Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
HIỆU CẦM ĐỒ

Truyện ngắn của An Lâm

(Nguồn: VNĐN số 32 – tháng 7 & 8 năm 2019)

 

 Hiệu cầm đồ - Quang Hoàng.jpg
Minh họa: Quang Hoàng


- Trời ơi em không biết xã hội Mỹ này nó bi đát thê thảm đến thế nào ư?

Kye, một thực khách, đã nói với tôi như thế, vào lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, mùng một Tết năm ngoái, tại một nhà hàng Việt Nam nhỏ xíu nơi tôi làm bồi bàn, với đồng lương rẻ mạt $1 một giờ, còn lại là sống nhờ tiền tip của khách hàng.

Tiền tip ở nhà hàng này được chia như sau: Cuối ngày, chị trưởng nhóm gom lại và chia đều cho những bồi bàn và chạy bếp như chúng tôi. Ở đây, theo tôi được biết, gần như 100% bồi bàn các nhà hàng đều sống bằng tiền tip. Chủ nhà hàng vận hành với phương châm "mục đích cuối cùng là kiếm tiền, để có thật nhiều tiền, nhân viên phục vụ luôn phải nghĩ ra cách cư xử, phục vụ sao cho vui lòng khách đến vừa lòng khách đi" nên đám hầu bàn chúng tôi phải cong lưng bưng bê mang vác với nụ cười tươi tắn nhất.

Đó là sau khi Kye hỏi tôi bằng giọng Hà Nội đặc sệt: "Này em ơi, em là du học sinh ư? Thế em thấy cuộc sống ở Mỹ ra sao?". Và tôi thành thực trả lời tôi thấy xã hội Mỹ này tuy có vài vấn đề nhưng nói chung thật văn minh tươi đẹp quá.

Kye (tên thật là Khải) đã cười lớn, anh hất mái tóc dài đen nhánh được cột đuôi ngựa gọn gàng như một anh hùng hảo hán trong phim cổ trang Hongkong sang một  bên. Anh nhìn tôi với anh mắt khoan dung rồi lắc đầu nguầy nguậy.

- Em ơi là em ơi, vì em mới sang nên em còn ngây thơ và lạc quan thế. Bảo đảm chỉ cần vài ba năm nữa em sẽ thay đổi 180 độ cho mà xem.

Giọng nói tự tin chắc nịch của Kye làm tôi tự dưng cảm thấy chột dạ, cảm giác tự ti đã biến mất từ lâu trỗi dậy.  Dù sao tôi cũng đã sang được ba năm, cũng không còn bỡ ngỡ mới mẻ gì với xứ này. Chương trình học y tá của tôi mới bắt đầu, dự trù sẽ còn mất 2 năm nữa mới hoàn thành. Và trước khi gặp Kye tôi đã cho rằng mình khá rành rẽ cuộc sống Mỹ, thậm chí những tiếp xúc trong môi trường học đường với bạn bè bản xứ đã làm tôi thoát khỏi vỏ nhút nhát e dè và trở nên  thoải mái tự tin hơn một chút.

- Em đâu biết đâu, em làm ở nhà hàng này thấy phần lớn mọi người tử tế, khách hàng cũng sang trọng lịch sự, như anh nè (tôi nhìn Kye, anh nhìn lại tôi không tỏ vẻ gì đồng tình rằng anh là người sang trọng lịch sự), trong trường nơi em học, em thấy thầy cô bạn bè cũng tử tế lắm ạ!

- Thế em có muốn đổi để có một việc kiếm tiền khá hơn không? Anh đoán là tổng cộng tiền tip và lương chính của em một giờ chỉ tương đương với thu nhập tối thiểu phải không? (Tôi lí nhí trả lời "vâng")

- Em có muốn tìm một công việc giúp em nhìn thấy thực chất của xã hội Mỹ không? Nếu thích thì gọi cho anh số này, anh là manager ở đó và bên anh đang cần người.

Tôi gật gù cầm tấm danh thiếp của anh cất vào túi rồi đem cho anh túi xốp, hộp xốp loại “to–go” để anh gói phần há cảo, hoành thánh, mì xào còn dư. Nhà hàng vắng khách, tôi đứng trong góc nhìn Kye gắp gọn gàng những phần thức ăn dư vào hộp. Sau đó anh quay sang hỏi tôi có ai để cho phần dư này không, vì anh không muốn đem những phần dư này về.

