Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
Tín ngưỡng nữ thần hội nhập trong văn hóa dân gian Đồng Nai



 Ts. nguyễn thị nguyệt

 (Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 44)



Vùng đất Đồng Nai thuộc miền Đông Nam bộ, trước thế kỷ XVII, nơi đây là địa bàn của các tộc người bản địa như: Choro, Mạ, S’tiêng, Kơ ho, Chăm. Từ thế kỷ XVII, vùng đất Đồng Nai tiếp nhận người Việt từ Đàng ngoài và miền Trung vào khai khẩn, lập nên phố chợ sầm uất. Năm 1679, người Hoa theo Trần Thượng Xuyên vào khai khẩn vùng Bàn Lân xây dựng thương cảng Cù lao Phố nổi tiếng ở phía Nam lúc bấy giờ.

Từ những tộc người bản địa đến những đoàn người Việt và người Hoa định cư, đến hôm nay vùng đất Đồng Nai vẫn là địa phương luôn thu hút nguồn nhân lực từ nhiều địa phương trong cả nước đến sinh cư lập nghiệp.

Đồng Nai phát triển kinh tế công nghiệp với hơn 32 khu công nghiệp đã được phê duyệt và đi vào hoạt động, là trung tâm của các khu công nghiệp trong cả nước góp phần tăng trưởng đáng kể cho nền kinh tế của quốc gia. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối với ba vùng Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên, chỉ cách Thành phố Hồ Chí Minh 30 km, vì vậy Đồng Nai có nhiều lợi thế phát triển về kinh tế - xã hội, với lịch sử hình thành hơn 310 năm đã tạo nên diện mạo văn hóa khá đặc thù của địa phương.


Miếu thờ Ngũ hành tại chùa sắc Tứ Hộ quốc.JPG 
Miếu thờ Ngũ hành tại chùa sắc Tứ Hộ quốc (ản​h N.T.N)
 


Từ thực tế cuộc sống các cư dân Đồng Nai có đời sống tâm linh gắn với sinh hoạt kinh tế và xã hội như: nông nghiệp, nghề thủ công truyền thống, thương nghiệp, ngư nghiệp, bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc...

Các dân tộc bản địa với kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, vì vậy họ thờ thần Lúa (Mẹ Lúa) là nữ thần cai quản về ngũ cốc, lương thực cho đồng bào. Đây cũng là tín ngưỡng nguyên thủy của các cư dân nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á.

Người Việt đem theo truyền thống văn hóa từ quê hương xứ sở ở miền Bắc và miền Trung vào Nam bộ với tín ngưỡng đã được địa phương hóa như: Mẹ Âu Cơ là quốc mẫu của các thế hệ cư dân người Việt, Hai Bà Trưng, Bà Cố Hỷ là lớp bản địa của nữ tướng Triệu Thị Trinh ở miền Bắc vào Nam bộ (có khi được cho là nữ thần cai quản núi rừng); tín ngưỡng thờ Mẫu (Tam phủ, Tứ phủ) được người Việt miền Bắc đưa vào phổ biến trong thế kỷ XX, trong đó bảo tồn nghi lễ dân gian với sinh hoạt lên đồng tại các cơ sở tín ngưỡng này. Tính địa phương của người Việt trong tín ngưỡng thờ nữ thần với Cô Bóng Hiên (Phạm Thị Hiên) ở Vĩnh Cửu (miếu Bà Cô) được người địa phương sùng tín thời kỳ khai hoang lập ấp thế kỷ XVIII- XIX với giai thoại “Tiền quân Lê Văn Lễ và cô Bóng Hiên” trong “Biên Hòa sử lược” của Lương Văn Lựu. Hay Linh Sơn Thánh Mẫu và bà Chúa Xứ, là mẹ xứ sở của vùng đất Nam bộ cũng được thờ phổ biến ở Đồng Nai. Linh Sơn Thánh Mẫu không chỉ thờ trong đình miếu mà còn thờ ở hậu tổ chùa (chùa Sắc Tứ Hộ Quốc, chùa Bửu An, chùa Thiên Long, chùa Hoàng Ân…). Lê Sơn Thánh Mẫu của người Hoa cũng được Việt hóa thành Linh Sơn Thánh Mẫu (chùa Viên Quang, An Phước, Long Thành)...

