Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG NAM BỘ


Người Việt có đời sống văn hóa khá phong phú cả về vật chất và tinh thần, đặc biệt trong xã hội truyền thống. Đời sống văn hóa vật chất của người Việt bao gồm các mặt: ăn, mặc, ở, đi lại, sản xuất… trong đó, “cái mặc” cũng đặc biệt được chú ý và có nhiều biến đổi qua quá trình lịch sử. Trang phục người Việt ở mỗi thời kỳ đáp ứng phù hợp những điều kiện môi trường tự nhiên của con người, đặc biệt đời sống văn hóa nông nghiệp Việt Nam.

Thời kỳ đầu khai phá xứ Đồng Nai, trang phục của người Việt còn rất đơn sơ. Nam, nữ đều mặc một loại áo giống nhau: “Áo ngắn tay, bâu thẳng, may kín hai nách, cài nút phía trước và không có quần. Đàn ông thì đóng khố và đàn bà thì mặc váy, đầu đội nón lớn và đi chân đất, đầu búi tóc dài”[1] Trịnh Hoài Đức, Tu trai Nguyễn Tạo dịch (1972), Gia Định Thành thông chí (tập hạ), Nha Văn hóa Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, trang 6.[1]. Đến cuối thế kỷ XVIII, đàn ông mặc quần đùi, áo cánh hoặc áo vải bâu cổ ngắn (theo lối áo quần miền Trung) nhuộm màu nâu đen bằng vỏ cây đà, cây cóc. Đàn bà cũng mặc áo bâu cổ ngắn, quần dài, ngực có mang yếm vải, đi chân đất. Nam giới thường có mang túi “hổ phệ” ở ngang lưng, đó là loại túi bằng vải xếp nhiều lớp, có hai ngăn: ngăn ngoài có họa tiết, ngăn trong đựng trầu cau, thuốc hút. Phụ nữ buộc vào lưng một “ruột ngựa” may bằng vải để đựng trầu cau, thuốc xiết. Có người còn kết một túi nhỏ vào ruột ngựa lận vào lưng quần để đựng đồ[2 Văn hóa và cư dân đồng bằng sông Cửu Long, Mạc Đường, Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, NXB Khoa học xã hội, 1991, trang 352.[2]...



đám cưới người Việt - NTNguyet.png
Trang phục đám cưới người Việt (ảnh Nguyên Thơ)


thí sinh HHVN2018.jpg
Thí sinh cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2018 trong trang phục truyền thống 

(nguồn Tuổi trẻ online)




Đó là trang phục của người bình dân, còn hạng quan chức thì có sang trọng hơn. Trịnh Hoài Đức đã mô tả trang phục thời kỳ khai phá Nam bộ như: “người quan chức thì đội khăn cao – sơn, mặc áo phi phong, mang giày bì đà”. Năm 1820, John White, một thương nhân Hoa Kỳ đầu tiên đến Nam kỳ, ông đã miêu tả trang phục quan chức Nam bộ như sau: Y phục của người đứng đầu gồm một áo kiểu sơ mi rất ngắn bằng vải bông thô, trước đây bằng màu trắng; quần nhiễu đen, rất rộng, không có thắt lưng nhưng quấn vào thân bằng tấm lụa điều; một áo choàng bằng lụa màu đen hay xanh, ve áo gấp nếp vào ngực, giống như sơ mi, có cổ áo rất thấp, cài cúc quanh cổ và đến tận gần đầu gối; guốc mộc thô; khăn bằng lụa đen, trên là chiếc nón bằng lá cọ hình nón tù; dưới có một chiếc vòng và một chiếc dây quàng vào cằm để giữ cho nón chặt vào đầu. Y phục người hầu tương tự các quan nhưng bằng vật liệu thô hơn…” (Hành trình đến Nam kỳ, năm 1823)[3] John White (1972), A Voyage to Cochin China, 1824, Kuala Lumpur: OUP.[3]

