Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
NGÀY XƯA CÓ ANH TRƯƠNG CHI…



               hoangminhtuong 20.7.2021.jpg

                       Nh
à văn Hoàng Minh Tươờng    

 

Mùa hè năm 1998, tôi lúc bấy giờ làm Trưởng Văn phòng đại diện báo Tuần Du lịch của Tổng cục Du lịch Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, cùng sếp là nhà văn Hoàng Minh Tường Phó Tổng biên tập phụ trách báo, hẹn gặp nhau tại Nha Trang trong một chương trình công tác. Buổi chiều xong công việc, chúng tôi rủ nhau đi tắm biển. Từ khách sạn Quê hương  nằm trên đường Trần Phú, chúng tôi băng qua đường rồi lững thững thả bộ về phía trung tâm. Hoàng Minh Tường đi trước tôi. Dáng anh thấp đậm, vai lắc lắc. Tới quảng trường 2/4, cả hai rẽ ngang xuống bãi cát. Biển khá đông người làm tôi ngán ngại. Hoàng Minh Tường động viên tôi rằng, biển Nha Trang mùa hè lúc nào chẳng thế, rằng có thêm chúng ta nữa thì cũng như “muối bỏ biển”, không vì thế mà người đông hơn… Và đúng thế, khi chúng tôi trầm mình trong làn nước trong xanh của biển rồi thì không thấy ai kêu chúng tôi đã làm biển chật. Cách chúng tôi quãng 5m có ba cô đang tắm. Nghe đối thoại, chúng tôi đoán ba cô làm “nghề ăn sương”. Hoàng Minh Tường bảo tôi:

          “Ta tới chỗ ba cô tắm cho vui”

Tôi tán thành ngay. Sau vài sải tay, tôi cùng Tường tới nơi. Thả nụ cười cầu duyên, cả hai bắt đầu tuôn ra những lời có cánh. Các cô vui vẻ tiếp chuyện. Những câu hỏi, những câu trả lời, ỡm ờ mà cởi mở. Các cô cho biết mình ở miền Tây Nam bộ ra Nha Trang chơi. Nam bộ không có biển, hay đúng hơn có biển nhưng các cô chưa bao giờ tới vv và vv… Cứ thế được một lúc không hiểu sao cả ba cô quây lấy tôi, để Hoàng Minh Tường trơ khấc một mình. Nhìn cảnh ấy tôi ái ngại, thấy như mình có cái gì đó không phải với sếp, nhưng biết làm sao được, lựa chọn của các cô kia mà. Thật là một sự lạ lùng. Dù có dáng đi lắc lư, dù gương mặt sẹo trứng cá với một nốt ruồi to nằm giữa trán, trong con mắt bạn bè chưa bao giờ Hoàng Minh Tường bị liệt vào loại xấu giai… Thế mà giữa thanh thiên bạch nhật, anh lại bị “các cô gái ăn sương” chê một cách thẳng thừng.

