Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
PHƯƠNG NGỮ NAM BỘ TRONG TẬP TRUYỆN NGẮN “TRÊN NÚI TƯK-COT” CỦA NHÀ VĂN HỒ KIÊN GIANG



ThS. Nguyễn Văn Nhật Thành

(Trường THPT Vĩnh Định – Triệu Phong – Quảng Trị)

 

Ngôn ngữ văn chương là đại diện tiêu biểu của ngôn ngữ văn hoá, dạng thức tồn tại “toàn vẹn nhất, sáng chói nhất” của ngôn ngữ toàn dân. Nói đến ngôn ngữ văn chương là nói đến chức năng thẩm mĩ, đến giá trị tạo hình, giá trị biểu trưng, biểu cảm to lớn. Để ngôn ngữ nghệ thuật có thể khắc chân thực, sinh động bức tranh cuộc sống thì việc huy động, sử dụng nhằm khai thác thật tốt khả năng, tiềm năng của các phương tiện ngôn ngữ là một việc làm không thể thiếu.

Khu vực Nam bộ đất đai rộng lớn, phì nhiêu, hệ thống kênh rạch chằng chịt đồng thời là vùng đất với lịch sử hơn ba trăm năm khẩn hoang của người Việt. Cảnh vật, thiên nhiên và con người Nam bộ từ lâu đã gây dựng được sự chú ý của nhiều người cầm bút và không ít người trong số đó gặt hái được nhiều thành công mà Hồ Kiên Giang không phải là một trường hợp ngoại lệ. Đến với Nam bộ, Hồ Kiên Giang phải huy động vốn sống, vốn hiểu biết về tiếng nói địa phương từ ngữ âm, từ vựng đến ngữ pháp trong xây dựng tác phẩm. Đây là nhân tố quy định ngoài ngôn ngữ mang tính khách quan và cũng là con đường để tác giả có thể tái hiện trung thực bức tranh đời sống như vốn dĩ của nó. Tập truyện ngắn “Trên núi Tưk-cot” được xuất bản năm 2021, đó là một quá trình sáng tạo không mệt mỏi của Hồ Kiên Giang và đã nhanh chóng gây sự chú ý và thu hút đối với độc giả và giới phê bình. Có ý kiến cho rằng, tập truyện ngắn “Trên núi Tưk-cot” hấp dẫn người đọc ở cái đẹp dân dã, mộc mạc mang tính địa phương được thể hiện hết sức tinh tế. Chính cái đẹp ấy đã gợi lên trong lòng người xa xứ nỗi nhớ quê hương da diết. Cũng chính cái đẹp ấy lại khiến những người chưa một lần đặt chân đến vùng đất của Hồ Kiên Giang phải tò mò tìm đến. Tập truyện ngắn “Trên núi Tưk-cot”còn hấp dẫn bởi chất Nam bộ thấm đẫm trong ngôn ngữ tác phẩm khiến cho không gian Nam bộ hiện lên chân thực, sống động. Sự lạ hoá kết câu văn bản cũng làm tăng hiệu quả của lối kể chuyện dung dị, hấp dẫn rất Hồ Kiên Giang. Với Hồ Kiên Giang, viết văn không đơn thuần là trò làm xiếc bằng ngôn từ mà là cách ứng xử khoa học và đầy tâm huyết của một nhà văn. Những trang văn của Hồ Kiên Giang vẫn là những văn bản đa thanh kì diệu, mở ra bát ngát những liên tưởng từ những ngôn ngữ lạ lẫm, đầy cá tính sáng tạo.


BÌA TẬP TRUYỆN NGẮN TRÊN NÚI TƯK-COT CỦA NHÀ VĂN HỒ KIÊN GIANG.jpg




1. Ngôn ngữ dẫn truyện mang màu sắc văn hoá Nam bộ

Ngôn ngữ là một trong những phương diện bộc lộ đặc điểm văn hóa vùng miền và cũng là yếu tố đem lại thành công, đặc sắc của các tác phẩm. Phương ngữ Nam bộ được Hồ Kiên Giang sử dụng một cách thuần thục vào việc thể hiện ngôn ngữ trong lời ăn tiếng nói thường ngày, trong từng ngữ cảnh cụ thể của nhân vật. Cũng tả cảnh, tả người và sự việc nhưng ngôn ngữ của Hồ Kiên Giang trong các truyện ngắn đã khác xa thời Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam… và sau này là Nguyễn Ngọc Tư. Nhiều từ ngữ Nam bộ được anh đưa vào đúng lúc, đúng chỗ, khắc họa chiều sâu tâm lý nhân vật và cảnh sắc thiên nhiên vùng sông nước. Bằng tất cả những vốn sống, am hiểu về văn hoá Nam bộ, đặc biệt là phương ngữ, Hồ Kiên Giang đã tạo cho mình phong cách dẫn truyện, cách dùng từ ngữ đậm chất Nam bộ.

