Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
VĂN NGHỆ DÂN GIAN XỨ ĐỒNG NAI


     Qua hơn 320 năm hình thành và phát triển, kho tàng văn hóa tinh thần của người Việt xứ Đồng Nai vốn rất phong phú và đa dạng. Từ cuộc sống lao động, người dân trên quê hương xứ sở vùng Đồng Nai- Gia Định đã tạo lập nên kho tàng văn hóa, văn nghệ vô cùng đặc sắc. Trong đó, phải kể đến kho tàng văn học nghệ thuật của người xưa. Bàn đến văn học nghệ thuật tức là nói đến kho tàng văn nghệ dân gian của quần chúng nhân dân. 

     Đời sống văn nghệ dân gian của người Đồng Nai rất phong phú, đặc biệt về văn học hay ngữ văn dân gian được truyền miệng từ đời này sang đời khác như: ca dao, dân ca, hò, vè, lý... Thơ ca của người Việt khá đa dạng, giàu bản sắc dân tộc, nhất là ca dao trữ tình. Khi vào khai phá vùng đất Đồng Nai, người Việt mang theo những câu ca dân gian đó và được lưu truyền mãi đến sau này. Ngoài ra, nhiều ca dao, dân ca miền Trung, miền Bắc được cải biến phù hợp với hoàn cảnh, địa lý ở vùng đất mới. 

     1. Văn học dân gian

     Ca dao dân ca là tiếng nói dân gian của người Việt nói chung người Đồng Nai nói riêng, phản ánh tâm tư tình cảm của con người trong sinh hoạt hàng ngày không chỉ ở nơi đồng nội mà ở cả những đô thị phồn hoa. Tuy là ngôn ngữ dân gian, nhưng ca dao, dân ca không phải là tiếng nói bình thường mà là ngôn ngữ có vần, có điệu nên dễ phổ biến trong quần chúng.

IMG_0178.jpg
TS Nguyễn Thị Nguyệt và GS - TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tại chương trình kỷ niệm 60 năm thành lập Hội​ (1967 - 2017)


     Đồng Nai là nơi có nhiều nguồn dân cư nên ca dao dân ca rất đa dạng, phản ánh nhiều sắc thái tình cảm khác nhau. Nhưng trước hết ca dao dân ca thể hiện được sự trù phú của vùng đất mới Đồng Nai, đó là sự hấp dẫn cho những cư dân gần xa đến đây khai phá, nội dung những bài ca là sự mời chào, giới thiệu, hướng về đất Đồng Nai:

“Đồng Nai gạo trắng nước trong;

Ai đi đến đó thì không muốn về”

     Ca dao ca ngợi Đồng Nai vì nơi đây đất đai màu mỡ, lúa gạo thu hoạch nhiều và gạo lại trắng trong. Vì vậy, nhiều lớp lưu dân đã bỏ xứ tìm đến nơi này để mưu sinh. 

“Đồng Nai gạo trắng như cò;

Trốn cha trốn mẹ xuống đò theo anh”

“Cô hưu đi chợ Đồng Nai;

Bước qua Bến Nghé còn nhai thịt bò”.

     Thời khai hoang mở cõi, nhiều người đã phải bỏ mạng vì rừng thiêng: “Muỗi kêu như sao thổi; Đỉa lội như bánh canh” hay “Dưới sông sấu lội trên rừng cọp um”... Vì vậy, cư dân Đồng Nai sống với thiên nhiên trù phú và rộng lớn bao la, đã thể hiện bản lĩnh ở nơi này. 

“Làm trai cho đáng nên trai ;

Phú Xuân đã trải Đồng Nai đã từng”.

“Cọp Biên Hòa, ma Bình Thuận ;

Gái Đồng Nai, trai Thuận Hóa”.

     Thiên nhiên ưu đãi là thế, nhưng cũng có khó khăn nhất định của buổi đầu khai hoang. Đó là cảm xúc bỡ ngỡ, lạ lùng trước cảnh vật hoang sơ của lớp người đi khai phá:

“Đến đây xứ sở lạ lùng;

Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh”.

“Đi ra sợ đỉa cắn chưn;

Xuống sông sấu ních, lên rừng cọp tha…”

 “Rừng sâu nước mặn phèn chua;

Trăm ngàn cá sấu thi đua vẫy vùng …”

     Với sự hăng say lao động của lớp người đi khai phá đã nhanh chóng biến Đồng Nai thành vùng đất đầy tiềm năng. Con người đã chinh phục tự nhiên, làm chủ vùng đất mới. Niềm tự hào về quê hương, mối quan hệ máu thịt với đất nước, con người Đồng Nai dần trở thành dòng mạch chính trong ca dao dân ca:

“Trà Phú Hội, nước Mạch Bà;

Sầu riêng An Lộc, chuối già Long Tân.