Thấy mình bị gạt ra rìa, Hoàng Minh Tường có vẻ buồn. An ủi anh, tôi nói với ba cô vài lời, sau đó cài số lùi rời đi bơi vòng vòng trên biển. Khi mặt trời đỏ ối lặn xuống sau Hòn Tre, chúng tôi trở về. Hoàng Minh Tường khen tôi có duyên. Xét sự việc vừa diễn ra, anh nói không sai. Tuy nhiên trong chuyện lấy vợ, một chuyện tối quan trọng cần đến duyên hơn bất cứ việc gì của một đấng nam nhi, duyên có vẻ ngược lại. Tôi mãi tới năm bốn hai tuổi mới cưới vợ lần đầu, anh bằng ấy năm đã hai lần cưới vợ, và nếu không khéo tu tâm dưỡng tính còn dám “song hỷ” thêm vài lần nữa (!) Con thì một đàn, có nếp có tẻ. Không biết bác này có võ gì đây? Tò mò, một lần ra Hà Nội tôi đến thăm nhà anh ở gần đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy chơi. Ngạc nhiên thấy trong nhà: phòng ngủ, phòng khách, phòng bếp, phòng ăn… chỗ nào cũng treo đầy ảnh và những bức tranh sơn dầu anh vẽ vợ, chuẩn bị cho Triền lãm tranh “nhà văn vẽ” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, giữa năm 2005.  Nhà thơ Hi lạp Simonides từng nói: “Thơ là họa cảm thấy, họa là thơ trông thấy”, nên nếu nhà thơ lớn người Pháp Louis Aragon có vô số những “họa phẩm cảm thấy”  ca ngợi Elsa Triolet , người vợ yêu của mình, như: “Đôi mắt Enxa”, “Bài ca gửi Enxa”, “Tình yêu Enxa”, “Enxa ngồi trước gương”, “Người yêu cuồng nhiệt của Enxa”… Thì anh có nhiều không kém những “thi phẩm trông thấy”(1) ca ngợi TB, người vợ yêu của anh, như: “B chải tóc”, “B đánh răng”, “B nấu bếp”, “B nằm ngủ”, “B cho con bú” vv… Mãn nhãn trước một nhà “thơ trông thấy” mà anh đã phải lao tâm khổ tứ lắm mới dàn dựng được, tôi thả một bình luận ngọt ngào:

“Bác là một người hạnh phúc”

“Vì sao?” – Hoàng Minh Tường cảnh giác.

“Vì có một cô vợ đẹp” - Chủ nhà nghe vậy, cười thỏa mãn. 

Chờ anh cười xong, tôi thả comment thứ hai, nghe đã có vị đắng:

“Nhưng rồi bác sẽ phải cắp cặp đi khỏi nhà này. Vì sao ư? Vì bác không biết giấu cảm xúc, có sao cứ bày ra vậy. Đối với vợ, đấy là một sai lầm…. Nhà em bác đến rồi, không hề có ảnh vợ, dù chỉ là một cái cỡ 3x4. Mà trong khoản đội vợ lên đầu, em còn trên tài bác nữa ấy chứ…”

Chúng tôi còn trao qua đổi lại với nhau nhiều nữa về đề tài này, không ai khai hóa được ai, Hoàng Minh Tường bỏ ngoài tai những điều tôi nói. Rồi anh sẽ phải ân hận, bởi chuyện vợ chồng anh về sau diễn ra đúng như “sấm” tôi truyền. Anh chị kéo nhau ra tòa. Chi tiết những thỏa thuận chia bôi giữa hai người khi ly hôn thế nào tôi không biết, chỉ biết cuối cùng anh là người phải cắp cặp rời khỏi ngôi nhà một trệt hai lầu mà hai vợ chồng đã một thời  “Ta nắm tay nhau xây lại đời ta” (thơ Tố Hữu), dựng nên trên nền đất 60m2 mà anh đổi mảnh đất tiêu chuẩn anh được báo Văn Nghệ phân cho.

Trở thành người vô gia cư, còn chưa biết tính sao thì may thay “duyên” anh vẫn chưa hết. Nhưng anh phải sống trong một căn hộ hai phòng rộng 60m2, chịu cảnh ông Bắc, bà Nam. Những ngày cô đơn là những ngày anh hì hục… viết! Anh cũng như cụ Tô Hoài, viết bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào. Nhưng anh khác cụ Tô Hoài, khi viết (tiểu thuyết) thì vẽ sơ đồ nhân vật, cách phát triển từng tuyến của câu chuyện... Nói chung là rất kỹ, sau đó cứ đề cương mà mần. Nhờ thế, hàng loạt tác phẩm của anh, như: Đầu sông (1981); Những mảnh đời khác nhau (1986); Những người ở khác cung đường (1988); Cưới lại (1992); Đa thê (1995), Đen và béo (1997); Đồng sau bão (2000); Nàng Êva mù (2005); Ngư phủ (2005), Gia phả của đất (2000), Thời của Thánh Thần(2008), Thảm kịch vĩ nhân( 2019)… ra đời. Tất cả gần 40 đầu sách. Cuốn mỏng hơn một trăm trang, cuốn dày bằng cả một cục gạch táp lô. 

