Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
MỐI QUAN HỆ GIỮA PHẬT GIÁO VÀ TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU Ở VIỆT NAM

 
 



      Sau khi du nhập vào nước ta Phật giáo đã tự điều chỉnh và biến đổi cho phù hợp với văn hóa tinh thần của người Việt. Trên cơ sở tín ngưỡng nông nghiệp với tục thờ Mẹ (Mẫu) hay Nữ thần, Phật giáo ban đầu đã có sự kết hợp tài tình để hình thành một hình thức Phật giáo bản địa của người Việt là Phật Mẫu và Tứ Pháp. Hình tượng thường thấy đó là các vị Nữ thần hoá thân thành Phật Bà Quan Âm hay Phật Bà Tứ Pháp. Theo quan niệm dân gian thì hình tượng Phật Mẫu Man nương và các con Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện) ứng với các hiện tượng tự nhiên mây, mưa, sấm, chớp trong tín ngưỡng nông nghiệp cổ được thờ ở chùa Dâu, gần trung tâm Phật giáo cổ Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh). Em út của Tứ Pháp là Thạch Quang Phật theo truyền thuyết Phật Mẫu Man nương và Thạch Quang Phật cùng được thờ ở chùa Dâu.

IMG_1017.jpgBàn thờ Linh Sơn Thánh Mẫu được thờ ở hậu điện chùa Sắc Tứ Hộ Quốc, Biên Hòa, Đồng Nai.




Như vậy hiện tượng tôn thờ Tứ Pháp trong Phật điện là kết quả của sự kết hợp yếu tố Phật giáo với tín ngưỡng nông nghiệp bản địa và nguồn gốc của Tứ Pháp là các Nữ thần: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện tương ứng với mây, mưa, sấm, chớp trong tự nhiên phục vụ cho đời sống sản xuất nông nghiệp.

Trước khi có sự du nhập của Phật giáo vào nước ta thì các vị Nữ thần này được thờ ở các đền miếu dân gian và được tôn vinh là các vị thần nông nghiệp trông coi về Nước là yếu tố quan trọng bậc nhất trong sản xuất nông nghiệp lúa nước. Đến khi Phật giáo vào đã nhanh chóng dân gian hoá, thu nhận tín ngưỡng thờ Tứ Pháp của người Việt cổ, dẫn đến các ngôi đền (miếu) này chuyển hoá thành chùa chiền[1]. Các hệ thống thờ phụ này tổng hợp với nhau tạo nên các ngôi chùa "tiền Phật, hậu Thần" hay "tiền Phật, hậu Mẫu". Trong hệ thống thờ tự của Phật giáo Bắc tông, việc bài trí các đối tượng thờ trong chùa khá đa dạng và phức tạp, là sự tổng hợp của Phật giáo và các tín nguõng dân gian. Bởi vậy, hệ thống thần, Phật được thờ trong chùa Việt thường thấy như: Thần, Thánh, Mẫu, thành hoàng thổ địa, anh hùng dân tộc... Ngoài ra, hậu điện chùa còn có bài vị và bát nhang thờ cúng các linh hồn đã khuất được gửi ở đây.

Có thể nói, Tứ Pháp được coi là sự phân thân của đức Phật dưới hình thức lực lượng tự nhiên, là sự kết hợp của Phật giáo với tín ngưỡng dân gian. Làng Dâu (nay là làng Khương Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) có 5 ngôi chùa thờ 5 mẹ con Phật Mẫu Man Nương: Man Nương (Phật Mẫu) thờ ở chùa Mãn Xá, các con gái của Bà là Bà Dâu (Pháp Vân) thờ ở chùa Dâu (Khương Tự); Bà Đậu (Pháp Vũ) thờ ở chùa Đậu (Thành Đạo); Bà Tướng (Pháp Lôi) thờ ở chùa Phi Tướng (Thanh Tương); Bà Dàn (Pháp Điện) thờ ở chùa Phương Quan (Phương Quan). Ngoài ra tượng Phật Tứ Pháp còn được tôn thờ ở nhiều ngôi chùa khác vùng châu thổ sông Hồng như: chùa Thứa thờ Pháp Vân, chùa Thanh Xá thờ Pháp Vũ (Mỹ Hào, Hải Dương); chùa Thứa thờ Phật Tứ Pháp (Thuận Thành, Bắc Ninh); chùa Ôn Xá thờ Phật Tứ Pháp (Văn Lâm, Hải Dương); chùa Nành thờ Bà Nành, tức Pháp Vân (Gia Lâm, Hà Nội); Chùa Đậu thờ Pháp Vũ (Thường Tín, Hà Nội)[2].

Trong các lễ hội chùa thờ Tứ Pháp người ta vẫn duy trì lễ tục rước nước (cầu nước) của cư dân nông nghiệp với ý nghĩa “Cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”. Có thể nói tục thờ Mẫu và Tứ Pháp được đạo Phật dung nạp vào thờ trong chùa từ khá sớm, dưới dạng Phật Mẫu và Phật Tứ Pháp, đây cũng là đặc điểm nổi bật của Phật giáo ngay từ ban đầu du nhập vào văn hóa Việt Nam.

