Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CÂY BẰNG LĂNG ĐẪM MÁU



Truyện ngắn của nguyễn trí

 (Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 44)



LTS: Cuộc thi viết “Rừng là cuộc sống của tôi” năm 2020 do Tổng cục Lâm nghiệp và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức đã nhận được 412 tác phẩm của 206 tác giả (dành cho các thể loại thơ, truyện ngắn và ký). Nhà văn Nguyễn Trí (Đồng Nai) đã đạt giải Nhất thể loại truyện ngắn với tác phẩm “Cây bằng lăng đẫm máu”. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc Văn nghệ Đồng Nai.

 

 

Những ai đã từng tham quan rừng cấm X – và từng được Vị, một kiểm lâm kiêm hướng dẫn viên du lịch làm nhiệm vụ dẫn đường, sẽ không bao giờ quên được anh. Và những ai thêm một lần quay lại X chắc chắn sẽ phone cho điều hành, yêu cầu Vị tiếp tục hành trình. Làm nghề mà được vậy thì quá tuyệt. Và để được vậy người làm nghề phải yêu cái mình đang làm như máu thịt. Hướng dẫn viên du lịch rất đặc thù. Ngoài trừ nói – mà - kiến trong lỗ phải bò ra hỏi ai kêu tui đó, còn phải am hiểu cái mình nói tận chân tơ kẽ tóc. Dân du lịch trước khi đến một miền đất nào đó tham khảo thiếu điều nát cả máy tính. Họ biết về nơi sẽ đến chả thua chi hướng dẫn viên. Chỉ cần không thông một điểm là người hướng dẫn mất linh trong mắt dân phượt liền. Những miền du lịch đã định hình, có bề dày lịch sử hướng dẫn viên phải nhão như cháo ăn liền. Muốn vậy phải đọc và phải đến. Khó, không khó nhưng tất nhiên là không dễ. Muốn khó thành dễ thì những ai chọn hướng dẫn du lịch làm nghề thì tốn không ít thời gian và tiền bạc. Bù lại, khi đã thành nghề anh chị sẽ được biết những kỳ vĩ, kỳ lạ, kỳ quái, kỳ khôi, thậm chí không hiểu làm sao người xưa đã làm được vậy.


Cây bằng lăng đẫm máu - NQH.jpg
Minh họa: Quang Hoàng


Nhưng rừng thì khác. Rừng xanh là của mẹ thiên nhiên. Rừng thâm trầm bí hiểm như lòng người vậy. Ca dao có câu “dò sông dò biển dễ dò...”. Dễ dò, nhưng sông bể lòng người rừng xanh núi bạc là những thực thể không một ai hiểu được. Suốt đời ở rừng như Vị còn mơ hồ thì, khách du lịch chỉ thấy được cái đẹp hiện hữu chứ làm sao biết được sự kỳ bí trong lòng của hoang dã. Có câu chim kêu vượn hú. Nếu chỉ hú thôi là chưa đủ. Vượn còn hót nữa. Những ai từng đến sinh thái X chắc chắn biết. Sáng tinh mơ đang trong chăn nằm thưởng thức sự êm dịu của bình yên thì đột ngột tiếng của – chừng như – hàng trăm chú vượn vang lên lồng lộng. Dàn đồng ca ấy khiến con người ta bật dậy, kẻ mở cửa sổ, người tung cửa cái, tất cả đồng loạt ngước lên những tàng cổ thụ để xem loài sinh vật nào đang tạo ra những âm thanh như tiếng hát của thần thánh thế kia? Nhưng tinh mơ ở rừng sương mù lãng đãng ngay trên đầu du khách thì, trên cổ thụ cao những hai mươi mét ta nào thấy được gì. Du khách ở phố lần đầu nghe âm thanh ấy đã ngơ ngác hỏi và Vị trả lời:

- Vượn đấy. Chúng hót để chào ngày mới.

