Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
LƯU THIỆN VƯƠNG - Nhà thơ trẻ đam mê thơ truyền thống


(Đọc tập thơ “Ngân ngấn phù sa” của Lưu Thiện Vương - Nhà xuất bản Thanh Niên 2020)

Hạ Nguyên


ngannganphusa.bia.jpg
 

Lưu Thiện Vương, cái tên khá mới trên văn đàn nhưng những vần thơ lại được luyện mài kỹ lưỡng - đó là ấn tượng đầu tiên tôi đọc tác phẩm của nhà thơ trẻ này. Tập sách “Ngân ngấn phù sa” mới xuất bản và tái bản ngay sau khi phát hành của chàng trai trẻ càng giúp tôi có cái nhìn cẩn trọng hơn với những bài thơ của anh.

Thơ Vương chân chất vị quê và không màu mè chữ nghĩa. Nếu ai đã từng đọc thơ Lưu Thiện Vương sẽ nhận ra điều này ở bất kỳ bài thơ nào của chàng trai trẻ. Anh viết về quê hương, về cha mẹ, về hồi ức lại càng thể hiện rõ điều đó. Ta có thể đọc trong nhiều bài thơ như thế:

Cơn mưa phùn thổi lạnh buốt đồng chiêm

Mặc áo tơi, mẹ dệt đều nương mạ

Dõi tin con ở phương trời xa lạ

Sẽ trở về vào dịp tết năm sau

Nhớ con nhiều mẹ lại thức đêm thâu.

               (Mẹ ơi! Tết này con không về)

Hoặc:

Tuổi nhỏ trên đồng lấm láp phân trâu

Tím tái kẽ răng chùm sung cắn dở

Thụi vào hông đứa bạn cười nhăn nhở

Rồi ú òa chia cho nửa giỏ cau

 

Cấy lúa trồng khoai đậu lạc nối mùa

Quả cà ôi cũng nuôi ta khôn lớn

Hoa cỏ may cứa vào da máu rớm

Xót bời bời chẳng băng bó chi đâu.

               (Cánh đồng lưu lạc)

Hay:

Cam sành đọng mật đỏ au

Thoảng rơi lộp bộp ở sau vườn nhà

Mái tranh lầm lũi tuổi già

Nhai cơm trệu trạo ông bà bỏ ăn.

               (Vẫn treo cuối vườn)

Những vần thơ Vương dùng là những câu từ thân quen mà ở bất cứ đâu, địa vị nào người ta cũng hiểu. Anh chẳng làm gì ma thuật, chẳng thêm bớt màu mè, đọc câu thơ lên chất chứa đầy tâm trạng, với nỗi nhớ quê da diết. Đó là nỗi niềm người mẹ ngóng chờ con mỗi dịp tết đến, là nỗi lòng cha ruộng cạn đồng sâu, là nỗi lòng đứa con tha phương kiếm sống, là tiếng quê nghèn nghẹn cả lối về.

Trong bất kỳ nỗi nhớ nào, thì có lẽ với người xa xứ, nỗi nhớ nơi mình sinh ra và lớn lên vẫn là nỗi nhớ day dứt nhất, vẹn nguyên nhất. Ở thơ Vương, nỗi nhớ đó càng chất chồng một cách chân thành, giản dị. Đôi khi là nhớ mảnh vườn quê, đôi khi nhớ cây vối mà anh hay sang nhà hàng xóm xin lá về om, khi lại là cây mít, cây ổi một thời tuổi thơ sôi động… tất cả được gom vào một cách nguyên vẹn, sâu lắng và chẳng ồn ào.

Vương lớn lên ở quê, ướp tuổi thơ trong nồng nàn vị quê, nên dù có đi tới đâu thì con người anh vẫn cứ mộc mạc, chân chất như vậy. Sáng tác theo hướng truyền thống, Vương đi thẳng vào cuộc sống thường nhật, đi thẳng vào lời ăn tiếng nói dân quê, nhưng điều đó không có nghĩa là anh xuề xòa trong sáng tác. Mà chính Vương đã làm mới ngôn ngữ, hành động “nhà quê” đó thành những vần thơ đi được vào lòng người. Với anh, việc sáng tác là một nghề lao động nghiêm túc, tỉ mỉ, cẩn trọng, anh chỉn chu từng câu từng chữ khi đặt bút xuống, anh nhuần nhuyễn, lão luyện trong cách gieo vần và đảm bảo tuyệt đối niêm luật. Trong thơ anh không có chuyện lạc vần, thất luật. Chúng ta thử đọc thơ Vương trong một vài đoạn trích:

Quán vắng liêu xiêu cạnh cánh đồng

Một đàn cò trắng vẫn sang sông

Mõ trâu lắc cắc ru chiều cạn

Bạn về cuối ngõ tôi còn trông…

               (Chiều cuối hạ)

Quán gió chơ vơ trà để nguội

Chim bầy tao tác cõi mênh mông

Cô nàng ngoan đạo mình theo đuổi

Có lẽ giờ đang ở cạnh chồng?

               (Bên cạnh giáo đường)

Thở dài đôi câu não nuột

Dường như người ấy quên mình?

Lọc qua nỗi buồn trong suốt

Khoảng trời tơ nhện rung rinh.

