Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TỪ BIÊN HÒA NHỚ KINH BẮC, CHÍ LINH



 

Ghi chép của Đào Sỹ Quang


 

Thế mà đã 7 năm trời. Tháng 7 năm 2014 tôi từ Biên Hòa ra thăm Kinh Bắc…

- Anh ra đi, cố một lần thăm Kinh Bắc rồi tiện thể thăm bạn bè. Mọi người vẫn nhớ anh lắm! Tôi nghe câu này không dưới ba lần của Trịnh Quang Thắng (Hiệu trưởng trường THPT Hàm Long - Thành phố Bắc Ninh). Thắng thuộc tuổi em của tôi. Chúng tôi học cùng lớp ở Khoa Lý, trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là ĐH Thái Nguyên), khóa X. Thắng học giỏi. Tôi khoái nhất cu cậu đọc và nói tiếng Nga nhanh như gió! Tốt nghiệp ĐH, Thắng được tổ chức nhà trường giữ lại làm giảng viên, sau vì hoàn cảnh gia đình cậu xin vềdạy học ở quê nhà.

Tôi thích nghe hai tiếng “Kinh Bắc”, mảnh đất giàu văn hóa - lịch sử với những đền chùa cổ kính gắn bó với bao nhân vật đã đi vào lịch sử dân tộc…

- Được rồi! Lần này thì anh quyết định ra thăm em!

 Nghe tôi nói vậy, Thắng vui lắm. Không biết “thằng em” bây giờ thế nào, chứ ngày mới vào đại học trông cậu “quê mùa một cục”, với đôi mắt đen láy thật đáng yêu. Lúc đó tôi đóng vai “thầy” phán một quẻ: “Cậu sau này sẽ làm lớn!” Nghe “ông anh” từng “vào sinh ra tử” (tôi là lính từ chiến trường trở về đi học) nói thế, Thắng tin tôi sái cổ! Giờ nghĩ lại, tôi cứ cười thầm, hóa ra “nói phét” mà trúng phóc, hiệu trưởng một trường trung học phổ thông cũng là “lớn” lắm chứ!

Tôi kéo Nhất (quê Hải Dương kém tôi sáu tuổi) đi cùng. Cậu ấy cũng một thời khoác trên mình bộ cánh vàng đứng nơi “Ngã tư đường phố” ở Sài Gòn để “thổi còi”! Nhất vô tư lắm, lại có máu văn nghệ nên được mọi người yêu quý. Nhất thấu hiểu tính hay “sai vặt” của tôi, vì thương tôi mà phải chiều “ông anh dở hơi”. Nói như “Trưởng thôn Văn Hiệp”: Xét một cách toàn diện thì tôi hợp với Nhất. Tôi coi Nhất như một người em ruột.

- Đi tàu hỏa!- Nhất nói với tôi như thế.

- Thì ok, lâu lắm không đi tàu, giờ đi xem nó thế nào.

***

Chúng tôi mang theo khá đầy đủ dụng cụ, đồ lề “tác nghiệp”. Về Bắc Ninh vào đúng mùa còn rơi tiếng ve xối xả, các trường học đã vắng bóng học trò. Trịnh Quang Thắng gặp lại tôi thì vui sướng lắm! Tôi thốt lên trong lòng: Đúng là lãnh đạo có khác, trông rất “trật tự, nghiêm túc”. Ba mươi sáu năm trời con người ta biết bao thay đổi, Thắng cao lớn hẳn lên, không bù cho cái thời bao cấp đói khổ, cố tống hạt ngô, hạt mạch vào bụng để mà sống! Chúng tôi ôm chầm lấy nhau đến trào nước mắt, rồi ôn lại những năm tháng “lồi mắt ra để chiến đấu với những môn học khó, mong sao được cái bằng “ăn như sư, ở như phạm”. Thời kỳ bao cấp cổ hủ đã trôi đi, bạn bè giờ ai cũng khấm khá, không còn phải lo tới cái phong bì mỗi khi nhận thiệp cưới hay chạy ăn từng bữa.