Chiếc Jin130 qua một đoạn đường rừng áng những mười lăm cây số. Du khách sẽ được Vị giới thiệu thế nào gọi là lán. Cũng dễ hiểu. Một đoạn cả vài trăm mét toàn một loại cây được gọi là lán. Lán Bằng lăng, lán Gõ đỏ. Đây là lán Bình linh. Cứ mỗi hecta rừng nguyên sinh có mười một ngàn loài thực vật - Vị bảo vậy - và du khách biết vậy. Biết để ngạc nhiên về sự kỳ bí của rừng chứ làm sao hiểu được. Và rừng như vậy được gọi là rừng giàu.

- Nghĩa là sao?

Vị trả lời:

- Một hecta cao su có thể thu bạc tỷ nhưng vẫn là rừng nghèo bởi chỉ một loại cây. Còn nguyên sinh giàu có bởi đa dạng thực vật. Thiên hạ có thể trồng một ngàn hecta cao su nhưng không thể trồng được một hecta nguyên sinh. Chỉ thiên nhiên làm được điều này và phải qua hàng ngàn năm mới được vậy. Vì thế, miễn cưỡng lắm người ta mới phá rừng để làm nương rẫy. Vô cớ mà phá là tội ác.

Xe dừng lại ở một lán cây thẳng băng và đều như so đũa. Vị bảo rằng loại cây này có tên là Song Mây. Đứng trước lán rừng này du khách khó mà cưỡng lại sự tự sướng bằng cách chụp ảnh. Nắng xuyên qua rừng cây tạo nên những dòng sáng vàng tươi, lung linh như hào quang của điện quang trên đầu những pho tượng ở đền đài miếu mạo... Xe qua những con suối vắt trên đường. Ào... Sóng nước tung lên... rất là tuyệt khi hình ảnh được ghi lại trong smart-phone đời mới.

 Xe dừng, và để đến được nơi cần đến phải đi bộ qua một đoạn đường rừng trên dưới năm cây số. Con đường chỉ tám mươi centimet chiều ngang, trước đây là đường của những người lấy rừng làm mạch sống. Khi X là du lịch sinh thái, con đường được tu bổ bằng cách dùng đá núi và xi măng làm bằng để mời gọi du khách. Đường rừng nên cũng lên xuống xuống lên. Đang dẫn đầu Vị dừng lại và chỉ vào một bụi cây bên đường. Du khách ngạc nhiên khi thấy một con rắn lục màu xanh chỉ bằng chiếc đũa con đang ngủ. Đúng là mắt thần. Nhận ra sự khác lạ của màu xanh động vật lẫn trong màu xanh của thực vật không thần là chi? Tất cả tròn xoe mắt khi Vị cho họ mục kích một chiếc lá bằng ngón tay hay một cành khô nhỏ như cây tăm đang di chuyển trên chân của chúng... Có tiếng rú hốt hoảng của một cô gái vang lên. Cô ngồi xuống ôm chân. Ra là có hai con vắt đang đeo trên bắp chân trần. Vẻ hãi sợ hiện lên trong mắt cả tình lang của cô. Không sao đâu – Vị nói – Vắt đấy mà. Nói rồi anh ngồi xuống bắt hai chú vắt vo lại và ném vào bên trong con đường:

- Có sao không anh? - Cô gái hỏi.

Vị mở túi dết đưa cho các thành viên trong đoàn mỗi người một lọ “Dep”. Loại thuốc mỡ dùng để chống muỗi và vắt:

- Không sao đâu. Cô yên tâm.

Nơi đến cũng phải đến sau ngoài một tiếng băng rừng. Nhìn cái gọi là bàu. Bàu Sấu. Một du khách kêu lên:

- Đây là cái biển chứ bàu gì anh Vị.

- Vâng... mùa này diện tích mặt nước từ một đến ba trăm hecta. Mùa mưa thì những hai nghìn năm trăm hec lận đó anh.