"Thế sao anh gọi nhiều món thế?" Tôi hỏi.

"Vì hôm nay là mùng một Tết mà, mình ăn dư dả thì cả năm sẽ được dư dả. Anh có mì, cọng dài là biểu tượng cho trường thọ nè, còn há cảo, sủi cảo, hoành thánh chiên là gói ghém nhân thịt trong bánh, ăn mấy món này hên lắm, cả năm mình sẽ được dư dả tiền bạc của cải". 

Tôi mỉm cười, "triết lý ẩm thực" của Kye giống của một doanh nhân Hoa kiều hơn là một anh chàng Hà Nội trẻ tuổi. "Không, em không biết ai thích ăn “dimsum”. Anh đem về đi, tối đói lôi ra ăn tiếp."

Hoá ra Kye làm quản lý ở một hiệu cầm đồ trong hệ thống cửa hiệu cầm đồ lớn nhất nước Mỹ, “America pawn shop”. Gia đình anh gốc Hà Nội nhưng anh sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Kye sang Mỹ năm 14 tuổi, được ghép với một gia đình có con lai và anh là người duy nhất trong gia đình ở Mỹ. "Không có ai là người thân cả em ạ. Nhiều khi thèm cơm bà cơm mẹ nấu nhưng mà chịu thôi, bạn bè rảnh rỗi thì tụ tập, không thì đi ăn một mình như hôm Tết gặp em đấy!". “Thế gia đình nhận anh làm con đâu, anh không còn liên lạc với họ ư?". “Họ sống ở vùng miền núi quanh năm tuyết phủ, anh không thích khí hậu trên đó nên đã chuyển xuống đây. Hồi đó lúc bỏ nhà ra đi anh thấy tuơng lai cực kỳ mơ hồ nhưng mà máu phiêu lưu nổi lên, xuống đây vài năm thì anh đã quen".

Tôi hiểu những gì Kye nói, hiểu rõ là khác, vì tôi cũng cùng chung "hội thanh niên xa mẹ", với anh và với hàng trăm bạn trẻ tôi đã có dịp gặp gỡ. Bằng một cơ duyên nào đấy, chúng tôi lưu lạc sang xứ này, mục đích cuối cùng là kiếm tiền, học xong một thứ gì đó và sau đó, tương lai của mỗi người là... tùy duyên.

Một số người sẽ tìm mọi cách ở lại (bằng cách kết hôn với người bản xứ hoặc với Việt kiều dù là hôn nhân có hay không có tình yêu), một số người con ông cháu cha sẽ huyên náo ra về mà theo họ là "chẳng cần ở đây làm gì vì sau này ra đời, mình có làm gì cũng sẽ bị chúng xem như công dân hạng hai, về Việt Nam mình có bằng cấp, gia đình có nhà cửa, bố mẹ có thế lực".

Chúng tôi tiễn nhau bằng những bữa tiệc sinh viên có chả giò chiên, phở gà, nghêu hấp sả, những thứ dễ nấu mà lại không quá đắt với đám sinh viên ít tiền, một số người khác thì lặng lẽ ra về (trong lúc ra về rất phân vân không hiểu là quyết định không trốn lại vì visa du học sinh đã hết hạn “out of status” có phải là quyết định sai lầm nhất trong đời mình hay không)… Chúng tôi cũng tiễn nhau bằng những buổi tiệc có chả giò chiên, phở gà, nghêu hấp sả.

Tôi nghĩ tôi yêu Kye khi tôi gặp anh lần thứ hai. Hôm ấy tôi đến thử việc ở Cash America Pawn nơi anh làm việc. Đó là một cửa hàng khá lớn khoảng chừng 300m2.  Ngay cửa ra vào là một quầy kính hình chữ L vây quanh một góc tường, bên trên có hộc tủ tính tiền, nơi Kye đứng bên trong quầy, truớc mặt anh là những dãy kệ kê song song, bên trên bày đủ thứ hàng hóa của những người đã cầm đồ và đã quá hạn mà không quay lại: giỏ xách (hàng trăm chiếc túi xách hàng hiệu có giấy chứng nhận hàng thật, đủ màu sắc kích cỡ), một dãy lớn chỉ để đồ điện tử, loa Bose, TV, đầu máy toàn hiệu nổi tiếng, laptop, máy tính, các DVD  phim cũ, một kệ lớn toàn sách là sách, một dãy là áo khoác da, ngay dưới quầy nơi Kye đứng là một tủ kính đầy súng bên cạnh là nữ trang, nhẫn hoa tai, vòng xuyến vàng 14 đến 24 đủ loại.