***

 

Sách Hoàng Minh Tường tôi đọc rải rác, nhưng rất  ấn tượng. Một trong số đó là tập truyện ngắn Gã viết thuê, và tôi đã viết về nó trong một bài đọc sách, như sau: 

VÀNG CỦA TÂM HỒN, VÀNG CỦA VĂN CHƯƠNG

Một gã đào vàng bị sập hầm, sau khi thoát hiểm, được một cô giáo cưu mang, đã đánh cắp chiếc nhẫn đồng (mà y tưởng là chiếc nhẫn vàng) cô mang trên tay. Vĩnh viễn y đánh mất chất vàng ròng của tâm hồn cô gái, mà cô sẵn sàng cho y (Vàng). Hiệp phụ của một trận bóng đá, kết quả lối cầm cân nẩy mực thiếu công minh của trọng tài, đã giết chết cái hiệp chính cuộc đời Việt, người say mê bóng đá, sống trung thực, ưa chuộng lẽ công bằng (Hiệp phụ). Thói háo danh của một gã trọc phú hợm của, một đạo diễn phim giả danh, đã thổi bùng ngọn lửa tình yêu giữa Cao, một đạo diễn phim có tài và Tuyết, một Á khôi – người tình của gã đạo diễn giả nọ khiến khán giả ngớ ra mà không hiểu rằng, mối tình đó đích thực do y đạo diễn (Nghệ thuật thị trường)…

Nhiều truyện ngắn của Hoàng Minh Tường trong Gã viết thuê giống như những mảng sáng tối đặt cạnh nhau trong một bức tranh, cái này làm nổi rõ, nâng cao cái kia. Thủ pháp này đã được nhiều bậc thầy truyện ngắn áp dụng. Đến lượt mình, Hoàng Minh Tường vận dụng thủ pháp trên mà không hề bị trùng lắp. Bởi nghĩ cho cùng, mỗi nhà văn chỉ viết bằng vốn sống của riêng mình. Không tìm cách lý giải sự việc, trong các truyện ngắn của mình Hoàng Minh Tường hầu như chỉ làm cái việc đào sâu, khơi dậy những tầng bậc ý nghĩa của cuộc sống thường ngày. Con mắt nhạy cảm của một nhà văn trong anh phát hiện cho người đọc nhiều vẻ đẹp bình dị mà người đọc dễ dàng bỏ qua. Những mặt nạ mang thói đạo đức giả cần được vạch trần, xé bỏ. Ở một số truyện, nhân vật được anh đẩy tới tận cùng sự phát triển tâm lý, ngược hẳn với mơ ước ngàn đời của những câu chuyện dân gian ở hiền gặp lành, ân đền oán trả (Duyên, Nợ đồng lần).

Từng có quá trình 10 năm làm biên tập văn xuôi của Tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), dấu ấn của nghề biên tập để lại khá rõ trên những trang viết của nhà văn Hoàng Minh Tường. Văn anh mạch lạc, trong sáng. Từng nhận giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam trao cho tiểu thuyết Thủy Hỏa Đạo Tặc, ở một bộ phận người đọc, lâu nay Hoàng Minh Tường vẫn được nhìn nhận trên phương diện là một nhà văn viết tiểu thuyết đáng trân trọng. Với Gã viết thuê, anh lại ghi thêm một điểm nữa trong bảng thành tích của mình đối với công chúng yêu văn học nước nhà.