Cá bui, sò huyết Phước An;

Gạo thơm Phước Khánh, tôm càng Tam An”

“Biên Hòa có bưởi Thanh Trà;

Thủ Đức nem nướng, Điện Bà Tây Ninh…”

“Biên Hòa bưởi chẳng đắng the;

Ăn vào ngọt lịm tựa chè đậu xanh”.

“Xay lúa, giã gạo Đồng Nai;

Gạo trắng về ngài, tấm cám về tôi”.

“Rạch Đông nước chảy

Con cá nhảy, con tôm nhào”.

“Hết gạo thì có Đồng Nai;

Hết củi thì có Tân Sài chở vô”.

     Ca dao dân ca, thành ngữ, tục ngữ ở Đồng Nai là sự phản ánh những cung bậc tình cảm khác nhau của người Đồng Nai gắn với sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Đây còn là những kinh nghiệm của người dân Đồng Nai về các hiện tượng trong tự nhiên cũng như ứng xử trong xã hội, là kho tàng tri thức dân gian của địa phương…

“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa;

Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”.

“Ráng vàng thời nắng, ráng trắng thời mưa”.

      Người Việt vào Đồng Nai thừa hưởng được vốn tri thức và tiếng nói thậm chí là cả chữ viết của cha ông ở quê nhà nên kho tàng tục ngữ, phương ngôn được đưa vào sử dụng về kinh nghiệm sản xuất, qui tắc ứng xử không khác mấy so với miền Bắc và miền Trung. Dù vậy, cũng có những kinh nghiệm sống hình thành từ cuộc sống được truyền qua bao thế hệ ở đất Đồng Nai. Kinh nghiệm đó được rút ra từ cuộc sống, lao động sản xuất, việc dự báo thời tiết, mùa vụ, cách chọn giống… phục vụ trong lao động sản xuất.

“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”

“Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa”…

     2. Diễn xướng dân gian

     Đồng Nai, mảnh đất hội tụ đầy đủ các loại dân ca xứ miền Bắc và miền Trung như quan họ, ca Huế, ví dặm… do di dân đem từ quê hương vào. Trong sinh hoạt cộng đồng người Đồng Nai cũng tổ chức sinh hoạt nghệ thuật, hò, hát, lý, kể vè, nói thơ, nói tuồng, đồng dao, đờn ca tài tử… Phổ biến ở Biên Hòa là hò chèo thuyền, hò cấy, hò giã gạo, hò đò dọc, hò rỗi, lý Đồng Nai, lý lu là, lý trèo lên... Vè Hương thân Cẩn, vè rượu… là các bài vè lưu truyền nổi tiếng. Trong đám tang có hò đưa linh là tiếng đạo hò hô rập lúc khiêng quan tài, có ý than kể cũng có ý làm cho quên mệt. Sau này, ảnh hưởng của hát bội đã biến đổi hò đưa linh thành hát đưa linh - một hình thức diễn xướng tổng hợp, bao gồm cả diễn tuồng, đấu võ và hò đưa linh phổ biến ở Nam bộ.

     Hơn ba thế kỷ qua, người Đồng Nai có những điệu lý, hò, vè mang giọng điệu của nguồn gốc miền Bắc và miền Trung. Tiếng hát ru của các bà mẹ vẫn ẩn chứa đủ giọng của cả ba miền; đặc biệt, các điệu lý lại có âm hưởng của xứ Thuận Quảng. 

“Chim quyên ăn trái nhãn lồng;

Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi”.

“Chim quyên ăn trái nhãn lồng;

Trái ăn trái bỏ, ai trồng mầy ăn”

“Trách ai ham giấy bỏ bìa;

Khi vui vui vội, khi lìa lìa mau”

     Những lúc lao động, người Đồng Nai lại có những điệu hò cấy rất điệu nghệ và tài tử giữa nam và nữ. Trong cấy gặt, thanh niên nam nữ thôn quê Đồng Nai còn có tục hò đối đáp giao lưu tình cảm với nhau. Nội dung hò cấy rất phong phú, đa dạng thường được thể hiện như:  

     - Trai hò: “Hò... hơ... Tới đây chằng hát thì hò, chằng phải con cò ngóng cổ mà nghe”. 

