Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
Một sự đồng cảm về văn hóa

 


Bài nghiên cứu của Trần Quang Toại

(Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 42)


Có thể nói trên thế giới, hiếm có vị võ tướng nào lại được tôn thờ và ảnh hưởng đến tín ngưỡng dân gian lớn như Quan Công. Nơi nào có người Hoa cư trú thì nơi đó có miếu thờ Quan Công với thần vị Quan Thánh Đế Quân.

Ở Trung Quốc nếu Khổng Tử 孔子được tôn thờ như một vĩ nhân trong văn hóa thì Quan Vũ , 160 - 219 hay Quan Công được tôn thờ như một vị thần đa dạng trong dân gian. Quan Vũ không những được các vua chúa phong thánh đế vương mà còn được Phật giáo, Lão giáo và Khổng giáo tôn sùng ngưỡng mộ. Dân chúng theo đó tôn thờ Quan Vũ ở khắp nơi trong và ngoài nước. Tại miếu Quan Đế ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc có một câu đối về ông – “Hán phong Hầu, Tống phong Vương, Thanh phong Đại đế. Nho xưng Thánh, Thích xưng Phật, Đạo xưng Thiên tôn”.

Bên cạnh việc được liệt đại Hoàng đế Trung Quốc truy phong, trong toàn bộ chiều dài lịch sử văn hóa và tôn giáo nước này, Quan Vân Trường là nhân vật duy nhất được cả Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo phong làm thần linh.

1. Người Hoa ở Biên Hòa:

Năm 1679, Cù lao Phố Biên Hòa là một trong những địa điểm được chúa Nguyễn Phúc Tần cho phép 3000 binh lính, gia đình người Hoa thuộc nhóm “phản Thanh phục Minh” do Tổng binh Cao, Lôi, Liêm là Trần Thượng Xuyên (tức Trần Thắng Tài) lãnh đạo vào định cư xây dựng cuộc sống mới.

Cù lao Phố là một bãi phù sa nằm ở giữa sông Đồng Nai, có hệ thống sông bao quanh, giao thông thuận tiện với đường thuỷ từ Bắc xuống Nam, lên Cao Miên và xuống Tây Nam bộ.


ANH CHUA ONG 4.jpg
Toàn cảnh chùa Ông (Th
ất phủ cổ miếu) bên dòng sông Đồng Nai (nguồn ảnh​: internet)



Các điều kiện tự nhiên ở đây giúp cho nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp sớm hình thành và phát triển. Trần Thượng Xuyên cùng với những hào phú, quý tộc đi theo ông “Chiêu nạp người buôn nước Tàu, xây dựng đường phố, lầu quá đôi tầng rực rỡ bên bờ sông, liên lạc năm dặm và phân hoạch ra ba nhai lộ, nhai lớn giữa phố lát đá trắng, nhai ngang lát đá ong, nhai nhỏ lát đá xanh, đường rộng bằng phẳng”. Đây là bước chuẩn bị cơ sở kinh doanh của nhóm người Hoa ở Cù lao Phố, mở ra cho thương nghiệp phát triển.

Nhóm người Hoa theo Trần Thượng Xuyên định cư ở Bàn Lân và sau đó, tiếp tục nhiều nhóm người Hoa và các nước khác là những thương buôn chuyên nghiệp có vốn to và giàu kinh nghiệm. Hơn nữa, kiểu buôn bán ở Cù lao Phố là dạng xuất nhập khẩu, có nhiều kho hàng dự trữ hàng hoá nhập vào và dự trữ hàng hoá thu mua, với nhiều chân rết. Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí (viết khoảng 1820) mô tả về cảnh mua bán ở thương cảng Cù lao Phố: “Xưa nay thuyền buôn đến đây hạ neo xong, thì lên bờ thuê phố ở, rồi đến nhà chủ mua hàng, lại đây kê khai những hàng hoá trên thuyền và khuân cất lên, thương lượng giá cả, chủ mua hàng định giá mua bao tất cả những hàng hoá tốt xấu, không bỏ sót lại thứ gì. Đến ba ngày trương buồm trở về, gọi là hồi đường, chủ thuyền có yêu cầu mua giúp vật gì thì người buôn cũng chiều y ước đơn mua giùm chở đến trước kỳ giao hẹn, hai bên chủ khách chiếu tính hoá đơn thanh toán rồi cùng nhau đàn ca vui chơi …”.

