Truyện ngắn của Hoàng Phước Nguyên
(Nguồn: VNĐN số
39 – tháng 09 & 10 năm 2020)
(Minh
họa: Lâm Văn Cảng)
Thằng Hải nhìn quanh bờ biển, cái đầu nó lắc
nguầy nguậy trông ngộ lắm. Chẳng là nghe tin mẹ nó đánh cá về, bữa đánh điện
nói hôm nay nhưng không rõ giờ nào nên từ lúc sáng tinh mơ, nó đã cắm rễ trên
bãi phụ bác Phi gỡ lưới đem cá đi bán, sẵn ngóng mẹ luôn. Ngó bác Phi thoăn thoắt
gỡ từng con một bỏ vào rổ, Hải ngỡ ngàng làm theo nhưng vẫn không bì kịp, nó
chán quá, chóng tay ra sau lưng thở dài.
“Khác nào ông cụ non không? Mẹ mày còn lâu
mới về, mày giúp bác gỡ thêm mấy con nữa rồi bác cho mày tiền ăn cà rem”.
Hải nghe tới cà rem liền sáng mắt, nó vội
quay lại với công việc hái ra tiền bằng niềm hân hoan chưa từng thấy. Khoảng nửa
tiếng thì mọi thứ xong xuôi, Hải ngửa lòng bàn tay ra, miệng mỉm mỉm, bác Phi
cười khổ, móc trong bóp ra tờ hai mươi nghìn đưa nó.
- Nay mày làm được, bác thưởng cho mày tờ
xanh. Mai mốt rảnh nhớ ra phụ tao nữa nha. Ôi giời ơi, giờ cái thân già này lại
vác cái rổ to đùng này ra chợ đây.
Hải nhận tiền, nó mang lưới đi cất giùm
bác Phi coi như lời cảm ơn, xong tí ta tí tởn chạy ra ngoài sạp tạp hóa cô Hằng
mua hộp kem mười nghìn, còn mười nghìn nó mua cái cài tóc nhỏ hình con bướm bỏ
vào túi áo, dặn lòng khi nào mẹ về sẽ tự tay tặng mẹ, chắc mẹ sẽ vui mừng lắm
đây. Cô Hằng thấy thế làm lạ, chọc Hải:
- Ôi, mới còn nhỏ thế này mà đã mua cài
tóc cho gái, con nhà ai mà lọt vào mắt xanh của nhóc thế?
Hải nhe hàm răng sâu của mình ra cười, nó
đáp bằng giọng hớn hở:
- Dạ, con mua tặng mẹ á!
Cô Hằng nghe thế liền chẳng chọc Hải nữa,
cô thối lại cho nó mười nghìn: “Nhóc mở hàng nên cô giảm cho nhóc, nhóc lấy tiền
mua bánh mì ăn đi”. Hải bâng quơ với cô Hằng vài câu rồi đi, cô ngồi xuống cái
võng mắc trước sạp, lòng nặng nhiều suy nghĩ. Xưa thằng Hải nè, mẹ nó trót dại
tin vào mấy lời ong bướm của ông Giang xóm bên nên dính bầu, khổ nỗi gặp trúng
ông Sở Khanh, ổng nghe tới bầu bí thì sợ tái mặt nên ba chân bốn cẳng chạy đi
biền biệt mà không đoái hoài gì tới hai mẹ con. Con không cha đã khổ, đã vậy vợ
chửa không chồng càng khổ hơn, bị cả xóm dòm ngó mắng mỏ đến nỗi phải bỏ xứ mà
đi, lúc sinh chỉ có bà ngoại và mình bên cạnh đỡ đẻ, lại còn trong cái chòi
xiêu vẹo gặp gió là bay. May sao trời cho gặp chú Lóc nhiệt tình chỉ nghề chài
mà mẹ nó có công việc đàng hoàng, chẳng những Hải sinh ra được no đủ mà còn tậu
được căn nhà nhỏ sâu trong xóm sau sáu năm. Cô nghĩ đến đó mà thấy vui lây, đoạn
lấy áo lau vài vệt nước mắt trên má.
