Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TÍN NGƯỠNG THỜ THẦN THÀNH HOÀNG Ở ĐỒNG NAI

 

Tục thờ thần Thành Hoàng (dân gian gọi là thần làng) hiện nay vẫn còn duy trì trong cộng đồng cư dân Việt ở Nam Bộ nói chung, ở Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng. Tục thờ này gắn với thiết chế tín ngưỡng dân gian – đình làng của cộng đồng. Nhiều công trình nghiên cứu đã nêu về tục thờ Thần Thành hoàng. Tác giả Huỳnh Quốc Thắng cho rằng “Đình là chỗ thờ thần Thành hoàng, nơi dân làng hội họp, nơi tổ chức sinh hoạt hội hè định kỳ thường xuyên. Có một giai đoạn, đình Nam bộ cũng là trụ sở hành chánh của chính quyền địa phương… Tính chất đa chức năng của đình làng Nam Bộ là một trong những nét cơ bản thể hiện sự phát triển truyền thống vốn có của ngôi đình Việt Nam mà người Việt trong quá trình khai hoang đã mang theo từ miền Ngoài vào”1. Như vậy, tác giả xác định là đình là để thờ Thần Thành hoàng là chính, trước hết đó là cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng dân cư tại chỗ. Sau này, đình được sử dụng trong quản lý của bộ máy chính quyền địa phương. Về nguồn gốc tục thờ thần Thành Hoàng, có lẽ tài liệu do tác giả Phan Kế Bính đề cập khá sớm. Đó là: “Xét về cái tục thờ Thần Hoàng này từ đới Tam Quốc trở về vẫn đã có, nhưhg ngày xưa nhân có việc cầu đảo gì mới thiết đàn cúng tế mà thôi. Đến đời Đường, Lý Đức Dụ làm tướng, mới bắt đầu lập miếu Thành Hoàng ở Thành đô, kế đến đời Tống, nhà Minh thiên hạ đâu đâu cũng lập miếu thờ. Nước ta thuở bấy giờ đang lúc nội thuộc, tục Tàu truyền sang đến bên này, kế đến Đinh, Lê thì việc thờ quỷ thần đã thịnh hành rồi. Nhưng cứ xét cái chủ ý lúc trước, thì mỗi phương có danh sơn, đại xuyên, triều đình lập miếu thờ thần sơn xuyên ấy để làm chủ tể cho việc ấm tí một phương mà thôi. Kế sau triều đình tính biểu nhưng bậc trung thần nghĩa sĩ và những người có công lao với nước, thì cũng lập cho dân xã ở gần đâu thờ đấy. Từ đó, dân gian dần dân bắt chươc nhau, chỗ nào cũng phải thờ một vị để làm chủ tể của làng mình. Làng nào có sẵn người anh hùng hào kiệt mất đi rồi thì thờ ngay người ấy, làng nào không có thì thì đi cầu lấy một vị thần linh khác rước về nhà thờ. Hoặc nơi thì nhân việc mộng mị, việc bói khoa, việc tá khẩu, tin vào một sự linh dị mà thờ. Hoặc nơi thì vì một sự ngẫu nhiên, cho là thiêng liêng mà xin duệ hiệu để thờ. Té ra, làng nào cũng có đền, xã nào cũng có miếu, đến cả những xã mới lập, trước hết cũng phải nghĩ ngay đến việc thờ thần. Tổng chi là dân ta tin rằng: đất có Thổ Công, sông có Hà Bá, cảnh thổ nào cũng có Thành Hoàng ấy, vậy phải thờ phụng để thần ủng hộ cho dân, vì thế mỗi ngày việc sự thần một thịnh”2. Nhà văn Sơn Nam – cũng là nhà nghiên cứu về Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam, cũng đã trích dẫn nguồn tư liệu này3. Tác giả Diệp Đình Hoa cho rằng, “Thành Hoàng là khái niệm Hán - Việt. Chế độ Thành Hoàng thuộc tín ngưỡng của người Trung Quốc. Người nông dân Việt Nam mượn cái tên nhưng nội dung hoàn toàn khác. Đó chỉ là lấy áo chữ nghĩa để trùm lên tín ngưỡng bản địa của mình”4. Lý giải từ ngữ cho rằng: “Thành” là thành lũy, “Hoàng” là hào lũy. Thần  Thành Hoàng là vị thần trông coi, bảo vệ thành lũy. Như vậy, “Tín ngưỡng thờ thành hoàng là sinh hoạt văn hóa thị dân, bao gồm kinh thành, tỉnh thành và quận, huyện thành”5. Từ báo Giác ngộ được trang thông tin điện tử hành trình tâm linh dẫn lại cho biết: “Danh hiệu Thành Hoàng xuất hiện vào năm 822, Thời Đường Mục Tông và vị Thành Hoàng đầu tiên ở nước ta là vị nhân thần tên là Tô Lịch. Thái thú nhà Đường khi ấy là Lý Nguyên Gia, thấy ngoài cửa Bắc thành Long Biên có một dòng nước chảy ngược mà địa thế khả quan, mới tìm và chọn một nơi cao ráo để dời phủ lỵ đến đó… Nhân dịp ấy, y giết trâu đặt rượu, mời khắp các vị kỳ lão hương thôn đến dùng và thuật rõ là muốn tâu vua Tàu xin phụng Vương (thần sông Tô Lịch) làm Thành Hoàng”6.

