Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
VÀI SUY NGHĨ VỀ BẢO TỒN, PHÁT HUY NGHỆ THUẬT BÓNG RỖI - ĐỊA NÀNG Ở NAM BỘ


     Bóng rỗi- Địa Nàng là nghệ thuật diễn xướng nghi lễ trong tín ngưỡng thờ nữ thần, là di sản văn hóa do quần chúng nhân dân tự sáng tác trên cơ sở kế thừa và phát huy có chọn lọc văn hóa của các dân tộc ở Nam Bộ. Bóng rỗi gồm có hai chức năng cơ bản: là đáp ứng nhu cầu tâm linh và thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí của người dân. 

     1. Nhận thức về nghệ nhân Bóng rỗi- Địa Nàng

     Nghệ nhân bóng rỗi còn bị định kiến là những người giới tính khác thường, giới tính thứ ba hoặc ái nam ái nữ hay bóng lại cái…, hoặc những người có căn số, căn mạng phải hầu thần linh, hầu Bà… Tuy nhiên, khi xét về tính chất văn hóa nghệ thuật, đặc biệt nghệ thuật dân gian, thì họ chính là những nghệ sĩ, nghệ nhân thực sự, bởi họ có trình độ chuyên nghiệp, diễn xuất chuyên nghiệp, kỹ năng thành thục đôi khi có những người đã đạt ở trình độ đỉnh cao.

IMG_20190921_201632.jpg 
Tiết mục múa Mâm​ vàng của đoàn Đồng Nai tại Liên hoan Bóng rỗi - Địa nàng Nam bộ 2017


     Để làm được nghề ngoài sự đam mê, yêu thích nghệ thuật dân gian, các bóng phải rèn luyện khổ cực nhiều năm trời để đạt được trình độ chuyên nghiệp để đi hát, rỗi, múa… Nhiều kỹ thuật diễn xuất đòi hỏi tính chuyên nghiệp để làm vui trước thần điện Bà và trước khán giả. Do vậy các bóng biểu diễn ở trình độ cao, có thể gọi họ là những nghệ nhân.

     Đối với nghệ sĩ biểu diễn chặp Địa Nàng: Nghề nghiệp được xác định với chuẩn rõ ràng hơn bóng rỗi. Đây là những nghệ sĩ hoặc diễn viên đích thực, nếu họ học bài bản và diễn bài bản. 

     Những người thực hành nghề bóng rỗi là những người có nhiều tâm huyết, đam mê và cả sự thích làm đẹp, biểu diễn trước công chúng. Tuy nhiên, việc xác định người thực hành bóng rỗi hoặc đội ngũ những người đang duy trì nghệ thuật bóng rỗi cũng là một nghề thì chưa được qui định cụ thể. 

     2. Gạn đục khơi trong về quản lý biểu diễn nghệ thuật quần chúng

     Hiện nay, trong đội ngũ những người hành nghề Bóng rỗi- Địa Nàng, có không ít các Bóng và Địa- Nàng trẻ học nghề không tới nơi tới chốn chạy theo gu giải trí thị trường và theo đà tâm lý của khán giả, chưa học đầy đủ các bài bản gốc mà lại có những sáng tạo không phù hợp cho các màn biểu diễn hay diễn xuất trước khán giả làm vẩn đục nghệ thuật truyền thống dân tộc…

     Một số nghệ nhân bóng rỗi cũng cho biết, hiện nay tình trạng một số bóng nam giả nữ, nâng bơm sửa phẫu thuật hình thể giống nữ, hoặc thẩm mỹ chuyển đổi giới tính… ít học hành bài bản, chỉ biết ca hát và múa tạp kỹ chút đỉnh rồi đi cúng miếu, hát đám ma làm những trò diễn không phù hợp của nghệ thuật bóng rỗi. Thiết nghĩ cần có những chính sách quản lý văn hóa thiết thực, phù hợp để chấn chỉnh tình trạng này làm ảnh hưởng đến tính chân chính và giá trị nghệ thuật của bóng rỗi Nam Bộ trong tình hình hiện nay.

     3. Hỗ trợ để nghệ nhân biểu diễn thuận lợi tại các cơ sở tín ngưỡng 

     Các nghệ nhân Bóng rỗi- Địa Nàng đều khẳng định bộ môn nghệ thuật Bóng rỗi- Địa Nàng hiện đang rất phát triển trong dòng chảy phát huy và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Bằng chứng là vào mùa cúng Bà hầu hết các nghệ nhân Bóng rỗi- Địa Nàng đều kín show, có ngày họ phải chạy hai, ba show ở các nơi khác nhau. Hoặc các ban quản lý miếu thường phải đăng ký ngày, hoặc hợp đồng trước trước với họ vài tháng, thậm chí trước cả năm để họ sắp xếp lịch phục vụ.

    Các hoạt động này thường xuyên diễn ra cùng với các nghi lễ thờ cúng Bà, cúng nữ thần trong các lễ vía. Bên cạnh việc bảo tồn các nghi lễ, bao giờ cũng có phần hội Bóng rỗi- Địa Nàng, thể hiện sự cố gắng của các ban quản lý miếu hoặc ban quý tế đình, miếu trong việc tổ chức cúng lễ đầy đủ và hoành tráng nhằm thu hút nhiều người đến với lễ hội, đến với miếu Bà của địa phương mình, khẳng định sự quản lý và điều hành tổ chức hiệu quả của ban quản lý đình, miếu.