 (Báo Thanh niên cuối tuần, số 4 (160), ra ngày 31/10/1999)

Nhưng trong đời văn của Hoàng Minh Tường, Gã viết thuê không phải là cuốn quan trọng. Quan trọng trước tiên với anh là tiểu thuyết Đầu sông viết năm 1973, khi tham dự trại viết của Hội văn nghệ Khu tự trị Việt Bắc. Đầu sông đơn giản là câu chuyện về một anh giáo viên miền xuôi lên miền núi dạy học, ít nhiều mang dáng dấp tự truyện, vì tác giả lấy đời sống của chính mình ra mô tả nhân vật. Đầu sông rõ ràng không nổi tiếng bằng nhiều “anh em” khác của nó sau này, nhưng chứa đầy nhiệt huyết và hoài bão tuổi trẻ của Hoàng Minh Tường. Và nó đã biến ước mơ trở thành nhà văn của anh thành sự thật. 

Quan trọng thứ hai trong gia tài văn học của anh là bộ tiểu thuyết Gia phả của đất (Tập 1: Thủy hỏa đạo tặc, Tập 2: Đồng sau bão), phản ánh hiện thực nông thôn theo mô hình hợp tác xã làm ăn theo cơ chế cũ, cơ chế quan liêu bao cấp mang tính cộng đồng, tập thể thực hiện dưới sự áp đặt của một bộ phận lãnh đạo đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể. Tiểu thuyết mang âm hưởng chính luận và tính phản biện quyết liệt, tính dự báo xã hội sâu sắc. Dưới cảm hứng nhận thức, và đánh giá lại lịch sử, tác giả đã cho chúng ta thấy được cái nhìn toàn diện về bức tranh nông thôn của một làng quê miền Bắc vật vã chuyển mình sau 30 năm. Đó là hình ảnh trọn vẹn, đa chiều, phức tạp của một đất nước mang văn hóa truyền thống nông nghiệp lúa nước. Tiểu thuyết đã mang lại cho Hoàng Minh Tường Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1997). Tặng thưởng văn học Thời kỳ đổi mới 1985-2010 cho 10 tiểu thuyết hay nhất về Nông thôn - Nông nghiệp do HNVVN và Bộ NN&PTNT trao tặng (2011)… Tuy vậy, cho đến lúc đó Hoàng Minh Tường vẫn chỉ được nhìn nhận như một nhà văn “hạng hai” trong văn giới. Điều này đặt một dấu hỏi lớn cho cách làm  Giải thưởng Văn học ở nước ta lâu nay. 

***

 

Chỉ đến năm 2008, khi tiểu thuyết “Thời của thánh thần” xuất bản, anh mới được “thăng hạng”, trở thành một trong số không nhiều nhà văn viết tiểu thuyết số một của văn học Việt Nam đương đại. Tiểu thuyết viết về những số phận khác nhau của một gia đình có truyền thống khoa bảng ở làng quê châu thổ sông Hồng. Bốn anh em trai Khôi, Vĩ, Vọng, Quặc ba người con đẻ, một con nuôi, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, mỗi người đi mỗi ngả. Người trở thành cán bộ lãnh đạo; người là nhà thơ nhưng bị quy là theo nhóm Nhân văn, xét lại; người di cư vào Nam rồi di tản sang Mĩ; người ở nhà cày ruộng. Cùng với họ là những người đàn bà, những người vợ, những mối tình sét đánh, éo le, ngang trái… Ba thế hệ của một gia đình, từ ông Lí Phúc, đến bốn người con trai của ông, rồi đến những đứa cháu của ông đã vật vã trên nửa thế kỉ của đất nước trong cơn gió bụi và cuộc bể dâu... 