Chất văn hoá Nam bộ trong ngôn ngữ tác giả trước hết thể hiện ở những lớp từ ngữ đậm chất Nam bộ.Viết về miền sông nước nên Hồ Kiên Giang cũng đã sử dụng lớp từ ngữ sông nước đặc trưng. Lớp từ ngữ phản ánh địa hình, cây cối, sông nước của miền sông nước Nam bộ xuất hiện trong hầu hết những sáng tác của anh như: sông, kinh, bến rạch, mương, gò cao, nước lớn, vùng lũ, mùa nước rong, gió chướng, gió bấc, ghe, xuồng... hay các loại cây, con vật đặc trưng như:dừa nước, bông lục bình, rừng tràm, mía, vú sữa, rau muống, bìm bịp, lá cọ, cá nhảy hầm,…Việc sử dụng lớp từ này không chỉ góp phần làm nổi bật lên những nét đặc trưng của vùng sông nước mà còn góp phần làm phong phú thêm vốn từ vựng tiếng Việt trong các tác phẩm. Lớp từ phương ngữ Nam bộ cũng được nhà văn vận dụng tối đa trong tác phẩm. Đó là các từ xưng hô, từ đệm, cách sử dụng các thành ngữ đậm chất Nam bộ. Trong cách nói của người Nam bộ có một hiện tượng đáng lưu ý. Đó là cách xưng gọi, và cách dùng từ xưng gọi. Người Nam bộ có thói quen gọi tên kết hợp với thứ bậc hay đặc điểm của nhân vật. Nhiều nhân vật trong các tác phẩm cũng được Hồ Kiên Giang đặt tên, gọi tên theo cách xưng hô như vậy như: trong Đào Nhì (bà chị Hai); Thước phim đời người (thằng Út, thằng Tới); Gò cao vùng lũ (dì Tư bánh bò, anh Tám, ông Hai ghe hàng, thằng Tí, con Sửu); hay ở Người con gái trên đồi sim (Dì Út bên Nam Vang, bé Hai); hay trong Gió bấc qua đồng (chị Hai, Dì Sáu); Út Đẹt (anh Hai Đạt, chị Ba Đèo, dượng Tư, Út Đẹt, thằng Tí); Khách miệt vườn (bé Hai, dì Út, Tư Kiên, Năm Cường, chị Tư); Những đêm mất ngủ (Dì Hai Thuỷ, dì Tư, chị Hai); Bìm bịp kêu kêu khắc khoải (thằng Tiến, thằng Cường, anh Hai, bác Tám), Mùa này mía chẳng trổ bông (chị Hạnh con bác Tám, con Thuỷ con chú Hai); Lính mới (con Yến, thằng Kha, dì Tư, dượng Tư). Trong văn hoá ứng xử của người Nam bộ, kiểu xưng hô này làm người nghe cảm thấy gần gũi, có sự kết nối với nhau, thân thiết như những thành viên trong gia đình, cho dù đó là những người lạ với nhau. Điều này xuất phát từ xa xưa, khi khai phá vùng đất mới, lúc ấy đất rộng người thưa, con người cảm thấy cô đơn lạc lõng nên cần được chia sẻ, quan tâm nhau bằng tình cảm chân thật, thân thiết. Do vậy, lối xưng hô này trở thành một nét văn hoá giao tiếp của người dân. Hồ Kiên Giang cũng rất am hiểu lối xưng hô này khi ông đã có những giới thiệu, lý giải về các tên gọi: Dì Tư bánh bòtrong “Gò cao vùng lũ”: Tôi ở đây một mình, hàng ngày làm bánh bò bán nên mọi người hay kêu tôi là dì Tư bánh bò [tr.46]. Hay đó là sự lí giải về tên gọi trong “Những đêm mất ngủ”: Hồi sanh con, tía má đặt tên con là Biển để sau này con thay tía ra khơi. Còn hai đứa em con tên Bình và Minh là mong muốn mỗi sáng về ghe đầy tôm cá, là một ngày mới có nhiều thuận lợi [tr.170]; hay trong “Những giấc mơ biên thuỳ”: “Nghĩa. Nguyễn Minh Nghĩa. Minh là minh mẫn, còn nghĩa là nghĩa nhân ấy mà. Lúc sanh tôi ra tía má tôi đặt như vậy” [tr.85].

