Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
MIỀN SỎI ĐÁ


Truyện ngắn của Nguyễn Thị Tuyết Nhung

(Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 45)


Hạ men theo con đường mòn dẫn ra suối. Con suối trong vắt, nước chỉ ngang mắt cá chân, có thể lội qua dễ dàng. Nhưng bầu trời mù mịt, mây đen từ  đỉnh núi kéo về bủa vây lấy các bản làng, người đi như chạm vào mây. Đài đã dự báo những ngày giông bão cận kề. Hạ rất sợ những cơn mưa sơn cước vì nó quá dữ dội. Rồi sau giông tố, mọi thứ như hoang sơ hơn. Những con đường lầy lội, trơn trượt đến đi bộ còn khó vì ủng cứ lún sâu vào bùn. Cây cối đổ rạp chắn hết cả đường đi, nhưng vẫn phải đi, vì trong bản nhiều bà con bị mắc kẹt với dịch bệnh, đói khát. Ven suối, những hòn cuội chỏng chơ, xám xịt, cô đơn. Hạ vào bản, sau lưng cô là một ba lô đầy những lỉnh kỉnh thuốc men, bông băng. Trong bản có người ốm, cần bác sĩ đến. Y tế thôn bản là vậy, chẳng lúc nào rảnh việc. Những phút giây được lội qua dòng suối yên bình, thả trôi suy nghĩ một lúc như thế này đã là nghỉ ngơi rồi. 

Hạ nghĩ rằng, tâm tư của mình cũng như dòng suối, yên bình một chút trước những giông bão sắp xảy đến. Giá như có Thuận ở đây, hẳn là, Hạ sẽ nhặt sỏi, đặt vào lòng tay Thuận và nói rằng: Chúng mình là hai viên sỏi, dù có trôi ra sông, ra biển cũng sẽ ở cạnh nhau, vĩnh viễn không xa rời. Hạ đến nơi này để tìm Thuận, vậy mà, giờ đây khi đứng trước cơ hội để bày tỏ nỗi nhớ nhung, cô lại ngại ngần. Nếu như Thuận không phải là người yêu của Thùy và Sơn đừng gây áp lực cho Hạ nhiều như thế, thì mọi chuyện đã khác. “Hạ, còn nhớ chuyện cũ không? Thuận biết là khó cho cả hai, nhưng chúng mình cần gặp lại nhau, bất kể lúc nào Hạ sắp xếp được, hãy liên hệ lại với Thuận nhé” - Dòng tin nhắn của Thuận cứ đeo bám mãi tâm trí Hạ, gợi lại những chuyện xưa cũ, những chuyện đã là động lực để cô không ngại gian khó mà ở lại đây.

Ngày đó, Hạ là một con bé đen thủi, ngày ngày theo cha vác cuốc ra đồng. Bên cạnh nhà cô là nhà Thuận, cậu chàng bằng tuổi, cũng đen nhẻm. Quê của hai đứa là một vùng đất cằn cỗi, cuốc lên toàn sỏi đá. Cuộc sống của người dân gắn liền với sỏi đá, bọn trẻ con dùng sỏi đá chơi đủ thứ trò, con gái chơi ô ăn quan, đánh sấp ngửa, con trai lấy sỏi đá thay bi. Những ngày mưa xuống, nước rửa trôi, đường trơ sỏi đá, chân đau nhói, Thuận thường lấy mo cau cho Hạ làm dép, nhiều lúc, hai đứa vịn vào nhau mà đi qua đường. Lớn lên một chút, ở độ tuổi biết mơ mộng, Hạ thích sưu tập những viên sỏi nhiều màu. Đi đâu, thấy những viên sỏi đẹp, Hạ đều nhặt mang về nhà bỏ vào chiếc hũ thủy tinh trên bàn học để ngắm nghía. Cậu chàng hàng xóm cũng thường xuyên mang sỏi tặng bạn.  Hạ ước mơ làm bác sĩ nên học hành chăm chỉ. Thuận cũng vậy nhưng Thuận chỉ thích làm giáo viên, vì Thuận thấy vùng sỏi đá nhiều trẻ bị mù chữ, Thuận muốn dạy chữ cho chúng.

