Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
NHÀ ĐIÊU KHẮC PHẠM CÔNG HOÀNG, GƯƠNG MẶT XUẤT SẮC CỦA MỸ THUẬT ĐỒNG NAI


Phải tìm hình thức diễn đạt mới thể hiện được cảm xúc nhiều hơn, đáp ứng đòi hỏi ngày càng đa dạng của công chúng”

 

 Như những người làm nghệ thuật đích thực, Phạm Công Hoàng bộc lộ năng khiếu hội họa từ rất sớm. Từ nhỏ anh đã ham học vẽ, những bức tranh, bức tượng, thế giới của màu sắc, hình khối, đường nét đã mê dụ anh ngay từ khi học những con chữ đầu tiên. Đến giờ, anh còn nhớ một kỷ niệm. Đề thi vào cấp 2 (đệ thất) năm ấy có câu: Sau này lớn lên con chọn nghề gì? Cậu bé Hoàng trả lời ngay không đắn đo: Con thích làm họa sĩ để vẽ núi sông, đất nước. Mơ ước ấy đã định hướng cậu từ thuở thiếu thời và theo suốt cuộc đời.

 Cha quê Đà Nẵng. Mẹ người Huế. Sinh ra ở Đà Nẵng, nhưng không gian lớn lên của Phạm Công Hoàng lại không phải ở nơi trung tâm của miền Trung ấy. Anh không nói giọng Quảng, cũng không nói giọng Huế. Cha là công chức. Mới một, hai tuổi, Phạm Công Hoàng đã theo cha mẹ vào miền Tây Nam bộ, nơi cha anh được bổ nhiệm công tác. Theo cha sống ở Mỹ Tho, Gò Công Đông, Gò Công Tây. Tuổi thơ Phạm Công Hoàng gần như hoàn toàn ở miền Tây, lớn lên ở miền Tây Nam bộ. Anh học hết phổ thông trung học ở Gò Công. Giọng nói của Phạm Công Hoàng cũng mang âm sắc sông nước Cửu Long. Có thể xác định, miền Tây Nam bộ, vùng Mỹ Tho, Gò Công là một mảnh quê hương, một phần đời quan trọng của Phạm Công Hoàng.

   Năm 1979, học hết phổ thông trung học, Phạm Công Hoàng thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh (trước giải phóng gọi là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định) học hệ trung cấp. Lúc đó (1979) chưa có hệ Đại học Mỹ thuật. Sau 3 năm học Hội họa, Phạm Công Hoàng học tiếp 5 năm bậc Đại học, khoa Điêu khắc. Những năm đó học từ trung cấp lên đại học Mỹ thuật phải mất thời gian 8 năm, sau này chương trình rút đi còn 5 năm.

Hoàng kể: “Tôi lượng sức mình lúc đó nên thi vào Trung cấp thôi. Học Trung cấp 1979- 1983. Học Đại học 1983- 1987. Học mà không nghĩ ra trường mình sẽ làm ở đâu, làm cái gì? Lúc đó sinh viên tốt nghiệp được Nhà nước phân công công tác, tôi không muốn về tỉnh ngay, muốn ở lại Tp. Hồ Chí Minh một thời gian để học hỏi thêm. Khi trở về Tiền Giang thì Ban Tổ chức chính quyền tỉnh không tiếp nhận nữa, tôi đành lưu lạc ở Tp. Hồ Chí Minh kiếm việc làm”.


phamconghoang 2017-hs.jpg
Nhà điêu khắc Phạm Công Hoàng (đứng gi​anhận giải A Mỹ thuật giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức lần thứ IV - năm 2017 (ảnh TTH)


 

Anh đã có mười năm (anh gọi là lưu lạc) ở thành phố Hồ Chí Minh. Mười năm làm nghề họa sĩ tự do: Vẽ cho mấy công ty sơn mài, nặn mẫu cho các công ty gốm và nhiều việc linh tinh khác liên quan đến màu sắc, hình khối, trang trí. Với tài hoa trời phú và tay nghề không đến nỗi nào (anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật loại giỏi), cộng thêm tài tháo vát, chấp nhận hoàn cảnh, mặc dù thời buổi kinh tế khó khăn, nhưng Phạm Công Hoàng vẫn sống được với nghề. Hơn thế nữa anh còn gây dựng được tổ ấm hạnh phúc của mình. Chuyện lập gia đình của anh cũng từ nghề nghiệp mà cái duyên đưa đến. Về nặn mẫu cho một công ty gốm, chàng họa sĩ trẻ bén duyên cùng cô thợ khắc gốm người Cần Thơ và năm 1994, họ thành vợ thành chồng.