Cho đến đầu thế kỷ XX, trang phục cơ bản thường ngày của người Việt ở Nam bộ đã được hình thành dựa trên chiếc áo tứ thân và váy ở đàng ngoài với bộ đồ gồm áo ngắn kín cổ có nút cài phía trước và quần dài để biến đổi thành một bộ trang phục hoàn toàn phù hợp với dân tộc, đó là bộ “áo quần bà ba” cho đến nay. Có người cho rằng, áo bà ba là kiểu áo du nhập của nhóm người Hoa sống trên đảo Pinăng (Malaixia). Lại có ý kiến cho rằng, áo bà ba có những nét giống với “áo đàn ông cổ tròn (cổ kiềng) và cửa ống tay hẹp” mà Lê Quí Đôn đã quy định cho dân Thuận – Quảng trở vào ở cuối thế kỷ XVIII (theo Địa chí Long An).

Áo bà ba cổ tròn khít với vòng cổ, hai ống tay hơi rộng và dài đến cổ tay. Thân áo phía sau nguyên một mảnh vải, phía trước gồm hai mảnh (hai thân) được kết với nhau bởi một hàng nút từ cổ áo xuống gần cuối thân. Áo dài đến chấm cổ tay, ở dưới hơi rộng, trên hẹp hơn, dưới thân áo phía trước có may dính hai túi áo. Quần dài có đáy tương đối cao, hai ống rộng, lưng quần thắt bằng giải rút, ống quần dài đến gót chân và đứng; riêng quần của nữ thì ống quần hơi rộng ở phía dưới. Nhìn chung, bộ áo quần bà ba của người Nam bộ rất gọn gàng và kín đáo. Vì vậy, George Finlayson- nhà nghiên cứu văn hóa người Anh đã nhận xét như sau: “Nông dân Nam bộ dù giàu hay nghèo, đều chú ý đến trang phục. Ngay người nghèo cũng mặc kín từ đầu đến chân và vì thế, nhìn chung, dân ở đây có một vẻ bề ngoài đáng kính hơn các dân tộc khác ở phương Đông” [4] George Finlayson (1988), The Mission to Siam and Hue, the Capital of Cochin China, in the years 1821-1822, 1926, Singapore: OUP.]4].

Trong sinh hoạt thường ngày, người Nam bộ thường mặc bộ bà ba đen đội chiếc nón lá, với chiếc khăn rằn quấn ở trên đầu, kiểu hình tai chó hay hình đầu rìu để lao động. Đây là bộ trang phục thông dụng và tiện lợi. Chiếc khăn rằn được dệt bằng sợi bông vải dài khoảng 1,5 – 2,0m; khổ rộng từ 40 - 60cm, nền trắng có hoa văn sọc ca rô màu đen, xanh dương, đỏ hoặc chàm… có nguồn gốc của người Khmer. Khăn rằn rất đa năng: dùng để đội đầu, quàng cổ, vắt vai, thắt lưng, làm bao đựng lương thực đi đường, làm võng cho trẻ em, làm khăn tắm khi tắm rửa…

Trong những dịp lễ, tết hay hội hè đình đám, trang phục của người Việt ở Nam bộ có trau chuốt, lượt là hơn với những bộ áo dài bằng gấm, the, lụa, quần trắng. Đàn ông đầu đội khăn đóng (giống khăn xếp ở miền Bắc nhưng bao kín tóc ở đỉnh đầu), chân đi guốc hoặc giày, tay cầm ô. Còn đàn bà đầu đội khăn trùm hoặc quàng cổ, đeo đồ trang sức, tay cầm dù và xách giỏ (ví tay), chân đi guốc hoặc hài… Bộ áo dài khăn đóng (của nam giới) được gọi là bộ lễ phục hay “bộ cánh” của người Việt. Áo dài có cổ đứng cao từ 1 – 2cm bao quanh khít chân cổ, thân áo dài tới bắp chân, hai bên hông xẻ rời từ eo xuống hết tà; ống tay vừa và dài tới cổ tay; thân sau ráp liền với hai tay, thân trước ráp với tay áo bên trái. Từ cổ xuống tới nách áo bên phải ráp với một miếng vải nhỏ bên trong gọi là “hò”; có nút dọc theo hò để cài thân trước ở bên trái qua. Áo mặc kín tới eo rồi xẻ thành hai tà dài ở phía trước và sau. Quần dài tới gót chân, ống thẳng hẹp mặc bên trong và dài hơn áo.