               (Chiều… chậm)

Em đã trốn và anh tìm ra được

À gũi gần cô bé của ngày xưa

Tình dại khờ long lanh như giọt nước

Vỡ tan tành theo bong bóng chiều mưa.

               (Trốn tìm)

Hoa xoan rụng lối đi

Tím ngần trong thương nhớ

Sương mờ như hơi thở

Bảng lảng triền núi xa

 

Xuân ấm áp bài ca

Mưa bụi hờ vai áo

Trời – ánh gương huyền ảo

Soi mắt em long lanh.

               (Tháng Ba)

Đôi khi Vương lại chơi chữ trong thơ nhưng vẫn tuân thủ đầy đủ vần luật:

Bằng lăng TÍM vẫy đường chia muôn lối

Khoảng trời XANH man mác thuở học trò

Tuổi thần tiên áo TRẮNG đẹp vô bờ

Môi thắm HỒNG cho anh nhìn mê mải.

               (Sân trường anh trở lại)

Hay trong bài “Ý thu”, mỗi câu tác giả dùng ít nhất một từ láy mà niêm luật vẫn rất chuẩn:

Lãng đãng sương mờ trong gió thu

Đầu hiên khe khẽ tiếng chim gù

Run rẩy cành bàng chơi vơi lá

Chùm quả vàng tươi chao lắc lư

 

Ngơ ngẩn gọi tên của một người

Bao lần thổn thức ngóng xa xôi

Gờn gợn bên hồ lăn tăn sóng

Trắng nõn mây ngàn lơ lửng trôi

 

Ngõ vắng năm xưa thuở hẹn hò

Anh chờ khắc khoải đến âu lo

Má ửng tươi hồng em xinh xắn

Ta dạo lênh đênh một chuyến đò

 

Chẳng hay cơn cớ giận chia ly

Tím cả chiều mưa ướt thầm thì

Chống chếnh cây cầu rung bịn rịn

Thăm thẳm mơ màng tiếng tử quy

 

Khoảnh khắc vui đùa sao mỏng manh

Chuông chùa lanh lảnh đếm tàn canh

Giọt nến ngậm ngùi như anh nhớ:

Em về xôn xao trong thu xanh.

Lâu lâu, Vương lại nhắn tin khoe với tôi về một bài thơ ưng ý. Có lần tôi đã "xúi dại" Vương: “Sao em không làm thơ "mới" như mấy bạn trẻ vẫn đang làm cho hợp xu thế thời đại?”. Vương lắc đầu: “Thế mới là em, chị ạ. Em muốn lưu giữ hồn cốt của dân tộc qua những bài thơ được sáng tác theo khẩu vị xưa. Có thể nó không hợp xu thế, nhưng em chọn cách tân trong dùng câu chữ thay vì cách tân trong cách trình bày. Như thế cũng giúp cho thế hệ trẻ mai sau còn biết đến những thể thơ đã từng tồn tại và lưu giữ đến hôm nay”. Tôi nể Vương ở cách nhìn nhận đó. Tôi là người say Chèo như điếu đổ, thì hà cớ gì lại đi xúi Vương bỏ đi một quan điểm sáng tác đáng trân quý như vậy.

Sáng tác theo thể thơ không còn đi theo xu hướng hiện đại, liệu Vương có thành công không, có bám trụ và đi theo mãi được hay không? Vương chia sẻ: “Có thể thơ em đã cũ, nhưng đối tượng độc giả của em khá đông. Sau khi phát hành 1.000 bản đầu tiên, em bán hết vèo trong 2 tháng. Có những bạn đặt cọc từ khi tập thơ chưa được lên maket. Thấy lượng bạn đọc ủng hộ đông, số lượng đặt còn nhiều, em đã tái bản tiếp 1.000 bản nữa. Mới có 1 tháng thôi mà giờ em chỉ còn khoảng 50 cuốn…”. Tôi trố mắt trm trồ. Thời buổi in thơ chỉ để tặng nhau, họa hoằn lắm thì bán được vài trăm cuốn gọi là “ủng hộ”, thì Vương lại phát hành được những 2.000 cuốn thông qua trang cá nhân trên facebook, mà mỗi người chỉ đặt từ 1 đến 5 cuốn là nhiều, chứng tỏ lượng bạn đọc yêu mến thơ Vương, yêu mến thơ truyền thống còn rất nhiều. Vương bảo, đọc thơ Vương chủ yếu là các giáo viên dạy văn và học sinh, sinh viên. Có người từng đoạt giải nhất học sinh giỏi Văn quốc gia, có người là giáo viên trường chuyên, có người từng thi Đường lên đỉnh Olimpia, có cả Tiến sĩ, giáo sư, giảng viên đại học, cũng có người là nông dân lấm lem bùn đất. Vương nở nụ cười mãn nguyện khi được bạn đọc ủng hộ nhiệt tình như vậy. Vương khoe, năm sau và những năm sau nữa em vẫn làm thơ truyền thống, vẫn ra sách để phục vụ bạn đọc xa gần. Hành trình 15 năm say mê và khổ luyện của Vương đang được đền đáp xứng đáng. Vương hứa đầu năm 2021 sẽ phát hành tiếp tập thơ thứ hai với 70 bài, vẫn theo thể thơ truyền thống mà anh đang theo đuổi.

H.N


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​