 Các bạn phải xuống phà ngang qua sông mới vào được khu sinh thái này. - Vị tiếp tục. - Dòng sông bắt nguồn từ cao nguyên Y, khi xuôi qua đây nó tiếp nhận thêm nước Bàu Sấu đổ vào. Chính điều này đã giúp cho đất đai và cư dân sống ở hai bờ hạ lưu trù phú. Nếu không có sự cho đi và giữ lại của Bàu Sấu thì điều gì xảy ra? Các bạn hãy hình dung vào mùa mưa, nước của thượng nguồn và, từ những cụm rừng của khu du lịch sinh thái này tuôn xuống thì ngập lụt là điều không tránh khỏi. Và khi nắng hạn đến, nước đổ về chắc chắn không đủ để dòng sông luôn chảy nếu không có sự cho đi của Bàu Sấu:

- Chắc có cá sấu nên gọi vậy phải không anh? - Một du khách hỏi.

- Chắc chắn là vậy. Trước đây vài mươi năm, khi rừng còn ở tận quốc lộ thì khu vực này là nơi sinh sống của những tộc người thiểu số. Sau một thời gian dài bị sự thiếu thốn của kinh tế vây hãm, dân cư các nơi đổ về tàn sát rừng để sống. Nếu không có sự cương quyết từ bên trên thì e rằng khu rừng này đã bê tông hóa. Bố tôi bảo rằng khi ông vào xứ này lập nghiệp thì cá sấu tự nhiên ở cái bàu này rất nhiều. Ngoại trừ cá sấu còn có những loài ngày nay đã vào sách đỏ như rùa vàng, cua đinh trắng...

- Ngày nay thì sao anh?

- Mọi thứ vẫn còn nhưng cá sấu tự nhiên thì hết rồi.

- Sao vậy?

- Một số lâm tặc xen vào dân nương rẫy tàn sát mọi thứ. Họ bắt cá sấu để làm lương ăn, lấy da để phục vụ cho cái gọi là đẹp và sang cả của con người nên cá sấu ở đây bị tận diệt.

- Vậy ra Bàu Sấu bây giờ chỉ còn là cái tên?

- Không. Lãnh đạo của bảo tồn sinh thái đã mua và thả xuống đây một loại sấu khác. Cá sấu Xiêm, một trong những loài cá sấu nước ngọt đặc hữu của Đông Nam Á.

 Từ trên khu vực nhà khách của trạm kiểm lâm nhìn những chiếc xuồng con đang dập dềnh trên nước. Một cô gái kêu lên:

- Eo ơi... Có cá sấu mà người ta dám bơi xuồng trên bàu kìa.

- Có sao đâu – Vị cười – Bơi xuồng tham quan là thường bởi cá sấu không tấn công người. Chúng nằm yên dưới đáy và chỉ nổi lên mặt hồ lúc hoàng hôn. Còn bây giờ có muốn thấy một ngoe để chụp tấm hình cũng khó.

Một khách tham quan hỏi:

- Rừng ở đây còn nguyên vẹn hả anh?

- Không anh ạ. Thấy vậy chứ bên trong cũng loang lổ da beo lắm. Kiểm lâm cũng như bảo vệ rừng làm việc cả ngày lẫn đêm mà bọn lâm tặc vẫn tác oai tác quái với đầy đủ thủ đoạn.

 Trong một quán cà phê nằm trên một bụi tre rừng. Để dựng được cái quán tạm gọi là độc nhất vô nhị này là một kỳ công. Bụi tre được đốn ngang thân và chủ nhân đã lót bên trên một lớp ván dày ba phân để làm nền, và trên cái nền ấy là một nếp nhà dựng bằng tre lợp lá Trung quân. Muốn lên du khách phải chân bước trên cầu tre tay vịn cũng bằng tre nhưng không lắt lẻo hay gập ghềnh gió đưa. Vị nói:

- Để phát ngang bụi tre này thì đơn từ và bản vẽ của nó phải do kiến trúc sư đề xuất. Phải đẹp và độc, thậm chí độc nhất mới được duyệt. Ván sàn của nó từ những nhà máy cưa ở phố đưa vào. Dân làm ăn ở đây tuyệt đối không được đụng vào dù chỉ một sợi dây leo...