Trang phục của người Việt cũng kiểu cách, cầu kỳ. Trước kia, nam giới thướng mặc một lúc hai áo, gọi là áo kép, áo trắng mặc bên trong, áo xuyến hoặc áo gấm đen ở bên ngoài; mặc quần trắng; đội khăn đóng trên đầu; chân đi giày. Còn phụ nữ thì mặc tới hai hoặc ba áo bằng lụa trơn: áo bên trong màu tươi sáng, áo bên ngoài màu sẫm hoặc tối. Áo trong cùng dài nhất, các áo ngoài ngắn dần hơn một chút, áo này chồng lên áo kia và có nhiều màu sắc khác nhau. Khi đi, các tà áo tung bay đủ màu sắc như đàn bướm bay trông rất thướt tha, quyến rũ. Bộ trang phục này được gọi là “áo mớ bảy mớ ba” dành cho các bậc mệnh phụ phu nhân hay con gái nhà quyền quí, giàu có, khá giả mới có điều kiện mặc. Những người có địa vị hoặc giàu có thì mặc trang phục bằng gấm lụa tốt có màu sắc rực rỡ; còn hạng bình dân thì mặc hàng thô hoặc lụa thường với những màu nhạt, nhã nhặn hơn…

Trang phục truyền thống của cô dâu chú rể trước kia khá đặc trưng, cô dâu mặc áo dài hai ba lớp, bên ngoài mặc áo rộng, đầu đội nón cụ quai tơ hai đầu quai gắn chùm bông cù bằng len đủ màu. Chân đi hài cong. Chú rể cũng mặc hai lớp áo dài, áo màu trắng bên trong, áo thụng xanh bên ngoài, đầu đội khăn đóng, chân đi giày da.  

Trang phục của người Việt hiện nay đã rất phong phú và biến tấu thành nhiều kiểu, nhiều loại… được tiếp thu và chọn lọc từ thời trang của nhiều dân tộc trên thế giới. Song cho đến nay, trang phục được coi là truyền thống của người Việt vẫn là bộ áo quần bà ba, với chiếc khăn rằn, nón lá được sử dụng trong sinh hoạt thường ngày. Trong giao tiếp và lễ hội, người Việt mặc áo dài (nam giới đội khăn đóng) là những bộ trang phục đẹp nhất (có thể gọi là bộ quốc phục) phù hợp với điều kiện tự nhiên của nước ta, phù hợp bản lĩnh và tâm hồn Việt. Trang phục áo dài là sản phẩm kết tinh của nhiều giá trị thẩm mỹ, giá trị văn hóa, phù hợp môi trường và điều kiện sống của người Việt Nam.

___________________

1 Trịnh Hoài Đức, Tu trai Nguyễn Tạo dịch (1972), Gia Định Thành thông chí (tập hạ), Nha Văn hóa Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, trang 6.

2 Văn hóa và cư dân đồng bằng sông Cửu Long, Mạc Đường, Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, NXB Khoa học xã hội, 1991, trang 352.

3 John White (1972), A Voyage to Cochin China, 1824, Kuala Lumpur: OUP.

4 George Finlayson (1988), The Mission to Siam and Hue, the Capital of Cochin China, in the years 1821-1822, 1926, Singapore: OUP.

                                                                            

Nguyên Thơ



Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​