Ngày 29/9/2019 vừa qua, Chi hội Nghệ sĩ Sân khấu Đồng Nai đã tổ chức Đại hội cơ sở tại Hội VHNT Đồng Nai. Đây là dịp để các thế hệ nghệ sĩ sân khấu Đồng Nai cùng nhìn lại một chặng đường lao động, sáng tạo không biết mệt mỏi của 5 năm qua.
BỀ DÀY THÀNH TÍCH VÀ HOẠT ĐỘNG
Chi hội Sân khấu Đồng Nai đã trải qua 9 kỳ đại hội, do đạo diễn - NSND Giang Mạnh Hà làm Chi hội trưởng đầu tiên (hiện ông là Liên chi hội trưởng Hội NSSK miền Đông, ủy viên Ban Kiểm tra Hội NSSK Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai); và đến năm 2006 thì NSUT Trần Đức Sìn gánh vác nhiệm vụ này. Qua năm tháng, Chi hội có nhiều biến động do những khó khăn mang đến nhiều nỗi thăng trầm cho nghệ thuật cải lương, đồng thời còn xảy ra tình trạng “chảy máu tài năng” bởi Đồng Nai rất gần với thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Chi hội nói riêng và nghệ thuật sân khấu Đồng Nai nói chung luôn có lực lượng nòng cốt, tâm huyết với nghề đã luôn “đeo bám”, gắn bó sắt son với sân khấu và nhân dân Đồng Nai, đã và đang là trụ cột của Nhà hát nghệ thuật tỉnh Đồng Nai trong công tác quản lý và sáng tạo nghệ thuật… Và xuyên suốt những năm tháng đó, Chi hội vượt qua nhiều chông gai thử thách luôn có vai trò rất quan trọng của NSND Giang Mạnh Hà, ông là người lãnh đạo đã dẫn dắt Đoàn Cải lương Đồng Nai (sau này là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, và hiện sát nhập thành Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai) đạt được nhiều thành công rạng rỡ, vừa là “người truyền lửa” với tư cách một đạo diễn hàng đầu, một người thầy đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương trên khắp miền Nam.

Đại hội Chi hội Sân khấu Đồng Nai lần thứ IX. Ảnh HQ
Hiện Chi hội sân khấu Đồng Nai có 14 người, trong đó có 02 Nghệ sĩ Nhân dân (Đạo diễn Giang Mạnh Hà và nghệ sỹ Ngân Vương), 06 Nghệ sĩ ưu tú (Trần Đức Sìn, Quế Anh, Vũ Đại Phong, Chiêu Hùng, Xuân Vui, Bích Ngọc). Trong nhiệm kỳ qua, hội viên Chi hội sân khấu Đồng Nai đã tổ chức nhiều hoạt động sáng tác; tham gia dàn dựng, biểu diễn của Nhà hát nghệ thuật truyền thống hàng năm; đã sáng tạo nhiều tác phẩm phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh Đồng Nai và phục vụ quần chúng nhân dân trong tỉnh, đóng góp tích cực trong nhiệm vụ nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Trong lĩnh vực đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà tham gia dàn dựng nhiều tác phẩm cho Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai và các nhà hát Cải lương, các đoàn nghệ thuật trong toàn quốc như Nhà hát Trung ương, Hải phòng, Thái Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Long An, Tây Ninh, Cần Thơ, Bạc Liêu… Nhiều tác phẩm do ông dàn dựng đạt được thành tích cao như : Vượt qua tâm bão, Ánh đèn khuya, Tình sử hai vương triều… Đặc biệt, vở diễn Bão táp một vương triều đã nhận 01 Huy chương vàng dành cho vở diễn, 02 HCV và 02 HCB cá nhân tại Liên hoan sân khấu Toàn quốc năm 2018.
Tác giả - NSUT Trần Đức Sìn có nhiều tác phẩm tham dự Liên hoan Tuyên truyền cổ động và Kịch ngắn không chuyên của khu vực và toàn quốc, đạt một số giải cao như: Tiếng thú gọi rừng, Không phải chuyện đùa, Ngọn cờ tháng tám, Về với Điện Biên…
Tác giả - NSUT Đồng Thị Quế Anh là cây bút trẻ bước đầu đã có sự thành công với kịch bản “Hồi sinh” tham dự Liên hoan Nghệ thuật Cải lương toàn quốc, giành 01 HCV và 02 HCB cá nhân.

