Hoàng Thị Quỳnh Trang
(Nguồn: VNĐN số 40 – tháng 11 & 12 năm 2020)
Hằng năm, cứ đến
tháng 3 âm lịch là anh Tuấn hoặc chị Lam sẽ đưa bố về quê ăn giỗ bà nội. Bố đã
ngoài 60, cả ngày chỉ quẩn quanh lên xuống ngôi nhà mặt tiền 4 tầng lầu giữa
Sài Gòn của anh Tuấn. Dường như chục năm nay niềm mong đợi duy nhất của bố là
những ngày đầu tháng 3 được về quê Hải Dương. Vùng đất bố mẹ đã rời xa hơn 20
năm rồi. Ngày ấy Hạnh mới cao tới bụng mẹ, nhèo nhẽo đòi mẹ mua đồ chơi trên
chuyến tàu Bắc Nam. Hạnh xa quê từ sớm, nên quê là một thứ rất mờ nhạt trong kí
ức của cô.
Nhưng năm nay bố
yếu quá. Cuối tháng 2 phải nhập viện. Ngày ba anh chị em Tuấn, Lam, Hạnh cùng
vào viện chăm bố, anh Tuấn điện về quê cho bác cả. Anh kể bố cháu nằm viện yếu
quá, e là năm nay không về giỗ bà nội được. Mong các bác thông cảm. Bố nằm trên
giường, nghe những lời ấy lặng đi không nói, nước mắt rơm rớm. Chị Lam động
viên bố ráng mau khỏe lại, rồi chị sẽ đưa bố về quê chơi. Dù thế, lỡ mất một
năm không về quê với bố là một điều rất đau lòng.
Bỗng dưng Hạnh
lên tiếng, thôi để em về thay.
Cả nhà nhìn nhau
bất ngờ, từ hồi bà mất chưa một lần cô Hạnh về. Năm thì cô bận việc học, năm
thì cô đang lo xin việc hay đi công tác nước ngoài. Có năm cô chẳng vướng bận
gì thì lại viện cớ bao năm em chưa về, lớ ngớ chẳng biết chào hỏi xưng hô với họ
hàng thế nào. Về quê, không nhắc nhiều người còn không biết con út nhà này còn
có cô Hạnh. Kể cũng lạ, một người thích đi như cô út lại tuyệt nhiên không
thích về quê. Anh Tuấn ậm ừ, thì tùy cô đấy!
Trước lúc nên
máy bay Hạnh vẫn còn rất do dự có nên về hay không? Chuyến bay từ Nam ra Bắc chẳng
dài bằng con đường từ sân bay về làng, bởi trong lòng cô một khúc mắc chưa từng
tâm sự với ai. Hạnh cố mường tượng lại gương mặt những người họ hàng, vài người
từng vào Sài Gòn có qua nhà cô chơi. Hạnh nhớ lại cả những kỷ niệm mờ nhạt về
những con đường ngoằn ngoèo, những ngôi nhà xập xệ, cánh đồng lúa mêng mông… Mọi
thứ hiện lên trong tâm trí cô hỗn độn. Xe taxi ngang qua nhà cũ. Nói là nhà cũ
nhưng giờ chẳng còn lại vết tích gì nữa rồi.
Trên mảnh đất ấy
ngày trước là ngôi nhà gạch con con của gia đình Hạnh, bên cạnh là cái bể nước
mưa, cái giếng khoan, rồi tới cái bếp rơm, trước nhà còn có một mảnh vườn nhỏ để
Hạnh trồng bất cứ cây gì mình thích. Nhưng bây giờ trước mắt Hạnh là một ngôi
nhà 3 tầng khang trang xây kín đất. Ngày rời quê vào Nam, bố mẹ Hạnh bán lại
nhà cho vợ chồng anh Dũng con bác cả. Chuyện đấy cả làng đều biết, bàn tán suốt
cả tháng trời. Nhưng có ai biết rằng, ngày anh Dũng chuyển đồ đạc vào, ngày ấy
Hạnh ngồi trong góc bếp, nước mắt giàn giụa, nấc nghẹn lên từng hồi. Hạnh chỉ
nghĩ, sau này nhất định học giỏi, đi làm kiếm thật nhiều tiền để mua lại căn
nhà này.
Nhưng dự định ấy
chẳng bao giờ thực hiện được nữa. Vài năm sau làng có phong trào đi xuất khẩu
lao động. Ai đi về cũng xây nên một cái nhà to vật vưỡng như một tòa bê tông. Mảnh
vườn con con ngày xưa giờ cũng thành một gian nhà, đất như chẳng có chỗ thở,
nhìn chỉ thấy ngợp. Chẳng khác gì căn nhà lầu của anh Tuấn. Ngôi nhà cũ không
còn, mảnh đất bỗng dưng cũng trở nên xa lạ.