Một lý giải được phân tích khá đầy đủ nêu ra đây để góp phân hiểu thêm về tục thờ thần Thành Hoàng: Thành Hoàng làng có một vai trò mật thiết trong cấu trúc làng Việt. Các nước cung quanh ta (Việt Nam), rộng ra là cả thế giới, không nơi nào có tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng như ở nước ta, dẫu rằng danh hiệu Thành Hoàng vốn là sản phẩm của Trung Quốc được nhập vào nước ta sau khi đã cải biến hoàn toàn nội hàm và ý nghĩa của nó. Bên Trung Quốc khi thị dân và thương nhân tập trung sinh sống và làm ăn quanh các quan lại cai trị thì xuất hiện các bức thành, lúc đầu đắp đất, dần dần xây bằng gạch, bằng đá. Do nhu cầu đắp thành cao nên chung quanh thành, tất yếu xuất hiện các dãy hào cạn mà từ ngữ gọi là hoàng. Thành và hoàng là các điểm cư trú được bảo vệ chống người bên ngoài xâm nhập quấy rối. Thế là người ta thấy cần phải có các vị thần bảo hộ cho các điểm cư trú đó: dần dần xuất hiện các Thành Hoàng, và từ đó hình thành tín ngưỡng mang tính chất thành thị và thương nghiệp. Tín đồ ở đó không phải là nông dân, nông nô, mà là thương nhân, thợ thủ công, quan lại, thị dân nói chung, và mỗi ông Thành Hoàng được xây dựng một cái miếu để thờ (Trung Quốc vốn có đình, nhưng đình là trạm thông tin, giao thông liên lạc, là nơi họp để xử án….; các Thành hoàng chỉ được thờ ở miếu, không được có “mặt” ở các đình). Quanh các miếu thờ, định kỳ sóc vọng có các lễ miếu, các hội miếu, mà thực chất các “hội” này là “hội chợ”, như hội miếu ở thành Bắc Kinh cuối đời Thanh các ngày sóc vọng dài đến ba dặm, hàng hóa bày san sát đến tận thềm miếu. Trong các hội chợ, có rất nhiều trò diễn lấy tiền như tạp kỹ, mãi võ, hí kịch, cảnh tượng này không hề có trong hội làng Việt Nam. Như vậy là cái từ ngữ Thành Hoàng là mượn từ Trung Quốc nhưng ta gắn thêm cái âm tiết thứ ba thành ra “Thành Hoàng làng” nhưng về bản chất và nội dung, tín ngưỡng Thành Hoàng làng ở Việt Nam lại hoàn toàn khác…. Vị Thành Hoàng làng ở Việt Nam không phải vị thần làng bị Hoa hóa, cũng giống như văn hóa Việt Nam dẫu có tiếp thụ văn hóa Hán, vẫn không bị Hán hóa… Cho nên, có thể nói tín ngưỡng Thành Hoàng làng ở Việt Nam là sản phẩm của nhu cầu phát triển nhu cầu nội tại của xã hội Việt Nam. Đó là cách làm thích ứng của làng về mặt tín ngưỡng trong bước phát triển cao của nhà nước phong kiến Việt Nam, là một phương thức giải quyết thỏa đáng các mối quan hệ làng với nước, giữ gìn và phát triển các mối quan hệ đó trong điều kiện mới xây dựng nhà nước trung ương tập quyền. Rất rõ ràng, tín ngưỡng Thành Hoàng làng là hiện tượng độc đáo - tích hợp trong nó tất cả các yếu tố văn hóa, tín ngưỡng và chính trị - của riêng nông thôn Việt Nam, trước khi bị phương Tây đổ lính tráng, tôn giáo, hàng hóa vào tiến công và lân chiếm đất nước này”7.

