Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
Bác sĩ Tự Hàn: Giải nhất cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam


*MỆNH LỆNH CỦA TRÁI TIM


Mặc dù diễn ra trong giai đoạn dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, nhưng cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam do Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vẫn thu hút đông đảo các tác giả chuyên và không chuyên trong cả nước gửi bài tham gia dự thi.

Với tiêu chí được quy định rõ trong thể lệ: “Đó là những sáng tác về con người, về cuộc sống, về vùng đất anh dũng, kiên cường, nhân ái, bao dung... Những cảm xúc tự hào, mến yêu cùng những dấu ấn sâu sắc đối với con người trong cuộc chiến bảo vệ tính mạng, bảo vệ sự sống vượt qua đại dịch Covid-19”.

Cuộc thi thực sự đã trở thành cầu nối để mỗi nhà thơ bộc lộ những cảm xúc, suy tư, chiêm nghiệm, thổn thức về đất và người phương Nam. Chia sẻ nỗi đau về tinh thần và thể xác về cuộc chiến khốc liệt với dịch bệnh Covid-19. Qua đó, gắn kết những tâm hồn đồng điệu, lan tỏa tình yêu con người, tình yêu quê hương đất nước.

Kết quả cuộc thi, giải Nhất thuộc về chùm thơ “Tưởng niệm”, “Có thể”, “Hẹn con sinh nhật mùa sau” của tác giả Tự Hàn. Anh tên thật là Đỗ Phước Thanh - sinh năm 1976 - hiện là Bác sĩ Khoa  Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Đa khoa Khu vực Long Khánh (Đồng Nai).


Tự Hàn.png
Chân dung tác giả Tự Hàn (bác sĩ Đỗ Phước Thanh)


Ban Tổ chức cuộc thi cho biết: “Giữa mặt bằng chất lượng rất đồng đều ấy, chùm thơ “Tưởng niệm”, “Có thể”, “Hẹn con sinh nhật mùa sau” của Tự Hàn nổi lên với những dấu ấn đậm nét. Là một bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, Tự Hàn đã gửi vào thơ những trăn trở, âu lo: “Có thể tháng Bảy này không cài được bông hoa/ Khi mọi người bắt đầu nghĩ về loài sen trắng” (Có thể), những câu chuyện buồn thắt thẻo về “người liệt sỹ trong thời bình có xác có thân mà không được về đất mẹ” (Tưởng niệm) và những tâm sự đầy đắng đót, xót xa của người cha đang làm nhiệm vụ: “sinh nhật này ba không về đâu con/ khu hồi sức chiều nay trở gió” (Hẹn con sinh nhật mùa sau). Chẳng cầu kỳ về câu chữ, cũng không sắc sảo về kỹ thuật, thơ Tự Hàn chạm đến niềm xúc động trong trái tim độc giả bởi sự mộc mạc, giản dị và những trải nghiệm lắng đọng, chân thành mà có lẽ đó chính là chiếc chìa khóa giúp anh chinh phục ngôi vị cao nhất cuộc thi”.

Tác giả Tự Hàn chia sẻ: “Khi đất nước đang căng mình chống dịch, khi ngành Y đang làm tất cả để bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người thì y đức, tình thương, lương tâm, trách nhiệm của chúng tôi luôn đặt lên hàng đầu. Tôi làm việc ở Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện Long Khánh, trong đợt dịch lần thứ 4 này, Bệnh viện của chúng tôi phụ trách Bệnh viện dã chiến số 6 và Khoa tôi chia quân số phụ trách Khoa điều trị Covid-19 nặng. Hằng ngày, chứng kiến nỗi đau của người bệnh lâm nguy, tôi thấy mình cần có trách nhiệm hơn. Mỗi thầy thuốc là một chuyên gia điều trị nỗi đau thể xác và cả nỗi đau tinh thần. Với sự thấu hiểu và nhạy cảm, bên cạnh sự san sẻ, động viên xoa dịu nỗi đau cho người bệnh thì thơ là nơi tôi gửi gắm niềm riêng”.

Kết quả còn lại 2 giải Nhì thuộc về tác giả Yên Khang với chùm thơ “Hãy nhẹ tay thôi”, “Viết cho đêm không ngủ”; tác giả Nguyễn Thanh Hải với bài thơ “Đau mấy chỗ rách mái nhà”; 3 giải Ba thuộc về tác giả Lữ Thị Mai với chùm thơ “Trong chuỗi ngày Sài Gòn”, “Tiếng saxophone đêm tháng Bảy”; tác giả Đỗ Thế Thượng với bài thơ “Má ơi” và tác giả Trần Ngọc Mai với chùm thơ “Chốt gác”, “Đôi mắt”. Ngoài ra, còn có 5 giải Tư và 5 tác giả được trao tặng thưởng.

Trân trọng giới thiệu bạn đọc Chùm thơ đoạt giải nhất của tác giả Tự Hàn.