- Vậy mà lâm tặc vẫn phá được sao anh?

Vâng – Vị nói – bọn lâm tặc nằm ở dạng đầu nậu trăm mưu nghìn kế để lấy cho bằng được những cái quý nhất trong rừng nguyên sinh. Chúng ở ngoài phố nhưng của nả vẫn được tập trung tận nhà. Những chiêu thức như dùng tiền mua rừng, mua bảo vệ thậm chí cả kiểm lâm viên hay trưởng trạm chỉ là chuyện nhỏ. Đã từng có vài anh trạm trưởng ra tòa lĩnh án vì thoái hóa bởi mãnh lực đồng tiền thì, kiểm lâm viên hay bảo vệ là khỏi nói. Án phạt nặng nhưng chỉ răn đe kẻ biết còn kẻ không biết là bó tay. Thậm chí đầu nậu còn lợi dụng cái không biết để tư lợi cho mình.

- Nghĩa là sao? - Du khách hỏi – không biết và lợi dụng sự không biết là thế nào?

Người sắc tộc thiểu số như Mạ, Chơ-ro... thì rừng là quê hương từ ngàn đời. Đưa họ về một chỗ để quản lý như người Kinh ở các vùng kinh tế mới là không thể. Lợi dụng sự thật thà, bọn đầu nậu đã vung tiền khi chất phát lâm thế ngặt để phục vụ cái họ muốn. Ở Bàu Sấu thì rùa vàng hay cua đinh trắng. Thú rừng từ bò tót hay nai chồn cheo mễn, cả gấu rừng chúng cũng không tha. Riêng tê giác xem như tận tuyệt. Quan trọng nhất là gỗ quý. Bọn đầu nậu chỉ lấy cái quý nhất của một thân gỗ vài trăm năm thậm chí cả nghìn năm tuổi. Đã có hơn mười vụ bị bắt tại chỗ nhưng phải thả vì – như đã nói – người thiểu số không biết chi kể cả người thuê mướn họ:

- Sao lại không biết. Vô lý quá.

- Người thiểu số bây giờ có người khôn ngoan lắm. Chính những đầu nậu lâm tặc đã dạy cho họ những chiêu thức đối phó mà, giám đốc lâm trường cũng lắc đầu chào thua. Một anh thiểu số bị bắt đưa về ban chỉ huy lâm trường. Nhưng anh ta đóng phim không biết nói tiếng kinh thì tài tử xi nê cũng bái làm sư phụ. Ngôn ngữ không thông thì làm sao giải quyết? Một gã khác trọ trẹ tiếng kinh xin gọi điện về báo cho người nhà đến nộp phạt. Người nhà có lên thiệt nhưng mà là, một cô vợ địu một cu con còn bú và hai tay dắt hai nhóc khác. Ở phòng quản lý ba đứa bé khóc phụ với mẹ xin thả cha về thì làm sao, chả biết phải làm sao. Tốt nhất là thả bởi, khi bị bắt hắn mới thò rựa vào để phát quang nơi muốn khai thác chứ đâu đã làm chi. Mệt muốn đứt hơi khi là thành viên bảo vệ một khu rừng có diện tích những tám mươi nghìn hecta.

- Anh nói cái quý nhất của một thân gỗ là cái gì?

- Nu. Anh có biết thế nào gọi là Nu không?

- Không. Tôi ở phố nên nào biết Nu là gì.

- Để tôi đưa các bạn đi xem một cổ thụ bằng lăng có “nu” ở khu rừng bên kia Bàu Sấu. Một thân gỗ đổ máu và máu cũng đã đổ trên thân gỗ ấy.