Đa phần người Hoa đến Nam bộ, Biên Hòa từ thế kỷ 17 và tiếp tục sau đó, có nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau đến từ bảy phủ ở Trung Quốc: Phúc Châu, Chương Châu, Tuyền Châu (tỉnh Phúc Kiến), Quảng Châu, Triều Châu và Quỳnh Châu (tỉnh Quảng Đông), Ninh Ba (tỉnh Chiết Giang). Việc nhiều miếu Hoa ở Nam bộ có tên gọi Thất phủ võ miếu, Thất phủ miếu hay Thất phủ cổ miếu… thể hiện đầy đủ cộng đồng này. Người Hoa, khi đến định cư ở Biên Hòa đã mang nhiều hành trang văn hoá từ quê cha đất tổ đến vùng đất mới lập nghiệp, góp phần cùng các dân tộc anh em khác xây dựng và phát triển nơi đây ngày một trù phú. Một trong những hành trang qúy giá ấy chính là tín ngưỡng thờ Quan Công mang nhiều nét nổi bật, tiêu biểu cho văn hoá tinh thần người Hoa cũng như  sự giao lưu văn hoá Việt - Hoa. Tên gọi Chùa Ông, thể hiện sự giao lưu văn hóa này.

Thất phủ cổ miếu ở Cù lao Phố (phường Hiệp Hòa) thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam được cộng đồng người Hoa xây dựng và khánh thành năm 1684. Đây là di tích tín ngưỡng thờ Quan Công đầu tiên được người Hoa xây dựng ở miền Nam Việt Nam (Nam bộ) và đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch) nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra quyết định công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia năm 2001.

Quan Vũ([1]), nhân vật lịch sử có thật trong thời Tam quốc (Trung Quốc) là nhân vật có nhiều giai thoại được lưu truyền trong sử sách Trung Hoa và trong dân gian. Từ những giai thoại dân gian cho đến các tác phẩm văn học, sử học đều ca ngợi Quan Công với các phẩm chất: Trung nghĩa, thẳng thắn, hiên ngang, chính trực, văn võ toàn tài, có tiết tháo của người quân tử… Những phẩm chất đó phù hợp với truyền thống văn hoá Trung Quốc - vốn dĩ chịu ảnh hưởng Nho giáo khá sâu đậm. Đồng thời cũng là nhân vật được các triều đình phong kiến Trung Hoa phong nhiều danh hiệu. Và tùy vào điểm thờ ông mà Quan Công được tôn xưng nhiều danh hiệu như: Quan Công, Quan Thánh, Quan Đế, Nhân Đức Thánh Quân, Phục Ma Đại Đế, Thần Oai Viễn Trấn, Phật Già Lam, Cái Thiên Cổ Phật....

Hàng năm Thất phủ cổ miếu ở Biên Hòa đều tổ chức lễ vía Đức Ông (sinh nhật) vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch, và lễ kỷ niệm ngày mất vào ngày 24 tháng 6 âm lịch. Từ năm 2013 đến nay, lễ hội Thất phủ cổ miếu Biên Hòa (Chùa Ông) đã được khôi phục và tổ chức từ ngày mùng 10 đến mùng 13 âm lịch hàng năm, gắn với ngày Tết Nguyên đán ([2]).

2. Từ tín ngưỡng dân gian thành tín ngưỡng cộng đồng ở Biên Hòa:

Ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai có nhiều thiết chế tín ngưỡng thờ Quan Công, có nơi gọi là Miếu, có nơi gọi là Đền, có nơi gọi là Chùa Ông (như ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam). Người Việt Nam thờ ông trong nhiều chùa, thờ chung với Phật bà Quan âm. Người Việt gọi ông là Hán Thọ Đình Hầu - hay phổ biến là Quan Thánh Đế Quân. Trong dân gian tôn là thần Trung Nghĩa. Đặc biệt trong giai đoạn phát triển của kinh tế thương mại (đầu và giữa thế kỷ 20), tầng lớp thương nhân người Hoa, người Việt thờ Quan Công biểu trưng cho chữ “Tín” trong buôn bán. Ngoài ra, ông còn được xem là vị tài thần để bảo vệ và mang đến may mắn, tiền bạc cho họ.

Tín ngưỡng thờ Quan Thánh của người Hoa ở Biên Hòa được người Việt tiếp nhận và Ông trở thành một trong những vị thần gắn liền với đời sống văn hoá tinh thần của họ trên mảnh đất Nam bộ xưa và Biên Hòa. Đặc biệt, không chỉ có người Hoa mà cả người Việt còn thỉnh Quan Công vào thờ ở trên một “trang” thờ ở nơi cao trong nhà cùng với các thần, phật khác như: Cửu Thiên Huyền Nữ, Bà Chúa Ngọc, Quan Âm, Thích Ca… Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng: “Quan Công thờ tại gia đình thì là vị thần phù hộ cho gia chủ (nam giới), thờ ở đền miếu là vị thần phù hộ cộng đồng, thờ ở Đạo quán là một trong ba mươi sáu tướng của Huyền Thiên thượng đế chuyên trừ tà ma cứu độ chúng sinh, thờ ở chùa là Già Lam bồ tát hộ trì tam bảo”.