Hải cầm ổ bánh mì dạo quanh bờ phi lao trải
dài hun hút, nó ngước lên trời xanh rồi ngoảnh về phía biển, tự hỏi sao trời rất
cao mà lại sà xuống lòng biển thấp trũng như vậy được? Người ta nói đường mà cắt
ngang hai thứ đó là đường chân trời, là nơi khi ai đó chết đi sẽ đi bộ trên đường
này về với thần Trời và thần Biển. Bà ngoại từng nói rằng ba Hải đã đi trên con
đường đó, nhưng tiếc là ông đã rơi xuống đáy vực thẳm khi đi được nửa đoạn, nửa
đoạn còn lại chỉ dành cho người tốt, như cô Hằng, bác Phi, chú Lóc, người dân
chài ở xóm này. Hải tin mình sẽ không như ba, sẽ đến được nơi hai vị thần trú
ngụ và mẹ Hải cũng vậy…
Trời nắng như đổ lửa, Hải đành ngậm ngùi
không chờ mẹ nữa mà về nhà, bởi đã có lần đi giang nắng nguyên ngày, nó bị say
đến độ khiến cho bà ngoại và mẹ nó tưởng như nó sắp ra đi đến nơi, làm hai người
chạy đôn chạy đáo khắp nơi để mua thuốc, chỉ lần đó thôi mà tởn đến già. Hải đứng
khựng trước cổng nhà, nhìn qua một lượt không thấy ngoại đâu, giờ này bà đã đem
cá ra phơi rồi nhưng sân vẫn trống hơ trống hoắc, lại còn bất ngờ hơn khi từ
đâu trước sân có chiếc xe hơi tỏa nồng mùi xăng đậu bấp bênh cạnh giàn phơi cá.
- Có phải là
con không? Hải ơi, ba con về đón con nè, Hải ơi! - Một người đàn ông lạ mặt chạy
ra ôm choàng lấy Hải khiến Hải không thở được.
- Này, đã nói
nó không phải con chú mà chú cứ làm gì thế? Phiền chú về cho và đừng quấy rầy
chúng tôi nữa. - Bà ngoại chạy tới nắm tay Hải giật về phía mình, ánh mắt bà
nhìn người đàn ông lạ như súng bắn, chỉ trực chờ bóp còi thôi là có thể giết
người ngay.
- Thưa dì,
con đã nói nó là con của con, và con có quyền được nuôi nó!". Người đàn
ông cau có đáp lại.
- Nếu cậu
không về, tôi sẽ la lên cho làng xóm biết có đứa bắt cóc ở đây đấy. - Bà gằn giọng.
- Thôi được,
con sẽ về, mai con lại đến đây với luật sư của mình, để họ nói cho mọi người hiểu
tại sao Hải phải được con nuôi dạy tử tế, chứ không phải trong cái nhà tồi tàn
này.
Người đàn ông
tức tối bước lên xe, ra lệnh cho tài xế khởi động máy rồi đi mất hút. Bà ngoại
Hải nhìn chăm chằm về phía xe ô tô, hai môi mím lại khóc không thành tiếng.
"Hải
nghe ngoại nói, dù có thế nào vẫn không nhận người ấy là ba con, được chứ? Nếu
con không nghe lời ngoại, ngoại sẽ giận con cho đến khi chết.".
Hải nín lặng,
nó vẫn không biết có chuyện gì xảy ra với mình. Nó ngơ ngác nhìn ngoại mình,
lúc này đã khóc nức nở, rồi bỗng nhiên lòng nó nhói lên như bị ai dùng dao cứa
vô từng mớ thịt, nó chẳng hiểu, cũng sẽ không bao giờ hiểu những nỗi lòng của
người lớn, song nhìn người yêu thương nó khóc, nó cũng khóc theo từng nỗi niềm
của bà, bây giờ nó mới biết từng giọt nước mắt mới đắng cay, mặn chát làm
sao.
Mẹ Hải bước
ra từ hàng phi lao trước cổng, mắt chị đỏ hoe. Chị bế Hải lên, hôn vào má nó, mếu
máo: "Mẹ đã về rồi…"
Tối hôm đó Hải
ngủ với mẹ, hai người ôm nhau như sam, chỉ sợ ai trong hai người thó thé một
chút là xa nhau ngay. Nằm trên cái phản cũ kĩ, chị trách mình, trách sao lại trao
thân dễ dàng cho gã đàn ông bội tình bội nghĩa kia, trách sao cái phận mình đàn
bà nó khổ quá, bị đàm tếu, bị lên án, bị cáo buộc cùng với hàng ngàn hàng vạn lời
thoá mạ không thể tin được phát ra từ miệng của thiên hạ, trong khi gã rời bỏ
mình thì chẳng chịu bất cứ thiệt thòi gì. Chị nằm mãi vẫn tỉnh táo, mắt cứ nhìn
con mình mà dằn vặt không nguôi.