Trịnh Quang Thắng đã nghĩ ra một phương pháp giáo dục học trò thông qua các hình thức văn nghệ, giải trí rất thiết thực, đánh “trúng tim” tuổi trẻ. Nhưng, tiêu chí hàng đầu mà Thắng đặt ra là hiện đại nhưng không được phản cảm, thiếu chất thẩm mỹ, phải làm sao thông qua các hoạt động này các em đoàn kết nhau hơn, học tập tốt hơn, có lý tưởng cao đẹp rõ ràng…. Trong những năm qua, thầy hiệu trưởng Trịnh Quang Thắng đã giành được rất nhiều thành công tốt đẹp trong giáo dục của mình…

- Về Bắc Ninh là phải đi tham quan anh ạ! - Thắng nói với tôi.

Lẽ ra tôi tính ghé thăm Thắng rồi đi Quảng Ninh và Lạng Sơn, nhưng khi nghe Thắng nói thế tôi liền đổi hướng:

- Thì anh giao quyền cho em quyết định.

- Chương trình: thứ nhất là thăm Đền Đô, kế đến là đi Hải Dương thăm Côn Sơn - Kiếp Bạc, cuối cùng là đền thờ Chu Văn An! - Anh chàng Thắng chu đáo đến bất ngờ, làm tôi cũng cảm động đến bất ngờ…

Đêm hôm đó chúng tôi ngủ lại ở trường THPT Hàm Long, sớm hôm sau “điểm tâm” xong, Thắng chở tôi và Nhất bằng chiếc xe hơi của mình, thực hiện chương trình do Thắng đặt ra. Đền Đô – Đình Bảng là điểm chúng tôi đến đầu tiên. “Về Bắc Ninh mà không viếng thăm Đền Đô là mình có lỗi với tổ tiên đó anh ạ”, Thắng nói câu mang hàm ý thật sâu xa. Đền Đô trung tâm Kinh Bắc cổ xưa cách Hà Nội 30 cây số. Trong tôi ẩn hiện những gì mình từng được học, từng được nghe tới. Ở Bắc Ninh hàng năm có trên 40 lễ hội, có những lễ hội nổi tiếng như hội chùa Dâu, hội Lim, hội đền Đô… Và Bắc Ninh còn là mảnh đất của làn điệu dân ca quan họ ngân vang không chỉ trong nước mà cònđến tận Âu, Mỹ, Phi... Và nữa, Bắc Ninh với hàng trăm nghề truyền thống như tranh, đúc đồng, gốm xứ… Nghề nào cũng gây tiếng vang thuyết phục lòng người.


Đền đô - đình bảng- ĐSQ.jpeg
Tác giả tại Đền Đô (Đình Bảng, Bắc Ninh)


Hôm ấy không phải là ngày lễ hội, nhưng khách thập phương vẫn tới viếng Đền Đô nhộn nhịp. Cô hướng dẫn viên du lịch khuôn mặt tươi roi rói, giọng ấm áp mà trong veo giải thích cho du khách biết bao điều lịch sử, có cả tính tâm linh huyền bí. Đền Đô nơi hội tụ của thiên khí, nơi có thế tám đầu rồng chầu về. Nơi thờ phụng tám vị vua nhà Lý (Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông). Tôi như rơi vào thế giới của cha anh dựng nước, thấy cái “đầu lịch sử” của mình còn quá nông và hẹp, rồi như bị một lực vô hình hút lại nơi này, để ngắm ngôi đền, một Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Tôi thắp lên những nén tâm hương để tỏ lòng biết ơn tổ tiên cũng như cầu mong mọi sự an hòa. Khách thập phươngvào đền để dâng hương chiêm bái bề trên với tấm lòng tôn kính. Tôi ngắm ngôi đền, hai bên có nhà võ chỉ và nhà văn chỉ… Đền Đô còn là nơi thờ những quan võ như Lý Thường Kiệt, Đào Cam Mộc... Tôi bị mê hoặc bởi chiếu thư “Chiếu dời đô” làm bằng gốm. Năm 1010 vua Lý Công Uẩn đã viết “Chiếu dời đô” để chuyển kinh đô nước Đại Cồ Việt từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La (sau đổi thành Thăng Long, tức Rồng bay) để mong nước nhà trường sinh phồn hoa thịnh vượng mãi mãi. Theo vua Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) thì Thăng Long “…là nơi đô hội trọng yếu để bốn phương tụ họp”. Có lẽ vì điều đó mà Thăng Long (Hà Nội) vẫn là “nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.

