Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
Nhà văn Nguyễn Quốc Trung - Cõi người còn mãi



Bái viết của nguyễn minh đức

(Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 45) 


Nguyễn Quốc Trung.jpg
Nhà văn Nguyễn Quốc Trung (1956 - 2021)



Chiều ngày 10/9, rất nhanh, một thông báo tin buồn trên dòng trạng thái facebook nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã từ trần vì Covid-19 tại bệnh viện Quân đội 175. Tôi sững sờ, bần thần, lòng trào dâng thương cảm. Dù rằng trước đó chỉ trong vòng chục ngày, bạn bè văn chương đã đưa tin nhà văn Nguyễn Quốc Trung nhập viện vì nghi nhiễm NcoV-2. Mấy ngày sau đó, vài lần bấm điện thoại gọi anh nhưng không được, nhắn tin cũng không thấy anh trả lời. Trong rất nhiều những bình luận đi theo dòng trạng thái bạn bè, ai cũng cầu nguyện cho anh chiến thắng với dịch bệnh để trở về nhà, vì ai cũng nghĩ anh là một chiến binh mạnh mẽ, chính xác là một chiến binh thầm lặng giữa ồn ào đô hội Sài Gòn. Vậy mà…

Tôi may mắn được gặp nhà văn Nguyễn Quốc Trung lần đầu vào năm 1994. Khi ấy, anh là một nhà văn mới đang công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội (cơ quan thường trú phía Nam). Khi ấy, tôi còn trẻ măng, trung úy mới tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chính trị - Quân sự (nay là Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng), về trường Sĩ quan Lục quân 2 nhận công tác, được cử tới dự hội nghị tập huấn báo cáo viên do cơ quan Tổng cục Chính trị tổ chức. Lần đầu được tham dự một hội nghị lớn cấp tổng cục, trong hội trường ngơ ngác không người quen. May mắn được Ban tổ chức sắp xếp ngồi phía sau, cùng dãy bàn với anh Trung. Trong cái nhìn làm quen đầu tiên, thấy anh hiền lành, dáng người cao gầy, da ngăm đen kiểu như nước da sốt rét, mắt trũng sâu và nhìn vẻ mặt khắc khổ. Tôi ngồi cạnh anh và lân la làm quen. Anh hỏi quê Đức ở đâu? Tôi giới thiệu em ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Anh cười nhẹ và nói mình cũng quê Hương Sơn. Vậy là em được gặp đồng hương. Anh im lặng và chăm chú nghe nói, ghi chép. Nghĩ anh kiệm lời nên tôi cũng không dám hỏi nhiều. Chỉ đến khi giải lao, tôi theo lên phòng anh làm việc uống nước. Lúc ấy chưa đọc gì nhiều của anh và lần đầu tiên gặp gỡ nên có phần xã giao.

Sau mấy ngày tập huấn, tôi trở về đơn vị. Anh em kết giao từ đó. Dù hiếm khi có cơ hội gặp nhau, và phương tiện truyền thông lúc ấy chưa phong phú như bây giờ. Tuy nhiên, mỗi lần gặp gỡ, anh lại trao đổi niềm đam mê văn chương, đọc và viết. Tôi cũng dám “khoe” rằng em cũng đang tập tẹ viết báo và có bài báo nhỏ được đăng trên tờ Quân đội Nhân dân. Anh mừng nói: “Thế à! Thế à!” Vẻ mừng rỡ. “Cứ mạnh dạn viết ra. Viết ra trước hết cho mình đọc. Khoan vội hy vọng người đọc mình”. Những ý tứ đầu tiên của anh đã khích lệ tôi rất nhiều trong công tác sau này.