Rồi chị đứng
dậy, nhẹ nhàng cầm tay của Hải đặt xuống gối mình, chị rón rén ra ngoài hiên ngắm
cảnh khuya. Mẹ chị ngồi trước giàn cá, bà không ngủ được, tuổi đã quá sáu mươi
rồi, già rồi sức đâu mà ngủ nữa, chỉ muốn dùng cái quãng khuya này mà đắp chăn
cho cháu, hôn lên trán nó mà thủ thỉ "lớn mau bà nhờ" là khỏi mệt rồi,
lấy sức còn lại mà ra chợ rao bán cá khô rẻ bèo. Chị đến cạnh mẹ, ôm bà rồi
khóc nức nở, bấy lâu nay chị nợ bà lời cảm ơn và lời xin lỗi chân thành, cảm ơn
vì luôn yêu thương con cháu bằng tấm lòng của thần Biển, xin lỗi vì bấy lâu nay
mưu sinh trên biển có lúc đã suýt quên đi sự tồn tại của mẹ và con mình. Lâu rồi
làm một đứa trẻ cũng tốt, được nũng nịu, được mẹ búi lại tóc như thời còn tấm
bé.
- Người đàn
ông đó, bây giờ giàu lắm, thằng Hải được nó nuôi, sẽ được giáo dục tốt hơn bao
đứa trẻ ở đây…- Bà mẹ già xoa đầu đứa con gái, nhổ từng cọng tóc bạc cho nó mà
xót đầu mình đã bạc phơ.
- Thắng đã từng
bỏ con, nếu cho hắn nuôi Hải thì không biết mai sau nó sẽ trở thành người như
thế nào!
Chị nghẹn
ngào, im bặt. Tiếng gió thổi mạnh làm gãy cành phi lao ngoài ngõ.
- Số thằng Hải
nó khổ, khổ vì hai mẹ con mình. Giờ ba Hải giàu xụ, có ý muốn đón nó về nuôi nấng,
nghe đâu đó là ý muốn từ người vợ hiện tại của hắn, hiếm muộn không sinh được
con. Nên con an tâm không sợ tị nạnh giữa con trước và con sau.
- Nhưng… Con
không nỡ…
- Chắc tính
tình người ta tốt nên mới như thế, đâu phải người phụ nữ nào cũng chấp nhận chồng
mình có con với người ta, rồi đem con người ta về nuôi đâu chứ.
- Nhờ vợ mới
đón con mình về, nếu không thì tới bao giờ Thắng mới chịu nhìn nhận thằng Hải
là con ảnh?
Không ai nói
thêm câu nào sau lời của chị, hai mẹ con thở dài, một làn hơi mong manh, mờ đục
thoát ra.
Ngẫm ra mẹ
nói cũng phải, con trước sau gì cũng khổ theo mình, cũng bôn ba khắp biển kéo từng
mớ lưới đến rách cả da tay. Thân chị con gái, không biết làm sao cho phải, nghề nặng nhọc thì đa số cần
đàn ông, nghề học thức thì nhận cả đàn ông lẫn đàn bà, làm nặng thì cần sức
trâu sức ngựa, làm nhẹ thì cần chữ nghĩa đầy đủ, cả hai chị điều không có, chỉ
biết làm theo người ta, ai chỉ gì thì làm đó, như anh Lóc chỉ chị kéo lưới, chị
gắng sức mà kéo, chứ không thì tiền đâu mà nuôi con nuôi mẹ? Cái guồng quay
cơm, áo, gạo, tiền thật đáng sợ, mất một cái thì thiếu thốn cả thể chất lẫn
tinh thần. Bây giờ nhìn con chị, bảy tuổi rồi vẫn chưa vào lớp một, thiếu đi
cái học thức, khi sinh bị non, thường hay bệnh tật hành hạ, thiếu đi cái sức. Nếu
một mai người mẹ hay người bà này mất, thì nó sống bằng cái gì bây giờ? Một
tháng có ba mươi ngày, chị ở ngoài biển gần hết hăm lăm, hăm tám ngày, chưa kể
đến nếu có bão lớn, chị sẽ ngủ yên dưới lòng biển mà để lại đứa con thơ cho trời
đất nuôi nấng, mẹ nào mà không xót con?.