     - Gái hò: “Con cò nó ở ngọn tre, ở dâu dưới đất mà nghe anh hò”.

     - Trai hò ghẹo: 

     + “Hò… hơ… Áo em năm nút cũng đen, tôi hò với chị em lạ, chị em quen tôi không hò”.

     + “Thò tay bức cộng rau ngò, anh thấy em còn nhỏ chân bò anh thương”.

     + “Thò tay bức cộng rau mương, anh thấy em còn nhỏ anh thương để dành”.

     - Gái hò: “Hò... hơ... Em thấy anh hớt tóc em khóc lu bù; Tưởng anh làm thầy thông ký, ai dè anh ở chốn lao tù mới ra”.

     - Trai đáp: “Hò... hơ... Em về hỏi mẹ hỏi cha. Tóc anh anh hớt, đâu hớt đầu cha em cười”.

     - Gái hò: “Tiếng anh ăn học phép tiên, lợi đây em hỏi ông trời nghiêng chỗ nào?”

     - Trai đáp: “Hò... hơ... Anh về soạn sổ bên Tàu, đất nghiêng có chỗ chớ trời nào nghiêng”.

     - Gái hò:“Hò… hơ… Tiếng anh ăn học nhà trường, lợi đây em hỏi cỏ trong vườn mấy cây?”

     - Trai đáp: “Hò… hơ… Em về nghĩ lại cho tường, tóc em mấy sợi, thì cỏ trong vườn mấy cây”...

     - Chồng hai vợ hò: “Hò... hơ... Giờ này sóng lặng gió êm, không ai cập bến sang miền dạo chơi”.

     - Vợ đáp: “Hò... hơ... Muốn qua tự tiện cứ qua, qua đồn nộp thuế ai mà cản chi”.

     Ngoài hò cấy còn có hò chèo xuồng hay con gọi là hò chèo ghe, hay hò giã gạo. Thực chất hò chèo xuồng, hò giã gạo là biến thể của hò cấy trong môi trường lao động khi chèo xuồng hoặc giã gạo. Cũng theo hình thức lao động mà ngoài hò chèo ghe con có hò đò dọc của giới thương hồ buôn bán đường dài trên sông nước.

     Ngoài hò, Đồng Nai còn có loại hình kể vè, nói thơ, nói tuồng. Đây là hình thức diễn xướng tự sự bằng lối “nói văn” có gõ nhịp hoặc không gõ nhịp. Ở Đồng Nai thường lưu truyền nhiều bài vè, phổ biến là các bài vè quen thuộc như: vè Chàng Lía, vè con cút, vè nói dóc, vè con gái lấy thợ câu cua, vè nói ngược, vè trăm thứ bánh...  

     Có thể nói, mỗi thể loại hình văn hóa dân gian đều có ý nghĩa to lớn. Mỗi lĩnh vực của văn hóa dân gian phản ánh những nội dung khác nhau từ khó khăn gian khổ đến vui vẻ, hạnh phúc trong cuộc sống của người dân. Không những vậy, văn hóa dân gian còn phần nào thể hiện khát vọng của người dân ở những thời điểm, hoàn cảnh khác nhau, trong đó người dân lao động có vai trò chủ đạo. Chính nguồn gốc xuất phát trực tiếp từ cuộc sống của người nông dân là cơ sở để văn hóa dân gian có thể tồn tại trong suốt thời gian dài dù lịch sử luôn có những biến đổi. 

     Hơn ba thế kỷ khai phá, xây dựng, phát triển; người dân Đồng Nai sáng tạo ra một kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian đa dạng, phong phú. Đời sống văn hóa văn nghệ dân gian của người Đồng Nai mang đậm sắc thái giao lưu văn hóa của nhiều vùng miền, đặc biệt là văn hóa Bắc bộ và Trung bộ, tạo nên những bản sắc vừa gần gũi thân quen nhưng cũng rất sáng tạo trong quá trình hình thành, phát triển và hội nhập.

                                                              NGUYỄN THỊ NGUYỆ​T                                                

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bảo tàng Đồng Nai (2011), Di sản văn hóa làng Hiệp Phước, Nxb. Đồng Nai.

2. Nguyễn Thị Nguyệt (2013), Đồng Nai- Nam Bộ với văn hóa phương Đông, Nxb. Đồng Nai.

3. Huỳnh Văn Tới (1998), Bản sắc dân tộc và văn hóa Đồng Nai, Nxb. Đồng Nai.


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​