Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
KHOẢNH KHẮC… LÝ VĂN SÂM

Bùi Kim Chi

(Nguồn: VNĐN số 36 – tháng 03 & 04 năm 2020)



Ly Van Sam.jpg 
 
     Tôi biết nhà văn Lý Văn Sâm qua tác phẩm Kòn Trô. Một truyện ngắn đường rừng hay, độc đáo, đặc trưng Nam bộ với lối kể chuyện giản dị, duyên dáng, hấp dẫn và thế là Kòn Trô đã lôi cuốn tôi đi tìm tác giả. Năm ấy tôi 26 tuổi. Một giáo viên dạy văn nhà ở gần Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai. 
     Tôi đã gặp ông. Xúc động. Kín đáo. Chỉ đứng nhìn. Không tiếp cận. Đó là một người đàn ông nhỏ nhắn, gầy, gương mặt có phần khắc khổ. Thoáng nhìn thấy nghiêm nghị nhưng sau đó thì bộc lộ sự hiền lành, đằm thắm, chân chất của người Nam bộ. Những ngày tiếp theo và sau đó nữa Kòn Trô đã dẫn dắt tôi say sưa đến với văn chương của Lý Văn Sâm qua những trang viết về vùng đất và con người Đồng Nai. Đây là một vùng đất mang sắc thái văn học đặc biệt của nền văn học Việt Nam mà Đồng Nai là nơi đã sản sinh nhiều nhà văn, nhà thơ tài hoa. Đúng như nhà thơ Phạm Sỹ Sáu khẳng định, nhà văn Lý Văn Sâm sinh ra trên vùng đất địa linh nhân kiệt. Chỉ một khúc sông Đồng Nai thôi mà đã sinh ra 4 bậc văn nhân lẫy lừng và hào sảng. Một “thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ chọc nước khuấy trời miền Đông một thuở; một nhà văn kể chuyện đường rừng Lý Văn Sâm; một cây viết cần cù, một nhà quay phim đầy trách nhiệm Hoàng Văn Bổn; và một nhà văn với những tác phẩm còn mãi với thời gian Bình Nguyên Lộc.

Sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai, Lý Văn Sâm có đủ điều kiện để  hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hóa và đời sống của người Đồng Nai; từ đó ông đã có những trang viết xuất sắc đậm tình quê hương. Đồng Nai chính là không gian nghệ thuật đã giúp ông có chỗ đứng vững chắc trên văn đàn với những sáng tác văn học có giá trị tiêu biểu, mở đầu cho nền văn học miền Nam. Kòn Trô là truyện ngắn đầu tay  rất nổi tiếng của Lý văn Sâm. Một chi tiết khá thú vị  làm cho cô giáo dạy văn trẻ đã xôn xao vẽ trong hồn mình những cảnh trời nước nên thơ, lãng mạn để làm tăng thêm màu sắc cho cuộc tình thơ mộng của Lý Văn Sâm và người tình trong tưởng tượng của ông; đó là, theo tâm sự của ông với bạn văn, Kòn Trô là truyện ngắn ông tâm đắc nhất ra đời trong hoàn cảnh lúc ông đang làm việc ở lò than do gia đình tạo dựng. Kòn Trô chính là mình và Thể Phụng là một cô gái xinh đẹp, trên đường đi ngắm cảnh thác Trị An thì xe ô tô bị hư. Cô gái đã nhờ ông tìm người sửa chữa, nghỉ nhờ và ăn cơm tại nhà ông. Từ đó nhà văn tưởng tượng, hư cấu và viết thành truyện. Hai nhân vật Thể Phụng và Kòn Trô một thời cũng đã hấp dẫn trí tưởng tượng trong tôi về cảnh núi rừng thâm u, ma mị của Đồng Nai, những mảng mây trời bàng bạc màu khói hương ôm ấp một tình yêu lãng mạn rất dễ thương…

Qua tìm hiểu, tôi được biết ngày ấy xóm Cây Chàm gần nhà tôi ở hiện nay có nhà văn Lương Văn Lựu, một trong những cây bút trẻ đã cùng Lý Văn Sâm, Huỳnh Sanh và một vài người nữa hình thành Văn đàn Sông Phố. Mục đích của nhóm là bán những cuốn sách có nội dung tốt, tổ chức giao lưu với bạn đọc, kêu gọi các bạn trẻ đến với văn học. Chính từ văn đàn này, Lý văn Sâm bắt đầu sáng tác. Tác phẩm được đăng báo đầu tiên của ông là Cây Nhị sông Phố, trên tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy. (Truyện ban đầu có tên là Cây đàn sông Phố nhưng nhà văn Vũ Bằng khi biên tập đã chỉnh lại là Cây Nhị Sông Phố). Sau truyện ngắn này Lý Văn Sâm trở thành cây bút quen thuộc của Tiểu thuyết thứ Bảy ở Hà Nội, Sài Gòn và một số báo khác… Nhà văn Lý Văn Sâm sáng tác khá sớm (khoảng năm 1936 – 1939) với nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn (42 truyện), truyện vừa (17 truyện), tuồng cải lương (1 tuồng), kịch (11 vở). Về thể loại Ký, Nhà xuất bản Tổng hợp Đồng Nai đã tuyển in trong các tập Bến Xuân (1980), Những bức chân dung (1983), Ngàn sau sông Dịch (1988). Tạp văn (20 bài). Thơ (hiện còn 3 bài)…

Văn chương của Lý Văn Sâm ngày ấy đã dẫn dắt tôi, lôi cuốn tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và tôi đã lặng người “ngưỡng mộ” ông. Ông là một nhà văn có cá tính độc đáo, sáng tạo, tinh tường trong cách miêu tả và xây dựng nhân vật. Với tôi, Lý Văn Sâm là một nhà văn tài hoa của đất Đồng Nai. Văn chương Lý Văn Sâm một thời đã gieo vào lòng độc giả ý thức trách nhiệm của một công dân và thực hiện một lẽ sống thể hiện tình yêu quê hương đất nước của mình. Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2006. Có một chi tiết đã làm cho tôi lắng lòng nể phục ông đó là đức tính khiêm tốn. Nhà văn Bùi Quang Tú, con trai của nhà văn Bùi Hiển chia sẻ: “Ông già rất khiêm tốn. Khiêm tốn tới mức không nhận mình là nhà văn. Cuối đời, trong tấm danh thiếp ông chỉ ghi: Lý Văn Sâm. Đảng viên. Hưu trí”.

Đồng Nai là quê hương thứ hai của tôi sau Huế. Với không gian hiền hòa, con người chân chất, hiền lành, tâm hồn đậm chất nghệ sĩ, Đồng Nai đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tôi. Tôi ngưỡng mộ nhà văn Lý Văn Sâm. Rất nhớ những ngày tháng đầu tôi lạ lẫm đến với Đồng Nai và nhân vật Kòn Trô là người đã mang tôi đến gần với văn chương Đồng Nai trong tâm hồn “hoa mộng” của một cô gái trẻ xứ Huế.

Ngậm ngùi. Xin tưởng nhớ đến con người tài hoa Lý Văn Sâm của đất Đồng Nai.

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Save Conflict. Your changes conflict with those made concurrently by another user. If you want your changes to be applied, click Back in your Web browser, refresh the page, and resubmit your changes.Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​