Quá trình hình thành và phát triển, đạo Phật và tín ngưỡng thờ Mẫu luôn luôn gắn bó và có mối quan hệ tương giao với nhau; cùng nương tựa, dung hòa, bổ sung cho nhau. Đạo Phật và tín ngưỡng thờ Mẫu đều được hình thành và phát triển trên nền tảng văn hóa Việt, với văn hóa nông nghiệp lúa nước nên có nhiều điểm tương đồng và dễ hòa quyện với nhau. Trong lễ hội Phủ Giầy được tổ chức hàng năm vào đầu tháng 3 âm lịch, ngoài phần nghi lễ trọng thể dâng hương tưởng niệm Mẫu Liễu Hạnh còn có những cuộc rước “Thỉnh kinh” diễn ra như sau: mùng 4 từ Phủ Giáp Ba (đền Bảo Ngũ) sang chùa Thông, mùng 5 từ Phủ Vân Cát sang chùa Dần, mồng 6 là cuộc rước lớn từ Phủ Tiên Hương đến chùa Gôi và ngược trở lại. Theo quan niệm dân gian thì đó là sự biểu hiện việc quy theo đạo Phật của Mẫu Liễu Hạnh. Theo truyền thuyết, Liễu Hạnh là tiên nữ giáng trần, sau đó quy y Phật giáo và được tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ,” một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt. Mẫu Liễu Hạnh và Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) đã trở thành biểu tượng của sự kết hợp giữa thần linh và đời thường, giữa nhu cầu tâm linh, khát vọng hướng về các giá trị chân- thiện- mỹ với việc chữa bệnh trừ tà, giúp đỡ con người trong những hoàn cảnh khó khăn… Thành ngữ “Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ Mẹ” cũng nhằm ghi nhớ hai ngày vía của Trần Hưng Đạo (20/8 âm lịch) và Liễu Hạnh công chúa (3/3 âm lịch) trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Phật Bà Quan Âm là vị Bồ Tát của đạo Phật, theo thư tịch cổ và huyền thoại, Phật Bà Quan Âm đã giải cứu công chúa Liễu Hạnh trong một trận kịch chiến. Từ ân đức đó, công chúa Liễu Hạnh đã quy y và mở đường cho sự hội nhập giữa đạo Mẫu dân gian và Phật giáo. Bởi vậy, trong điện thần đạo Mẫu (cũng như trong nhiều nghi lễ đạo Mẫu), Phật Bà Quan Âm đều hiện diện[3]. Đây là một bằng chứng sinh động nói lên mối quan hệ gắn bó của đạo Phật với đạo Mẫu dân gian mà Mẫu Liễu làm đại diện trong việc quy y cửa Phật, Bên cạnh những đền (phủ hay điện) thờ các Thánh Mẫu, các chầu Bà, các đức Ông, cùng các thánh Cô, thánh Cậu, vẫn song song tồn tại trong các khuôn viên chùa thờ Phật. Như vậy các ngôi chùa ở khắp làng quê Việt Nam do sự chi phối mạnh mẽ của tín ngưỡng thờ Mẫu dân gian, thông qua mối quan hệ mật thiết với đạo Phật mà có cấu trúc theo kiểu “tiền Phật hậu Thánh, “tiền Phật hậu Mẫu”. Đó là một đặc trưng quan trọng của ngôi chùa Việt. Có thể nói, việc thờ Mẫu là một đảm bảo chắc chắn cho sự tồn tại của ngôi chùa. Đây là cách lựa chọn đúng đắn nhất của đạo Phật khi lấy đạo Mẫu dân gian làm bạn đồng hành. Vì thế mà đạo Phật có chỗ dựa vững chắc trong đời sống tâm linh ở cộng đồng người Việt. Bởi lẽ, tục thờ Mẫu từ ngàn xưa là một tín ngưỡng có hình thức và nội dung gần gũi với tư tưởng và tâm linh rộng rãi trong tâm thức dân gian Việt Nam.

​Theo quan niệm dân gian thì một Mẫu đầy sức mạnh siêu nhiên, quyền năng vô lượng đã hoá thân và phân thân thành các vị thần linh tối thượng như Phật Quan Âm Bồ Tát với khuôn mặt của Nữ thần (hay Thánh Mẫu). Đó là đức Phật Bà Quan Âm “Thiên thủ, Thiên nhãn” nghìn tay, nghìn mắt”) và một số vị thần Nữ khác cũng tham gia vào việc cai quản vũ trụ. Một trong những nét tương hợp khác nữa của đạo Phật và tín ngưỡng thờ Mẫu là cả hai đều cùng kết hợp với tín ngưỡng dân gian bản địa như tục thờ Mẹ và thờ Nữ thần với tục thờ Tứ Pháp để tạo ra Phật Mẫu, Phật Tứ Pháp hay Phật Bà Quan Âm.