Đến lúc Hạ học xong cấp 2 thì bố mẹ Hạ quyết định chuyển ra phố để tiện cho việc học của Hạ, vì nhà có mỗi cô con gái lại học giỏi. Lúc Hạ sắp chuyển nhà thì bỗng một hôm, Thuận rủ Hạ ra bờ sông, với vẻ mặt nghiêm trang khác mọi lần. Thuận nhặt viên sỏi ném xuống mặt nước, viên sỏi chìm nghỉm, rồi nhìn sâu vào mắt Hạ mà hỏi:

- Hạ có coi Thuận như là viên sỏi, chỉ làm xao động một lúc rồi chìm vào lòng sông như này không?

Hạ bối rối vô cùng, cô nhặt lên hai viên sỏi, đặt vào tay Thuận:

- Chúng mình sẽ là hai viên sỏi, ở cạnh nhau, có trôi ra sông, ra biển cũng sẽ đi cùng nhau, nhé.

Hai người cùng im lặng, rồi Hạ tiếp:

-  Hạ ra phố không có sỏi đá nữa, Thuận nhặt hộ Hạ những viên đẹp nhất, bỏ vào hộp, lúc nào Hạ về Hạ sẽ lấy.

Thuận đáp:

- Ừ, Thuận muốn giữ Hạ lại, nhưng không thể rồi, Thuận sẽ giữ những viên sỏi giùm Hạ, Hạ nhớ quay về nhé.

Hạ không nói gì, bất chợt, cô thấy Thuận nắm lấy tay mình, giữ chắc trong lòng tay, như không muốn rời xa.


Miền sỏi đá - Tuấn Anh.jpg
​Tranh minh họa Hứa Tuấn Anh


Hạ đỗ vào trường Y, bố mẹ dành cho cô một phần thưởng như mong muốn, Hạ liền xin bố mẹ cho phép mình về quê, vì cô muốn gặp lại Thuận. Nhưng khi Hạ về thì chỉ nghe tin gia đình Thuận cũng đã chuyển đi. Mọi khung cảnh đều thay đổi, những chỗ ngày xưa là sỏi đá đã mọc lên nhà ngói khang trang. Đường sá đổ bê tông. 18 tuổi, lần đầu tiên Hạ thấy trong tim có chút gì đó rạn vỡ, như những vết hằn trên dòng sông lạc mất sỏi đá. Hạ tự nhủ, học xong đại học, nhất định Hạ sẽ đến nơi nào có Thuận. 

Ý nghĩ đó của Hạ, giờ là lúc thực hiện. Trong một lần xem tivi, Hạ đã thấy Thuận nơi này. Hạ tin rằng Thuận vẫn ở đó, nên mặc cho gia đình ngăn cản, mặc cho Sơn ra sức níu kéo, Hạ dứt khoát ra đi khi vừa nhận xong tấm bằng đại học. Cô tình nguyện lên vùng cao làm bác sĩ cắm bản. Lúc đầu, Hạ chỉ nghĩ là mình lên để tìm Thuận. Có thể sau bao năm, Thuận đã quên chuyện cũ thì Hạ vẫn muốn gặp lại Thuận để không là người bội ước. Nhưng ở nơi thâm sơn cùng cốc này, cô mới thấy tình yêu thương thật nhiều, thấy một cuộc sống trong vắt, không vụ lợi, như dòng suối yên bình. Công việc bận rộn của một bác sĩ cắm bản cứ cuốn cô đi, đến nỗi nhiều lúc cô chẳng có thời gian để tâm đến dự định ban đầu.