Khi tôi đang đến Kye đang trả lời điện thoại:

- Vâng, bà cứ đem đến đây ạ. Còn mới tinh? Vâng, bà cứ đem đến, tôi sẽ định giá rồi cho bà vay tiền.

Đầu dây kia nói gì đó một tràng dài. Kye nói tiếp: - Vâng, tôi biết là mới tinh, nhưng tôi chưa nhìn thấy vật đó thì làm sao định giá được.

Đầu kia lại nói một tràng.

- Ừ, bà cứ đem đến đây. 5 phút nữa ư, vâng tôi sẽ ở đây.

Cúp điện thoại, Kye nháy mắt với tôi: - Vào đây em, Kye mở cánh cửa gỗ nhỏ ngăn giữa quầy tiếp tân và bên ngoài cho tôi đi vào bên trong quầy. Em đến đây để xem thử việc này có thích hợp phải không? Em cứ tự nhiên ngồi đây (Kye chỉ vào chiếc ghế kiểu Victoria điệu đàng bọc vải gấm đỏ mà tôi đoán là một khách hàng nào đó đã đem cầm nhưng không đủ tiền chuộc) và xem cách anh làm việc nhé!".

Năm phút sau, cửa bật mở. Một bà Mỹ da màu lớn tuổi gầy gò nhưng cao lớn tiến vào, tay bà cầm túi xốp bên trong đựng một cái giỏ xách có quai màu da bò hiệu Michael Kors. Bà gật đầu nhìn Kye:

- À cậu đây rồi, tôi mới nói chuyện với cậu cách đây ít phút phải không?

- Vâng.

- Đây nó mới tinh như thế này đây. Bà kéo dây kéo, mở bên trong cho Kye xem. Gương mặt bà tràn đầy quyết tâm và sự nhẫn nại. Mái tóc dài qua vai xoăn tít không được chải chuốt buộc hờ hững, trán bà lấm tấm mồ hôi, gương mặt đầy góc cạnh làm bà trông rất giống một cầu thủ đá banh châu Phi nào đấy.

Tôi đứng dậy bên cạnh Kye, nhìn chiếc túi xách. Bên ngoài trông có vẻ còn hơi mới, bên trong tệ hơn, lớp vải lót bên trong có thêu hàng chữ MK (Michael Kors) chìm màu vàng nhạt đã bắt đầu nhàu. Kye lật qua lật lại, mở những dây kéo nhìn vào bên rong những ngăn nhỏ.

- Cậu thấy không? Tôi đã bảo nó mới tinh mà.

- Well, cái túi này không mới. Chẳng có chút nào xứng đáng với nghĩa của từ "mới" cả. "Mới tinh" thì càng không.

- Cái gì? Cậu đùa à?

- Tôi không đùa. Đây là một cái túi đã dùng rất nhiều lần. “Used, not new!”. Hơi mới cũng không đúng. Kye nhìn thẳng vào mắt bà khách hàng, ánh mắt anh vừa pha lẫn sự ngạc nhiên (có lẽ vì không hiểu cách dùng từ "mới tinh" của bà khách) vừa pha lẫn sự chân thành tuyệt đối (là tôi nói thật, tình trạng túi quá kém, tôi không thể giúp gì được cho bà).

- Dĩ nhiên rồi. Cậu không cần phải nói trắng ra thế. Phải là dùng rồi thì tôi mới đem đến tiệm second hand này chứ. Sau khi đáp trả lại cái nhìn của Kye, bà khách hàng đột nhiên đổi thái độ, như bong bóng xì hơi, lúc này bà không còn nằng nặc về việc túi mới - túi cũ nữa.

- Thế cậu định giá cái túi này bao nhiêu? Cái này mới tinh là $200 đô la chưa thuế.

- Tình trạng này tôi chỉ có thể đưa cho bà mười đô la.

- Cậu cho tôi vay thêm đi, tôi đang cần lắm.

- Xin lỗi bà chúng tôi không thể. Cửa hàng chúng tôi đang dư túi, giỏ xách, khách không ai mua, bà nhìn lên kệ đi, đủ loại đủ cỡ, cung đang nhiều hơn cầu.