IMG_20190921_201641.jpg 
   Nghệ nhân Đồng Nai biểu diễn hát bóng rỗi tại Liên hoan Bóng rỗi- Địa Nàng Nam bộ 2017

 

     4. Tổ chức truyền dạy, đào tạo thế hệ kế thừa

    Nghệ thuật Bóng rỗi- Địa Nàng là bộ môn nghệ truyền thống dân gian của dân tộc Việt có từ nhiều thế kỷ nay. Việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật này là cần thiết. Vì vậy trước hết cần phát huy tính chất trao truyền giữa các thế hệ, giữa các nghệ nhân. Các nghệ nhân có thể học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật lẫn nhau để nâng cao tay nghề. Các học trò tìm thầy để học nghề nhằm thỏa mãn sự đam mê, yêu thích loại hình nghệ thuật truyền thống, vừa duy trì và làm nghề Bóng rỗi- Địa Nàng.  

     5. Công nhận di sản và nghệ nhân dân gian của Bóng rỗi Địa Nàng

      Có thể nói, sau khi “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thì đã đến lúc chúng ta cần phải nhận thức, đánh giá đúng đắn đối với nghệ thuật diễn xướng Bóng Rỗi và giá trị nghệ thuật của chặp hài Địa Nàng trong bối cảnh hiện nay. Trước hết, nghệ thuật diễn xướng Bóng rỗi- Địa Nàng cần được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Tiếp đến, các nghệ nhân bóng rỗi cần được xem xét công nhận là nghệ nhân dân gian và nghệ nhân ưu tú một cách phổ biến hơn.

     Đã có một số nghệ nhân được công nhận là nghệ nhân ưu tú như: nghệ nhân Bóng rỗi Ngô Thị Tư (nghệ danh Thanh Huê) còn gọi là cô Tư Trầu huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Đây là một trong những nghệ nhân giỏi, có thâm niên trong nghề, kỹ năng diễn xuất tốt, có khả năng hát rỗi theo các làn điệu hát Bội xưa mà đa số các bóng trẻ hiện nay không biết. Một số nghệ nhân ở tỉnh Bình Dương đã được công nhận là nghệ nhân dân gian.

     Đồng Nai cũng có một số nghệ nhân Bóng rỗi- Địa Nàng tiêu biểu như: bà bóng Bùi Văn Tời (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu), bà bóng Đỗ Thị Được (xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch), bà bóng Trần Thị Được (xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch); đặc biệt gia đình nghệ nhân Đinh Thị Thanh Loan (Nàng Phụng) sinh năm 1960 tại phường Trảng Dài, các con gái là Phạm Thị Ngọc Nguyên, Phạm Thị Ngọc Mai và Phạm Thị Thanh Mai tiếp nối ba đời làm nghề diễn xướng Địa- Nàng… Đây là những nghệ nhân có duyên và tâm huyết với nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo ở vùng đất Đồng Nai, rất cần được các cơ quan quan tâm với những chính sách thiết thực, phù hợp động viên họ giữ nghề.

     6. Thành lập thí điểm mô hình các Câu lạc bộ Bóng rỗi- Địa Nàng trong phong trào văn nghệ quần chúng

      Cần thí điểm thực hiện các mô hình hoạt động, thành lập các Câu lạc bộ, các đội, nhóm Bóng rỗi- Địa Nàng do các Trung tâm Văn hóa tỉnh hoặc Phòng Văn hóa- Thông tin cấp huyện quản lý nhằm qui tụ, tập hợp những nghệ nhân, các bóng làm nghề Bóng rỗi- Địa Nàng tham gia sinh hoạt tại các mô hình văn hóa này. Đây cũng là hình thức tổ chức mà các nghệ nhân bóng rỗi hiện rất cần, thể hiện sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước để họ hoạt động có tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi trong cơ chế quản lý về hoạt động văn nghệ quần chúng hiện nay.

     7. Tổ chức hội thi, liên hoan Bóng Rỗi- Địa Nàng 

     Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên chủ trì tổ chức các hội thi, liên hoan sân khấu quần chúng, trong đó có nghệ thuật Bóng rỗi- Địa Nàng hoặc tổ chức liên hoan về Bóng rỗi- Địa Nàng; tạo điều kiện để các nghệ nhân, các bóng có cơ hội tham gia, trình diễn trước sân khấu lớn và được nhận các giải thưởng như các liên hoan nghệ thuật quần chúng khác. Đây là nguyện vọng khát khao của các nghệ nhân bóng rỗi Nam Bộ mong được các cấp chính quyền quan tâm trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật diễn xướng dân gian này.

     Năm 2017, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Tín ngưỡng thờ nữ thần và thực hành Bóng rỗi- Địa Nàng ở Nam Bộ” và “Liên hoan hát múa Bóng rỗi- Địa Nàng” tại Đồng Nai là tín hiệu vui cho việc bảo tồn loại hình di sản văn hóa dân gian này trong thời kỳ văn hóa hội nhập. Tuy vậy, cần nhận thức đúng đắn và thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy nghệ thuật diễn xướng dân gian trong đời sống văn hóa tinh thần ở Nam Bộ hiện nay.

 

TS. Nguyễn Thị Nguyệt


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​