Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
BIẾN HÓA THƠ LỤC BÁT




Bài viết của Khúc Hà Linh

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 43




Thơ lục bát còn gọi là thơ trên sáu dưới tám, bởi lục là sáu, bát là tám. Thường mở đầu bằng câu thơ có sáu từ, rồi tiếp theo là câu tám từ, và cứ thế xen kẽ một câu sáu lại một câu tám… cho đến hết bài thơ. Truyện Kiều của Nguyễn Du là tác phẩm thơ lục bát tiêu biểu, một áng văn chương châu báu của dân tộc. Mở đầu Truyện Kiều là câu sáu “Trăm năm trong cõi người ta”, vượt qua 3254 câu thơ, rồi được kết thúc bằng câu tám “Mua vui cũng được một vài trống canh”. Nhưng biệt lệ có bài thơ lại kết thúc ở câu sáu, tạo nên một trạng thái lửng lơ để người đọc tự suy ngẫm...

 Thơ lục bát dễ đọc, dễ thuộc. Nhiều người không biết chữ, nhưng vẫn thuộc hết cả Truyện Kiều. Các cụ già ở làng quê cũng mượn thể lục bát mà làm thành những bài ca dao mộc mạc, thành câu vần vè để giao lưu và giãi bày tâm sự?

Nhưng thực ra làm một bài thơ lục bát hay, thật khó.


IMG_1023.JPG

Ảnh nghệ thuật của Mạnh Hà




1. Thể cách thơ lục bát

a. Niêm luật thơ lục bát

Niêm chữ Hán có nghĩa là dính. Nó có sự dính kết giữa các từ trong câu thơ một cách hợp lý với nhau. Khi vị trí “từ” đúng thể cách, khuôn phép ấy là luật. Bài thơ sử dụng từ sai quy cách, ấy là thất niêm - sai niêm luật.

Khác hẳn thơ Đường, thơ lục bát có niêm luật khá giản dị.

Một cách thông thường nhất là từ thứ 6 của câu sáu; từ thứ 6 và từ thứ 8 của câu tám là thanh bằng (tức không dấu và dấu huyền):

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

                               (Kiều)

Trường hợp đặc biệt từ thứ 6 của câu sáu và từ thứ 6 của câu tám đều là thanh trắc(dấu ngã, nặng, hỏi):

Tò vò mày nuôi con nhện

Ngày sau nó lớn nó quện nhau đi

                               (Ca dao)

b. Thơ lục bát cũng có luật bằng trắc

Đọc một bài thơ lục bát ta thường nghe thấy âm điệu dào dạt hay khoan thai là bởi nhạc điệu của thanh âm nặng nhẹ, bằng trắc của những từ ngữ trong mỗi câu thơ.

Đêm qua mới gọi là đêm

Ruột xót như muối dạ mềm như dưa.

Mong chàng như cá mong mưa

Nhớ chàng như nhớ bữa trưa đói lòng.

                               (Ca dao)

 Để cho câu thơ lục bát thanh thoát, người ta thường phải thay đổi âm thanh của chữ thứ 6 và chữ thứ 8 của câu tám. Cụ thể là hễ chữ này không dấu thì chữ kia có dấu huyền và ngược lại.       

Nếu không tuân thủ nguyên tắc này sẽ tạo ra những câu thơ vô nghĩa.

2. Vần và gieo vần

Thơ Đường có vần chân (ở cuối câu) chữ Hán gọi là cước vận. Thơ lục bát có vần chân và thêm vần lưng (ở giữa câu) gọi là yêu vận. Tuy khác nhau về vị trí nhưng chúng đều có chức năng lặp lại ngữ âm làm cho dòng này chuyển sang dòng khác, ý này nối sang ý kia, làm cho mạch thơ gắn với nhau và tạo nên câu thơ uyển chuyển nhẹ nhàng. Ngoài vần lưng và vần chân, thơ lục bát còn có vần chính và vần thông

+ Vần chính:

Rất thông dụng là chữ cuối cùng của câu 6, vần với chữ thứ sáu của câu 8:

Đêm qua mới gọi là đêm

Ruột xót như muối dạ mềm như dưa.

Gặp những câu thơ như thế, người đọc cảm thấy êm ái, nhẹ nhàng và thú vị.

+ Vần thông:

Nhưng trong trường ca, hay truyện thơ dài như Kiều, nhà thơ không phải lúc nào cũng tìm được những từ trùng âm, đúng vần mà ý tứ phù hợp tình tiết câu chuyện đang mô tả. Vì thế phải dùng những từ có âm điệu na ná như nhau, gần nhau nhưng không hề bị lạc lõng. Như thế gọi là vần thông..

Ví dụ đoạn thơ sau:

Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh

Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng

Có nhà viên ngoại họ Vương

Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung

Một trai con thứ rốt lòng

(Chữ vàng gieo xuống Vương; trung gieo với lòng… đều là vần thông). Chúng tuy không trùng âm, nhưng đọc lên người nghe vẫn không bị lạc lõng điệu giọng. Có rất nhiều ví dụ trong thơ lục bát Việt Nam.

