Tôi sinh ra từ
vùng quê của “chị Hai năm tấn”. 19 tuổi, tôi rời quê lúa đến với vùng đất đỏ miền
Đông. Bao nhiêu năm rời xa vùng quê Đồng bằng Bắc bộ là bấy nhiêu năm tôi gắn
bó với Đồng Nai. Biên Hòa rộng lòng bao dung tôi, cùng tôi đi suốt những tháng
năm tuổi trẻ. Bao nhiêu nông nổi, vụng về, bao nhiêu đắm say, khờ dại, Biên Hòa
rộng lòng chia sẻ cùng tôi…
Những ngày đầu
“Nam tiến”, mọi thứ dường như quá xa lạ với cô nữ sinh vừa hoàn thành chương
trình học THPT. Tôi thực sự choáng ngợp trước vẻ hoành tráng của những khu công
nghiệp, những nhà máy, xí nghiệp nối dài. Đã quen với cánh đồng thẳng cánh cò
bay, trải dài tít tắp, quen với cây đa, giếng nước, sân đình, lần đầu đặt chân
đến một “Thành phố công nghiệp”, trong mắt tôi điều gì cũng mới. Với lịch sử
hơn 300 năm hình thành và phát triển, Đồng Nai khi đó đã trở thành nơi các
doanh nghiệp tìm về hội tụ, Biên Hòa trở thành một địa chỉ uy tín thu hút hàng
triệu lao động từ khắp nơi về đây, với hàng chục ngàn doanh nghiệp và hàng ngàn
dự án đầu tư nước ngoài. Song sự hoành tráng, hiện đại nơi đây vẫn không che
khuất được hình ảnh quê hương trong tâm trí “cô Bắc kỳ nho nhỏ”. Tôi buồn đến
rã rời. Lại nghĩ đến những mắng yêu, dặn dò gần như khóc của mẹ: “Bố nhà cô!
Con gái xa đâu ấm đấy, cũng đến lúc phải rời bố mẹ chứ. Rồi sau này đi lấy chồng
nữa thì sao…”, tôi gồng mình lên chống chọi với nỗi nhớ: Nhớ gia đình, nhớ bè bạn,
nhớ mùi thơm thơm - khen khét của đống lửa đốt lá bàng chiều cuối đông… Tất cả,
tôi gói ghém cẩn thận, giấu thật sâu tận đáy lòng, cố gắng vượt qua những nũng
nịu nửa trẻ con nửa người lớn, bắt đầu lao vào việc học tại nơi này. Rồi lại tự
an ủi: Khi thời gian đủ dài, chắc chắn mình sẽ thích nghi được với mảnh đất
“Nhà Bè nước chảy chia hai…”.

Tác giả Huyền Quy (ngồi giữa) trong một chuyến thực tế sáng tác
Tôi bắt đầu quen
dần cuộc sống phương Nam xa xôi. Khẩu vị cũng từ từ thích nghi với người Nam bộ.
Chén nước mắm gừng nhiều vị ngọt nơi Quán ốc 67 không làm tôi quá khó chịu. Những
món ăn đặc sản mà vô cùng dân giã với đủ các loại rau như gỏi cá, chả lụi, bánh
xèo… hấp dẫn được tôi ghê gớm. Vẫn giọng nói đặc trưng của người Bắc, nhưng tôi
gọi “thịt heo”, “tô phở”, “bình bông”… Bên “người bạn đường đau khổ” là chiếc
xe đạp mini cũ, tôi cùng cô bạn thân người Quảng Trị chở nhau rong ruổi khắp mọi
nẻo đường. Cứ buổi chiều về, hai đứa khăn gói sách vở, nước nôi… đạp xe đi. Khi
thì Công viên bờ kè (từ ngữ thân thương mà bọn nhất quỷ nhì ma chúng tôi dành
cho công viên Nguyễn Văn Trị), khi thì Thư viện, lúc lại Quảng trường tỉnh, có
khi là Văn miếu Trấn Biên, Chùa Ông, Chùa Đại giác… cứ nơi nào yên tĩnh, thuận
lợi cho việc học, hai đứa chẳng thể bỏ qua. Vừa được trao đổi kiến thức trong
không khí trang nghiêm, lại được ôn bài qua việc tập đọc, tập tra từ điển những
chữ, những câu đối khắc bằng tiếng Hoa phồn thể. Mỗi khi nỗi buồn ghé thăm,
chúng tôi lại đến bên dòng Đồng Nai, thả những bay bổng viển vông trôi theo từng
khóm lục bình tím biếc… Cứ thế, suốt 4 năm đại học, chẳng còn nơi nào chúng tôi
không đặt chân đến. Những di tích gắn với các danh nhân, danh tướng trong lịch
sử nước nhà mà cống hiến to lớn của họ được người Đồng Nai ghi công, tưởng nhớ
và cung kính tôn thờ như phúc thần của làng xã: Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Đền thờ
Nguyễn Tri Phương, Đền thờ Đoàn Văn Cự, Đền thờ Trần Hưng Đạo, Lăng mộ Trịnh
Hoài Đức…Sau này, điều kiện công việc cho phép tôi được tìm hiểu, tham quan cả
những hệ thống di tích lịch sử phản ánh tinh thần bất khuất, kiên cường: Thành
cổ Biên Hòa, chùa Cô Hồn, Địa đạo Nhơn Trạch, Căn cứ khu ủy miền Đông, Căn cứ
Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa, Căn cứ Rừng Sác, Địa điểm
thành lập chi bộ Đảng Bình Phước – Tân Triều và Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa, Nhà
hội Bình Trước, Địa điểm Chiến thắng La Ngà… Và cứ thế, tôi đắm chìm, say xưa
trong văn hóa Đồng Nai. Sự đa dạng độc đáo, đặc sắc và riêng biệt của vùng mới
phương Nam như “thỏi nam châm” cuốn hút lấy tôi.
