Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
CUỘC ĐỜI SAY MÊ SÁNG TẠO CỦA HỌA SĨ TRẦN QUỐC TIẾN



Bài viết của MAI SƠN

(Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai) 



Họa sĩ, nhà thơ Trần Quốc Tiến (bút danh Tấn Hoài), hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội VHNT Đồng Nai vừa qua đời ở tuổi 94. Ông để lại cho gia đình và bạn bè, đồng nghiệp niềm tiếc thương và rất nhiều kỷ niệm đẹp về một cuộc đời say mê lao động, sáng tạo.

Trần Quốc Tiến sinh ngày 23/9/1928 tại làng An Lưu, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình có truyền thống Nho học. Cha ông từng làm quan tại Thái y viện triều Nguyễn, đã từng mong ông nối nghiệp làm thuốc; mẹ ông là người đã truyền dạy truyện Kiều và những khúc dân ca cho ông - đứa con út của gia đình. Năm 1946, đang học trường Quốc học Huế, chàng trai Trần Quốc Tiến bắt gặp trên đường cảnh hai cô gái Tây đi xe đạp đập tay vào chiếc nón rách của cụ già người Việt và cười ré lên… Không chịu được nỗi nhục mất nước, ông đã thoát ly gia đình lên rừng tham gia kháng chiến. Gia nhập Vệ quốc đoàn tại chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị), ông tham gia đội tuyên truyền chuyên viết, vẽ phục vụ quân ta đánh Pháp. Và những gì một người lính đã trải qua: hành quân hàng chục cây số một ngày, sốt rét rừng, đói khát và hiểm nguy… đã giúp ông trưởng thành. Trong ký ức bạn bè và con cái, họa sĩ Trần Quốc Tiến là người yêu Tổ quốc, yêu lý tưởng đến giây phút cuối cùng, ông cũng không bao giờ bi quan, buồn bã mà luôn tận dụng thời gian để học, đọc sách, làm việc một cách kỷ luật, gương mẫu. Ông đã truyền lại tình yêu, lý tưởng ấy cho con cháu, học trò và những người bạn vong niên của mình.


HS Trần Quốc Tiến thăm lại chiến khu Ba Lòng.JPG
​Họa sĩ Trần Quốc Tiến thăm lại chiến khu Ba Lòng


Năm 1954, họa sĩ Trần Quốc Tiến (khi ấy đã có gia đình) ra Bắc học tập, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, ông tự hào mình là lớp đàn em của những họa sĩ Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn… Từ năm 1960, ông được phân công nhiều nhiệm vụ phục vụ cho kháng chiến, bắt đầu công việc của một cán bộ của Sở Văn hóa Bắc Cạn, vừa làm công tác tuyên truyền vừa tham gia đào tạo mỹ thuật cho cán bộ địa phương. Năm 1965, ông về Sở Văn hóa Việt Bắc, rồi đi công tác ở Hà Giang, Tuyên Quang… tích cực viết, vẽ tham gia công tác tuyên truyền, ủng hộ cho miền Nam đánh Mỹ. Năm 1972, ông đi B, vào Nam chiến đấu và công tác cho đến năm 1977. Ông là một trong số ít nghệ sĩ đã đi qua nhiều vùng đất thời chiến tranh, đã sống và chiến đấu ở nhiều chiến khu, nhưng không hề bắn một viên đạn nào, mà chỉ ra trận bằng ngọn bút và  màu vẽ. Ông viết và vẽ, tất cả vốn sống đều tập trung cho công việc sáng tác và giảng dạy mỹ thuật. Thơ và truyện của ông (bút danh Tấn Hoài) viết nhiều về người lính và người dân tộc thiểu số, nhưng luôn mang đậm sự chân thật, yêu đời và không kém phần lãng mạn. Đặc biệt ông có khả năng trực họa rất tốt nên thường sáng tác tại chỗ, ông vẽ rất nhiều về người lính và phong cảnh. “Nghề” ký họa đã đi theo ông suốt một cuộc đời, Trần Quốc Tiến thường vẽ chân dung và tặng lại ngay cho người được ông vẽ. Nhiều bức ký họa của ông đã được người nhận giữ gìn, trân quý nhiều năm qua. Ông trân trọng sức lao động và sáng tạo của mọi người, ngay cả đó là học trò mình.