Trạm Y tế nằm cạnh con đường dốc quanh co dẫn vào các bản làng, sau lưng là núi. Căn nhà cấp 4 với 3 phòng khá tươm tất này mới được xây dựng chưa đầy năm. Trước khi Hạ đến, trạm còn phải dùng tạm căn nhà nhỏ lợp fibro xi măng, xuống cấp của một dự án đã rời đi từ lâu, trang thiết bị hầu như chưa có gì. Người dân lúc ốm đau thường gọi thầy mo, thầy cúng mà ít khi đi khám. Dạo mới đến, ngày nào Hạ cũng lặn lội đến từng bản làng xung quanh, vừa khám chữa bệnh, vừa vận động người dân. Những ngày đầu, đôi chân chưa quen với gai góc, sỏi đá cứ phồng rộp lên, nhức mỏi suốt đêm. Nhưng Hạ vẫn muốn đi vì có nhiều người đang cần cô. Hơn nữa, Hạ biết Thuận đang rất gần, dân bản nhiều người quen anh, họ còn nhắc đến anh “cán bộ nhà báo” với tấm lòng quý mến. Bởi vì, không chỉ đưa tin, viết bài anh còn vận động giúp đỡ bà con từ bữa cơm, tấm áo, đến sửa sang lại nhà cửa, vốn làm ăn, lũ trẻ có cái thư viện để đọc sách.

Giờ đây, bà con đã chủ động đến trạm. Công việc ở trạm bận hơn, Nhưng Hạ vẫn sắp xếp thời gian để đến khám chữa bệnh tại chỗ cho bà con. Những chuyến đi, không chỉ mang lại cho cô nhiều niềm vui mà còn cả hy vọng về một cuộc gặp gỡ. Làm việc với Hạ có cả Thùy - cô y tá trẻ mới về nhận công tác, cùng ở nội trú và chị Hạnh, một y sĩ lâu năm vì gắn bó với vùng này mà nên duyên với một anh cán bộ xã, nhà của hai người ở ngay gần trạm.

Ở cái xử sở này thời tiết cũng lạ, nắng chẳng đủ làm tan mây mù. Đêm đến, màn sương giăng khắp chốn, lạnh thấu da, nên nhà nào cũng có bếp lửa quanh năm. Cũng một buổi tối sơn cước lạnh giá, Thùy dẫn về một người con trai và giới thiệu người yêu. Nhưng Hạ chưa kịp vui cùng niềm vui cùa cô bé ý tá cắm bản thì đã bối rối vô cùng vì bất chợt gặp lại người quen. Người đó không ai khác là Thuận. Thuận bắt tay Hạ, anh cố tình giữ lâu một chút, nhìn sâu vào mắt Hạ làm cô vội buông tay anh và quay đi chỗ khác. Thuận nói với Thùy:

- Chị Hạ là bạn cũ của anh.

Thùy vui mừng:

- Ôi, thế thì vui quá, em khỏi phải giới thiệu nhiều rồi, anh chị quen biết nhau lúc nào vậy?

- Chị ấy là bạn anh thời niên thiếu, học hết cấp 2 chị ấy chuyển nhà, từ đó bọn anh không gặp lại, phải không Hạ? 

Giọng điệu bông đùa của Thuận càng làm Hạ bối rối, không muốn để lộ cảm xúc của mình, Hạ vội đổi câu chuyện sang vài câu xã giao rồi chào hai người để qua nhà chị Hạnh. Khuya hôm ấy, Thùy  ngồi đọc một cuốn tiểu thuyết tình cảm. Hạ nằm trên giường trùm chăn kín đầu nhưng không thể ngủ được. Bỗng Thùy quay ra hỏi:

- Chị Hạ, chị có tin vào duyên số không?

Hạ thò đầu ra mỉm cười: 

- Không, chị chỉ tin vào sự lựa chọn.

Thùy thở dài:

- Em chỉ sợ anh ấy không chọn em chị ạ, anh có vẻ như đang chờ đợi ai đó chứ không phải em, nhưng em nghĩ nếu người ta thương anh thì đã đến với anh rồi chứ. 