Ngôn ngữ dẫn truyện cũng mang đậm màu sắc Nam bộ khi tác giả thường xuyên sử dụng những phương ngữ Nam bộ.Nhà văn hay sử dụng các danh từ đặc trưng như: tía, má, thằng, tao, cưng, miểng, cổ, ảnh... Đặc biệt, Hồ Kiên Giang cũng rất thành công khi đưa thành ngữ vào trong ngôn ngữ dẫn truyện một cách linh hoạt, theo đúng phong cách Nam bộ. Đó là những thành ngữ được đưa trực tiếp vào lời văn: đầu đường xó chợ; rày đây mai đó, đụng đâu bạ đấy, ong bướm lả lơi trong Đào Nhì; nhất quá tam nhì ba bận (quá tam ba bận) trong Út Đẹt; dầm mưa dãi nắngtrong Khách miệt vườn; bán mặt cho biển, bán lưng cho trời (bán mặt cho đất, bán lưng cho trời) trong Những đêm mất ngủ; ăn tươi nuốt sống trong Trên núi Tưk-cot; tha phương cầu thực, dựng vợ gả chồng trong Mùa này mía chẳng trổ bông. Với sự vận dụng những thành ngữ có tính chất khẩu ngữ và có sự biến đổi về hình thức phát âm theo tiếng nói, phù hợp với tính cách của người dân Nam bộ, Nguyễn Thi đã tạo được một cách rõ nét sắc thái dân gian Nam bộ trong các sáng tác của mình.

Hay đó là các câu tiếng lóng: hết trơn hết trọi. Có khi trong một câu văn, nhà văn sử dụng hàng loạt phương ngữ:“Dì mở cửa toang hoác, ngồi đập muỗi đôm đốp ngó ra sân đợi sáng” [tr.43]; “ghe ông Hai dạng ghe lườn, có mui bằng van, ông chèo tình tang sau lái. Khi ghe tấp vô, dì nhìn ngó trong mui không có ai, còn ông thì buông tay chèo nhoài người vào mui lần ra mui ghe cười xởi lởi” [tr.46]; “Mỗi lần anh Hai Đạt nghe nó thốt ra liền nhảy dựng lên: “con này tao tát cái chết quá. Ngu tới nỗi cái gì cũng hỏi!”. Chị Ba Đèo thì nhẹ nhàng hơn, nhưng hỏi ngược lại: “Út nói câu khác đi. Ở đây không có ai tên “Ta” đâu nghen!” [tr.137]; “ông đem cái lò xuống gh dùm tui đi. Con Nhân đâu, lấy mấy cái lưỡi hái giắt trên vách cho má. Thằng Ái rửa mặt rồi vô thay đồ đặng đi nè!...Nhân à, ở nhà coi chừng bầy gà mái đẻ, cắt dây chuối dìa ủ cho heo”. [tr.154]; “Người địa phương ít học, quê mùa gọi thẳng đuột họ là dân mần mướn. Còn kẻ hiểu biết tí chút về ngôn ngữ văn chương, thích dùng chữ nghĩa thì tặng cho họ một cái tên mĩ miều là khách miệt vườn”[tr.156].

Phong cách diễn đạt là phương diện thể hiện rõ lối tư duy của người Nam bộ. Qua tác phẩm của Hồ Kiên Giang, ta dễ dàng nhận ra cách diễn đạt rất đặc trưng của người miền Nam. Đặc điểm dễ nhận ra ở phong cách dẫn truyện của anh là phong cách diễn đạt bình dân, có nhiều yếu tố từ ngữ giản dị và mộc mạc, những câu ngắn gọn, từ ngữ đặc trưng. Đặc điểm này phù hợp với đời sống và tính cách của người Nam bộ. Đó là lối văn điển hình của “văn phong Nam bộ”.

