ con bé Vân Anh là hào hứng với quà của thím:

- Mẹ để con học nấu chè xem có ngon như chè bà Tám Mập không. Hồi con về thím Hà nấu chè đậu này ngon mà mẹ. Mẹ cho con mấy cái bánh gai con chia cho lũ bạn mẹ nhé!

Sơn hiểu vợ không vồ vập túi quà còn vì thứ đáng quan tâm hơn. Anh chần chừ mãi mới lựa lời nói để rút tiền chú Út gửi mua cho con bé cái xe máy. Lúc này Kim mới tin là phần "lộc" của nhà mình chỉ có vậy. Cô bĩu môi:

- Cả tỷ mà chỉ lấy chừng đó thì lấy chi cho mang tiếng. Thôi, để gửi trả chú thím ấy luôn mà làm vốn. Con Vân Anh muốn đi du học thì cần gì xe máy...

Sơn cố mềm mỏng:

- Còn cả nửa năm nữa con mới hết lớp 12. Biết có kiếm được học bổng nào không mà đòi du học...

Nhưng Kim không muốn nghe thêm. Cô quày quả vào nhà tắm dội nước ào ào, xong quay ra với bộ váy màu cam thật đẹp:

- Đồ ăn còn trong tủ lạnh. Vân Anh đặt cơm rồi bố con ăn với nhau. Mẹ đi đám cưới rồi về bà ngoại luôn, bà bệnh.

Sơn lấy mấy cái bánh gai cùng mấy túi giảo cổ lam cho vào túi treo lên xe cho vợ:

- Em mang về biếu mẹ nhé!

Đêm đã khuya mà Sơn không thấy buồn ngủ. Anh ngồi ngoài ban công nhìn ra đường. Ánh điện khuya vừa lung linh vừa nhàn nhạt bao phủ thành phố đậm nhạt sáng tối không đều. Giờ này mà đường vẫn còn đông đúc xe cộ. Nhịp đời cứ tuôn chảy mải miết mặc cho ai vui ai buồn.

Chợt điện thoại của anh có chuông báo liên tiếp. Anh mở máy. Tin nhắn tài khoản ngân hảng vừa nhận số tiền 200 triệu. Tiếp theo là tin nhắn của chú Út: Chiều nay vợ chồng em mang bốn trăm triệu sang nhà chị Hường nhưng anh chị ấy chỉ lấy một nửa. Anh rể nói xưởng mộc đang thiếu nhân công nên bảo em tới làm chung. Vậy là em có nghề phụ làm thêm rồi. Còn một nửa em gửi luôn cho anh chị đây. Phần chúng em vậy là nhiều rồi. Anh yên tâm nhé!

Anh thẫn thờ đặt điện thoại xuống. Ngoài kia, hàng cây đuôi công gió vẫn thổi nôn nao.

 

H.A

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​