Các tác giả, diễn viên sân khấu Đồng Nai nhận giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức lần thứ IV do UBND tỉnh trao tặng (2017). Ảnh TTH
Các hội viên Hội NSSK cũng là diễn viên thường xuyên tham gia các chương trình, các vở diễn trong dàn kịch mục của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, các chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị, những sự kiện trọng đại do tỉnh Đồng Nai tổ chức. Nhiều chương trình nghệ thuật, các vở diễn đã được thu hình phát sóng phục vụ công chúng trong tỉnh và cả nước. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Chi hội cùng với Hội VHNT Đồng Nai đã thực hiện 02 tập kịch bản Biển gọi và Tiếng thú gọi rừng, tập hợp những kịch bản có chất lượng của các nhà biên kịch Đồng Nai. Thêm những niềm vui lớn khi các hội viên được Nhà nước phong tặng những danh hiệu cao quý như NSND Ngân Vương, NSUT Chiêu Hùng, và NSUT Xuân Vui.
Chi hội Sân khấu Đồng Nai đã làm tốt nhiệm vụ làm những hạt nhân tích cực của cả lĩnh vực sáng tác và biểu diễn ở Đồng Nai, đồng thời còn tạo dựng được một “thương hiệu” nghệ thuật sân khấu trên khắp cả nước, tạo những dấu ấn tốt đẹp trong lòng công chúng, mang cái đẹp lan tỏa, nhân rộng. Đó là thành công của một tập thể có nhiều thành viên ưu tú, tài năng và rất năng động trong giai đoạn rất nhiều khó khăn, thử thách này. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều vấn đề khiến lãnh đạo Chi hội cùng các nghệ sĩ phải lo nghĩ, ví dụ như Chi hội đang rất thiếu lực lượng tác giả trẻ kế cận, chưa phát hiện ra được nhiều nhân tố mới. Đây cũng là thực trạng đáng lo ngại để phát triển lực lượng sáng tác trong nhiệm kỳ tới, và cũng là hạn chế không nằm ngoài bối cảnh chung của nền sân khấu Việt Nam hiện nay. Trong công tác đào tạo chưa có khoa biên kịch tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh nên chưa phát triển được đội ngũ biên kịch, chưa có lực lượng đạo diễn trẻ kế cận, tiêu chuẩn chế độ và mức kinh phí cho công tác của chi Hội địa phương còn hạn chế, nên chưa dàn dựng được những tác phẩm như mong muốn. Ngoài ra, thực trạng chung của sân khấu hiện nay đang dần thiếu vắng khán giả, thiếu đi động lực phát triển nghề cả từ góc độ người làm nghề đến quản lý nhà nước.
NHIỆM KỲ MỚI, HƯỚNG ĐI MỚI
Năm 2019 với những hoạt động sôi nổi chào mừng ngày sân khấu Việt Nam trong tháng 9 vừa qua đã cho thấy những khởi sắc mới của một nhiệm kỳ mới. Đặc biệt, chương trình Hội ngộ nghệ sĩ miền Đông được tổ chức lần đầu tiên tại Đồng Nai đã tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ niềm vui lao động nghệ thuật của nghệ sĩ 8 tỉnh miền Đông Nam bộ. Dịp này, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam đã về dự và có bài phát biểu quan trọng cổ vũ, động viên tinh thần các nghệ sĩ. Những đóng góp của Chi hội Đồng Nai trong công tác tổ chức cũng như các tiết mục đặc sắc, với sự tham gia nhiệt tình, hùng hậu của đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên Đồng Nai cho thấy kết quả tốt đẹp của một quá trình đào tạo, đầu tư một đội ngũ chuyên nghệp, hướng đến một vị thế mới của sân khấu toàn quốc.

Đêm Hội ngộ nghệ sĩ miền Đông. Ảnh trên: Tiết mục hát múa Cô đôi Thượng Ngàn (NSND Giang Mạnh Hà và các nghệ sĩ Đồng Nai). Ảnh dưới: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp và NSND Lê Tiến Thọ chúc mừng các NSSK miền Đông. Ảnh NA

Thật vậy, trong 5 năm nhiệm kỳ 2014-2019, những nỗ lực của các nghệ sĩ Chi hội Sân khấu tỉnh Đồng Nai đã được ghi nhận và tôn vinh ở các cấp, các ngành. Đặc biệt, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã trao tặng giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức lần thứ IV (2011 – 2015) cho các nghệ sĩ NSND Giang Mạnh Hà, NSND Ngân Vương, NSUT Trần Đức Sìn, NSUT Quế Anh, NSUT Chiêu Hùng, NSUT Xuân Vui, Nghệ sỹ Quang Vinh, Thanh Trang… Và hướng tới giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức lần thứ V (2016 – 2020), những gương mặt trẻ hơn, những tài năng mới sẽ xuất hiện khẳng định bước phát triển mới của sân khấu Đồng Nai. Trong những năm qua, nghệ sĩ của Chi hội Sân khấu Đồng Nai đã cố gắng phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng là những đầu tàu, làm nòng cốt để phát triển nghệ thuật sân khấu của tỉnh nhà. Đến với nhiệm kỳ mới, Chi hội có nhiều tín hiệu mới giúp chúng ta có quyền hy vọng đến những bước phát triển mới. Đầu tiên chính là yếu tố hội nhập đã đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với nghệ thuật sân khấu đương đại, tạo nên sự giao hòa, tổng hợp cần thiết, một xu thế mới có tính toàn cầu. Điều này sẽ mang đến cơ hội cho Chi hội mở rộng hơn, phát triển được nhiều thành viên ưu tú trong các mảng nghệ thuật đa ngành… Là một Chi hội được phát triển từ nguồn hội viên của các chuyên ngành Trung ương, Chi hội Sân khấu sẽ tiếp tục là nòng cốt, đầu tàu của lĩnh vực sân khấu ở Đồng Nai.
Một trong những tín hiệu mới mang tính đột phá của Chi hội chính là những thể nghiệm sân khấu mới; trước mắt là vở diễn Niềm khát do NSƯT Quế Anh biên kịch và đạo diễn đã được chọn tranh tài tại Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế tháng 10/2019. Đây là một trong hai vở cải lương của Việt Nam được tham dự Liên hoan kỳ này. NSUT Trần Đức Sìn, Chi hội trưởng cho biết có nhiều ý tưởng “mở đường” mới cho sân khấu Đồng Nai sẽ được triển khai trong nhiệm kỳ mới như tiếp tục tổ chức chương trình Hội ngộ sân khấu miền Đông, chương trình kịch ngắn, kịch vui, chương trình sân khấu thể nghiệm… Đồng thời sẽ tích cực phục vụ nhân dân trong tỉnh nhiều hơn, nhất là đối với người lao động tỉnh nhà.
MAI SƠN