- Rồi, được rồi, mười đô thì mười đô vậy.

Kye mở quầy lấy tờ mười đô đưa cho bà khách, bà nhanh nhẹn quay đi.

- Em thấy sao? Ấn tượng đầu tiên ở hiệu cầm đồ thế nào?

Tôi gật gù không biết dùng từ gì để diễn tả hàng trăm ý nghĩ đang chạy trong đầu. Rằng Kye mặc áo sơ mi trắng bỏ ngoài quần jeans xanh trông rất đẹp trai. Rằng anh có đôi bàn tay với những ngón tay dài và thon rất đẹp. Rằng mùi nước hoa hay mùi dầu gội đầu của anh rất nồng nhưng rất nhẹ. Rằng cửa tiệm này là một thế giới kỳ lạ mà tôi chưa bao giờ có cơ hội nhìn thấy. Rằng tôi ước gì được luồn tay vào mái tóc dài đang cột gọn gàng phía sau đầu Kye. Mái tóc đen mun, dày như tóc con gái, chỉ để cảm nhận nó mượt mà thế nào.

- Nhiều người nghèo lắm em thấy không? Cùng cực luôn há.

- Dạ.

- Thế em có thích làm ở đây không?

- Em nghĩ em sẽ thích. (Thật ra tôi muốn nói nơi nào có Kye tôi đều rất thích đến dù công việc có vất vả thế nào đi nữa).

***

 

Nhiều ngày làm việc cạnh Kye, tôi nhận ra anh là một người cực kỳ nhanh nhạy. Bất cứ tình huống nào dù lạ lẫm, dù kỳ cục anh đều giải quyết được và có tay anh dính vào tôi đều được một phen cười vỡ bụng.

Ngay tuần thứ hai tôi làm việc ở hiệu cầm đồ, một khách hàng trông khá giống nữ minh tinh Nicole Kidman tiến đến. Nhìn gương mặt bà mơ màng, ánh mắt bà xa xăm như thể đang chìm đắm trong thế giới riêng nào đấy nên Kye ra hiệu cho tôi để anh tiếp.

Đó là một người phụ nữ cao ráo, thanh mảnh, thân hình cân đối, tóc màu hạt dẻ đã có vài sợi bạc. Bà ta mặc một cái váy hoa dài chấm đất và một cái áo thun cổ thuyền ôm sát người. Bà đeo một cái túi xách nhỏ bên vai phải. Môi mím chặt, mắt lim dim, xa xăm. Không hiểu sao tôi muốn đặt tên cho bà là Nicole Kidman II.

Kye: Chào chị, tôi có thể giúp gì cho chị.

Nicole Kidman II: Ồ tôi muốn cầm 'hệ thống internet' của tôi.

Kye: Ý chị là cầm máy tính xách tay của chị phải không? Nếu chị đem nó đến đây chúng tôi sẽ kiểm tra và cho chị biết giá.

Nicole Kidman II: Không phải, tôi muốn cầm hệ thống internet kia kìa.

Kye (giọng bối rối): Oh, ý chị là chị muốn cầm cái modem hay là cái wifi router?

Nicole Kidman II gằn giọng, giận dữ: Anh không hiểu à? Internet là internet, không phải modem hay router. Tôi muốn cầm cái internet của tôi.

Kye (mắt sáng rỡ, có vẻ đã hiểu ra vấn đề): Vâng, vâng, tôi hiểu rồi, chị muốn cầm internet cho tiệm chúng tôi chứ gì?

Nicole Kidman II vui vẻ hẳn lên, gần đầu liên tục: Anh hiểu rồi phải không? Yes, yes, yes…

Kye: Được rồi, chị về đem internet ra đây nhé. Nếu chị đem được nó đến đây, tôi sẽ cho chị vay 200 đô la.

Nicole Kidman II: Ô, tuyệt quá. Cảm ơn anh.

Nicole Kidman II mỉm cười, gương mặt của một thời rất đẹp dãn ra, thoải mái. Sự sống ở đâu đó có vẻ đang quay trở lại với chị. Chị chào Kye một cách đầy tin tưởng rồi mở cửa tiệm bước ra ngoài. Vừa đi vừa hát "Life is beautiful" rất to và rộn rã.