- Dữ vậy à?

- Vâng. Dữ dội và kỳ dị nhất mà trên ba mươi năm sống ở rừng này tôi chưa từng thấy một sự việc nào dữ hơn.

- Qua bàu bằng xuồng đạp à? Ai chứ tôi thì không dám. – Một du khách nữ nói.

- Không. Chúng ta có tám người nếu muốn thì thuê một ca nô cho an toàn.

***

Ca nô nổ máy và tài công đưa đoàn tham quan một vòng chu vi của Bàu Sấu vĩ đại. Có lên non mới biết non cao, ra biển mới biết thế nào là xanh thẳm thì, có mặt trên lưng của một diện tích mặt nước ngoài trăm hecta, con người sẽ biết thế nào là xa mà gần gần mà xa. Ngoài trăm hecta thì đương nhiên là hơn cả mênh mông, nhưng cái mênh mông ấy bị chắn lại bởi sự vây hãm tứ phía của rừng xanh. Cảm giác xa gần gần xa khiến du khách có cảm giác hãi sợ và thích thú. Vị lại tiếp tục công việc của mình khi một du khách hỏi Nu là gì.

- Các bạn có biết cái gù trên vai con bò đực không? - Vị hỏi.

- Biết. Ở quê tôi gọi là gù.

- Vâng. Có nơi gọi khối u đó là gù, nơi gọi là nu và thượng thú hạ cầm chỉ có hai con có cái gù này. Sa mạc thì lạc đà, đất liền chỉ con bò đực dùng để kéo xe hay cày bừa. Trên rừng một số ít cây có khối u này vì sự biến hóa bất cập nào đó của tế bào thực vật. Khối u theo thời gian sẽ lớn dần trên thân của cổ thụ và được gọi là Nu. Nu ở gỗ nhóm A như gõ đỏ, cẩm lai, hương, giáng hương... là cực kỳ quý giá. Nếu thân gỗ một khối là một cây vàng thì Nu phải gấp mười lần hơn. Nu nằm vắt vẻo trên một thân cổ thụ có khi cao cả mười, mười lăm mét. Muốn lấy khối u này thợ rừng phải hạ cổ thụ. Cổ thụ từ vài trăm đến nghìn năm tuổi có chu vi những hai ba vòng ôm của người lớn thì chuyện hạ nó là không thể, bởi gỗ nhóm A là tài sản quốc gia. Khai thác mà không có giấy phép là vi phạm pháp luật. Đã có những quyền chức mất tất cả bởi sự tham lam vô độ. Họ cho người lén lút tàn sát để lấy gỗ. Lệnh cấm ban ra ngay cả một sợi mây cùng không ra được cửa rừng nhưng, họ vẫn cho người len lỏi vào và khai thác lúc đêm hôm khuya khoắt. Không ngả được cổ thụ thì họ bắc dàn giáo và lóc từng mảng thịt. Nu nằm cao cỡ nào nếu muốn, họ vẫn có thể cho lìa thân.

Vị tiếp tục khi đoàn tham quan du lịch rời ca nô đi bộ đến cái nơi tại vị cây bằng lăng mà Vị bảo là đã đổ máu và máu đã đổ:

- Nu sở dĩ quý giá bởi vân gỗ của nó cực kỳ đẹp. Khi xẻ ra ván thì vân của nó uốn lượn như rồng bay phụng múa, khi lại như mây bay giữa trời xanh. Nó thiên hình vạn trạng mà chắc chắn rằng không một họa sĩ nào có thể tưởng ra mà phóng bút. Nó mê hoặc đến đắm đuối cả những kẻ vô cảm nhất. Bọn thợ líu lộng bảo đó là sự mê hoặc của nghìn năm thời gian trong từng thớ gỗ.

- Líu lộng là gì hả anh Vị?