Nguyễn Quốc Trung sinh năm 1956, quê làng Sơn Ninh, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Năm 1974, tuổi chớm 18, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh lên đường gia nhập quân ngũ vào Nam chống Mỹ - ngụy thuộc biên chế Sư đoàn 341 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam. Hòa bình vừa lập lại chưa bao lâu, bờ cõi biên giới Tây Nam xảy đến họa xâm lăng của bè lũ Pôn Pốt Iêngxari giết hại đồng bào gây an nguy cho Tổ quốc ta. Trong đội hình thuộc quân chủ lực Binh đoàn Cửu Long, anh tham gia chiến đấu những trận đầu tiên khi địch tràn qua biên giới Tây Ninh rồi chiến tranh lại kéo ông sang đất bạn Campuchia đằng đẵng hàng chục năm trời. Vừa chiến đấu, vừa cầm bút. Lúc đầu là những bài báo nhỏ trên Báo Binh đoàn Cửu Long, phản ánh sự tàn bạo của kẻ địch, những đau thương mất mát của nhân dân Campuchia và cuộc sống, chiến đấu vô cùng gian khổ và đầy anh dũng hy sinh của quân ta ngoài mặt trận đang từng ngày đánh tan rã kẻ địch đến sào huyệt cuối cùng của chúng, góp phần giải phóng nhân dân và đất nước Chùa Tháp anh em. Cuộc đời có ngờ đâu lại cho anh một lối rẽ trở về nước, ra Hà Nội học Trường viết văn Nguyễn Du khóa III. Học xong lại lên đường trở sang Campuchia lần nữa, cứ thế duyên nghiệp chiến đấu và cầm bút quyện vào anh trong vai người lính phóng viên của tờ báo Binh đoàn Cửu Long (Quân đoàn 4), những trang văn cũng dần lớn lên, lớn lên từ thực tiễn chiến trường tàn khốc Campuchia.

Đại tá - nhà văn Nguyễn Quốc Trung là con người thầm lặng, kín tiếng, yêu văn chương đến kiệt cùng, nhưng không bí mật, bí hiểm, bí số như một số người nghĩ thế. Những năm tháng còn công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, hiếm khi thấy anh về nhà, căn hộ nhà riêng cũng chỉ là chỗ đi về. Một mình lủi thủi đọc và viết, lúc nào cũng thấy anh say sưa với cuốn sách cầm trên tay. Đến lúc nghỉ hưu anh vẫn không nghỉ việc, vẫn lúi húi đọc và viết, vẫn lặng lẽ đi về giữa ồn ào náo nhiệt Sài Gòn. Nếu có ai đó cần tiếp chuyện, cuốn sách sẽ vo tròn lại và nói vài câu lại tiếp tục quay sang thả hồn vào văn chương, trang viết. Hầu như không ai thấy anh sa đà vào các cuộc trà dư tửu hậu, các cuộc chơi bù khú bạn bè. Dường như tạng người khắc khổ như anh không phù hợp cho những cuộc chơi, đàn đúm hội hè.

Hầu hết những người công tác cùng cơ quan với anh, đều có chung nhận xét rằng chưa ai hiểu được anh một cách tường tận. Bề ngoài là con người nhiệt tình, sôi nổi, chỉn chu với đồng đội, đặc biệt quan tâm đến anh em, với cấp trên và cấp dưới, nhưng ẩn chứa sâu bên trong anh dường như là một con người khác, con người bí mật, con người bí ẩn, con người lặng lẽ cô đơn đến kiệt cùng. Hầu như không ai biết rõ về hoàn cảnh gia đình, vợ con. Một vài người được cho là cùng trang lứa với anh như nhà văn Sương Nguyệt Minh, Phạm Sỹ Sáu, Bùi Thanh Minh, Lê Minh Quốc, Đoàn Tuấn, Nguyễn Thành Nhân... Cũng là lính chiến ở Campuchia về, nhà văn Sương Nguyệt Minh còn cùng công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội phải thừa nhận trong bài viết tiễn đưa bạn “Thương lắm Trung ơi!”, bài viết kể nhiều chi tiết nhưng vẫn không thể nào biết tường tận về gia cảnh, vợ con; hay như bài viết của nhà văn Nguyễn Minh Ngọc, công tác cùng nhau một cơ quan Tổng cục Chính trị đại diện phía Nam, lại là đồng hương rất gần gũi, nhưng cũng thừa nhận “Anh chẳng hiểu gì tôi cả!”.