Đánh giá về Thời của thánh thần, nhà văn Nguyễn Khắc Trường viết: “Thiên truyện đúng ra phải đặt tên là “Những người khốn khổ”, hoặc “Con đường đau khổ”… Rất tiếc các văn hào Vichto Huygô và Alexây Tôlxtôi đã viết từ những thế kỷ trước. Nhưng không sao. Những người khốn khổ và con đường đau khổ thì thời nào cũng thế thôi”

Nhà phê bình văn học Vũ Nho viết: “Cải cách ruộng đất; đấu tranh chống Nhân văn Giai phẩm, chống xét lại; Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Hòa hợp dân tộc… Những vấn đề cốt lõi ấy được xem xét và đánh giá qua những số phận mấy đời chìm nổi của một gia đình. Thời gian đủ độ lùi cần thiết. Nhưng những hiểu biết của một cây bút phóng sự, tiểu thuyết có hạng, và suy ngẫm một đời viết, mới là yếu tố quyết định làm nên thành công của tác phẩm này…”. 

Nhà phê bình Phương Ngọc thì đánh giá: “Thời của thánh thần, tiếng nổ của văn xuôi Việt Nam 2008?” 

Sách in xong, nộp lưu chiểu quý 3/2008. Ngày 22-8-2008 Cục Xuất bản có công văn số 1837/XB-QLXB: “Tạm dừng phát hành cuốn Thời của thánh thần” do ông phó Cục trưởng Lý Bá Toàn ký. Vụ việc không chỉ đơn thuần là vi phạm hành chính như Quyết định xử phạt hành chính số 695/QĐ-XPHC ngày 29-8-2008 của Bộ TT & TT, do Chánh thanh tra Nguyễn Thanh Hải ký. Phải đợi tới cuộc họp thượng đỉnh của nhóm chuyên gia Hội Nhà văn Việt Nam do Chủ tịch - nhà thơ Hữu Thỉnh chủ trì. Bằng sự anh minh sáng suốt, sự dũng cảm phi thường của chín nhà văn (Hữu Thỉnh, Vũ Tú Nam, Nguyễn Trí Huân, Trần Đăng Khoa, Hồ Anh Thái, Trần Hữu Tòng, Lê Thành Nghị, Nguyễn Khắc Trường, Trung Trung Đỉnh), Thời của Thánh Thần mới được thoát án...  

Giống như việc chữa lửa bằng xăng, sự cấm đoán của Nhà chức trách lập tức thổi bùng sự quan tâm của bạn đọc. Bạn đọc đã đón nhận nó như đó chính là sản phẩm của họ, là tiếng đồng vọng của lương tâm và trách nhiệm của họ. Sách in 1000 cuốn bán hết vèo ngay trong tháng đầu phát hành. Có người như nhà thơ Hoàng Cát nghèo thế, sách đắt thế mà mua tới 12 cuốn để tặng bạn bè. Rồi nhiều bạn bè nhà văn ở Hà Nội mua hàng chục cuốn gửi làm quà cho bạn bè, người thân… Dẫn đến sách lậu được dịp tung ra và cánh làm sách lậu hốt lời. Ước tính, có tới 10 vạn bản Thời của thánh thần bị in lậu. Đa số người đọc đọc sách in lậu. Kỳ lạ hơn, sách vừa phát hành tại Hà Nội trung tuần tháng 8 năm 2008, mà chỉ một tháng sau, ngày 23 tháng 9 năm 2008, đã được post lên mạng của trang web Vietnamthưquan.

Ở trong nước là vậy, ở nước ngoài Thời của thánh thần cũng nhanh chóng được đón nhận, được dịch ra nhiều thứ tiếng: Bản dịch tiếng Pháp: Le temps des Genies Invincibles, xuất bản tại Paris, 11- 2014 - Nhà xuất bản La Fremillerie. Bản dịch tiếng Hàn Quốc, với tựa đề" Thi sĩ sang sông", do Nhà xuất bản B books phát hành tại Seul, 10/10/2015. Bản dịch tiếng Nhật "Thời của Thánh Thần" do Nhà xuất bản TUFS Đại học Ngoại ngữ Tokyo xuất bản 31/3/2016, phát hành tại Tokyo. Bản dịch tiếng Hoa "Thời của Thánh Thần"  do Tập đoàn xuất bản Trung Quốc ( Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Tây An...) xuất bản, 12/2016.( nhưng liền sau đó, 3000 bản in bị thu hồi (!)