- Là loại cưa xẻ bằng tay. Lưỡi của nó mảnh như cưa lộng của thợ mộc. Khi xẻ Nu, bề dày một tấm ván chỉ năm ly nên phải dùng líu lộng. Thợ sử dụng loại cưa này phải là tay thượng thừa. Phải chuẩn từng milimet một. Sai một chút là tấm ván cả cây vàng đi đứt. Có làm thợ líu lộng mới biết thế nào là “sai một li đi một... cây vàng”.

Nhưng, bằng lăng không nằm trong tốp gỗ nhóm A. Không A nhưng lại đặc biệt một cách kỳ lạ. Minh Tàn – một lâm tặc tầm cỡ của rừng X, từng ngồi tù về tội danh phá lâm – đã nói về cái đặc biệt của bằng lăng như thế này:

- Bằng lăng cũng như bóng đá vậy. Một nghìn thằng mới được một. Cả trăm triệu dân mới moi được ba chục tầm cỡ để vào tuyển quốc gia. Nhưng để có một thiên tài thực thụ thì cả thế giới chỉ vài thằng. Sự cá biệt nào cũng rất đặc biệt. Bằng lăng là một loài thực vật như vậy.

Có bốn loại bằng lăng là thông, cườm, đá và ổi. Bằng lăng Đá là loại gỗ không được trọng dụng. Ngay cả cưa máy cũng sợ khi ra ván. Đã cứng thì chớ sớ gỗ của bằng lăng đá nằm ngang nên rất mau lụt cưa. Líu phải dũa bằng tay và mỗi lần dũa một lưỡi líu ít nhất là một tiếng đồng hồ, nên thợ rừng không ai dám đụng vào. Những tên gọi như thông, cườm, ổi thì cây có bề hoành một mét là hiếm. Và mười cây thì bộng ruột hay bù xòe đục lũng thân đã hết sáu, lại rất dễ nứt khi ngã. Nó có thể nứt làm bốn mảnh nếu thế ngã không chuẩn.

 Nhưng cá biệt lại có những cây to những ba người ôm. Đã có những bộ phản bằng lăng hai mét vuông dày hai mươi phân nhưng chỉ hai tấm – và – những bộ phản này là độc nhất vô nhị. Đã và đang có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bộ phản như vậy của gỗ nhóm A nhưng bằng lăng thì chỉ một. Đã và đang có hàng vạn mặt bàn, hông tủ hay mặt bàn thờ bằng Nu của gỗ nhóm A nhưng bằng lăng thì tuyệt không. Xưa nay chả ai trên trần thế này nghe nói đến Nu bằng lăng thì lấy gì để mục sở thị. Nhưng nói không có là không đúng đâu nghe.

Nào, xin mời quý vị theo chân Vị đến nơi tại vị một cây bằng lăng ngoại hạng và vô giá. Nó to những bốn vòng ôm người lớn và có những sáu cục Nu nằm hài hòa trái phải, phải trái như một chậu Mai Chiếu Thủy tạo hình mẹ bồng con trên thân cao áng chừng ba mươi mét. Sáu cục Nu nhưng chỉ còn năm bởi lâm tặc đã cắt mất một cục ở cao nhất. Và năm lâm tặc chết hết bốn. Một còn lại là đầu nậu Ba Phúc bị chung thân về tội danh cướp giết. Thêm một nữa là…

***

Con đường dẫn vào gốc bằng lăng tuy nhỏ nhưng khá thoáng. Cả toán du khách cực ngỡ ngàng khi mục sở thị cổ thụ. Ở nguyên sinh thì những cổ thụ như gốc bằng lăng này không phải hiếm nhưng họ ngỡ ngàng bởi những khối u to bằng cả cái bàn nhô ra trên thân cây. Khối u hay còn gọi là Nu nằm cách nhau rất đều đặn. Ba mét cách mặt đất là một khối. Khối thứ hai cách khối thứ nhất chừng bốn mét và nằm ở chiều ngược lại. Thiên nhiên đã tạo ra một kỳ vĩ mà con người không thể nào hiểu được. Vết cắt khối u trên cao cách mặt đất là hai mươi mét. Vị nói:

- Bọn phá lâm đã dùng cây rừng và đinh để tạo một dàn giáo vững chãi từ gốc lên tận cục nu cuối cùng và dùng cưa cá mập để cắt khối u. Nhưng xui xẻo cho bọn chúng là khi cục Nu rơi xuống đã vỡ ra làm bốn mảnh và đập sập giàn giáo làm cả bọn trọng thương.