Người Việt hội nhập tín ngưỡng thờ Đại Càn Tứ vị Thánh nương vốn là tín ngưỡng của cư dân miền biển Trung bộ có nguồn gốc Trung Quốc nhưng được thờ khá phổ biến ở Nam bộ. Tại Cửa Càn (xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) có đền thờ Tứ Đại Thánh Nương thờ Hoàng hậu và ba vị công chúa nhà Tống, sau được nhà Trần phong tặng là Đại Càn Tứ Thánh Nương Vương. Lâu dần Đại Càn Tứ Thánh Nương vương trở thành nữ thần phù hộ cho người đi biển được các tàu đánh cá, tàu buôn người Việt và Hoa mang ngược ra miền Bắc; được thờ phổ biến ở vùng Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nam và xuôi vô miền biển phương Nam, thờ phổ biến ở vùng biển Tân An (Long An), Mỹ Tho (Tiền Giang), Rạch Giá (Kiên Giang)…

Quá trình hội nhập thần linh của người Việt với sự tiếp thu tín ngưỡng của người Hoa trở thành thần linh phổ biến trong dân gian là Cửu Thiên Huyền Nữ, Quan Thế Âm bồ tát... là những vị nữ thần có khả năng bao trùm rộng rãi trong tín niệm về trời đất vũ trụ, rất gần gũi trong tâm linh người dân Nam bộ.

Người Hoa với truyền thống văn hóa thờ nữ thần phù hộ người đi biển là Thiên Hậu Thánh Mẫu, nữ thần đã phù hộ cho đoàn người Hoa vượt biển bình an đến với vùng đất mới Nam bộ. Ở Đồng Nai, người Hoa tín sùng vị nữ thần địa phương là Tiên Cơ nương nương, phu nhân của một vị quan nhà Thanh (Trung Quốc) sang Việt Nam sinh sống, lập nghiệp tại Bửu Long, Biên Hòa. Sau khi qua đời, hiển linh cứu người và được lập miếu thờ tại Bửu Long (miếu Bà Thánh). Ngoài ra, người Hoa còn thờ Quan Âm bồ tát, Sơn Lâm Bà Bà, Địa Mẫu... tương đối phổ biến.

Bóng dáng của nữ thần người Chăm cũng được cư dân Đồng Nai thờ qua hình tượng bà Chúa Tiên, bà Chúa Ngọc, Thiên Y A Na chính là Poh Nagar là bà mẹ xứ sở (bộ tộc Cau) được xem như Tiên giáng trần dạy dân làm ruộng, đánh cá, chăn tằm, kéo chỉ, dệt vải, chăn nuôi... Sau đó người Việt đã biến nữ thần Poh Nagar thành nữ thần Thiên Y A Na Rằng (Dằn) Bà Chúa Ngọc hoặc Thiên Y A Na Rằng (Dằn) Bà Chúa Xứ. Nữ thần Thiên Y A Na Rằng là nữ thần hộ mạng của nữ giới, trong khi Bà Chúa Xứ là nữ thần đồng ruộng và vị thần đa năng của xứ sở Nam bộ.

Hay Chúa Ngung Man nương cũng là sự tích hợp của người Chăm và nữ thần Uma của Ấn Độ giáo, là vị nữ thần của các thổ dân cư ngụ vùng quê, khi cư dân khai phá đến đâu thì thờ vị chúa của bổn thổ là Chúa Ngung Man nương, cũng được xem như Chúa Xứ nương nương. Đôi khi Chúa Ngung Man nương là nữ thần được tích hợp trong truyền thuyết về Man nương Phật Mẫu và Thạch Quang Phật trong Phật giáo Việt Nam.

Cư dân Đồng Nai tôn sùng các vị nữ thần, vì họ tin rằng các vị thần linh có những chức năng cai quản, phù hộ, che chở cho mọi mặt của cuộc sống của con người.

Nữ thần ban phát của cải như Mẹ Lúa: các dân tộc bản địa Đồng Nai với kinh tế du canh du cư sản xuất lao động trên nương rẫy, đặc biệt trồng tỉa lúa là nguồn lương thực chính, vì vậy họ thờ Mẹ Lúa được xem như thần chính của nông nghiệp. Bàn thờ thần Lúa được thờ ở trong nhà và cả kho lúa.