Thiệt thòi là tác giả, ngoài món nhuận bút còm của số lượng 1.000 bản in ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn, ông chẳng được nhận thêm đồng nhuận bút nào. Nhắc tới điều này, ông tỏ ra đau khi tâm sự: “Tôi không thích viết những cuốn sách kể chuyện bình thường, đơn điệu, vì cuộc sống vốn rất phức tạp. Tôi luôn cố gắng để văn chương mình thực sự có ích , nhận được sự đồng cảm của đông đảo bạn đọc. Thời của thánh thần có thể coi là một cố gắng mới của tôi. Tôi đã huy động tất cả vốn sống, kiến thức hiểu biết của mình và vật vã trong bốn năm trời để phản ảnh hiện thực đất nước một chặng đường dài sau 1954 đến nay, không ngại khai thác những vùng được coi là nhạy cảm. Nên đối với tôi đây là đứa con tâm huyết.”

Đúng như tâm sự của tác giả. Để có được những trang viết về biển hay như trong Thời của thánh thần, tôi biết anh đã cày ải khắp các vùng biển đất nước. Trải hàng trăm hải lý Trường Sa, ra Côn Đảo, xuôi Phú Quốc, thậm chí chuyển cơ quan công tác từ báo Tuần Du lịch sang Tạp chí Thủy sản của Bộ Thủy sản để có điều kiện bám các làng chài. Nhờ thế, phát hiện ngư dân chính là những nông dân làm nghề biển và đó là chìa khóa giúp anh đi vào tâm hồn các Ngư phủ.  

Đã hơn một lần cùng anh xuôi Nam ngược Bắc, tôi nhớ mãi lần chúng tôi hành hương về Đất Mũi giữa năm 2003. Lượt đi, mọi chuyện diễn ra tốt đẹp. Chúng tôi mê mẩn trước những dòng sông kênh Nam bộ phẳng bằng như đại lộ; mê mẩn trước những ngôi nhà dập dềnh bám mặt tiền sông, trước mũi đất, mũi tàu của Đất nước. Lượt về, khi đến thị trấn Năm Căn tôi nhận được điện nhà báo tin mẹ mất. Ngay đêm ấy anh đã cùng tôi tức tốc nhảy xe đò về thành phố Hồ Chí Minh, để rạng sáng hôm sau bố con tôi kịp bay về quê chịu tang bà. 

***

 

18 năm từ đó trôi qua. Cả tôi và Hoàng Minh Tường đều đã bên này bên kia dốc 70 của cuộc đời. Anh ở Hà Nội, tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh, việc gặp nhau đã ít đi, thăm nhau thường chỉ gọi điện thoại. Ngày 5 tháng 7 năm 2021 này giỗ lần thứ 18 mẹ tôi. Thắp hương cho mẹ xong, nhớ lại chuyến cùng anh đi Đất Mũi năm nào, tôi đến đứng trước giá sách lục tìm những Đồng chiêm, Gia phả của đất, Đen & Béo, Gã viết thuê, Thời của thánh thần, Từ Ba Tư đến Bắc Mỹ… sách anh tặng tôi. Ngắm rất lâu lời đề tặng tác giả viết ở trang đầu mỗi cuốn bằng những nét chữ bay bướm và một chữ ký rất đẹp,  rồi ôm đàn ngồi hát: “Ngày xưa có anh Trương Chi…”

 Tp. Hồ Chí Minh, ngày 05/7/2021

                            NGÔ XUÂN HỘI         


13355-20.7.2021.jpg
Một t
ác phẩm của nhà văn Hoàng Minh Tường




*Nhà văn Hoàng Minh Tường, họ tên khai sinh: Hoàng Minh Tường. Sinh ngày 21-1-1948. Quê quán Động Phí, Phương Tú, Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội). Dân tộc: Kinh.