Mối quan hệ giữa đạo Phật với tín ngưỡng thờ Mẫu còn có thể tiếp cận từ góc độ xem xét việc bài trí trong điện thờ Phật và điện thờ Mẫu ở các ngôi chùa Việt Nam. Thời kỳ khai phá, những lớp cư dân Việt từ Bắc Bộ, Trung Bộ di cư vào Trung Bộ và Nam Bộ, họ mang theo chủ yếu là tâm thức tín ngưỡng thờ Nữ thần, Mẫu thần và khi vào vùng đất mới, nơi có người Chăm và Khmer sinh sống, đã hỗn dung và tiếp thu tín ngưỡng người dân bản địa để hình thành nên các lớp tín ngưỡng thờ Nữ thần và Mẫu thần. Tín ngưỡng thờ Mẫu (nữ thần) ở Nam Bộ không giống như ở miền Bắc, Mẫu không thờ chung với nam thần. Các mẫu ở Nam Bộ như: Chúa Xứ Thánh Mẫu, Diêu Trì Kim Mẫu, Địa Mẫu, Linh Sơn Thánh Mẫu, Ngũ Hành nương nương… là những đối tượng thờ chính trong các miếu hoặc phối tự trong các ngôi chùa ở vùng đất mới này. Ngoài các tượng Phật, nhiều ngôi chùa còn bài trí điện thờ Mẫu (Tam phủ, Tứ phủ) theo trật tự “Tiền Phật, hậu Mẫu”, hoặc Mẫu (Linh Sơn Thánh Mẫu, Bà Đen, Bà Chúa Xứ…) được bài trí ở hậu điện như một số ngôi chùa ở Nam Bộ. Tại một số ngôi chùa ở Nam Bộ có sự phối tự các Mẫu theo trật tự “Tiền Phật hậu Mẫu” như: Linh Sơn Thánh Mẫu (Chùa Sắc Tứ Hộ quốc, Biên Hòa, Đồng Nai), Địa Mẫu (Linh Sơn Tiên Thạch Tự, Núi Bà Đen Tây Ninh), Địa Mẫu trong một số ngôi chùa ở Nam Bộ.

Diêu Trì Thánh Mẫu vốn là một vị thần của Đạo giáo, từ lâu đã thâm nhập vào Phật giáo (Phật Mẫu) và cả đạo Cao Đài. Gần đây, vị Thánh Mẫu Diêu Trì này đã xuất hiện trong tín ngưỡng thờ Mẫu và Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Hay đền thờ Mẫu ở ngã năm Bình Hoà (quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh) có ban thờ Diêu Trì Thánh Mẫu ở cạnh các bát nhang thờ bản mệnh con nhang đệ tử. Hiện tượng này chưa thấy ở các đền phủ thờ Mẫu thần hay Mẫu Tam phủ, Tứ phủ ở Bắc Bộ[4].

Phật giáo đã góp phần cải biến các đối tượng tín ngưỡng dân gian như Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện) trở thành các tứ vị Thánh Mẫu con của Phật Mẫu Man nương. Ngoài hệ thống thờ tự, yếu tố Phật giáo còn được kết hợp với tín ngưỡng thờ Mẫu hình thành kết cấu bài trí “Tiền Phật, hậu Mẫu” khá phổ biến trong các ngôi chùa hệ phái Bắc tông ở nước ta.

Trước khi đạo Phật du nhập và trở nên phổ biến thì người Việt đã có tín ngưỡng thờ Mẫu bản địa xuất phát từ nền văn hóa nông nghiệp lúa nước. Người Việt đã tôn sùng cả đạo Phật và duy trì tín ngưỡng thờ Mẫu như những tôn giáo tín ngưỡng bản địa ăn sâu vào nếp sống văn hóa tinh thần của nhiều thế hệ cư dân Việt.

Có thể nói, sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu là một trong những yếu tố khá đặc biệt, thể hiện ước mơ khát vọng về tâm lý của cư dân văn hóa gốc nông nghiệp, được người Việt tiếp nhận và bổ sung ngày càng hoàn thiện và phát triển mạnh mẽ trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.

                                     Nguyễn Thị Nguyệt​
 

[1] Thanh Long, “Tín ngưỡng thờ Mẫu trong mối quan hệ với tín ngưỡng, tôn giáo khác”.

Truy cập  trên: 

http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/11577/

Tin_nguong_tho_Mau_trong_moi_quan_he_voi_tin_nguong_ton_giao_khac

[2] Nguyễn Minh San (1998), Tiến cận tín ngưỡng dân dã Việt Nam, Nxb. Văn hóa dân tộc, tr. 90.

[3] Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ Từ cội nguồn tới thực tại.

[4] Ngô Đức Thịnh, Thờ Mẫu và các hình thức hầu Bóng, múa Bóng ở Nam Bộ.

Truy cập ngày 20/9/2018 trên:

http://hatvan.vn/forum/threads/tho-mau-va-cac-hinh-thuc-hau-bong-nam-bo.148/

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​