+ Hiện tượng trùng ngữ

Một điều rất cần chú ý là để bài thơ lục bát đỡ nhàm vì đơn điệu, người ta cố gắng để không trùng ngữ trong những đoạn thơ quá gần nhau. Thường sau hai chục dòng thơ mới để trùng ngữ. Khi đó mạch thơ đã giãn ra, với những nội dung tương đối đa dạng, sẽ không tạo ra cảm giác bị lặp lại và nghèo nàn ngôn ngữ.

Ví dụ đoạn thơ như sau nên tránh vì trùng ngữ:

Nhớ em thở ngắn than dài

Nhớ em ngơ ngẩn canh dài không yên.

Mới có 2 câu thơ, đã bị trùng ngữ than dàicanh dài tạo thành sự nhàm chán đến phản cảm.

Xét đoạn truyện Kiều sau đây:

Nẻo xa, mới tỏ mặt người

Khách đà xuống ngựa, tới nơi tự tình.

Hài văn lần bước dặm xanh

Một vùng như thể cây quỳnh cành giao.

Chàng Vương quen mặt ra chào,

Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa.

Qua 6 câu thơ chỉ có một vần thông (tình gieo xuống xanh, quỳnh), chứ tuyệt nhiên không có trùng ngữ, nên cả đoạn thơ vừa êm tai lại vừa hấp dẫn không bị nhàm chán.

3. Nhịp, và đối trong thơ lục bát

Có thể coi nhịp là tiết tấu của câu thơ. Nếu cứ một nhịp đều đều thì chỉ vài ba câu thơ là khiến cho người đọc nhàm chán. Vì thế nhà thơ thường tìm cách thay đổi nhịp để tránh lì mòn tẻ nhạt, giống như trong âm nhạc người ta thay đổi tiết tấu và giai điệu. Thơ lục bát thường xen vào các nhịp 2-3-4 một cách linh hoạt, không gò bó làm cho câu thơ tung tẩy hoặc dịu dàng, khoan thưa hay dồn dập tuỳ thuộc vào tình huống của mạch thơ.

Ví dụ: Ngày xuân/ con én đưa thoi (nhịp 2- 4)

Thiều quang chín chục/ đã ngoài sáu mươi  (nhịp 4 -4)

Hoặc: Kiều càng sắc sảo/ mặn mà (nhịp 4 - 2)

So bề tài sắc/ lại là phần hơn (nhịp 4 - 4)

Hoặc:  Người nách thước/ kẻ tay dao  (nhịp 3 -3)

Đầu trâu/ mặt ngựa/ ào ào như sôi (nhịp 2 -2- 4)

Rõ ràng đọc những câu có nhịp khác nhau, ta thấy nhạc điệu phong phú và tạo ra cảm xúc luôn luôn mới.

4. Về đối trong thơ lục bát.

Về nguyên tắc, thơ lục bát không phải đối. Tuy nhiên trong các trường hợp cụ thể người ta vẫn dùng tiểu đối để cho câu thơ được rành mạch, khúc chiết gây hiệu quả xúc cảm cao hơn.

* Có khi tiểu đối trong một câu thơ:

Người nách thước, kẻ tay dao

(người - kẻ; nách- tay; thước - dao là đối nhau)

* Có khi tiểu đối ở hai câu thơ sáu và câu tám:

Đầu năm ăn quả thanh yên

Cuối năm ăn bưởi cho nên đèo bòng.

(Đầu năm ở câu sáu - Cuối năm ở câu tám đối nhau. Thanh yên ở câu sáu và bưởi ở câu tám đối nhau).

* Có khi chỉ là đối ý:

- Đũa mốc lại chòi mâm son…

- Lọng vàng che nải chuối xanh

Tiếc cho loan phượng đậu cành tre khô

* Có khi đối chéo ở hai câu sáu và tám:

Khách tình lại nhớ thuyền tình

 Thuyền tình lại nhớ khách tình là duyên.

* Cũng như thể thơ luật Đường, thơ lục bát khi cần đối, vẫn phải đối nhau theo từ loại. Một ví dụ khá tiêu biểu là:

Làn thu thuỷ, nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.

(Kiều)

Ta thấy các danh từ đối nhau: thu với xuân, thuỷ với sơn, hoa với liễu. Tính từ thắm với xanh, động từ ghen với hờn, phó từ thua với kém; quán từ làn và nét đối nhau rất chỉnh. Làm cho ý tứ so sánh càng nổi bật.

5. Lục bát biến thể:

Lục bát chính thể chỉ có câu sáu và câu tám hoàn chỉnh. Còn lục bát biến thể nó phát triển các câu lục bát hoàn chỉnh ra, giãn ra trên cơ sở cái cốt cũ chứ không hề phá vỡ. Quá trình phát triển của đời sống, con người đã thừa hưởng cái đẹp của thơ lục bát để soạn ca từ cho các bài ca. Họ đã thêm chữ đệm, làm rõ ý hơn của bài thơ. Các nhạc sĩ, nghệ sĩ dân gian thường sử dụng lục bát biến thể để sáng tạo ra một loại hình nghệ thuật mới. Đó là bài hát chèo, dân ca, chầu văn, quan họ… v.v.

Bởi thế thơ lục bát bình dân mà biến hóa khôn lường!

 K.H.L


 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​