Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
NHÀ VĂN VŨ NGỌC PHAN TRONG KÝ ỨC NGƯỜI THÂN

 



 
Bài viết của Bùi Quang Tú
(Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 43)

 

Vũ Ngọc Phan (1902 -1987) là một nhà văn có những đóng góp đáng quý cho văn học nước nhà. Sinh ra tại Hà Nội, đỗ tú tài thời Tây ông không chọn lựa con đường làm viên chức dưới chế độ thực dân mà đi vào con đường viết văn, viết báo - một nghề tự do đầy bấp bênh, xui rủi. Lý do chọn nghề của ông thì như ông đã viết trong lời kết luận của bộ sách “Nhà văn hiện đại”: “Văn chương tuy không bổ ích trực tiếp cho người đời như cơm gạo, nhưng nó chính là thứ đồ ăn về đường tinh thần của một dân tộc văn minh; nó chính là hồn của một dân tộc biết suy nghĩ biết nhận xét và luôn luôn có hy vọng chen vai thích cánh với những dân tộc hùng cường trên thế giới. Một dân tộc không biết trọng văn chương của mình chỉ có thể là một dân tộc man di hay sắp diệt vong”. Hành trình văn chương của Vũ Ngọc Phan là tìm hiểu những giá trị văn hóa của dân tộc thông qua văn chương, từ đó góp phần nâng cao sức mạnh tinh thần của dân tộc. Đó là con đường đi hoàn toàn đúng đắn.

Sự nghiệp văn học với hơn 60 năm cầm bút của Vũ Ngọc Phan rất phong phú. Ông viết báo, viết hồi ký, tiểu luận, dịch thuật, biên soạn, nghiên cứu, phê bình nhưng nổi trội hơn cả là hai bộ sách: “Nhà văn hiện đại”“Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam”. Viết hai bộ sách này Vũ Ngọc Phan đã giữ vai trò là người mở đường qua khu rừng rậm. Với sự hiểu nhiều, biết rộng, chịu khó tìm tòi và lắng nghe, tác phong làm việc khoa học, cẩn thận, chu đáo Vũ Ngọc Phan đã khẳng định sự đóng góp to lớn cho văn học nước nhà qua hai bộ sách. Ở bộ sách “Nhà văn hiện đại” gồm 1500 trang, ông đã thẩm định 79 tác giả (là nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo, nghiên cứu, phê bình, dịch thuật) trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động, trong sự giao thoa giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa phương Tây. Công trình này xứng đáng là một bộ văn học sử. Điều đáng nói là bộ sách đồ sộ này đáng lẽ ra phải là công trình của một tập thể, nhưng người thực hiện chỉ có một Vũ Ngọc Phan (dù ông có vợ và bạn bè trợ giúp). Lúc ấy (ông viết từ tháng 12 -1938 đến tháng 1- 1940) Vũ Ngọc Phan mới 36 - 38 tuổi. 


vungocphan.jpg
Nhà văn Vũ Ngọc Phan (1902 - 1987)


Điều có thể nói thêm là Vũ Ngọc Phan vốn có một sức khỏe chưa bao giờ thật tốt. Ông có dáng người mảnh khảnh. Chả thế mà hồi ông đi dạm hỏi cô Lê Hằng Phương- một cô gái xinh đẹp ở phố Hàng Đào, sau này là nhà thơ Hằng Phương, do ông gầy và trắng trẻo thư sinh nên có người dèm pha rằng “lấy cái anh ho lao ấy mà làm gì”. Khi viết “Nhà văn hiện đại” ông luôn bị bệnh đau dạ dày hành hạ, mẹ ông đau ốm luôn, nhà nghèo, con đông. Tất cả gánh nặng trút lên đôi vai gầy của ông. Thế mà ông đã vượt lên tất cả để hoàn thành bộ sách. Một sức làm việc đáng kính nể. Vũ Ngọc Phan bắt đầu tập trung biên soạn cuốn “Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam” từ những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp và xuất bản lần đầu tiên vào năm 1956, sau đó được tái bản có bổ sung đến 8 lần với số lượng 17 vạn bản. Ở công trình đồ sộ này Vũ Ngọc Phan đã sưu tầm, biên soạn một cách công phu, khoa học. Về nghiên cứu ông đã đi sâu vào phân biệt thể loại, khẳng định vai trò của thơ ca dân gian trong đời sống nhân dân, nêu lên ảnh hưởng qua lại giữa thơ ca dân gian và thơ ca hiện đại. Đó là những nghiên cứu mang tính phát hiện.