Gia nhập ngôi
nhà chung là Hội VHNT Đồng Nai là một bước ngoặt “lịch sử” lớn lao và đáng kể nhất trong “sự nghiệp” bé
tẹo của tôi. Sinh ra trong một gia đình yêu nghệ thuật, suốt ấu thơ, và cả những
tháng ngày trưởng thành, tôi lớn lên trong tiếng đàn Mandoline của ông nội, tiếng
Tây Ban cầm và tiếng kèn Hacmonica của bố, cùng giọng đọc ấm áp, truyền cảm mà
cả nhà đợi mong vào thời khắc cuối ngày phát ra từ chiếc radio tí xíu chạy bằng
pin trong chương trình Đọc truyện đêm khuya. Có lẽ vì thế, mà “số phận”,
hoàn cảnh “xô đẩy”, đưa tôi đến công tác tại Hội VHNT, để tâm hồn tôi được tiếp
tục nuôi dưỡng bằng nghệ thuật. Mỗi ngày, được thưởng thức những tác phẩm thơ
ca, nhạc họa, tôi không đơn thuần chỉ là một người yêu nghệ thuật nữa. Tôi viết
văn, làm thơ, và cầm máy ảnh tự bao giờ!
Những ngày đầu về
Hội, tôi đảm nhận công việc của một chuyên viên phòng nghiệp vụ, phụ giúp Nghệ
sĩ Ưu tú Bích Ngọc tổ chức các trại sáng tác, các cuộc thi VHNT trên địa bàn tỉnh.
Theo chân những nhà văn, nhà thơ, những nhạc sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia đi tham
quan, thực tế sáng tác, tôi bị “lây” cái “máu văn nghệ” tự lúc nào. Từ một nhân
viên xuất nhập khẩu, một thông dịch viên mà vốn từ vựng hàng ngày chỉ xoay
quanh tờ khai hải quan, phương tiện vận tải, bảo hiểm trong ngoại thương, thủ tục
thanh toán quốc tế, bỗng nhiên tôi trở nên hoạt ngôn lạ, xuất khẩu thành… văn vần,
có đôi lúc thành thơ luôn, tuy không phải do mình nhất thời ứng phó kịp, nhưng
cũng là thơ, văn, ca từ của các nghệ sĩ có tiếng. Chặng đường thay đổi tích cực
trong ngôn ngữ giao tiếp của tôi không tính bằng năm, mà là bằng tháng, bằng tuần
lễ… Thế nên chẳng có gì là khó hiểu khi nửa năm sau, tôi được lãnh những đồng
nhuận bút đầu tiên trong cuộc đời từ bài ký về chuyến đi thăm ngôi trường hơn một
trăm năm tuổi của thành phố Biên Hòa - Trường Tiểu học Nguyễn Du. Hạnh phúc lắm,
phấn khởi lắm cái ngày công đầu tiên của… con Rùa ở lĩnh vực nghệ thuật. Tôi nhớ
mãi lời nhận xét của Nhà văn Trần Thu Hằng khi nhờ chị đọc và cho ý kiến góp ý,
bởi chưa tự tin ở chính bản thân mình: nhất định em sẽ có những bước tiến dài
trong văn chương. Nhà văn ơi, dù chỉ là những lời động viên thôi, nhưng em biết
ơn chị nhiều lắm lắm! Chị đã khích lệ em, đưa em ra khỏi “vỏ ốc” của chính
mình. Chưa được như mong đợi của chị, song em vẫn chập chững trên con đường đến
với thơ, văn, và giờ đây là cả những bức ảnh nghệ thuật…
Hội VHNT, mảnh đất
Đồng Nai “gian lao mà anh dũng” ngàn đời “thương người xa xứ” từ bao giờ thẫm đẫm
trong tôi, khiến tôi mến yêu đến từng tên người, tên đất. Trong tôi lại ngập
tràn một cảm giác gần gũi, ruột thịt với mảnh đất 15 năm qua mình gắn bó. Không
phải quê hương, nhưng với tôi, Biên Hòa là sứ xở, “chưa đi đã nhớ, chưa về đã
thương”. Không phải là mái ấm, nhưng Hội VHNT Đồng Nai là ngôi nhà thứ hai mà
tôi dù có đắm say vẻ đẹp xứ sở nào đi nữa, có sải cánh tung bay ở phương trời
nào đi chăng nữa, vẫn muốn trở về, để được vỗ về, bao bọc và yêu thương.
Huyền Quy