Để tạo không khí dẫn truyện, dẫn dắt như những lời kể chuyện hàng ngày giữa những người dân Nam bộ, Hồ Kiên Giang đã tạo cho mình phong cách dẫn truyện mang phong cách Nam bộ. Như cách nhà văn giới thiệu về gió bấc thổi về làng trong Gió bấc qua đồng:“Độ khoảng tháng mười, tháng mười một ta là gió bấc về. Gió lao xao trên đọt bần trước cửa. Gió tràn trề trên mặt sông bàng bạc phù sa. Gió ngập đồng menh mông sóng lúa. Đầu mùa thì lạnh ít. Càng cuối mùa càng lạnh nhiều. Rồi sau tết chuyển mùa, đổi gió bằng không khí nóng bức” [tr.97], miêu tả hình dáng, khuôn mặt của nhân vật Chanh Đa trong Trên núi Tưk-cot: “ông Chanh Đa gần bảy mươi tuổi, dáng ốm nhom, lòng khòng, da đen thui, mốc sì. Mái tóc xoăn nhiều năm không được cắt tỉa, chải chuốt rối bù như mớ bòng bong, càng làm gương mặt hốc hác của ông nhỏ lại khắc khổ” [tr.116]; nhân vật Út Đẹt trong truyện ngắn cùng tên Út Đẹt: “Út Đẹt không đẹp, gia đình không giàu, nhưng ai cũng khen nó dê thương, chưa bao giờ thấy nó buồn phiền hay giận hờn ai cả” [tr.137]. Người đọc dễ dàng hình dung được những gì nhà văn miêu tả từ những thông tin ngắn gọn nhưng rất đầy đủ đó mà nhà văn nói đến.

Phong cách kể chuyện của Hồ Kiên Giang cũng mang dáng dấp phong vị dân gian Nam bộ. Đó là nhiều lúc người kể cũng tham gia trực tiếp vào câu chuyện, bày tỏ cảm xúc chủ quan của mình. Có khi người kể chuyện đóng vai trò như một nhân vật trong truyện để trực tiếp kể lại những gì mình mắt thấy tai nghe. Hay rất nhiều đoạn nhà văn vừa kể chuyện vừa nhập thân vào nhân vật để miêu tả cảm xúc của nhân vật đó là cái chết của thằng Tí và con Sửu khi bị bọn Lon-non cầm súng giết trong Gò cao vùng lũ: “Miệng dì há hốc mà gọi không thành tiếng. Hai đứa em của dì đó sao? Nó nằm co quắp, khô đét, Mắt mở trừng trừng. Vùng bụng hai đứa là một đống bầy nhầy, dòi bọ lúc nhúc. Máu thấm vào đất đen thẫm. Và một mùi tanh tởm lợm vo tròn, đặc quánh trong căn nhà vắng lạnh”. [tr.55]; cũng miêu tả về người cha khi bị Tây bắn chết trong Gió bấc qua đồng: “trước mắt tôi ba nằm bất động trên vũng máu đỏ tươi, mắt mở trừng trừng như có sao, có lửa. Chị Hai gục đầu trên ngực ba, nơi có nhiều lỗ tròn bằng ngón tay và máu đang trào ra, vai chị rụng từng đợt theo từng tiếng nấc nghẹn”. [tr.100]

Cũng như phong cách kể khan đặc trưng của sử thi Tây Nguyên, phong cách kể chuyện của dân gian Nam bộ mang đặc trưng riêng: đề cao lối kể ngắn gọn, dễ hiểu và tạo cảm xúc lôi cuốn qua sự kết nối giữa người kể và người nghe. Những đặc điểm này phù hợp với lối sống thích đơn giản, ngắn gọn và chân tình của người Nam bộ. Tạo được một phong cách dẫn truyện mang đậm chất dân gian Nam bộ như thế trong các tác phẩm là một thành công của Hồ Kiên Giang.