Nhiều bài viết đã đánh giá đầy đủ sự nghiệp văn chương của Vũ Ngọc Phan, tôi chỉ xin góp thêm một số nét về cuộc sống và sự nghiệp văn chương của ông qua ký ức của những người thân (bạn bè đồng nghiệp, lớp đàn em, lớp học trò, con cái của ông).

***


Nhà văn Vũ Ngọc Phan là một nhà văn sẵn sàng dìu dắt thế hệ đàn em của mình khi mới chập chững vào nghề. Nhà văn Tô Hoàì kể lại hồi đó, vào những năm 1940, Tô Hoài làm công nhật cho một hiệu giày ba ta ở phố Hàng Đào. Tô Hoài đang còn trẻ, mới ngoài 20 tuổi, ham đọc và ham viết, nhưng chẳng báo nào đăng. Nhà văn Vũ Ngọc Phan chỉ cho Tô Hoài cái vất vả của nghề văn, không phải viết nhiều là được, phải có cái riêng của người viết. Tô Hoài tâm sự: “Cả trăm nghìn người viết còn lại được mấy ai. Chao ơi là khó. Phải khác thường ngay lập tức. Nguyễn Công Hoan với những truyện ngắn có một không hai. Thanh Tịnh - Quê mẹ. Nguyên Hồng - Những ngày thơ ấu và Bỉ vỏ. Thạch Lam với Cô hàng xén, Bùi Hiển: Nằm vạ… Mở đầu đã phải giọng điệu không thể lẫn với ai. Có thế mới nhô ra được ạ.

Anh Vũ Ngọc Phan giúp tôi hiểu cái vất vả ấy. Anh làm hồn nhiên, tự nhiên. Tập truyện ngắn O chuột in trong tủ sách “Những tác phẩm hay” nhà Tân Dân, anh Vũ Ngọc Phan đề tựa. Anh cầm bản thảo và nói:

- Viết cả truyện loài vật như thế là được. Tôi đề tựa cho anh.

Anh nói sảng khoái như công trình của chính anh. Khen chê của anh, cũng như sự kèm cặp, tình nghĩa và nghiêm. (Anh Phan chị Phan - Nhà văn Vũ Ngọc Phan). Giáo sư Vũ Ngọc Khánh là nhà nghiên cứu thuộc thế hệ đàn em của Vũ Ngọc Phan thì cảm nhận về nét đặc sắc về con đường văn chương của Vũ Ngọc Phan: “Ông vào nghề một cách tự tin, không nóng vội, không ồn ào, không tìm cách gây tiếng vang hấp dẫn. Ông không có sẵn một thuận lợi nào trước đó và cũng không làm ai phải quan tâm đến mình. Ông bước những bước ung dung, chững chạc, không chạy theo phong trào, không ngả theo nhóm nọ hay nhóm kia… ”.

Điều đáng học tập ở Vũ Ngọc Phan là ở phong cách văn chương và phong cách sống. Giáo sư Vũ ngọc Khánh viết: “Tuổi trẻ không quá đà, tuổi già không trái tính. Phải có nhiều công phu, nhiều bản lĩnh mới tu dưỡng được một phong cách sống như thế trong cả sinh hoạt văn chương và sinh hoạt đời thường” (Học tập nhà vănVũ Ngọc Phan - Nhà văn Vũ Ngọc Phan) . Nhà phê bình văn học Thiếu Mai - thuộc thế hệ học trò thì rất xúc động trước ứng xử văn hóa của nhà văn Vũ Ngọc Phan và vợ ông - nhà thơ Hằng Phương: “Tôi ít tuổi hơn các con lớn của hai bác, nhưng dần dần, tôi được hai bác xem là người bạn vong niên.  (...) Đến nhà hai bác, bao giờ tôi cũng có cảm giác ấm áp, hạnh phúc, vì hai cụ đối với nhau thiết tha mặn nồng, tương kính như tân. Bác Phan yêu quý và tôn trọng vợ. Bác Hằng Phương tự hào, và lấy niềm vui lớn nhất là sự săn sóc chu đáo với chồng và các con, các cháu. Thật tình, tôi thấy hiếm có cặp vợ chồng nào đặc biệt trong giới văn nghệ sĩ, sống đẹp và hạnh phúc từ trẻ cho đến mãn đời như vậy… Sự hòa hợp của hai bác, theo tôi là một yếu tố khá quan trọng góp phần tạo dựng nên sự nghiệp văn chương của cả hai cụ”. (Nhà văn Vũ Ngọc Phan với lớp trẻ - Nhà văn Vũ Ngọc Phan). “Xưa kia em ở trên trời. Ngây thơ chưa rõ cuộc đời là chi… Yêu anh, em hóa yêu đời. Theo anh chắp cánhtung trời bay cao” - đó là những vần thơ chan chứa tình yêu mà nhà thơ Hằng Phương tặng chồng. Từ lúc tuổi xanh đến lúc bạc đầu nhà thơ Hằng Phương luôn lo việc tề gia nội trợ, lo cho chồng, cho con để nhà văn Vũ Ngọc Phan yên tâm viết văn, bà chỉ dành một ít thời gian cho thơ. Đến tuổi bẩy mươi bà vẫn đạp xe đi chợ, có khi chất bao gạo nặng sau xe đạp chở về nhà. Nhà văn Vũ Ngọc Phan thì vẫn giúp vợ làm những việc trong nhà. Năm 1983 nhà thơ Hằng Phương qua đời, bốn năm sau nhà văn Vũ Ngọc Phan cũng ra đi. Ông bà vốn yêu thiên nhiên, hoa lá nên giờ đây đã nằm cùng bên nhau trên sườn đồi Thanh Tước, nơi có những hàng phi lao, những rặng bạch đàn rì rào trong gió sớm mai, nơi có những buổi hoàng hôn tuyệt đẹp và mặt trời đỏ rực khuất dần sau dãy núi.