Như vậy, Quan Công không chỉ là vị thần thuộc phạm vi gia đình mà còn là vị thần mang tính chất tín ngưỡng cộng đồng của người Việt. Trong một số ngôi đình của người Việt, người ta còn thỉnh ông vào thờ cùng phối hưởng với thần Thành hoàng và các thần thánh khác của người Việt với bài vị khắc là Quan Thánh Đế Quân hay tượng cốt, thậm chí có thể là một ngôi miếu nhỏ trong khuôn viên đình.

Người Việt thờ Quan Công cũng được lý giải từ đặc điểm xuất thân, tính cách của người dân ở miền Nam bộ, Biên Hòa xưa?

Đa phần người Việt đến Nam bộ, Biên Hòa vốn là những lưu dân từ miền Bắc, miền Trung đi vào khai hoang vùng đất mới theo kêu gọi của các chúa Nguyễn từ thế kỷ 17; hoặc những người có tính “phiêu lưu mạo hiểm” luôn luôn coi trọng nghĩa khí với tinh thần “trọng nghĩa khinh tài”, “tứ hải giai huynh đệ”, cư xử với nhau hào hiệp, rộng rãi, vì nghĩa xả thân mà không tiếc nuối. Phải chăng họ đã bắt gặp tính cách và phẩm chất của một vị thần có những phẩm chất giống như mình là Quan Công? Và từ đó, ông nhanh chóng trở thành vị thần độ mạng, gắn liền cùng đời sống tâm linh của người Việt.

Tín ngưỡng thờ Quan Công ở miền Nam nói chung và Biên Hòa, Đồng Nai nói riêng là vấn đề có ý nghĩa và quan trọng trong việc nghiên cứu văn hóa người Hoa; nghiên cứu về sự giao lưu tiếp biến văn hóa giữa người Hoa và người Việt ở miền Nam và Biên Hòa - Đồng Nai. Đặc biệt, Thất phủ cổ miếu ở Biên Hòa thờ Quan Thánh Đế Quân của người Hoa được người dân địa phương gọi là Chùa Ông. Khu vực nơi có Thất phủ cổ miếu là xã Hiệp Hòa (nay là phường Hiệp Hòa), thành phố Biên Hòa là địa bàn có đến trên 20 chùa, đình thần người Việt thờ Phật, thờ Thành hoàng bổn cảnh, những nhân vật lịch sử dân tộc; Miếu thờ Quan Công tại Thất phủ cổ miếu Biên Hòa, Đồng Nai lại có Quan âm các thờ Phật bà Quan âm phải chăng cũng là lý do từ lâu người Việt gọi đây là “Chùa Ông”. Đây cũng là nét đặc trưng thể hiện rất rõ mối tương đồng Hoa - Việt về tín ngưỡng tôn trọng những phẩm chất về Tín, Nghĩa, Tiết tháo… những giá trị có ý nghĩa trong tư tưởng phương Đông Nho giáo? Mà Quan Công chính là hiện thân của những phẩm chất, lý tưởng và đạo đức mà họ hướng đến, không riêng gì người Hoa mà còn ở cả người Việt.

 Đây chính là sự đồng cảm về mặt văn hóa tinh thần, sự cộng cảm tâm linh và quá trình giao lưu văn hóa của cộng đồng người Hoa, người Việt trong tiến trình khai khẩn, xây dựng và phát triển trên vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai, một bộ phận của Việt Nam hơn 320 năm qua.

T.Q.T


 



[1]() Quan Công tên thật là Quan Vũ (160- 219), tự Vân Trường, người đất Giải Lương, tỉnh Hà Đông - Trung Quốc (có sách chép Ngài sinh tại Bồ Châu). Ông là một nhân vật lịch sử thời Tam Quốc (211-264) ở Trung Quốc, được xem là người giỏi võ nghệ và được tôn là vị “tướng thần”, Ông được người đời xưng tụng là “vạn cổ nhất nhân”. Ngài họ Quan, tên Võ (hay Vũ), tự là Thọ Trường, sau đổi lại là Vân Trường,

 

[2] Hai năm 2020 và 2021 do dịch covid và để thực hiện chủ trương giãn cách của chính phủ, Thất phủ cổ miếu chỉ tổ chức nghi lễ truyền thống tại miếu thờ.

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​