2. Ngôn ngữ đối thoại (hay ngôn ngữ nhân vật) là ngôn ngữ đời thường trần trụi của người dân Nam bộ

Thu hẹp khoảng cách giữa truyện kể và những “chuyện” của hiện thực, ngôn ngữ văn chương sau 1975 trở nên gần gũi với ngôn ngữ đời sống hơn bao giờ hết. Có sự xuất hiện của những khẩu ngữ, ngôn ngữ đặc trưng vùng miền. Có kiểu phát ngôn trần trụi, không gọt giũa của thứ ngôn ngữ “chợ búa”. Những tiếng lóng, những câu chửi thề được sử dụng khá thường xuyên để phê phán một mảng xã hội bề bộn mọi chuẩn mực đạo đức bị đảo lộn, nhiều cây bút đã không ngại sử dụng thứ ngôn ngữ trần thuật “thiếu văn hóa”, ngôn ngữ “phố phường” thời hiện đại. Sử dụng thuần thục phương ngữ Nam bộ nên Hồ Kiên Giang đã thành công khi đưa ngôn ngữ của đời sống vào tác phẩm của mình một cách tự nhiên. Và cũng chính vì thế nên nhân vật của anh luôn tạo cho người đọc sự gần gũi thân thuộc, thậm chí nhà văn còn mạnh tay hơn so với nhiều cây bút khác trong việc sử dụng ngôn ngữ đời thường “trần trụi” trong lời kể. Điều ấy lặp đi lặp lại tạo thành một thứ ngôn ngữ nhất quán trong sáng tác của Hồ Kiên Giang.

Điều đầu tiên dễ nhận thấy trong văn Nguyễn Khắc Phê là sự dung nạp những phong cách khẩu ngữ sinh hoạt trong ngôn ngữ nhân vật dày đặc, và có thể gặp ở bất kỳ đâu trong cuộc sống thường nhật đó lời ăn tiếng nói hằng ngày của người Nam bộ. Người Nam bộ chuộng lối xưng hô thân mật, dân dã, suồng sã cũng như chính lối sống của họ vậy từ những người bằng vai phải lứa, những người nhỏ tuổi hơn mìnhngười Nam bộ thường xưng “mày - tao” để tỏ sự thân mật hay đơn giản là là xưng “tôi - tui” gọi tên người khác khi giao tiếp hay đó là những từ và cụm từ mang đặc trưng văn hoá Nam bộ và chỉ có vùng Nam bộ mới có được:“Láo xược! Ai dạy mày vậy hả? Tao ngồi cả tiếng đồng hồ với thằng Kiên có thấy mày đâu?!”, “Từ nay, tao cấm mày giao du với con đào hát đó, nghe chưa!” trong Đào Nhì; “Bà Mết ơi…sao bà bỏ tui” trong Trên núi Tưk-cot. Mặt khác, cũng có hệ thống từ đệm trong câu nói. Các từ đệm kết hợp với ngữ điệu sẽ tạo ra sắc thái địa phương rõ rệt của từng vùng miền: “Ừ hén” (Đào Nhì), “Sao vậy ta?Hay là Lan đã nảy sinh tình cảm với thằng Út” (Thước phim đời người); “Vùng này mùa lũ ngập hết trơn hết trọi, có chừa chỗ nào đâu”, “Mèn đét ơi!” (Gò cao vùng lũ); “cũng được hén”, “nè, ông ăn thử coi”, “coi chừng cây độc ăn chết thấy mô tổ nghen!” (Người con gái trên đồi sim); “cưng đừng có la nghen”, “Hổng chịu đâu. Em đi!”, “Em hổng chịu. Ba về em méc ba” (Gió bấc qua đồng); “Chèn ơi! Có nước mắm Phú Quốc nữa à”;(Trên núi Tưk-cot); “Kỳ vậy ta”, “Ủa thiệt hả má?, “Bộ Út chê tôi hả? Kỳ vậy ta!”, “Vậy Út đợi tôi hai năm nữa nghen!” (Út Đẹt); “Đi bây giờ cho kịp nước xuôi. Đợi mặt trời mọc chèo ngược nước thấy mẹ à!”, “má đi chừng nửa tháng má dìa”, “Nè, ly rượu này cạn nghen”, “Miểng. Miểng gì? Không biết”, “Bửa hổm anh nói mướn…cái gì…dàn đờn dàn điếc gì đó, được chưa” (Khách miệt vườn); “Dìa nhà tôi lấy đồ mặc”, “em thay bộ này nè”, “Lài !Em chờ anh hén. Năm năm”(Mùa này lúa chẳng trổ bông),… Tuỳ vào đối tượng, tình huống giao tiếp mà các nhân vật có những xưng hô khác nhau. Lối xưng hô này có thể được xem như là sản phẩm của môi trường sống. Mỗi người đều có thể nhấn mạnh đến cái tôi cá nhân của mình và ý thức được vai trò xã hội của mình. Mặt khác, lối xưng hô này một phần cũng đã phản ánh thái độ phóng khoáng, bình đẳng như chính thiên nhiên nơi đây đã có. Và quan trọng hơn, qua cách xưng hô đó, người Nam bộ luôn đề cao sự thẳng thắn, bộc trực trong giao tiếp. Ngôn ngữ như một dòng chảy tự nhiên không qua chưa được sắp xếp.

