Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
THỔN THỨC SÀI GÒN


“Cơn lũ” dịch Côvid tràn vào TP. Hồ Chí Minh mỗi ngày một dâng cao khiến mọi người bất ngờ. Thành phố đông dân nhất nước với bao mối giao thương trong ngoài nước đang đứng trước nguy cơ ngập bệnh. Bất ngờ nhưng không bất lực. Thành phố gồng lên chống đỡ ngăn chặn cơn lũ. Cả nước yêu thương ôm thành phố vào lòng, cứu thành phố cũng là cứu cả nước bởi đây là một nơi trọng yếu về chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.

Hình ảnh TP. Hồ Chí Minh lần lượt hiện lên trong tâm trí tôi. Sài Gòn thời chiến tranh là sự vẫy gọi. “Cái quầng sáng bổn chồn thương nhớ đó. Đang đêm đêm nức nở gọi ta về” (Lê Anh Xuân). Sau 1975 thành phố nhọc nhằn trở mình thời bao cấp. Và vươn lên năng động sáng tạo thời kinh tế thị trường. Sài Gòn – TP. Hồ Chí  Minh hôm nay trở thành anh Hai lo lắng bao bọc cho cả nước. Người dân Sài Gòn chân tình, cởi mở, hào phóng. Thế mà đợt dịch lần thứ tư này Sài Gòn bị “trọng thương”, kinh tế bị ảnh hưởng. Trọng thương nhưng không tang thương. Sài Gòn với khí phách của mình chiến đấu chống dịch đến cùng. Mọi biện pháp, khuyến cáo được đưa ra. Và từ 0 giờ ngày 09/7/2021 TP. Hồ Chí  Minh buộc phải giãn cách xã hội. Lập chốt và phong tỏa một số khu vực, cán bộ, công nhân, nhân dân nếu không có việc cần thiết không được ra ngoài đường. Biết tin từ hôm trước vợ chồng tôi nhân dịp có người lên đã mua tôm, mua thịt làm ruốc mua rau củ gừi lên cho gia đình con gái trên Sài Gòn. Việc làm lo xa nhưng chính quyền cũng đã đảm bảo cung cấp lương thực thực phẩm cho toàn thành phố. Thành phố không sợ đói, không sợ thiếu. Đối tượng dễ bị tổn thương nhất là những người nghèo, anh xe ôm, chị bán vé số, những người buôn gánh bán bưng. Những người ngưng làm thì ngưng ăn. Họ là những người Sài Gòn chính hiệu, hoặc là dân tứ xứ trôi dạt về lay lắt kiếm sống. Thành phố đã lo cho họ đủ sống trong những ngày giãn cách. Cả nước, từ miền Bắc, miền Trung, miền Tây âm thầm và nườm nượp chở gạo, thịt, cá, trứng, mắm muối, rau củ cung cấp cho Sài Gòn. Trái tim cả nước trĩu nặng yêu thương với niềm tin tưởng Sài Gòn sẽ vượt qua cơn bệnh.


codong chong covid-12.7.2021.png
Nhân dân Việt Nam đồng lòng chính phủ chống dị​ch 


Cuộc chiến của Sài Gòn không nằm ở cái dạ dày, mà ở  cuộc chiến đấu cam go với con quái vật không hình dạng đang tác oai tác quái thành phố với những biến thể không lường. Tôi ở Biên Hòa sáng nay mồng 10 tháng 7 nhìn một số hình ảnh và đọc tin tức thì hình dung ra Sài Gòn trong ngày đầu giãn cách. Đường phố Sài Gòn xưa tấp nập ùn tắc là thế nay hoang vắng lạ thường, chỉ lác đác người xe, vắng lặng đến mức nghe cả tiếng gió thổi xào xạc trên những hàng cây. Nhưng cũng có nhiều đường, nhiều khúc đông đúc kinh khủng, nhất là ở những nơi lập chốt đòi hỏi giấy thông hành âm tính. Hàng quán đã đóng cửa im ắng tuy nhiên vẫn có một số hộ tiểu thương buôn chui bán lủi, nhất là mặt hàng thực phẩm. Gặp lực lượng chức năng họ bỏ chạy, có khi bỏ của chạy lấy người. Ngày đầu vẫn còn một số chuệch choạc, vấp váp. Chắc chắn trong những ngày tới lực lượng chức năng sẽ nghiêm túc và quyết liệt hơn nữa, với những người không có phận sự vẫn ra ngoài đường sẽ xử phạt nặng. Tiến tới học tập Đà Nẵng, Hải Dương có thể sẽ cấp giấy ra đường cho một số người cần thiết phải đi lại.

Tôi cũng nhìn thấy rõ sự đồng lòng giữa Chính phủ, lãnh đạo thành phố, các cơ quanh chức năng và người dân. Hai Phó Thủ tướng được phân công chỉ đạo thành phố chống dịch. Bộ y tế luôn ưu tiên hàng đầu cho việc cung cấp vac-xin cho Sài Gòn, các điểm tiêm vac-xin đã mở rộng ra nhiều nơi để tránh dồn tụ đông người. Đó là giải pháp căn cơ cho cuộc chiến chống Covid. Lãnh đạo thành phố trăn trở tìm mọi biện pháp dập dịch, nếu cần phải thay đổi cách làm, thay đổi chiến thuật cũng sẵn sàng. Mục tiêu kép của Sài Gòn vẫn  là vừa chống dịch quyết liệt vừa đảm bảo sản xuất để chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy. Mười ngàn cán bộ, nhân viên y tế vừa Sài Gòn vừa các tỉnh khác là những chiến sĩ thầm lặng trong cuộc chiến đấu giành lại bình an cho cho thành phố. Trong số họ có những người đã trải qua phờ phạc chống dịch ở Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang nay cũng có mặt. Ngột ngạt trong nắng nóng, trong bộ đồ bảo hộ, mắt thâm quầng vì thức thâu đêm, má hằn vệt khẩu trang. Có người ngủ vạ vật dọc lối đi, đuối sức ngất xỉu đồng nghiệp phải chăm sóc mới tỉnh lại. Trên quê hương họ, trong ngôi nhà thân thương của họ con trẻ sụt sùi nhớ mẹ, người vợ đỏ mắt mong chồng, mẹ già ngồi tựa cửa ngóng vọng. Họ làm quên ngày quên đêm để dành giật sự sống cho người dân thành phố. Người dân thành phố vốn chịu khó chịu khổ, lòng đầy kiêu hãnh của một thành phố mang tên Bác sẽ bảo ban nhau, thực thi những chỉ đạo của cấp thẩm quyền để giảm dần số ca lây nhiễm. Mọi người nói vui Sài Gòn bây giờ không phải “Cố lên” mà “Cố xuống!”

Tôi tin vào một thời khắc nào đó sự khỏe mạnh cường tráng, yên vui của thành phố sẽ trở lại. Thử thách cam go này TP. Hồ Chí Minh sẽ vượt qua! Mọi người lại vào công xưởng, công ty, cơ quan, đi siêu thị, dạo công viên, ăn phở mỗi sáng, cùng làm một cữ cà phê trong chiều mưa và lại hát những bài ca trữ tình ngày xưa ấy...

                                                                                Sáng 10 tháng 7 năm 2021

                                                         Bùi Quang Tú

 


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​