Chúng tôi ăn cơm trưa tại Đền Đô, để chuẩn bị chuyến đi tiếp về Hải Dương quê hương vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, thăm Côn Sơn – Kiếp Bạc. Hình ảnh hai vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi và Trần Hưng Đạo hiện lên trong tâm trí tôi bao trí tưởng tượng. Chúng tôi vi vu trên quốc lộ 18 trong cái nắng trộn hai mùa Xuân- Hạ chói chang. Những ống khói của nhà máy nhiệt điện Phả Lại đang nhả khói trong chiếc iPad của tôi luôn để ở chế độ “quay phim, chụp ảnh”. Đây là Ngã Ba Sao Đỏ, “đi một đoạn rẽ trái là tới Côn Sơn”, Thắng nói vậy. Còn đi thẳng là về Quảng Ninh. Nói tới Quảng Ninh, tôi lại nhớ đến những người bạn một thời sinh viên vô tư, tinh nghịch mà tình cảm mênh mông…

Rồi chùa Côn Sơn đây rồi, chùa nằm giữa hai dãy núi xanh thăm thẳm. Trịnh Quang Thắng như đã quá ư quen thuộc với di tích này:

- Chùa Côn Sơn là một trong những trung tâm của thiền phái Trúc Lâm, nơi tu hành của Thiền sư Huyền Quang, đây có đền thờ Nguyễn Trãi khởi công xây dựng từ năm 2000. Còn đền Kiếp Bạc là nơi thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn…

 Tôi đưa ra một câu hỏi dưới dạng không cụ thể:

- Thiền phái Trúc Lâm, Thiền sư Huyền Quang nghe quen quen?

Thắng như hiểu ý:

- Thiền phái Trúc Lâm cũng là một nền Phật giáo riêng mang tinh thần quốc gia Đại Việt. Còn Thiền sư Huyền Quang là một nhà thơ, nhà khoa giáo lớn theo thiền phái Trúc Lâm…

 Chùa Côn Sơn ẩn mình dưới những tàng cây cổ thụ, trông có gì u tịch, linh thiêng,nơi sân chùa có cây sứ già đã đi qua sáu thế kỷ. Tôi chắp tay khấn vái để tỏ lòng thành kính tri ân những bậc tiền bối. Trịnh Quang Thắng chỉ cho chúng tôi hay:

- Trên đỉnh núi Côn Sơn có Bàn Cờ Tiên, muốn tới đó phải leo qua sáu trăm bậc đá!

- Thì leo! – Tôi nói.

Anh bạn tên Nhất vội can ngăn:

- Tim gan đã yếu lại còn máu! Khỏe như người ta chả nói.

Mặc, chúng tôi vẫn cứ leo. Thắng giải thích: “Nói Bàn Cờ Tiên là cách gọi của dân gian, chứ đâu phải bàn cờ thật”. Thế rồi chúng tôi cũng lên được đỉnh núi, sau khi đổ mất bao năng lượng. Trên đỉnh núi cũng có một khu đất bằng, rộng cỡ mấy chục mét vuông, đứng ở nơi đây ta có thể nhìn thấy cả một vùng quang cảnh nên thơ…

Đền Nguyễn Trãi bên suối Côn Sơn, nơi đặt tấm bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi” có sáu mặt. Năm 1965 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm và dịch văn bia này…