Đọc văn của Hồ Kiên Giang, người ta có cảm giác ngôn ngữ đang ở trong trạng thái nguyên thủy, không pha trộn màu mè. Có những câu văn cụt ngủn, lửng lơ như lời nói hằng ngày chưa được dàn xếp theo quy luật của văn chương khi Tùng nói với Hiếu trong Đào Nhì: “Giờ, Hiếu được mấy cháu rồi? Vẫn hạnh phúc chứ?. Ông thấy trong mắt bà đầy áp những hờn, những giận. Giọng bà ráo hoảnh: “Hạnh phúc? Em đã có chồng đâu mà con với cái!”. Sao? Hiếu…”Hiếu thở dài. Tiếng thở man mác buồn lan sang cả ông” [tr.20].

Nhưng nhiều hơn cả là những câu văn dài, rườm rà nhiều hư từ, giới từ, văn nói và văn viết không thể tách bạch trong Khách miệt vườn: “Chẳng hiểu sao khách miệt vườn khi đã đến nơi thường hay ngã bệnh, không biết có phải do lạ chỗ, lạ nơi, không quen với thời tiết khí hậu; hay vì mấy ngày đi đường dầm mưa dãi nắng cho chuyến hành trình; hoặc sau thời gian nhàn rỗi công việc đồng áng, nay ra ngoài đồng “nắng không ưa, mưa không chịu, ghét gió, kỵ mùa sương… nên ngã bệnh” [tr.162].

Trong những trường hợp này, ngôn ngữ của Hồ Kiên Giang mang tính chất nguyên sơ, tự nhiên, một thứ ngôn ngữ nguyên chất, trần trụi với ngôn ngữ hằng ngày sinh động đầy biến hóa. Ngôn ngữ như vậy không đơn thuần là những kí hiệu mà là một chất liệu làm hiện hình trực tiếp một trạng thái đời sống. Nó không phải qua trung gian phiên dịch các kí hiệu của tư duy mà tác động ngay vào cảm giác của người đọc, cho ta những cảm giác trực tiếp về đời sống. Có thể là cảm giác pha tạp ngổn ngang, có thể là cảm giác tẻ nhạt, công thức đến vô nghĩa nhưng quan trọng hơn nó luôn tạo ra một cảm giác chân thực về cuộc đời.

Mặt khác, ngôn ngữ đời thường trần trụi trong văn của Hồ Kiên Giang còn thể hiện đậm nét ở cách ông sử dụng những từ ngữ thông tục. Đọc truyện Hồ Kiên Giang, ta sẽ không bắt gặp một, hai từ chêm xen thông tục trên tổng thể là lượt, gọt giũa giống ngôn ngữ cổ điển của Tú Xương, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến mà anh có vẻ gần gũi hơn với Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ, song táo bạo hơn bằng cách tung ra một dòng thác những ngôn từ bỗ bã về bất kỳ đối tượng nào được đề cập tới.