 Để dựng được bộ giàn giáo vây chung quanh một thân cây có bề hoành những năm mét, cao hai mươi mét thì, chí ít cũng cả tháng. Làm cách nào mà chúng đã qua mặt được bảo vệ rừng và kiểm lâm đi tuần tra? Câu trả lời rất đơn giản. Với diện tích trên dưới tám chục ngàn hecta thì từ bảo vệ cho đến giám đốc các lâm trường trong khu bảo tồn, chả một ai dám nói mình tinh thông rừng cấm X. Thậm chí nếu không có tiếng kêu cứu của bọn lâm tặc bị tai nạn thì chả một ai biết có một cây bằng lăng cổ thụ có Nu đang hiện diện trên đời. Người giữ rừng không biết vậy làm sao lâm tặc biết mà ra tay trộm đạo?

- Một người tộc Mạ đã tình cờ phát hiện ra cây bằng lăng này khi theo dấu một con nai lúc đi săn. Anh ta đem chuyện nói với đầu nậu Ba Phúc…

Phúc theo anh người Mạ vào tận gốc và hắn biết cơ hội làm giàu của hắn đã đến. Nhưng dựng cho được giàn giáo để thu những khối u này thì phải có gộc lớn để chống lưng. Ba Phúc gặp tiểu khu trưởng cái tiểu khu nơi mà gốc bằng lăng đang tại vị là Bảy Hoa. Phúc biết tiền mua được tất cả bởi ai đó đã nói cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng nhiều tiền. Bảy Hoa đã lệnh cho dưới trướng tai không nghe mắt không thấy những gì ở cụm rừng ấy. Và thế là cái giàn giáo đã tại vị sau một tháng ra công.

Máu của những kẻ lâm nạn tưới đầy gốc cây hòa với nhựa ròng ròng chảy từ vết thương của khối u. Bốn gã lâm tặc chết trên đường đi cấp cứu. Trước khi chết chúng còn kịp khai kẻ đầu têu là Ba Phúc.

Bảy Hoa bỏ rừng X trốn biệt.

 Vị nói với khách tham quan rằng anh sinh ra và lớn lên ở miền rừng này. Rừng với anh là máu là thịt là niềm yêu là sự sống. Anh từng chứng kiến những điều rất dữ dội nhưng chưa lần nào kinh hoảng khi nhìn thấy máu đẫm đầy dưới gốc cổ thụ như lần ấy. Anh cũng không hiểu vì sao khung giàn giáo vững chãi ngần ấy lại có thể bị đập sập bởi va chạm. Về điều này thì ngay cả một lâm tặc lừng danh là Minh Tàn cũng cho là kỳ lạ. Hắn nói:

- Tao đã từng cho gỗ lìa thân mà cây vẫn ung dung đứng. Từng hạ xuống đất những cục Nu còn to và cao hơn. Người ta phải ràng rịt khối u bằng dây dù bẹ ba to bằng ba ngón tay và từ từ cho xuống bằng ròng rọc. Lũ này cho rơi tự do là hết số.

Riêng Vị cho rằng ở rừng có thần. Thần rừng sẽ không dung cho bất kỳ kẻ nào phá hoại. Minh Tàn cũng nghĩ vậy và vì nghĩ vậy nên hắn ta vứt cưa vứt búa vứt rựa và bảo rằng:

Tao bỏ nghiệp!

 

N.T


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​