 “Anh chẳng hiểu gì tôi cả” dường như là câu nói cửa miệng của Nguyễn Quốc Trung trong cuộc sống đời thường. Anh hầu như tất cả dồn vào trang viết, những trang viết thấm đẫm hồn người, cõi người, những thân phận người trong chiến tranh tàn khốc, trong cuộc sống chiến đấu, huấn luyện, lao động sản xuất. Trưởng thành trong môi trường quân ngũ, đi qua cuộc chiến khốc liệt cứu rỗi một dân tộc hồi sinh, những mất mát hi sinh bi tráng của đồng đội, của nhân dân là vô cùng lớn lao, những trang văn của Nguyễn Quốc Trung thấm đẫm tình người từ trong cuộc sống hiện thực đó. Từ một người viết những bài báo nhỏ mà trưởng thành người làm báo chuyên nghiệp, nên tính phát hiện trong văn chương của Nguyễn Quốc Trung rất nhanh nhạy và có tầm khái quát sâu. Sáng ra vừa đọc mẩu tin trên báo về một cô gái do phẫn uất, chán sống nên định nhảy cầu Rạch Miễu tự tử, anh hình dung và khái quát, xây dựng cốt truyện để viết nên truyện ngắn “Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu” làm tựa cho cả một tập truyện ngắn. Anh đã viết rất sâu về chiến tranh, nhất là với cuộc chiến biên giới Tây Nam và những ngày tàn khốc, quyết liệt ở đất nước Chùa Tháp Campuchia. Quê Hương Sơn (Hà Tĩnh) nhưng hồn văn đã trói cột anh với những năm tháng chiến chinh nhọc nhằn với cuộc chiến ở biên giới và đất nước Campuchia.

Đúng, Đại tá - nhà văn Nguyễn Quốc Trung thầm lặng như một chiến binh nhưng không hề vô danh. Bạn bè anh có khắp nơi và ai cũng quý, cũng thương cho một tài năng văn chương trong thầm lặng. Thế nhưng, đúng nghĩa là anh nổi tiếng ở hệ thống tác phẩm đồ sộ của mình gồm tiểu thuyết, truyện ký và truyện ngắn. Trong hơn bốn chục năm cầm bút, anh đã cho ra đời những đứa con tinh thần mang đầy đặn hơi thở cuộc sống, chiến đấu có thể kể như: “Biên giới” (1982), “Bên kia rừng thốt nốt” (1984); “Thời chúng mình yêu nhau” (1989); “Người trong cõi người”, “Người đàn bà khóc mướn”(1990); “Đứa con người lái đò”, “Cú điện thoại lúc nửa đêm” (1992); “Đất không đổi màu”, “Người đàn bà hồn nhiên” (1996); “Tháng Chạp của đời người”, “Đêm trừ tịch” (1998); “Người đến từ nước Mỹ”, “Trong tiết thanh minh”, “Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu”; “Thành phố độc thân”. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng anh kịp trình làng là “Dòng sông bên chùa” (2019). Cho đến khi anh ra đi vẫn chưa khép lại nhiều bản thảo khác. Có lẽ anh em, người thân sẽ tập hợp, làm nốt phần di cảo văn chương của anh. Anh đã được trao nhiều giải thưởng văn chương danh giá như Giải thưởng Văn học sông Mê Kông ở hai tiểu thuyết “Người đàn bà khóc mướn” và “Đất không đổi màu” viết về cuộc chiến tàn khốc, đau thương, mất mát, máu quyện nước mắt đời người trên đất Campuchia. Anh cũng giành được Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng viết về người lính và chiến tranh cách mạng cùng nhiều giải thưởng danh giá khác.

