Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
LỄ TỐNG ÔN TẠI DI TÍCH ĐỀN THỜ ĐOÀN VĂN CỰ

Bài viết của NGUYỄN TRÍ NGHỊ

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 43

 

 

Đền thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh chống Pháp đầu thế kỷ XX tọa lạc đường Phạm Văn Thuận, phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa. Nơi đây thờ Đức ông Đoàn Văn Cự và những người trong hội kín chống Pháp ở Biên Hòa. Ông là thủ lĩnh của Hội kín yêu nước, căn cứ đóng tại Suối Linh. Năm 1905, sau cuộc tấn công đàn áp của quân Pháp, Ông hy sinh cùng 16 nghĩa bình. Nhân dân địa phương đã an táng Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh chung một ngôi mộ. Năm 1956, nhân dân 3 xã Tam Hòa, Tam Hiệp, Bình Đa xây dựng đền thờ Đoàn Văn Cự. Năm 1998 đền thờ được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, theo quyết định số 722/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hóa - Thông tin.


Den tho Doan van Cu.jpg
Đền thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh


Đoàn Văn Cự sinh năm 1835 ở huyện Bình An, tỉnh Biên Hòa xưa (nay là thành phố Thủ Đức) trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Lớn lên, Đoàn Văn Cự cư ngụ tại ấp Vĩnh Cửu, thuộc xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Biên Hòa xưa (nay là phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) sống bằng nghề dạy học, bốc thuốc giúp đỡ dân nghèo. Nhờ tạo được lòng tin của nhân dân nên ông bí mật tuyên truyền, tập hợp lực lượng và chọn vùng Bưng Kiệu (nay thuộc xã Tam Hòa) làm căn cứ chống thực dân Pháp. Ngày 12/4/1905, thực dân Pháp tổ chức tấn công vào căn cứ Bưng Kiệu để tiêu diệt lực lượng yêu nước do Đoàn Văn Cự chỉ huy. Lực lượng hội kín bị quân Pháp tấn công bất ngờ Đoàn Văn Cự cùng 16 nghĩa binh hy sinh. Hội kín yêu nước do Đoàn Văn Cự chỉ huy ở Biên Hòa đã để lại tiếng vang, cổ vũ cho phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân ta đầu thế kỷ XX. 

Hàng năm, tại đền thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh Thiên Địa hội tổ chức nhiều lễ theo âm lịch. Các lễ hội chính được tổ chức vào các ngày 8/4, lễ Kỳ yên vào ngày 11 và 12/11, lễ Tống ôn vào ngày 5/5, thu hút đông đảo nhân dân tham dự.

Một trong những lễ hội chính tại di tích là Lễ tống ôn. Theo sách Đình Nam Bộ - Tín ngưỡng và nghi lễ cho biết “lễ đưa khách còn được gọi là Lễ tống gió, lễ tống phuông (tống phong), lễ tống ôn, lễ tống quái”. Trong đời sống tín ngưỡng của người dân Nam Bộ, lễ Tống ôncó một vị trí đặc biệt quan trọng.

Với lễ Kỳ yên được tổ chức cầu cho mưa thuận, gió hòa (phong điều vũ thuận), mùa màng tốt tươi (phong đăng hòa cốc), đất nước, nhân dân an bình (Quốc thái dân an) thì lễ Tống ôn mục đích tống tiễn dịch bệnh, gió độc và tống tà ma qủy quái ra khỏi làng. Trong tục lệ chung ở Nam Bộ, lễ Tống ôn được giải thích “Thông thường, lễ này nằm trong các nghi thức cúng của lễ kỳ yên (cầu an) tổ chức ở các đình, miếu. Nghi thức lễ này bắt nguồn từ thời đầu của di dân Việt đến khai khẩn Nam bộ còn được duy trì cho đến ngày nay. Vùng đất rộng, ít người thuận lợi cho những người di dân nhưng môi trường tự nhiên “lam sơn chướng khí”, nhiều thú dữ “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”, sông rạch muỗi mòng, gió chướng… ảnh hưởng đến sức khỏe con người, lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Vì vậy, để an yên trong cuộc sống, người dân có nghi thức tống ôn, tống phong ra khỏi làng xóm của mình”.

Theo các cụ cao niên trong Ban quý tế đình cho biết: lễ tống ôn, tống phong ở đền thờ Đoàn Văn Cự từ trước đến nay sôi động với sự tham gia của cộng đồng không chỉ trên địa bàn phường Tam Hiệp mà còn thu hút đông đảo nhân dân các khu vực lân cận. Khi đình tổ chức cúng phải chuẩn bị trước hai ngày và thông báo cho nhân dân biết chuẩn bị lễ vật cúng với hàng chục giàn lễ cúng để khi đoàn rước đình đi qua, gửi theo những lễ vật đó theo thuyền ra sông. 

Lễ lễ Tống ôn tại đền thờ Đoàn Văn Cự thường được chuẩn bị các lễ vật gồm: một chiếc thuyền nan được dán giấy màu, đáy thuyền làm bằng thân cây chuối. Hai bên hông thuyền dán các hình nhân. Trong khoang chính của con thuyền có một hình nhân tượng trưng cho thuyền trưởng, mũi thuyền ghi số 13 (là số thứ tự của tỉnh Biên Hòa trong 20 tỉnh ở Nam Bộ thời thuộc Pháp).  Phía trong thuyền có để một hũ gạo trắng, một hũ muối, một hũ nước, một bó củi, một bộ bài tây 52 lá, ba bộ tam sên, rượu, trà, nhang, đèn, vàng, bạc đại....

Khi bắt đầu tống ôn, Ban tế tự thực hiện những nghi để xin phép và khấn nguyện Thần chứng giám. Trước khi đưa thuyền ra sông, bàn lễ được bày sẵn với các vật cúng đầu heo, gà, rau, mắm, canh, cơm, nước… để chiêu đãi lực lượng gây ôn dịch đến hưởng. Sau khi ban tế lễ thực hành nghi thức: dâng một tuần hương, ba tuần rượu, một tuần trà. Bốn vị mặc áo lính lệ khiêng thuyền xuống bến nhánh sông Đồng Nai thuộc địa phận phường Bình Đa thả thuyền xuống dòng sông cho nước đẩy xuôi về phía hạ nguồn sông Đồng Nai. Trên đường khiêng thuyền xuống bến để thả, trống được khởi lên liên hồi cho tới khi con thuyền trôi theo dòng ra giữa sông tống tiễn các loại gây ôn dịch, gió độc, tà khí đi xa.

Lễ tống phong, tống ôn được tổ chức hàng năm tại các đình làng dù là kết hợp trong lễ cúng kỳ yên hay tổ chức riêng như tại đền thờ Đoàn Văn Cự cũng đều thể hiện ước vọng của người dân, mong xua đuổi tà ma, ôn dịch và ước vọng cầu bình an đến mọi người. Ngày nay, trước những dịch bệnh trong cuộc sống, bên cạnh chăm lo sức khỏe cho cá nhân, cộng đồng, người dân ở các nơi có đình làng vẫn còn duy trì lễ Tống ôn thu hút đông đảo nhân dân tham dự với niềm cầu mong an bình cho cuộc sống, một nét sinh hoạt xưa của văn hóa dân gian Đồng Nai được lưu giữ trong đời sống hiện đại.

N. T. N


 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​