Hạ lặng im, Thùy nói tiếp:

- Mà chị cũng tính chuyện với anh Sơn đi, gái 30 rồi. Chị tin vào sự lựa chọn, mà em thấy anh Sơn không có lý do gì để không lựa chọn.

Hạ thở dài:

- Có nhiều lý do, sau này em trưởng thành lên, em sẽ hiểu.

Sơn là bác sĩ sống thực tế. Sơn giỏi và mục tiêu phấn đấu trong sự nghiệp của anh là kiếm tiền. Lúc còn là sinh viên, anh đã chạy như con thoi đi làm thêm ở các phòng khám tư. Ra trường, anh đủ sức mở một phòng khám cho giới nhà giàu. Anh còn mong mở một bệnh viện chữa bệnh cho tầng lớp hạng sang. Sơn không hiểu Hạ lãng phí thời gian lên cái chốn heo hút này làm gì, khi Hạ cũng là một bác sĩ giỏi. Nếu điều gì có thể làm Sơn rời xa việc kiếm tiền thì đó là Hạ, đều đặn cuối tuần Sơn lên, giai điệu lặp đi lặp lại vẫn là thuyết phục cô bỏ chốn này mà về. Sơn vẫn tin vào câu: “mưa dầm thấm đất”. Anh lại có phần mừng vì thời tiết càng ngày càng khắc nghiệt, những trận mưa lũ dai dẳng sẽ làm cho Hạ sợ hãi và nhanh nản chí hơn.

Đối với Sơn, Hạ chỉ coi trọng anh như một đồng nghiệp giỏi trong ngành mà không có sự rung động. Tính thực tế của Sơn quá lớn, khiến anh không hiểu và đồng cảm được tâm hồn, suy nghĩ của Hạ. Nhưng Hạ nợ Sơn ân tình. Anh giúp cô nhiều về chuyên môn. Nếu không có sự chỉ bảo của Sơn, thì không có bác sĩ Hạ như hôm nay. Sơn luôn coi mình là người lớn, đàn anh trong chuyên môn và cuộc sống. Anh luôn dùng câu từ để dạy bảo, hoặc dỗ dành Hạ như: “Em tội gì phải hành xác mình ở đây, em lo giữ sức khỏe để còn làm vợ, sinh con cho anh là được rồi. Em cần anh làm gì, chiều em thế nào anh cũng nhận hết”. Những câu như này, Hạ nghe quá quen nên không có chút cảm xúc nào.

Hạ miên man với dòng suy nghĩ, đến lúc Thùy tắt điện đi ngủ, Thùy nhắc:

- Chị Hạ ngủ đi, ngày mai, dự báo sẽ có giông, chị em mình còn nhiều việc để làm đấy.

Thùy luôn luôn quan tâm Hạ, cô bé y tá trẻ này luôn coi Hạ vừa là chị gái vừa là người thầy thân thiết.

Đúng như lời Thùy nói, hôm sau, trời nổi giông. Lũ đại ngàn kéo về ngập các thôn bản. Thuận không thể chờ đợi một cuộc gặp mặt khi cơn lũ đang kéo đến, tin nhắn sau cùng anh nhắn vào máy Hạ: “Thuận bận công việc nên không kịp gặp Hạ rồi, hẹn Hạ một ngày khi bão tan nhé”. Đọc tin nhắn của Thuận, lòng Hạ cũng như có giông bão. Cô muốn đi theo Thuận và đoàn cứu hộ, nhưng nhiệm vụ của một bác sĩ trực cấp cứu làm sao có thể bỏ. Chị Hạnh và Thùy cũng đã lên đường từ sáng sớm. Một mình Hạ đối diện với cảm giác lo lắng và sợ hãi. Phía sau trạm, đất đá đang theo dòng nước lao xuống núi rào rào như thác. Những cái cây run lên bần bật trước gió. Chỗ nào cũng là suối như muốn cuốn phăng tất cả. Trong mưa gió, một chiếc xe ô tô 4 chỗ đỗ xịch ven đường. Một bác sĩ băng mưa gió lên bản. Đó là Sơn, anh lên đón Hạ. Gặp Hạ, anh bảo như ra lệnh: 

- Trên này rất nguy hiểm, em cần phải về gấp, anh thừa sức để lo cho em một công việc tử tế gấp vạn lần.