Phong cảnh Côn Sơn thật hữu tình, ngày xưa Nguyễn Trãi đã tìm về nơi này để sống cuộc đời ẩn dật, để trải lòng mình theo những vần thơ… Tôi bỗng khóc lên trong lòng khi nhớ về Vụ án Lệ Chi Viên! Một trái tim vĩ đại – tác giả của Bình Ngô đại cáo- áng thiên cổ hùng văn bất hủ - một đại thần đã bị “chu di tam tộc”, vì một nỗi vu oan! Than ôi, một kiếp người nhân đức luôn mang trong tim tư tưởng “lấy chí nhân để thay cường bạo” đã phải ra đi vì một sự thấp hèn… Chính tư tưởng nhân bản của Nguyễn Trãi đã trở thành bài học cho hậu duệ và các thế hệ con cháu Đại Việt sau này. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng tư tưởng đó để đối xử với kẻ thù, để rồi kẻ thù phải quay lại tỏ lời cảm phục. Hôm nay trước linh hồn vị anh hùng dân tộc, xin mượn câu văn của Người để tỏ lời thành kính: “Xã tắc từ đây vững bền. Giang sơn từ đây đổi mới…”

Động cơ chiếc ô tô như quay chậm lại để như nghe tôi đọc lên bài học “Bình ngô đại cáo” năm xưa của Nguyễn Trãi:

“Ta đây: Núi Lam Sơn dấy nghĩa

Chốn hoang dã nương mình

Ngẫm thù lớn há đội trời chung

Căm giặc nước thề không cùng sống…

Chúng tôi tiếp tục hành trình đến đền Kiếp Bạc là nơi xưa kia Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lập căn cứ để chống lại quân Nguyên Mông. Phía trước đền có cổng tam quan trông nguy nga bề thế. Trịnh Quang Thắng đọc cho chúng tôi nghe những hàng chữ trên tam quan: Bốn chữ trên là “Hưng thiên vô cực” hay “Dĩ thiên vô cực”, nghĩa là: “Sự nghiệp này còn mãi mãi với trời đất”. Còn năm chữ dưới là: “Trần Hưng Đạo Vương từ”. Thắng bảo, do đi nhiều, nghe người ta dịch thì thuộc, chứ có biết gì chữ Hán Nôm… Qua cổng lớn, bên trái có một giếng gọi là Giếng Ngọc. Đi theo con đường lát đá ta sẽ tới nơi đặt kiệu và các vật dụng phục vụ cho những ngày lễ hội, phía trước có một án thờ. Tòa điện ngoài cùng thờ Phạm Ngũ Lão, tòa điện thứ hai thờ Hưng Đạo Vương, tòa điện trong cùng thờ vợ và hai con gái của Ngài… Về Kiếp Bạc lần này tôi mới hay Phạm Ngũ Lão – “Người đan sọt làng Phù Ủng” trong bài học năm nào, ông chính là con rể Hưng đạo Vương! Nói đến Hưng đạo Vương Trần Quốc Tuấn là trong tôi lại sống lại bài Hịch tướng sĩ mà thầy giáo bắt trò phải học thuộc lòng: “Ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi nguy nam... Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa được xả thịt lột da quân giặc…” Tôi đã từng đọc bài Hịch này cho đồng đội nghe trong những ngày trên chiến trường chống Mỹ cứu nước, để rồi tất cả như được uống thêm liều thuốc tăng lực…

Chúng tôi lại tiếp tục hành trình để tìm đến đền thờ thầy giáo Chu Văn An được người đời coi là “Vạn thế sư biểu” (bậc thầy của muôn đời) với chữ “Học” được đề cao tôn vinh thành kính! Quần thể di tích đền thờ Chu Văn An, nơi có núi Phượng Hoàng thuộc xã Văn An, của huyện Chí Linh. Đây là Khu di tích lịch sử quốc gia được Nhà nước xếp hạng vào năm 1998. Tôi đứng giữa bốn bề bát ngát thông xanh rì rào…

Trước khi bước lên đền thờ chính ta sẽ nhìn thấy chữ “Học” nổi trên một nền đá nghiêng theo chiều dốc lên. Ánh sáng chữ “Học”- như ánh đèn pha rọi sâu vào trong mắt ta! Chữ “Học” mang nét bút thư pháp, như một tác phẩm nghệ thuật, trông thâm sâu cuốn hút. Chắn phía trên là cuốn thư bằng đã có hàng chữ nổi “Tôn sư trọng đạo”, phía trên nữa là hàng chữ nổi “Vạn thế sư biểu” bằng chữ Hán trên một nền cũng bằng đá, thể hiện sự tôn kính của các thế hệ người Việt Nam dành cho nhà giáo Chu Văn An. Chữ “Học” như nhắn nhủ lớp cháu con phải biết mở mang đầu óc bằng con đường học hành nghiêm túc suốt đời.