Bác Phan là hàng xóm với ba tôi - nhà văn Bùi Hiển. Nhà bác ở tầng 2, nhà ba tôi ở tầng 4 nhà G2 khu tập thể Trung Tự. Dù cách nhau đến 17 tuổi (bác Phan sinh năm 1902, ba tôi sinh năm 1919) nhưng hai cụ vẫn coi nhau là bạn bè đồng nghiệp. Hai cụ cùng nhau đi họp, đi lãnh lương hưu, cùng đàm đạo về văn chương. Ba tôi còn lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp về ông. Ông là một nhà văn có tác phong làm việc cẩn thận, chu đáo, khoa học. Khi biên soạn bộ sách “Nhà văn hiện đại”, ông viết thư cho ba tôi:

“Hà Nội, 21 Sep tem bre 1941

Kính anh Bùi Hiển

Tôi đã nhận được quyển “Nằm vạ” của anh. Cám ơn anh lắm. Vì quyển sách đến nơi vừa vào dịp tôi đang viết một quyển phê bình về các nhà văn hiện đại. “Nằm vạ” sẽ là một quyển trong số những quyển tôi phê bình. Xin có lời chúc anh an khang và viết được nhiều truyện hay”.

Nay kính

Vũ Ngọc Phan”

Ông còn là nhà báo nhạy bén và hết sức chu đáo. Ba tôi viết: “Tôi còn giữ được mấy bức thư ông viết cho tôi năm 1941 từ Hà Nội vào Vinh. Giấy thư chạy khung xanh lá cây, mang tiêu đề Hà Nội tân văn màu nâu đỏ, phía dưới là nét chữ ông rất khỏe và thoáng, có thể hình dung ông có phong cách của người làm báo, hơn nữa, của người chủ bút, giải quyết nhanh gọn mọi việc… Tháng nào tôi có truyện ngắn đăng báo, là cuối tháng ông gửi ngay măng - đa nhuận bút cho tôi. Khi tôi có bài đăng đầu tiên ở Hà Nội tân văn,ông liền gửi báo hàng tuần cho tôi liên tục. Tháng bảy năm 1941, thư ôngbáo tin buồn:

 Vì tình hình tài chính, vì việc tổ chức rất vụng, nên Hà Nội tân văn chỉ ra một số nữa rồi sẽ tạm đình bản, để đợi một ngày khác - không biết là ngày nào? - sẽ ra. Số cuối cùng ấy, chỉ nay mai anh sẽ nhận được. Tôi còn giữ của anh hai truyện ngắn. Đây tôi xin gửi vào và mong khi nào Hà Nội tân văn lại ra, anh sẽ lại giúp cho. Từ đó chúng tôi vẫn thư từ qua lại, tuy thưa thớt hơn. (Những năm 40 không quên- Nhà văn Vũ Ngọc Phan)