Hoàng Long (giới thiệu)



*CHÙM THƠ ĐƯỢC GIẢI


Hẹn con sinh nhật mùa sau


Sinh nhật này ba không về đâu con

Khu hồi sức chiều nay trở gió

Hoàng hôn lặng vào ba nỗi buồn thăm thẳm

Ly cà phê không đường

Môi đắng nghẹn, con ơi!

 

Ba muốn nhặt cầu vồng

Muốn hái mặt trời

Muốn tặng cho con những vì sao đẹp nhất

Nhưng con ơi: Sự thật

Bạn bè, đồng nghiệp tuyến đầu đang lặng lẽ hi sinh.

Quà sinh nhật cho con là bài hát trong tim

Là tiếng thạch sùng tắc lưỡi

Là tiếng thở dài lo lắng cho ba của con, mẹ và em chia nhau trăn trở

Ba cấp cứu bao người có cứu nỗi buồn con!

 

Sinh nhật này ba không về đâu con

Cũng không bánh, không hoa

Còn niềm tin thay nến

Còn tình thương cháy bỏng

Còn mồ hôi thay nụ cười khi người bệnh thoát nguy

 

Giờ này con buồn phải không

Trời lại mưa, đèn vàng, phố vắng

Không bạn, không bà nội, không dì Lan, không em Gold

Chỉ còn đêm thinh lặng

Tiếng chó sủa ma làm con giật mình hay tại lá rơi

 

Con yêu ơi, ngoan!

Ba gửi nến mặt trời

Gửi râu tôm mẹ nấu canh bầu bí

Gửi tâm y nơi tuyến đầu chống dịch

Hẹn sinh nhật mùa sau ba về

Nhà mình cùng thắp nến lung linh!

 

IMG_2697.JPG
Tập thể y bác sĩ Khoa  Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Đa khoa Khu vực Long Khánh, nơi tác giả Tự Hàn (Đỗ Phước Thanh) làm việc (ảnh: HL)



Tưởng niệm

(Tưởng niệm đồng đội tôi - bác sỹ Trịnh Hữu Nhẫn đã hi sinh nơi tuyến đầu)

 

Tôi chưa kịp về anh đã theo mây

Những đám mây quặn thắt

Những đám mây ngơ ngác

Những đám mây thép gai cào cắt

Sài Gòn mưa trong lòng âm âm

 

Thế hệ tôi sinh ra sau chiến tranh

Mất mát đau thương chiều dài tưởng niệm

Nghe giặc giã như mặt trời đã lặn

Ngờ đâu chiều nay mưa chín trời

Lửa thiêu nỗi buồn tím ngắt quê hương

 

Anh ơi! ống nghe còn đây, áo blouse còn đây và cả hũ tro còn đây

Sao anh chưa kịp nói một lời với mẹ, với vợ, với con đã theo loài mây trắng

 

Tim tôi như vỡ tan

Nỗi đau thấm từng phế nang

Từng thớ cơ

Từng hồng cầu

Từng nơ-ron

Từng mao quản

Ai chỉ cho tôi ụ đất nào ghi bia mộ tên anh

 

Tôi muốn ôm mưa pha hoàng hôn Bến Thành thật xanh

Tôi muốn ôm mưa hòa tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà thở dài ngằn ngặn

Tôi muốn ôm mưa ngồi nghe đất khóc

Anh ơi!

 

Mai này tổ quốc ghi tên anh

Mai này Sài Gòn nhớ về anh

Người liệt sỹ trong thời bình có xác có thân mà không được về đất mẹ

Người anh hùng áo trắng

Xin thắp nén nhang lòng bái vọng tâm y.

 

 


Có thể

(Vu Lan 2021)

 

Có thể tháng bảy này không cài được bông hoa

Khi mọi người bắt đầu nghĩ về loài sen trắng

Ngọn lửa thiêu âm âm chưa bao giờ thôi cháy

Thời bây giờ ai động lòng trắc ẩn

Nên tự cảm một mình giữa phòng trắng cô đơn

 

Có thể tháng bảy này phải học cách lãng quên

Để bình tĩnh chờ những gì đơn giản nhất

Khi dịch bệnh bủa vây với nỗi lo còn mất

Tự đốt lên cho mình ngọn lửa niềm tin

 

Có thể tháng bảy này chẳng làm lễ Vu Lan

Ơn nghĩa mẹ cha núi cao biển rộng

Con như phận sóng sinh ra mang trong mình lận đận

Thì nợ cuộc đời, nợ ân tình hãy tha thứ cho nhau

 

Có thể

Có thể

Có thể mai này chẳng gặp nữa đâu

Thì xin

Thì xin

Thì xin đừng nhớ nhau như một loài sen trắng

Cũng đừng nhớ đến nhau bằng tâm kinh nhật tụng

Hãy để mình đến rồi đi từng đợt sóng muôn trùng

 

Tháng bảy chạm mặt người rưng rức niềm tin

Lời di ngôn chưa cạn môi đã vỡ

Có thể tin được không

Có thể tin được không

Rằng ta với đời vẫn còn nặng nợ

Đốt lửa mặt trời ta đi tìm nhau.

​​​​​(2021) 

​​​​Tự Hàn


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​