Thật là thán phục những người thợ tài hoa đã “vẽ” lên những ngôi đền mang dáng dấp thời xưa không những đẹp diệu kỳ mà còn thể hiện sự tôn vinh đẳng cấp,từng chi tiết đều mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc …Trên dãy núi Phượng Hoàng của vùng đất tứ linh Long, Ly, Quy, Phượng nổi tiếng này, ta như nhìn thấy “Người thầy của muôn đời”. Chẳng phải vô tình mà người ta lại chọn nơi đây dựng đền thờ thầy giáo Chu Văn An. Và, cũng chẳng phải ngẫu hứng mà các nhà thiết kế lại chỉn chu tới từng họa tiết… Thầy giáo Chu Văn An, người có công lớn trong việc truyền bá tư tưởng đạo đức Khổng Giáo cho nước Việt ta từ thế kỷ thứ XIV. Là một người tài sâu, uyên bác được nhà vua trọng dụng, nhưng ông không thích “ngồi chiếu trên”, chứng kiến bọn gian thần ác bá làm điều bất nhân. Thầy giáo Chu Văn An quyết từ bỏ áo quan sống đời ẩn dật để dạy học, làm thơ viết sách… Tôi đã đọc và chụp ảnh những dòng chữ ở Ban quản lý di tích này: “…Chu Văn An nguyên có tên là Chu An, tự là Linh Triệt, sinh ngày 25 tháng 8 năm Nhâm Thìn niên hiệu Trùng Hưng thứ 8 (1292) tại thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thuở nhỏ, Chu Văn An sớm có nghị lực, chuyên cần học tập, nghiêm khắc sửa mình, khi trưởng thành ông đạt tới mức thông kinh bác sử. Do có tài năng xuất chúng, đức độ hơn người, nên mới ngoài 20 tuổi đã được vua Trần Nhân Tông mời làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Đến khi Trần Dụ Tông lên ngôi, vua ham thích vui chơi, trễ nải chính sự, bề tôi nhiều người vi phạm phép nước, ông đã dâng sớ xin chém 7 tên nịnh thần, đều là những kẻ có thế lực trong triều đình được vua yêu quý. “Thất trảm sớ” không được chấp nhận, ông trao trả mũ áo từ quan về núi Phượng Hoàng, xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh dựng nhà dạy học, tìm cây thuốc chữa bệnh, làm thơ, viết sách lưu lại cho hậu thế. Sau vụ biến loạn Dương Nhật Lễ, năm 1370 Trần Nghệ Tông lên ngôi, ông cả mừng, tuy tuổi cao vẫn chống gậy về kinh bái yết, vua ban chức gì cũng không nhận, ông trở lại núi Phượng Hoàng rồi mất tại đây vào ngày 26 tháng 11 năm Canh Tuất (1370). Nhà vua sai quan đến dụ tế, tặng Văn Trinh Công, thụy là Khang Tiết và tôn thờ tại Văn Miếu. Lịch sử dân tộc tôn vinh ông là nhà nho đức nghiệp lớn nhất. Sử thần Ngô Sĩ Liên có lời bàn: “Văn trinh công thờ vua thì nói thẳng trước mặt, việc xuất hay xử đều có lý lẽ, rèn đức nhân tài thành công khanh, cao thượng tiết tháo, thiên tử cũng không bắt nổi làm tôi, nét mặt nghiêm nghị mà đạo làm thầy được tôn, lời nói lẫm liệt mà kẻ nịnh phải sợ, đáng là bậc tôn sư của nhà Nho nước Nam ta”.

Chúng tôi trở về thành phố Bắc Ninh khi hoàng hôn đã hạ xuống triền núi phía tây. Câu chuyện về thầy giáo Chu Văn An được ba chúng tôi bàn luận sôi nổi như quên đi đường dài …

Chuyến về thăm Kinh Bắc, tìm đến Chí Linh với tôi biết bao ý nghĩa, biết bao ân tình…

Đ.S.Q


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​