Lại nói đến
Thắng, cả xóm truyền tai nhau cái khu nghỉ dưỡng mới mở gần đây là do hắn làm
chủ. Trong một lần cử người đi chụp quảng cáo, trời xui khiến sao lọt vào khung
hình, con trai thì giống bố như đúc, bảo sao không ngờ ngợ nên cho người đi tìm
tung tích mới biết được người cũ đang ở đây. Chị nghe mẹ phong phanh đôi điều
như thế khi Thắng đến đây hôm qua, vừa mừng vừa lo. Chị mừng vì người kia vẫn sống
tốt, không lắt lẻo như chị hiện tại, trách thì trách vậy thôi chứ tình cũ vẫn
chưa tàn hết, nó vẫn còn âm ỉ trong tim cho đến bây giờ. Chị lo Thắng sẽ đến
đòi lại con, chắc chắn phía tòa sẽ hướng về hắn vì có gia cảnh hơn chị gấp ngàn
lần, đủ đầy điều kiện để nuôi con. Mình làm sáu năm mới có một căn nhà nhỏ xiêu
xiêu vẹo vẹo, trong khi vẫn thời gian đó mà người ta đã thành lập biết bao
nhiêu khu nghỉ mát, nếu Hải được về với bố, nó sẽ được ăn học đàng hoàng, có
thuốc men đầy đủ, với tính ham làm và thông minh sẵn có của nó, chắc chắn sau
này sẽ trở thành ông lớn nào đó.
Đêm hôm ấy, bầu
trời nhiều sao hơn mọi ngày, đường chân trời tựa như được nới rộng ra, trực chờ
đôi cánh yến dang rộng mà khám phá.
Hôm sau, ba Hải
đến sớm đón con với vài người làm bên luật, có vẻ như ông rất quyết tâm đòi con
cho bằng được. Không đợi người ra mở cửa, ông xông vào trong nhà rất hùng hổ,
trước mắt ông là thằng Hải, bà ngoại, mẹ nó đang ngồi thảnh thơi trên phản. Ông
ngạc nhiên kéo đoàn người vào nhà,
nhưng bà ngoại Hải đứng dậy chạy ra ngoài cửa chặn họ, bà nói: "Nhà tôi đã
quyết định kỹ càng rồi, thằng Hải sẽ cho cậu nuôi nấng, chỉ mong sau này nó
thành người biết báo đáp công
ơn nuôi dưỡng”. Ba Hải đắc
chí, nghĩ thầm chắc bên đây sợ đoàn luật sư nên mới dám để mình nuôi.
- Đi đi con,
mẹ sẽ ra theo, chạy qua với ba con đi.
- Nhưng ba
con đã chết rồi mà…
- Không đâu
con, người đàn ông đó chính là ba con đấy.
- Cô đừng lo,
con chúng ta hãy để tôi đây nuôi nấng. Bây giờ thì lên xe cùng về với ba nào
con. - Ba Hải bế nó lên tay, mắt ông rưng rưng.
Cuộc nhận con
ngắn ngủi được chứng kiến bởi bao chòm xóm, ai ai cũng lau nước mắt cảm động,
người trách sao chị sao dại thế, có thằng chồng này mà bỏ đi biệt xứ, người chê
hai bà ở nhà này có phúc mà không biết hưởng, toàn muốn rước cái khổ cực về
thân. Tất cả đều nói, trừ ông Phi, cô Hằng, chú Lóc là nước mắt lưng chừng khi
nhìn thằng cu khóc lóc đòi mẹ lên xe cùng.
Hai mươi mấy
năm sau, trên ti vi đăng có cơn bão quét qua vùng biển nọ làm chết người ngoài
khơi. Không hiểu sao có ai đó chăm chăm nhìn cái kẹp bướm khi xưa mà cảm thấy
nhói lòng, nó trách người phụ nữ nào đó đã bỏ rơi nó từ khi nó còn nhỏ, rồi nó
bỗng hắt xì một cái, than "Canada bây giờ lạnh quá".
Đường chân trời
nửa bên kia đã có hai người đã đi hết…