Và anh cứ yên tâm như thế, vẽ và sống như thế nếu không có cú điện thoại của cô bạn cùng học trường Đại học Mỹ thuật năm xưa. Cô bạn ấy đang dạy ở Trường Trung cấp Mỹ thuật Đồng Nai. Có con nhỏ, ngày ngày chạy xe từ Thành phố Hồ Chí Minh về Biên  Hòa dạy học, rất vất vả, chưa kể ngày con ốm con đau. Và gia đình cô không chịu cho việc đi lại vất vả như thế nữa. Cô gọi điện cầu cứu: “Ông Hoàng ơi, tôi lỡ dạy, lỡ hứa với người ta rồi, chỗ bạn bè, mong ông về dạy thay cho tôi, để khỏi lỡ việc của người ta”. Nể bạn, và có thuận lợi là Trưởng phòng Đào tạo cũng học cùng trường Đại học với anh ngày trước, thế là Phạm Công Hoàng làm giấy tờ chuyển về Đồng Nai đi dạy. Về trường, anh được phân công dạy khoa Điêu khắc.

Môi trường học đường, bạn bè cũng vừa dạy vừa sáng tác thành công, động viên tiềm năng sáng tác bấy lâu còn “ngủ yên” trong anh. Năm 2000, Phạm Công Hoàng sáng tác tác phẩm đầu tiên “Nỗi đau”có ấn tượng. Năm 2002, anh tham gia Triển lãm Mỹ thuật miền Đông Nam bộ với tác phẩm gò đồng “Đôi lứa”, và ngay lần đầu tiên này Phạm Công Hoàng đã được trao giải Khuyến khích. Rồi nối theo dòng thời gian là các tác phẩm sáng tác thành công và các giải thưởng được trao nhận: Giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật Đồng Nai năm 2003 “Nụ hôn của cha” (gò đồng); Giải Ba Triển lãm Mỹ thuật Đồng Nai năm 2004 với tác phẩm Câu chuyện Âu Lạc (gò đồng); Triển lãm Mỹ thuật miền Đông Nam bộ năm 2006 với tác phẩm Ngóng đợi (gò đồng) - Phạm Công Hoàng là 1 trong 4 tác giả được giới thiệu lên Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT trao giải thưởng hàng năm.

Thừa thắng xông lên, năm 2010, Phạm Công Hoàng được trao Tặng thưởng Triển lãm Mỹ thuật miền Đông Nam bộ với tác phẩm Mây phiêu lãng (gò đồng); năm 2011, Giấy khen Triển lãm Mỹ thuật miền Đông Nam bộ với tác phẩm Thao thức; năm 2012, Giải Ba Triển lãm Mỹ thuật miền Đông Nam bộ tác phẩm Bên dòng sông chết; năm 2013, tác phẩm Bến đợi (gò nhôm) đoạt giải A Triển lãm Mỹ thuật Miền Đông Nam bộ; năm 2015, tác phẩm “Dòng đời lặng trôi”giải KK Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, v.v…

Sau một loạt thành công trong thể loại được đào tạo chuyên sâu của mình, từ năm 2016, Phạm Công Hoàng tham gia sáng tác thể loại mới: Nghệ thuật sắp đặt. Và anh lại gặt hái thành công: Năm 2016, tác phẩm “Nỗi buồn làng biển” được trao giải C, năm 2017 tác phẩm “Lợi ích nhóm” giải B Triển lãm Mỹ thuật Miền Đông Nam bộ; năm 2020 tác phẩm “Rubik phận người” được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam- 2020.

***

 

Phạm Công Hoàng tâm sự: “Thế mạnh của tôi là điêu khắc, gò đồng, gò nhôm, phù điêu. Người làm điêu khắc là làm không gian ba chiều(nói vui là nhiều hơn họa sĩ vẽ tranh hai chiều!) Vài năm gần đây tôi tham gia làm nghệ thuật sắp đặt và cũng tìm được tiếng nói của mình. Thời đại đòi hỏi hình thức nghệ thuật phù hợp. Không thể phủ nhận giá trị truyền thống nhưng không thể mãi bộc lộ cảm xúc theo kiểu cũ. Phải tìm hình thức diễn đạt mới thể hiện được cảm xúc nhiều hơn, đáp ứng đòi hỏi ngày càng đa dạng của công chúng.”

 Mỹ thuật Đồng Nai từ mấy chục năm trước luôn đứng trong tốp đầu cả nước cả về thành tựu lẫn lực lượng. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai cũng là cái “lò” phát triển hội viên mỹ thuật. Tên tuổi các giảng viên đồng thời là hội viên Hội VHNT Đồng Nai chiếm đa số trong các hội viên mỹ thuật của tỉnh: Nguyễn Thị Thúy Anh, Nguyễn Nghĩa Tiết, Nguyễn Văn Chuyên, Nguyễn Thị Thanh Thùy, Nguyễn Quang Hoàng, Phạm Công Hoàng, Trần Chí Lý, Đoàn Minh Ngọc, Lâm Văn Cảng, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Đình Sử, v,v… Phạm Công Hoàng được kết nạp vào Hội VHNT Đồng Nai năm 2002, và được bầu vào Ban Chấp hành Hội VHNT Đồng Nai 3 khóa liên tục từ năm 2007 đến nay. 

Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai cũng là “khu mỏ” giàu trữ lượng giải thưởng Mỹ thuật, giàu trữ lượng phát triển hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam hàng năm. Năm 2011, một sự kiện vui và lạ cho văn học nghệ thuật Đồng Nai là có đến 2 họa sĩ được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam - một cánh cửa không rộng lắm (thậm chí là hẹp) đối với nhiều người. Cả hai đều là thầy giáo Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai: Phạm Công Hoàng và Đoàn Minh Ngọc - một giảng viên cũng có nhiều thành tựu cao trong sáng tác. Đây cũng là sự khẳng định, sự công nhận chuyên môn, tài năng của các anh.

Hai đề tài lớn Phạm Công Hoàng quan tâm và trở đi trở lại trong sáng tác là “Tình yêu” và “Môi trường sống”. Và sự thành công của anh có lẽ cũng tập trung ở hai mảng đề tài này. Về Tình yêu, anh có các tác phẩm: “Tình yêu thời công nghiệp”, “Mây phiêu lãng”, “Hoang tưởng em và tôi”, “Ngọn cỏ yêu mặt trời”, “Bến đợi”…. Về Môi trường sống, các tác phẩm: “Ngổn ngang thành phố”, “Bên dòng sông chết”, “Nỗi buồn làng biển”, “Rubik phận người”….Trong đó có nhiều tác phẩm đã đạt giải cao như: “Hoang tưởng em và tôi” giải Nhất Giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức đợt 4, “Bến đợi” giải A Triển lãm Mỹ thuật Khu vực Miền Đông Nam Bộ.

Thành công của Phạm Công Hoàng còn được ghi nhận bằng việc một số tác phẩm của anh hiện được lưu giữ trong Bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.      

Thời gian gần đây Phạm Công Hoàng còn vẽ tranh với chất liệu acrylic. Một số anh em họa sĩ có nhận xét vui: “Hoàng chuyên về đục đẽo mà nay lại còn lấn sân sang vẽ tranh, mà vẽ cũng… “sạch nước cản”. Những bức tranh khổ 1 mét vuông của Phạm Công Hoàng khi tham gia các đợt thực tế cùng với Hội VHNT Đồng Nai như: “Bến cảng”,  “Đợi anh”, hay gần đây trong dịch Covid đang hoành hành là bức tranh “Cái tổ” cũng tạo cho người xem nhiều ấn tượng.

Phạm Công Hoàng băn khoăn: “Mỹ thuật Đồng Nai lực lượng trẻ giờ ít quá, không được như ngày xưa. Có một nguyên nhân là, những người ở Đồng Nai đi học Đại học Mỹ thuật, nhiều em học xong không về địa phương, không sinh hoạt tại Đồng Nai. Lớp trung tuổi vẫn đang sung sức: Trần Chí Lý, Nguyễn Quang Hoàng, Lâm Văn Cảng,.. Lớp sau kế tục chưa đủ mạnh. Một hai năm nay đã chuyển giao thế hệ mới. Lực lượng trẻ có tay nghề, có chuyên môn bài bản, rất thưa thớt. Thời gian qua có giới thiệu nhưng họ ít muốn vào Hội, không còn hăm hở như những lứa trước.

“Chầm chậm tới mình”- tên tập thơ đầu tay, đặc sắc của nhà thơ Trúc Thông, còn được nhiều văn nghệ sĩ tâm đắc, lấy đó làm lời tự động viên, tự tin trên con đường sáng tạo với tài năng đích thực của mình. Cũng xin được mượn lời tập thơ trên để kết thúc bài viết nhỏ này. Chầm chậm đi lên… Phạm Công Hoàng!

PHƯỚC LONG GIANG


MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA NHÀ ĐIÊU KHẮC PHẠM CÔNG HOÀNG


Nỗi buồn làng biển (sắp đặt).jpg
Nỗi buồn làng biển (sắp đặt)


Nỗi đau (tượng đồng).JPG
Nỗi đau (tượng đồng)


Nụ hôn của cha (gò đồng).jpg
Nụ hôn của cha (gò đồng)


Ru bic phận người (1) (sắp đặt).jpg
Rubik phận người (sắp đặt)


Tình yêu thời công nghiệp (tượng kim loại) (1).JPG
Tình yêu thời công nghiệp (kim loại)







Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​