Các bút danh khác: Tư Mã Quang, Hoàng Dạ Vũ, Minh Quang…

QUÁ TRÌNH HỌC TẬP VÀ CÔNG TÁC: Tốt nghiệp khoa Địa lý Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1970. Từ 1970 – 1976, công tác tại Sở giáo dục khu tự trị Việt Bắc. Từ 1977 – 1987, phóng viên báo Người giáo viên nhân dân. Từ 1988 – 1998 công tác tại báo Văn nghệ, làm Biên tập viên rồi Trưởng ban văn xuôi. Từ 1998 – 2004, Phó Tổng biên tập phụ trách báo Tuần Du lịch, rồi Phó Tổng biên tập tạp chí Thủy sản. Từ 2005, Phó Ban sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện nay nghỉ hưu, sống ở Hà Nội.

TÁC PHẨM: Đồng chiêm (Nxb Thanh Niên, 1979); Đầu sông (Nxb Lao Động, 1981); Những mảnh đời khác nhau, tập truyện ngắn in chung với Phạm Ngọc Chiểu (1986, Nxb Tác phẩm mới); Những người ở khác cung đường (1988, Nxb Giao thông vận tải); Cưới lại (1992, Nxb Hà Nội); Đa thê (1995, Nxb Lao động), Đen và béo (1997, Nxb Kim Đồng); Đồng sau bão, (2000, Nxb Văn học); Nàng Êva mù, (2005, Nxb Lao động); Thời của thánh thần (2008, Nxb Hội nhà văn); Thôn quê liệt truyện (2006); Ngôi nhà ma (2013); Gia phả của đất (2013, Nxb Phụ Nữ); Nguyên khí (2014, Nxb Dân khí, NgườiViêtshop); Thi sĩ sang sông ( Thời của Thánh Thần - Bản dịch tiếng Hàn Quốc  (2015, Nxb B books - Seul); Những ngả đường (1986, Nxb Công an nhân dân); Gặp lại dòng sông (1986, Nxb Lao động); Người đẹp trong khách sạn (1990); Giá như được yêu một người (1994); Thủy hỏa đạo tặc (1996, Nxb Văn học); Gã viết thuê (1999, Nxb Hội nhà văn); Những chuyện tình xưa cũ (2000, Hội nhà văn); Nghìn lẻ một nàng dâu (2002); Ngư phủ (2005, Nxb Công an nhân dân); Chuyện một người thầy (2007); Bình minh đến sớm- Nxb Kim Đồng (1986, 1990), Nxb Trẻ (2000); Bạn văn ngoài vùng phủ sóng (2011, Nxb Hội nhà văn); Le temps des Genies Invincibles (Nxb La Fremillerie, Paris, 2014 - bản dịch tiếng Pháp Thời của Thánh Thần) ; Thời của Thánh thần (Bản dịch tiếng Nhật - 3/2016 Nxb Đại học Ngoại ngữ Tokyo - Tokyo); Thời của Thánh Thần, bản dịch tiếng Trung Quốc, năm 2016 (bị thu hồi không được phát hành.)

Kịch bản phim truyện ( đã dựng phim): Hà Nội mùa chim làm tổ (1981); Giá như yêu được một người (1996), Tình biển (2000), và một số phim truyền hình nhiều tập (Tình  đất; Gia phả của đất…)
     
GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải A Văn học Công nhân với tác phẩm "Những người ở khác cung đường" (1985 – 1990). Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết "Thủy hỏa đạo tặc" (1997). Năm 2011: Tặng thưởng văn học Thời kỳ đổi mới 1985-2010 cho 10 tiểu thuyết hay nhất về Nông thôn - Nông nghiệp do HNVVN và Bộ NN&PTNT trao tặng cho bộ tiểu thuyết Gia phả của đất (T1: Thủy hỏa đạo tặc, T2: Đồng sau bão).

                   

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​