Nữ thần là chủ vùng đất như: Chúa Xứ, Chúa Tiên, Chúa, Ngọc, Linh Sơn Thánh Mẫu, Chúa Mường, Địa Mẫu... Đây là những vị nữ thần được người dân địa phương tín sùng có nhiều chức năng như cai quản, phù hộ cho công việc đồng ruộng được thuận lợi hay ban phát của cải, con cái cho gia đình hoặc quán xuyến toàn bộ công việc ở vùng đất, xứ sở...

Nữ thần có chức năng phù hộ về sinh sản như: Kim Hoa nương nương, Bà Mụ Thai Sanh, Chủ Sanh nương nương... Những người Việt và người Hoa đều thờ cúng những nữ thần này nhằm phù hộ cho họ may mắn về đường con cái từ lúc mang thai, đến khi sanh đẻ và khi con trẻ đến tuổi vị thành niên. Bà Mụ được người Hoa thờ trong phòng ngủ với mục đích trẻ nhỏ được Bà Mụ che chở khỏe mạnh, hay ăn, mau lớn...

Nữ thần bảo trợ cho nghề đi biển: Đại Càn Tứ vị Thánh nương, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Thiên Y A Na... Đây là những vị thần phù hộ cho người đi biển, phù hộ cho đoàn tàu đánh cá, các tàu buôn trên biển được bình an. Cả người Việt và người Hoa đều thờ phổ biến các vị nữ thần này từ Bắc xuống Nam như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau…

Nữ thần hộ quốc tý dân: là Quan Thế Âm bồ tát, Bà Cố Hỷ, Cửu Thiên Huyền nữ, Tiên Cơ nương nương, Cô Bóng Hiên... Các vị nữ thần này có chức năng ban sự bình an, may mắn cho cộng đồng, phù hộ tai qua nạn khỏi, quốc gia bình yên, gia đình thịnh vượng. Quan Thế Âm Bồ tát được xem như nữ thần phù hộ cho quốc gia thịnh trị. Tiên Cơ nương nương, Cô Bóng Hiên là những nữ thần địa phương hóa mà người dân tin thờ với nhiều sự phù hộ an lành cho địa bàn, khu vực sinh sống.

Nữ thần bảo trợ cho vũ trụ không gian: Ngũ Hành nương nương, Tam phủ, Tứ phủ... Đời sống tín ngưỡng dân gian bao gồm niềm tin của con người vào vạn vật, tất thảy đều linh thiêng. Không gian vũ trụ là một khối vĩnh hằng và tất cả đều có thần linh ngự trị. Ngũ hành gồm năm loại vật chất căn bản là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ là nguồn gốc của muôn vật tạo thành trời đất vũ trụ. Tín ngưỡng thờ Tam phủ, Tứ phủ cũng là những đối tượng về tự nhiên gồm: trời, đất, rừng, nước... cũng là môi trường sống của con người.

Nữ thần của vùng rừng núi: Sơn Lâm Bà Bà, Chúa Ngung Man nương, Mẫu Thượng Ngàn... là những vị nữ thần cai quản vùng rừng núi là không gian sống, là nơi che chở cho con người. Đặc biệt, vùng đất Nam bộ thuở mới khai khẩn còn hoang vu, dân cư thưa thớt, toàn rừng núi, lắm cọp nhiều beo “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”. Chính vì vậy mà tín ngưỡng thờ Bà Chúa Sơn Lâm hay Chúa Thượng Ngàn rất được coi trọng và phổ biến.

Việc hội nhập nhiều thần linh trong tín ngưỡng thờ nữ thần thể hiện sự cộng cư, sống chan hòa của các dân tộc ở Đồng Nai. Thần linh dù có nguồn gốc có khác nhau nhưng đều được tiếp nhận, hội tụ và cải biến trở thành thần linh chung của cộng đồng, được nhiều dân tộc cùng nhau thờ phụng, cúng bái. Chức năng của nữ thần khá đa dạng trong tín ngưỡng dân gian, nữ thần đảm nhận nhiều nhiệm vụ trong sinh hoạt tâm linh của cộng đồng xã hội. Từ việc sanh đẻ, nuôi dạy con cái, tới việc lao động sản xuất, chăm lo cái ăn, bảo trợ nghề nghiệp, cai quản rừng núi, đất đai, không gian vũ trụ…

Vừa bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc Việt, vừa tiếp thu những giá trị văn hóa mới tạo nên những đặc trưng tiêu biểu trong tiến trình hội nhập tín ngưỡng thờ nữ thần ở Nam bộ từ hơn ba thế kỷ qua.

 

N.T.N


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​