***

Còn một tuần nữa là Tết Việt Nam. Tôi đã làm ở hiệu cầm đồ gần cả năm. Đúng như Kye nói, sau vài tháng làm cho tiệm Pawn shop và tiếp xúc đủ mọi hạng người, những người không giàu có hoặc đã từng giàu có nhưng nay sa cơ thất thế và thứ họ cần nhất là tiền, tôi bắt đầu hiểu rõ hơn về xã hội mình đang sống, về mọi ngóc ngách cung bậc của nó, một cảm giác mà trước đây khi nghĩ về nước Mỹ hùng mạnh giàu có, "tiền vàng bạc biển" cầm đầu thế giới, tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Tôi cũng trở nên nhẹ nhàng, nhân ái hơn khi vô tình va vào những người cơ nhỡ quanh mình, nhiều khi còn bắt gặp mình nhìn những người vô gia cư với cảm giác nhẫn nại thương cảm, chứ không còn cảm giác sợ hãi, ái ngại như trước kia.

Dù gì, tôi cũng đã tiếp xúc với kẻ vật vã khó nghèo đến nỗi dường như đã cạy cả mồ chôn ông thân sinh của mình, chỉ để bẻ cái răng vàng của bố để đem đến hiệu cầm đồ. Để rồi vô cùng thất vọng khi bị Kye phán rằng "thật ra cái răng vàng chỉ là một miếng xuơng đã hóa thạch và miếng vàng thực ra chỉ là một tí xíu bột vàng 14 mạ bên ngoài, chứ không phải là nguyên cái răng bằng vàng, nó không có tí giá trị gì. Tôi cũng từng nhìn thấy một phụ nữ trong cơn nguy khốn phải đem cầm chiếc nhẫn kim cương đính hôn của mình. Viên kim cuơng to hơn một carat sáng bóng lấp lánh, không chút tì vết dưới kính soi, trên cái vỏ bạch kim, viên ngọc đẹp một cách lộng lẫy. Chúng tôi mua vào với giá 1.000 đô la và sau khi người phụ nữ kia không quay lại chúng tôi đã bán được nó cho một anh chàng vừa "trúng mánh"  với giá hơn 3.000 đô.

Nhiều tháng trời, ngày nào gặp Kye tôi cũng nghĩ, tình cảm của mình với Kye đang ngày càng sâu đậm. Tôi yêu Kye một cách thầm lặng, cứ hai ba ngày không gặp anh tôi cảm thấy day dứt, bất an. Chúng tôi chưa bao giờ đi chơi, chỉ là đi ăn và nói những chuyện tầm phào bá láp. Đôi khi tôi tự hỏi Kye có biết mình rất yêu anh ấy không? Có biết chẳng đêm nào tôi ngon giấc vì trằn trọc không?  Rồi tôi tự vấn mình: "Đây có phải là nơi tốt đẹp nhất trên quả đất dành cho tôi hay không? Chương trình học của tôi xong, tôi có thể quay về nước, tôi có thể xin việc ở đây không? Gia đình tôi đã hy sinh quá nhiều để tôi có thể ở đây. Bố mẹ tôi đã phải bán một cái nhà mặt tiền - của hồi môn ông bà ngoại tôi để lại cho mẹ tôi - để dời vào một căn nhà nhỏ xíu trong hẻm, chỉ để dành tiền cho tôi đi du học. Có lẽ tôi nên quay về, tôi là con gái duy nhất, ở gần sẽ có thể đỡ đần bố mẹ lúc tuổi già. Tôi cũng đã hy sinh quá nhiều cho chính tương lai của mình. Có lẽ tôi nên chấm dứt hy sinh, vì tôi đã không còn cảm thấy vui nữa... Gia đình, bạn bè ở Việt Nam ai nhìn hình ảnh của tôi qua mạng xã hội cũng cảm thấy tôi đang "vui sống". Họ chiêm ngưỡng tôi đang lộng lẫy huy hoàng trong tuổi trẻ của mình nhưng họ không biết tôi đã hy sinh những giờ phút hạnh phúc vui vẻ với bạn bè để đi làm, để đến vùng đất xa xôi này, nơi tôi không có ai là người thân, bạn bè, chấp nhận làm những việc cùng đinh nhất để có tiền đi học. Và câu hỏi quan trọng nhất tôi đặt ra cho mình trong thời gian gần đây: "Nếu Kye không ngỏ lời yêu tôi, liệu tôi có nên bày tỏ trước với anh không? ".