Một  lý giải khá lý thú và cũng có cơ sở, cho rằng: “Thành Hoàng ghi bằng chữ Nho là 城隍. “Thành” là cái thành, chỉ một địa điểm tụ cư xưa. “Hoàng” theo nghĩa chữ Nho là cái ao cạn, hay cái hào nước cạn. Các tác giả thường cho rằng đây là cái hào bao quanh cái thành, và khi ghép chung lại thành một từ dùng để chỉ vị thần coi giữ, bảo trợ cho cái thành (Từ điển Hán Việt, Đào Duy Anh). Tuy nhiên, nếu xét sát nghĩa như trên thì ta thấy “hoàng” không phải là cái hào có nước bao quanh thành. Hơn nữa khi 2 từ này ghép lại là “thành hoàng” thì không có từ nào để chỉ người cả, nên không thể suy ra nghĩa là vị thần coi giữ thành. Chính xác hơn thì từ Hoàng vốn là một chữ Nôm được cấu tạo từ bộ phụ, chỉ một khu đất, và chữ hoàng , chỉ người đứng đầu. Khi ghép nghĩa của 2 bộ phận này (phép Hội ý) ta có chữ Hoàng mang nghĩa là người đứng đầu một khu vực đất đai, tương ứng với nghĩa là thần chủ của khu vực đó. Như thế ban đầu là tục thờ “Thần Hoàng”, chứ không phải “Thành Hoàng”, nên việc ghép nghĩa “hoàng” là cái hào bao quanh thành ở đây là không sát thực. Ban đầu “Thần Hoàng” hay “Hoàng” là từ để chỉ một vị thần chủ được thờ phụng. Sau này khi người ta lập thần cho một khu vực cư trú nhất định (thành) thì vị thần này mới mang tên gọi là “thành hoàng”. Cho tới nay, ở các tỉnh miền Nam, người ta vẫn gọi là “Bổn cảnh Thần Hoàng”, chứ không phải “thành hoàng” như ở miền Bắc. Người Việt không thờ cái hào bao quanh thành, không thờ những tà thần làm thành hoàng, không thờ giặc ngoại xâm trong đình làng. Thành Hoàng làng đều là những nhân vật lịch sử hoặc tôn giáo có công lúc sống, hiển linh lúc mất với nước với dân”8.

Chúng tôi muốn nêu ra những tư liệu trên để thấy sự đa dạng trong cách lý giải, nhìn nhận nguồn gốc của tục thờ thần Thành Hoàng. Dù bắt nguồn từ đâu trong những lý giải, có thể thấy rằng, tín ngưỡng thờ thần Thành Hoàng ở Nam Bộ nói chung, của cư dân ven sông Đồng Nai thuộc địa phận Biên Hòa này là tín ngưỡng dân gian của cộng đồng tại một địa bàn cư trú - đó là làng, thôn, ấp, xã, phường cụ thể - ở đây là thiết chế tín ngưỡng này mang tính cộng đồng gắn với sông Đồng Nai. Tín ngưỡng thờ thần Thành hoàng này được cộng đồng duy trì từ quê gốc trước khi đến sinh sống trên vùng đất mới. Nguồn gốc của các lớp di dân người Việt đến Biên Hòa - Đồng Nai sinh sống trước đây bắt nguồn từ xứ Ngũ Quảng - Trung Bộ Việt Nam. Tất nhiên, từ quê gốc đó, cư dân đã có tín ngưỡng thờ thần Thành Hoàng và khi đến khai khẩn,lập làng ở Đồng Nai, họ tiếp tục duy trì tín ngưỡng này.

Qua những thời đoạn lịch sử, nhiều yếu tố đã tác động, ảnh hưởng với những cấp độ khác nhau, đã tác động đến cộng đồng dân cư thờ thần Thành Hoàng ở địa bàn cư trú của người dân trên vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai: môi trường tự nhiên, cấu trúc xã hội, thể chế quản lý, sự du nhập của các tín ngưỡng, tôn giáo, xen cư nhiều thành phần tộc người, sự phát triển của khoa học kỹ thuật và nhiều yếu tố khác... Thế nhưng, tục thờ thần Thành Hoàng và thiết chế đình làng của tín ngưỡng dân gian này vẫn còn được duy trì phản ánh sức sống của tục thờ trong cộng đồng dân cư vùng đất Đồng Nai.

Phan Đình Dũng

 

 

Chú thích:

1.Huỳnh Quốc Thắng (2003), Lễ hội dân gian ở Nam Bộ, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

2. Phan Kế Bính (2012), Việt Nam phong tục, Nhà xuất bản Hồng Đức, trang 76 -77.

3. Sơn Nam (2012), Biên khảo Đình miếu & lễ hội dân gian miền Nam, Nhà xuất bản Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, trang 20 – 21.

4. Diệp Đình Hoa, Phan Đình Dũng (1998), Làng Bến Cá xưa & nay, Nhà xuất bản Đồng Nai, trang 248.

5. Trương Ngọc Tường và nhóm tác giả (1993), Đình Nam Bộ - Tín ngưỡng và nghi lễ, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh.

6. https://hanhtrinhtamlinh.com/nguon-goc-cua-tin-nguong-tho-thanh-hoang-lang (truy cập 28/5/2019)

7. Mai Thanh Hải (2005), Tìm hiểu tín ngưỡng truyền thống Viêt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, trang 185 – 188.

8. Bách Việt trùng cửu – nguồn https://bahviet18.com/2019/05/27/ban-ve-thanh-hoang-lang.

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​