Sau năm 1977, Trần Quốc Tiến và gia đình sống và làm việc ở Huế. Cho đến năm 1997, ông vào Đồng Nai sinh sống và tham gia sinh hoạt Hội VHNT Đồng Nai từ năm 1999. Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng ông rất tích cực sáng tác và cho thấy tuổi tác không bao giờ là yếu tố cản trở niềm say mê sáng tạo của ông. Ông viết truyện ngắn Viên gạch lạ và xuất bản tập truyện ngắn cùng tên. Ông làm thơ và ra mắt tập thơ Lặng lẽ thời gian; sau đó ông còn xuất bản hai tập sách Hơ Lia - cọp núi và Hoa quý lan (đều là những câu chuyện về thời đánh Pháp tận núi rừng Việt Bắc). Nhà thơ Lê Thanh Xuân – nguyên Trưởng ban Văn học đã từng thốt lên: “Thơ của cụ Tấn Hoài chan chứa mà lắng đọng về mặt tình cảm, đẹp đẽ và sang  trọng về mặt ngôn từ”… Bên cạnh đó, Trần Quốc Tiến vẫn miệt mài vẽ tranh, và tham gia tất cả các cuộc triển lãm Mỹ thuật của tỉnh Đồng Nai và khu vực miền Đông Nam bộ. Thế mạnh của ông là vẽ sơn dầu, và những năm tháng tham gia Hội VHNT Đồng Nai, ông đã vẽ rất nhiều, từ chân dung, tĩnh vật, cho đến phong cảnh thiên nhiên và ký ức chiến tranh. Những chuyến đi sáng tác có ông đều rộn ràng niềm vui bởi những câu chuyện dí dỏm ông kể, những bức ký họa ông vẽ tặng cho mọi người, những bài thơ ông đọc bằng giọng Quảng nằng nặng và cả ánh mắt tươi vui, yêu đời của ông.

Bước qua tuổi 90, họa sĩ, nhà thơ Trần Quốc Tiến vẫn gắn bó với Hội VHNT Đồng Nai bằng cả tấm lòng, mặc dù ông không sáng tác nhiều như trước. Dịch bệnh Covid-19 đã khiến văn nghệ sĩ không thường xuyên được gặp gỡ, trao đổi sáng tác cùng nhau, song theo chia sẻ của gia đình Trần Quốc Tiến, ông vẫn mong có ngày đến Hội VHNT thăm bạn bè, đồng nghiệp. Tuy nhiên, điều ông mong muốn đã không thể thực hiện được, bởi tuổi cao sức yếu, người họa sĩ – nhà thơ tài hoa ấy đã ra đi vào ngày 25/9/2021. Tuy lễ tang của ông diễn ra đơn giản trong gia đình vì tình hình dịch bệnh chung, song ký ức về ông và những tác phẩm của ông đang được nhắc đến với sự thương yêu, trân trọng. Chị Trần Thùy Dương – phóng viên Đài PTTH Đồng Nai kể về cha mình: “Bố là một người rất đơn giản, bình dị. Điều ông quan tâm nhất là học hành và làm việc, nhà có nghèo đến mấy nhưng bố mẹ đã lo cho 5 cô con gái ăn học đến nơi đến chốn. Ngoài ra bố chẳng màng đến bất cứ thứ gì…” Chị Trần Kiều Vân gửi lời đưa tiễn cha: “Bố mất rồi nhưng dòng máu của bố, cơm áo và những điều bố dạy thì vẫn còn trong tôi và truyền mãi. Tôi chợt thấm thía rằng con người cần nhớ nguồn cội, cần có sức mạnh và lòng tự hào về nguồn cội ấy để sống hạnh phúc và tốt đẹp”. Họa sĩ, nhà văn Đỗ Đức cũng chia sẻ những kỷ niệm về người thầy của mình, và gọi ông là một người “khẳng khái hiếm có”.

Cũng bởi phong cách sống bình dị, phóng khoáng của mình mà đến cuối đời, họa sĩ, nhà thơ Trần Quốc Tiến không có tài sản gì đáng giá. Cả những danh hiệu, giải thưởng của ông cũng không còn giữ lại trọn vẹn. Nhưng bạn bè, văn nghệ sĩ Đồng Nai vẫn nhớ tới ông với giải Nhất truyện ngắn Tạp chí Cửa Việt năm 2005, giải C giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức lần thứ III, Huân chương kháng chiến hạng Nhì, Huân chương chiến thắng hạng Ba… Ông là tấm gương cho đời sống người văn nghệ sĩ hết lòng vì đất nước, vì nghệ thuật; và luôn mang đến niềm vui lao động sáng tạo gia đình, con cháu và học trò của mình…


MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA HỌA SĨ TRẦN QUỐC TIẾN

IMG_1851.jpg

IMG_1852.jpg

IMG_1853.jpg

IMG_1854.jpg

IMG_1858.jpg




Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​