Cuộc đời Đại tá - nhà văn Nguyễn Quốc Trung dường như chỉ có viết và đọc, đọc viết, suy tư để viết và đọc tốt hơn là những phẩm chất nổi trội. Ông chưa và không bao giờ màng đến địa vị chức tước mặc dù có điều kiện, có quan hệ và khả năng để ngồi ở ghế lãnh đạo chỉ huy. Sống chan hòa thanh đạm trong cõi văn cõi người. Tuy vậy, chính anh cũng đã cùng những đồng đội công tác tại cơ quan đại diện phía Nam dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội Hà Nội, kết nối với hầu như tất cả các tỉnh thành khu vực phía Nam về lĩnh vực văn học nghệ thuật, tổ chức rất thành công nhiều trại viết, để lại dấu ấn sâu sắc cho đội ngũ cộng tác viên là các nhà văn, nhà thơ trong khu vực và lãnh đạo các cơ quan đơn vị cấp ủy chính quyền địa phương. Trong đó, phải kể đến vai trò của nhà văn Ngô Vĩnh Bình và anh trong việc kết nối trại viết tại Đồng Nai năm 2014. Cũng nhân chuyến này, lần đầu anh đến nhà tôi chơi trong căn nhà chật chội, anh hỏi thăm tình hình gia cảnh, quan tâm sâu sắc đến sức khỏe mọi người và anh hết sức động viên, kết nối, tạo điều kiện để tôi có thể đến tham gia công tác ở Văn nghệ Quân đội, là nguồn kế tiếp các anh khi đến tuổi nghỉ hưu. Anh nói: “Anh đã đọc một số bài viết của em! Văn em được đấy! Thơ em cũng rất sâu sắc. Cần phải viết nhiều hơn em nhé. Đừng nản lòng. Chỉ có người phụ lòng người chứ văn không bao giờ phụ lòng người cả! Cứ mạnh dạn về trên anh kèm cặp thêm”. Tôi hiểu là anh động viên nhưng tôi cũng hết sức cố gắng. Vậy mà cơ duyên tôi không được công tác cùng anh nhưng luôn gần gũi và chia sẻ. Cứ viết được truyện ngắn nào, bài thơ nào tôi đều gửi anh thẩm bình. Anh cứ khen “được đấy”, hoặc bỏ chi tiết nọ thêm chi tiết kia… Khi gặp nhau, ngồi nói chuyện, đến bữa lại rủ nhau chui vô quán quen sâu tun hút trong ngõ phố ăn uống, bánh cuốn với rau rừng. Đất nước hòa bình, họa diệt chủng cũng lùi vào quá khứ. Thế mà dường như trong anh vẫn luôn có cảm giác bất an trong dáng đi, cách ngồi, nằm đầy lo lắng và suy nghĩ. Lúc nào cũng như đang trong trạng thái sẵn sàng di chuyển nhanh thật nhanh trước một trận phục kích của kẻ địch, lúc nào cũng như thiếu rau, đói cơm, khát nước trong triền miên những cảm giác ở rừng.

Ký ức bi tráng, hào hùng và tàn khốc của cuộc chiến đã thấm vào máu, vào huyết mạch của anh được thể hiện trên các trang văn thấm đẫm trong cõi người cần lao mà đẹp đẽ, cao thượng mà nhân văn. Khám sàng lọc để chuẩn bị tiêm mũi hai, bác sĩ phát hiện anh dương tính với Covid - 19. Anh nhập viện điều trị ở bệnh viện Quân y 175 với chế độ khám điều trị cán bộ cao cấp. Chỉ đúng chục ngày sau, từ ngày 31/8 đến 10/9, Covid - 19 quái ác đã buộc hơi thở sự sống và trái tim anh ngừng đập. Giờ đây, Nguyễn Quốc Trung đã thành mây trắng, thanh thản bay đi đâu đó trên bầu trời bôn ba, trở lại chiến trường xưa nơi những dấu chân đi qua ở mặt trận biên giới Tây Nam, trên đất nước Chùa Tháp Campuchia, cũng có thể trên bầu trời quê hương nghĩa nặng tình thâm đời mình. Dù nơi nào thì văn chương của anh đã neo lại lòng người trong cõi người sâu thẳm. Nén tâm nhang gửi đến anh trong những ngày giãn cách, cầu mong anh siêu linh tịnh độ, thanh thản nhẹ nhàng.

N.M.Đ


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​