Khi triết lý về cuộc sống thường nhật trong suy nghĩ của Tùng trong Đào Nhìvề sự lựa chọn tình cảm hay nghe theo sự sắp đặt của gia đình:“Anh lên giường nằm nhưng không thể chợp mắt được. Bao nhiêu ước mơ, dự tính về một tương lai tươi đẹp, hạnh phúc đang bị héo mòn dần. Anh thấy mình trơ trọi giữa ngã ba đường, chơi vơi giữa ngã ba sông. Đi hướng nào đây, bên tình hay bên hiếu.”[tr.15]; Hay văn của Hồ Kiên Giang có nhiều so sánh, miêu tả độc đáo, hay là theo kiểu dạng điệp từ, ngữ: “Đời nghệ sĩ như bông lục bình vừa nở, vừa trôi, lặng lẽ mang hương sắc, trang điểm cho đời” [tr.71]; “Giọng bà Mết vang lên lanh lảnh bên tai Hiếu. Tiếp đó một làn gió ào ào qua. Bà Mết giang tay như cánh chim bay vút lên cao, rồi đáp trên một mỏm đá, nhẹ hều.” [tr.130]; “Đêm tân hôn, Út Đẹt bị chồng“bào” như cái việc bào ván hàng ngày của chồng. Trời đất, nó chợt nghĩ chẳng lẽ thợ mộc thì “bào” như vậy, còn thợ hồ anh Điền thì phải “trộn” rồi mới “xây”, còn thằng Tí chuyên môn nuôi vịt thì sau này lấy vợ chắc như… đạp vịt” [tr.16]; “Em đã cố dặn lòng để hoá thân vào từng vai diễn, để được thương, được ghét, được vui buồn, được đau khổ, hạnh phúc” [tr.20]; “Thương quá Chiến ơi! Thương bản tính hiền lành, chân chất, thiệt thà con người miền biển Cà Mau quê em. Thương nét chữ lớp ba ngoằn ngoèo em viết thư gửi về cho ba má. Thương tuổi mười bảy con trai chưa một lần nếm trải vị ngọt ngào hay đắng chát của tình yêu đầu đời. Thương ba tháng tuổi quân ngắn ngủi” [tr.81], “Anh thấy mình như sắp tan ra, sắp trôi đi, sắp hoá thành sương thành khói mong manh thì phải” [tr.92]; “Anh yêu cái thao trường đầy nắng chang chang và gió bụi. Anh say mê các phương pháp đánh địch tiến công hoặc phòng ngự, lúc mở cửa hay trong công sự. Anh thích thú khi tưới những luống rau cải xanh rờn nhờ bàn tay chăm bón của những người lính” [tr.173].

Cũng như những con người bình thường khác, mỗi nhà văn thường neo đậu hồn mình với một địa danh, một quê hương mình gắn bó. Thể hiện hình bóng quê hương trên trang viết là một trong những cách đền đáp nghĩa tình đối với mảnh đất mà họ yêu thương. Và việc lấy phương ngữ nơi mảnh đất mình gắn bó làm ngôn ngữ biểu đạt trong tác phẩm cũng là một hướng đi nhiều nhà văn lựa chọn. Đọc văn Hồ Biểu Chánh, ta nhận ra chất Nam bộ trong hệ thống từ địa phương được sử dụng dày đặc trong tác phẩm. Giọng văn Tô Hoài cho biết ông là nhà văn của mảnh đất kinh kỳ Tràng An ngàn năm văn vật, gần với ngôn ngữ chuẩn về ngữ âm nhưng có thể nhận ra cái riêng với vốn từ vựng ngữ nghĩa của một vùng phương ngữ. Trong thực tế, nhà văn của phương ngữ Bắc chất phương ngữ ít lộ rõ, bởi nó gần với ngôn ngữ chuẩn. Tác giả Hồ Kiên Giang là người con gắn bó với vùng Nam bộ, lời ăn tiếng nói của con người nơi đây đã đi vào tác phẩm của ông và thực sự đem lại giá trị thẩm mĩ đem đến cho người đọc cảm giác thú vị từ vốn từ địa phương mới lạ, với những sắc thái nghĩa phong phú. Chính những yếu tố ngôn ngữ này đã góp phần tạo nên lời văn sinh động, giàu sắc thái biểu cảm, hiện thực được phản ánh lên trang viết với sự tinh nguyên, tươi rói vốn có của cuộc sống.

Tác giả dùng từ địa phương với dụng ý nghệ thuật, xây dựng hình tượng nhân vật gắn với một địa phương, gợi những tình cảm của người đọc về một vùng đất đậm đà bản sắc văn hoá như: Cà Mau, Cần Thơ, Nam Vang, Gò Cao, Giang Thanh, U Minh, Bàu Môn, So Đũa, Hoà Hưng, Năm Căn, Vàm Xáng,…. Ngoài ra, sự xuất hiện nó còn giúp cho khoảng cách ngôn ngữ văn chương và ngôn ngữ đời sống dường như được rút ngắn, đường ranh giới không còn rõ ràng, tính hiện thực của tác phẩm được nâng lên. Hồ Kiên Giang dùng từ ngữ địa phương một cách hợp lí, đi vào lòng người, thuyết phục độc giả bởi chất liệu cuộc sống chân thực. Màu sắc hiện thực từ địa phương mang lại không kém phần tươi tắn và gây hiệu quả về cảm xúc nghệ thuật. Tất cả đều trần trụi, ngồn ngộn đi vào trong tác phẩm của Hồ Kiên Giang một cách tự nhiên, thoải mái như lời ăn tiếng nói của con người trong cuộc đời thực. Không thể phủ nhận việc sử dụng đến mức lạm phát những ngôn ngữ bỗ bã cũng hạn chế tính thẩm mỹ của tác phẩm, khiến đôi khi bạn đọc thấy “sốc”, khó chấp nhận nhưng thực ra nó hàm chứa trong đó cách ứng xử riêng của anh với ngôn ngữ truyền thống và quan trong nó liên quan đến cách tiếp cận đời sống riêng của ông.