- Không, em không về đâu – Hạ hét lên, vẻ điềm tĩnh thường ngày của một bác sĩ bỗng chốc thay đổi, dường như có giông bão trong ánh mắt cô - Nếu anh thương em, xin anh hãy ở lại đây thay em phiên trực này, để em đi giúp những người khác. 

Lần đầu tiên, Sơn cảm thấy mình yếu đuối trước Hạ. Anh buông thõng hai tay như bất lực, chỉ kịp vớ lấy cái áo mưa ném cho Hạ:

- Thôi em đi đi, anh chiều em vậy, nhưng hãy mặc cái này vào, và đi đâu thì cũng nhớ rằng, anh đang lo lắng cho em.

Hạ băng mưa gió vào bản, đến dòng suối, nước cuồn cuộn, dâng lên đục ngầu, chỗ sâu chỗ nông. Hạ lần bước xuống theo trí nhớ về những chỗ an toàn. Bỗng cô trượt chân, chới với. Trong thảm nước mênh mông, dường như có ai đó kéo Hạ lên, rồi đưa đi đâu đấy. Hạ kịp nhận ra gương mặt Thuận trước khi chìm vào cơn mê. Lúc cô tỉnh lại thì thấy mình đang nằm trên giường bệnh ở trạm, tiếp đến là giọng Sơn:

- Bác sĩ đã tỉnh lại rồi, bệnh nhân đặc biệt nhất trong đời tôi đấy. Bây giờ tôi sẽ đưa cô ấy về Hà Nội, đừng ai cản tôi.

Và Thuận:

- Anh nên hỏi ý kiến bác sĩ, cô ấy mới là người quyết định.

- Em sẽ ở lại đây - Hạ nhỏ nhẹ nhưng đầy cương quyết - anh Sơn, em cảm ơn anh về tất cả… nhưng đây là lựa chọn của em, anh hiểu chứ?

- Được rồi, vậy anh về một mình, chúc em bình an, và đừng bao giờ hối hận về quyết định của mình – Sơn ra về, không giấu nổi cơn giận.

 Thuận có ý định giữ Sơn lại, nhưng Hạ bảo:

- Cứ kệ anh ấy đi, dù sao anh ấy cũng không ở đây lâu được đâu.

Sơn lái xe đi khuất rồi, Hạ tiếp:

- Hạ xin lỗi Thuận, vì lời hứa năm xưa chưa thực hiện được thì đã xảy ra chuyện này.

Thuận kéo ghế ngồi bên, nhìn vào mắt Hạ, khẽ khàng:

- Vì một lời hứa mà Thuận đã quay lại đón Hạ. Thuận muốn đưa Hạ về nơi an toàn.

- Còn công việc của Thuận thì sao?

Thuận tiếp tục vẻ mặt nghiêm trang như năm nào:

- Thuận sẽ viết câu chuyện của chúng ta, về những viên sỏi đã trôi ra sông, ra biển vẫn trở lại bên nhau, về cô bác sĩ cắm bản và tình cảm thủy chung với một anh nhà báo suốt 15 năm. Thuận sẽ nói để mọi người đều biết, được không?

Chợt bên ngoài có tiếng ồn ào. Hạ nghe đủ từng âm thanh quen thuộc. Mưa ngớt, mọi người đã trở về an toàn. Hạ nhìn vào mắt Thuận, mỉm cười. Tuổi 30, những vết chân chim đã hằn lên khóe mắt, chỉ có nụ cười vẫn vẹn nguyên như những tia nắng rạng rỡ sau giông bão. 

N.T.T.N


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​