Lần về quê gần
đây nhất cũng đã hơn chục năm, lúc bà nội ốm nặng sắp mất. Mẹ dẫn Hạnh qua nhà
cũ thăm lại. Mẹ vẫn bảo, đợi chừng nào trong Nam nhà mình có nhà có cửa, bố mẹ
muốn đón bà nội vào chơi. Mẹ cầu mong cho bà nội khỏe thêm vài năm nữa. Nhưng rồi
tới mẹ cũng chẳng đợi được ngày ấy. Câu nói ấy của mẹ xoáy vào lòng Hạnh. Mẹ
chưa được sung sướng ngày nào thì đã vội đi. Bố từ ngày ấy cũng không còn vui vẻ
nữa. Căn nhà to lớn tới mấy lại càng thêm lạnh lẽo.
Xe đi chậm lại
tránh một bà già xách cái làn đi chợ mới về. Bà gà lưng còng queo, gầy gò nhưng
bước chân cứ nhanh thoăn thoắt, ngồi trong xe kín cửa còn nghe rõ cái giọng
lanh lảnh của bà nói chuyện với ai dưới ruộng. Hình ảnh ấy khiến Hạnh chợt
nghĩ, nếu như ngày ấy cả nhà vẫn sống ở quê, đói khổ đùm bọc như bao nhà trong
làng khác thì có khi nào giờ mẹ vẫn khỏe mạnh không?
Xe ngang qua chợ.
Hạnh thấy nhớ mùi bánh cuốn hành phi trong cái sạp quà sáng con con của mẹ.
Ngày ấy mẹ bảo, mẹ sẽ làm bánh cuốn cho Hạnh ăn suốt đời, cả khi Hạnh lấy chồng
có con rồi nữa. Lần nào mẹ cũng hứa sẽ ở với Hạnh lâu thật lâu, nhưng rồi mẹ lại
ra đi đột ngột, còn chẳng kịp đợi tháng lương đầu tiên đi làm của Hạnh. Hạnh
còn muốn một lần đưa bố mẹ đi ngắm nhìn thế giới rộng lớn này, muốn bố mẹ có một
tuổi già thật an nhiên, hạnh phúc. Đến lúc Hạnh có thể làm được những điều ấy
thì mẹ đã không còn nữa rồi.
Vì những ký ức ấy
mà bấy lâu Hạnh rất sợ về quê. Tuổi thơ ngắn ngủi mờ nhạt nhưng đi qua từng con
đường, từng cánh đồng đâu đâu cũng là hình ảnh mẹ. Người mẹ tần tảo sớm hôm với
đồng ruộng, với những buổi chợ sớm chợ chiều. Mẹ Hạnh một đời sống đau đáu vì
nhớ bà nhớ quê. Còn Hạnh thì lúc nào cũng nhớ mẹ. Cảm giác về lại quê hương
không còn mẹ, Hạnh không hiểu sao bố có thể chịu được. Quê hương vắng bóng mẹ
hiền, giống như một căn nhà không có người ở, đó là một cảm giác không dễ chịu
gì cả. Lồng ngực Hạnh thấy nhói đau, nước mắt đã ướt mi từ bao giờ. Thật sự mỗi
người có cách vượt qua nỗi đau thật khác nhau. Hạnh lúc nào cũng chỉ biết né
tránh. Còn bố thì chọn đối mặt.
Trong ba anh chị
em, Hạnh là đứa rong ruổi nhiều nhất. Cô đi khắp Nam Bắc, ra nước ngoài làm việc
du lịch nhưng lại chẳng muốn gắn bó với mảnh đất nào cả. Trong lòng Hạnh chẳng
nơi nào thực sự là quê. Chỉ nơi nào có hình bóng mẹ, nơi ấy bỗng ấm áp lên.
Chuyến về quê chẳng dễ dàng gì với Hạnh, từng ngày từng ngày, cô gom nhặt những
ký ức về mẹ để rồi nhói đau trong lòng. “Giá như bà khỏe thêm vài năm, lúc ấy
nhà mình có nhà có cửa, bố mẹ đón bà vào Nam chơi.” Câu nói của mẹ cứ văng vẳng
bên tai Hạnh suốt đường đi. Cô mường tượng bữa cơm đoàn tụ ấy phải hạnh phúc chừng
nào! Nhưng không thể.
Con đường về quê
cứ thế mà dài thêm mãi, trong lòng Hạnh…
H.T.Q.T