Vũ Ngọc Phan là người Hà Nội - cái ấn tượng ấy rất sâu đậm với những người thân thiết. Ba tôi viết: “Vợ chồng tôi nói chuyện với nhau, thường khen ông đúng là người Hà Nội: nhã nhặn, lịch sự, nói năng nhẹ nhàng, trang phục bao giờ cũng gọn ghẽ chững chạc. Thường chủ nhật ông mới leo hai tầng gác ghé thăm tôi. Bất chợt thấy tôi đang làm việc, ông ý tứ không ngồi lâu. Cuốn Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam của ông được in đi in lại nhiều lần, mỗi lần ông đều nhớ tặng tôi một cuốn”. Ba tôi rất khâm phục sự minh mẫn của ông hàng xóm Vũ Ngọc Phan. “Hồi đó, cách đây dăm năm, tôi được biết ông đang viết hồi ký. Ông kể một số đoạn cho tôi nghe về Hà Nội cổ, trí nhớ ông còn minh mẫn lạ lùng. Lạ lùng hơn nữa, ông tỏ ra rất thuộc mặt thuộc tên các cháu bé con hàng xóm chúng tôi. Theo quy luật về tâm lý, người có tuổi thường nhớ chuyện xa xưa mà rất dễ quên chuyện gần gũi. Một quy luật nữa: chứng quên bắt đầu bằng những tên riêng. Tuổi giàVũ Ngọc Phan bất chấp cả hai quy luật ấy”. (Những năm 40không quên - Nhà văn Vũ Ngọc Phan). Nhà văn Vũ Ngọc Phan minh mẫn đến cuối đời. Ở tuổi 84, 85 ông vẫn nghe thời sự, đọc sách báo, nắm bắt tình hình văn nghệ một cách tỉnh táo và sáng suốt.

Nhà văn Vũ Ngọc Phan và nhà thơ Hằng Phương có một niềm hạnh phúc lớn là có những người con thành đạt, yêu văn chương nghệ thuật, yêu kính cha mẹ và hiếu thảo. Con của họ là phó giáo sư họa sĩ Vũ Giáng Hương, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, giáo sư tiến sĩ Vũ Tuyên Hoàng, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, giáo sư Vũ Triệu Mân, cán bộ giảng dạy trường Đại học Nông nghiệp I. v.v… Điều đặc biệt là giáo sư tiến sĩ Vũ Tuyên Hoàng là một nhà khoa học nổi tiếng nhưng rất thích làm thơ, vẽ và nặn tượng, giáo sư Vũ Triệu Mân cũng thường hay vẽ và nặn tượng (ở trường Đại học nông nghiệp I còn hai bức tượng Lý Tự Trọng và Nguyễn Văn Trỗi của hai anh em họ). Nhớ về  sự quan tâm của cha, giáo sư tiến sĩ Vũ Tuyên Hoàng xúc động viết: “Cha mẹ chúng tôi yêu con, nhưng cha tôi có phần nghiêm khắc với các con hơn. Cha bận công việc suốt ngày, cả đêm nữa mà vẫn chú tâm theo dõi việc học của từng đứa con. Đến khi chúng tôi lớn lên, trưởng thành, cha mẹ cũng vẫn chú ý đến từng chi tiết, như luôn nhắc nhở tôi phải mặc áo len khi đi ra đường phố vào mùa đông, cài cúc áo cổ cho khỏi bị cảm lạnh, hay phải đội mũ khitrời nắng…

Anh chị em chúng tôi, dù có qua bao năm tháng, bao giờ cũng vẫn là những đứa con bé bỏng của cha mẹ” (Người cha của chúng tôi - Nhà văn Vũ Ngọc Phan).

Hình ảnh người cha cần mẫn kiếm tìm những viên ngọc quý của văn hóa dân tộc luôn khắc sâu trong tâm trí của giáo sư Vũ Tuyên Hoàng:

Sáu mươi năm nghề văn

Cặp kính cha long lanh

Mải mê kiếm tìm những viên ngọc quý

Cha xếp lại thời gian

Không lãng quên nửa phần đầu thế kỷ

Không ồn ào

Cha lặng lẽ viết văn

Những phê bình, dân ca, dịch thuật

Nhả đường tơ rút ruột con tằm

                                (Bàn viết của cha)

Một điều đặc biệt nữa là những người con  nhà văn Vũ Ngọc Phan và nhà thơ Hằng Phương luôn tỏ rõ quý mến, kính trọng những bạn văn của cha mẹ họ. Trong xưng hô và ứng xử họ rất lễ phép, lịch sự và tế nhị (điều này nhà thơ Bảo Định Giang đã viết trong một bài báo). Riêng với ba tôi - vừa là hàng xóm, vừa là bạn văn thì con của bác Phan vẫn thường lên thăm hỏi, chúc Tết, tặng sách và vẽ tranh - một tình cảm nồng ấm giữa hai gia đình mà tôi không bao giờ quên được.

***

Nhà văn Vũ Ngọc Phan đã qua đời cách đây 24 năm. Nhớ về ông người ta nhớ tới một nhà văn trọn vẹn, viên mãn về cuộc đời, gia đình và văn chương. Đó là kết quả của một quá trình rèn luyện, phấn đấu về nhân cách và học thuật bền bỉ. Dù ông không chủ định phấn đấu thành một tấm gương nhưng ông đã thực sự trở trở thành một tấm gương cho những người viết văn lớp sau.

B.Q.T      

                     

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​