***

 

Tôi đã quyết định, mùng một Tết tôi sẽ mời Kye đi ăn nhà hàng “dimsum”, nơi tôi đã gặp anh lần đầu. Rồi sau đó chúng tôi (chính xác là tôi) sẽ... tính tiếp.

Đã ba  hôm Kye không đi làm. Dạo gần đây, những hôm tôi và Kye làm chung ca, Kye vẫn hòa nhã, lịch sự như kiểu vốn có của anh, chỉ là chúng tôi không nói chuyện gì nhiều hơn nữa. Chúng tôi bàn luận nhẹ nhàng về những bộ phim kinh điển (Casablanca, Cây cầu trên sông Kwai..), về Netflix (những bộ phim nhiều tập nổi tiếng Orange is the new Black, Lost, How I met your monther...), về những chuyện diễn ra trên Facebook... Nói chung là những chuyện vô thưởng vô phạt không đụng chạm gì đến đời tư cá nhân của ai. Thỉnh thoảng tôi có cảm giác giữa tôi và Kye là một bức tường vô hình mà tôi không có cách gì nhìn thấu.

Duy có một lần Kye nói với tôi: sau giờ làm anh có công việc kinh doanh riêng, vì việc riêng anh có thể nghỉ ở đây bất cứ lúc nào khi công việc riêng bắt buộc, nhưng tôi có thể gọi anh bất cứ khi nào tôi cần anh. Tôi gật gù, "dạ" tỏ vẻ thông cảm, dù trong lòng rối như tơ vò, tay chân lạnh cóng run rẩy (mỗi khi đứng gần Kye cơ thể tội nghiệp của tôi đều có những biểu hiện phản chủ như thế) nghĩ nếu mà tôi không còn gặp được Kye nữa, đời tôi chắc sẽ lao đao lận đận lắm đây. Trong tiềm thức chắc tôi vẫn còn sợ Kye phát hiện ra tôi yêu anh thầm lặng, rằng tôi đã thầm tương tư gương mặt vuông vức thư sinh trắng trẻo, mái tóc dài luôn cột đuôi ngựa như Trương Vô Kỵ  và giọng cười giòn tan, thuần khiết, đẹp đẽ của anh.

Hôm nay tôi đã gọi cho Kye ba lần. "Reng reng reng". Điện thoại anh rung đúng một lần rồi tắt ngúm, anh không trả lời cũng chả buồn gọi lại… Hai lần sau tôi gọi cho Kye thì thì cuộc gọi nhảy vào hộp thư thoại. Từ lúc vào tiệm cầm đồ, tôi đi qua đi lại, lòng bồn chồn, lo lắng cho Kye đến độ không làm gì được, cũng không tập trung học bài được.

Hôm nay tôi làm ca sáng từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Kye bắt đầu ca chiều nhưng hôm qua và hôm kia anh đều không xuất hiện. Kye phải đến hôm nay, anh đã nghỉ hai ngày không xin phép trước và nếu hôm nay thêm một ngày nữa, theo quy định của hiệu cầm đồ, anh sẽ bị đuổi việc. Tôi tự nhủ: "Kye, anh  phải đến hôm nay, Kye, anh phải đến hôm nay".

Đúng hai giờ, là giờ Kye phải xuất hiện thì cửa hiệu bật mở. Daniel, một nhân viên khác trong hiệu cầm đồ, đi vào. Nhìn thấy tôi anh nghiêng đầu chào, rồi  anh mở cửa nhỏ tiến vào bên trong quầy.

- Chào, Daniel. Anh khỏe không?

- Chào cô. Tôi khỏe. Cô thế nào? Daniel cười tươi vuốt mái đầu trọc lóc  của mình. Daniel chừng 30 tuổi, gốc Mễ Tây Cơ, người tròn trịa, thấp đậm.

- Tôi cũng ok. Sao anh lại ở đây? Kye đâu? Anh có biết anh ấy đâu không?

- Tôi không biết. Tôi đang ở nhà thì sáng nay Sếp Josh gọi,  kêu tôi vào thay cho Kye.

- Không biết sao tôi lo quá. Tôi chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra nữa. Tôi lo cho anh ấy quá.

Tôi nhìn Daniel, trong lòng tự dưng trào dâng một cảm giác lo lắng thật sự.