 

***

 

Đọc văn của Hồ Kiên Giang khiến người ta chợt nghĩ về chức năng của văn chương muôn đời. Văn chương ra đời là để lừa mị con người, tạo cho người ta ảo tưởng về một thế giới đẹp đẽ hay văn chương giúp ta nhìn rõ hơn, thấu đáo hơn trong mọi góc cạnh thực của nó. Hồ Kiên Giang phải chăng đã cố ý tạo nên “một thế giới mà trong đó nhìn vào đâu ta cũng thấy xấu ghê gớm” như một nhà nghiên cứu đã nhận định hay đó là cách dấn thân vào văn chương với một thái độ dũng cảm của người nghệ sĩ đầy trách nhiệm. Mỗi người thông qua tác phẩm của ông sẽ tìm thấy câu trả lời cho riêng mình phụ thuộc vào trường thẩm mĩ và thái độ văn hóa của mỗi người.

Phương ngữ Nam bộ là tiếng nói của người dân Nam bộ. Đó là một thứ ngôn ngữ rất chân quê, giản dị, nhưng lại cực kỳ phong phú, đa dạng. Hồ Kiên Giang không ngại đã đưa những sắc thái ngôn ngữ vùng miền thường nhật của người Nam bộ vào trong lời nói các nhân vật. Thông qua đó để thấy được tính cách, tâm lý ứng xử của người Nam bộ: sự bộc trực, mộc mạc, dân dã, hào hiệp, trọng nghĩa,…của con người Nam bộ. Đó cũng là thể hiện nét riêng trên phương diện ngôn ngữ giao tiếp của văn hoá Nam bộ. Cách sử dụng phương ngữ khéo léo, tinh tế, tự nhiên của Hồ Kiên Giang khiến bạn đọc ở miền Bắc hay miền Trung đọc không cảm thấy xa lạ, không chỉ hiểu rõ nghĩa mà còn vô cùng thích thú chất “ngọt lịm” trong ngôn ngữ của người phương Nam. Hồ Kiên Giang chắt lọc ngôn ngữ từ cuộc sống đưa vào trong văn học một cách thản nhiên, nhẹ nhàng, không hề khiên cưỡng.Trên núi Tưk-cot” có thể chưa phải là tập truyện ngắn xuất sắc nhất của Hồ Kiên Giang nhưng là một trong số những tập truyện ngắn gây ấn tượng với tôi về đặc trưng văn hóa Nam bộ. Từ không gian, ngôn ngữ truyện đến văn hóa trong giao tiếp, ứng xử, sinh hoạt của con người Nam bộ đều được đề cập một cách nhẹ nhàng mà sâu sắc. Các câu chuyện khép lại nhưng lòng người đọc vẫn mở ra những trăn trở, lo âu về tình đời, kiếp người ở nơi chốn miền Tây xa xôi. Những cảm xúc ấy có khi không thể chạm được nhưng luôn hiện hữu như từng cọng vàng của bông lúa miền Tây, từng cây cầu bắc qua những dòng sông mênh mông, từng câu hò ru con ầu ơ vẳng lên trong những đêm khuya thanh vắng… Với tình yêu đối với đất và người Nam bộ, Hồ Kiên Giang đã “chuyển tải” thành công “chất Nam bộ” qua ngôn ngữ trong sáng tác của mình. Chỉ bấy nhiêu thôi ta cũng có thể khẳng định: Hồ Kiên Giang xứng đáng là một trong những nhà văn của người dân Nam bộ trong thời kỳ mới cũng như đóng góp một tiếng nói, một ngôn ngữ truyền thống trên văn đàn văn học miền Nam./.

N.V.N.T



Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​