- Chắc không có gì đâu. Có thể là Kye đi đánh bài ở Vegas rồi không chừng - Daniel nói - Có thể là đang vui thú ở Las Vegas.

Tôi tròn xoe mắt.

- Điều gì làm anh nghĩ Kye đang đi đánh bạc vậy?

- Ô ố ô, cô không biết gì sao?

- Gì chứ? Tôi cảm thấy lạnh ngắt sống lưng.

- Kye là trùm bài bạc. Tôi tưởng cô biết. Vì cô là em họ của anh ấy mà.

- Em họ? Tôi ngạc nhiên.

- Thì Kye nói với mọi người cô là em họ của ảnh mà.

Tôi choáng quá, không biết nói gì nên im lặng. Daniel hạ giọng nhìn quanh, có vài khách hàng đang im lặng ngắm những món đồ chúng tôi bày bán. Daniel quỳ xuống ngồi trên hai gót, vì tôi đang ngồi ở cái ghế thấp tè, chắc để tránh kiểu nói chuyện phải nhìn xuống tôi đang ở vị trí thấp hơn.

-  Truớc khi cô vào đây làm, Kye rất thân với tôi. Kye là một người rất tốt tính, a fine young man, chỉ mỗi tội đam mê bài bạc quá. Ba bốn năm làm ở đây, anh ấy dùng toàn bộ tiền kiếm được để sống và đánh bài. Cuối tuần rảnh là anh ấy bay đi Vegas, để đánh bài. Anh ấy còn hùn hạp lập ra cả một quán cà phê cho nguời khác có chỗ đánh bài nữa đấy. Người ta vào đó uống cà phê mà không phải uống cà phê (chắc ý Daniel là sòng bài trá hình). Tôi đã đến đấy một lần rồi. Ở khu China town nhưng nghe bảo vừa bị cảnh sát chụp. Tôi cũng không rõ lắm. 

- Kye kể với anh à?

- Kye kể sơ sơ, phần còn lại tôi coi nghe bạn bè nói và phỏng đoán. Anh ấy sẽ ok, không bị sao đâu cô ạ.

- Sếp Josh có biết không?

- Không ai biết, chỉ tôi biết. Mà tôi cũng không chắc lắm. Và giờ, có thêm cô biết.

Tôi nhìn Daniel, chẳng biết nói gì thêm, chẳng biết nên tin hay không nên tin những gì anh vừa nói.

Hết giờ làm, tôi chào Daniel rồi rời cửa hiệu cầm đồ. Điều mà tôi lo sợ đã đến. Tôi không còn được gặp Kye nữa. Kye ở đâu? Tại sao anh không bao giờ nói cho tôi nghe những thứ đang diễn ra trong đời của anh nhỉ? Tại sao, tại sao, tai sao? Mà suy cho cùng, tôi đâu phải là bạn anh, tôi chỉ là một con bé học y tá ngốc nghếch yêu anh từ lần thứ hai gặp mặt. Có thể trong mắt anh tôi chỉ là một đồng hương tôi nghiệp, thậm chí tôi còn đang nợ anh một món ân tình: tôi đã được anh giới thiệu chỗ làm mới tốt hơn chỗ cũ, để trang trải cuộc sống. Suy cho cùng, Kye đã làm tròn lời hứa của mình, anh đã cho tôi thấy rõ những khía cạnh khác của nước Mỹ: không lộng lẫy xa hoa đẹp đẽ như trên phim ảnh mà một nước Mỹ của người nghèo, của tầng lớp khó khổ, thê thảm, bi đát. Cũng đâu có sao, cũng tốt mà, anh đã giúp tránh cho tôi mọi ảo tưởng, giúp tôi biết rõ thực tế để tôi dễ bề chọn lựa khi phải quyết định "ra về hay ở lại". Điều duy nhất mà tôi không bao giờ ngờ đến là nước Mỹ bi thảm phức tạp trong tôi bây giờ lại có cả hình ảnh và gương mặt đẹp đẽ của Kye trong đó.

Tôi lái xe qua những con đường quen, nhìn cây cối đã rụng hết lá trơ trụi ven đường. Ở đất mẹ của tôi, mọi người chắc đang chộn rộn đón Tết còn trời xuân, khí xuân của vùng đất này, hẳn là sẽ mất một thời gian nữa mới bừng dậy. Nhưng tôi biết, mùa xuân chắc chắn sẽ đến...

A.L

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​