Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
Nghĩa tình của dân trong thời phòng chống dịch bệnh


 Bài viết của Phan Đình Dũng

 (Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 45)



Trên thế giới, mỗi cộng đồng, tộc người đều có những ứng xử trong tình yêu thương với nhau theo cách riêng với sự ảnh hưởng của tập quán, phong tục. Cộng đồng Việt Nam khá đa dạng và cũng có những ứng xử yêu thương theo truyền thống văn hóa của mình. Chung trong quốc gia mà sự gắn kết trải qua những thăng trầm của lịch sử, đặc biệt sự chịu đựng những gian khổ đến cả hy sinh qua những lần chống ngoại xâm để bảo vệ hòa bình, người Việt Nam được bồi đắp với một truyền thống "gà cùng một mẹ", "bầu bí chung giàn" để thương lấy nhau. Đó là đạo lý, truyền thống  mà nghĩa tình được gắn kết chung từ suy nghiệm "đồng bào" để tạo nên sức mạnh đoàn kết của dân tộc dù trong cơn "bĩ cực" để hướng đến "thái lai". Và, người Việt Nam luôn giữ được nền nếp ấy, tinh túy đó trong mọi hoàn cảnh của đất nước với sự chung tay, chung sức và đồng lòng.

Đất nước hình chữ S như một bao lam đầu tuyến ôm lấy cả vành bờ biển nối dài, ở phía hạ lưu của những con sông lớn từ nước ngoài đổ ra biển với những lợi thế về tự nhiên nhưng cũng quá nhiều nguy cơ từ bão biển, lũ lụt hằng năm gây ra những hậu quả, tổn thất nặng nề. Sống hàng ngàn năm với môi trường tự nhiên như vậy, người dân Việt Nam đòi hỏi ý chí kiên cường, phải gồng mình chống chọi  trong những hoàn cảnh khác nhau để bảo vệ sự sinh tồn. Những cư dân ở các vùng miền đất nước tùy theo đặc điểm của mình hối hả làm ăn, tích góp cho mình, cho quê nhưng rồi cũng sẵn sàng hưởng ứng, hỗ trợ nhau cho nơi khác khi bị "thiên tại địch họa". Vì vậy, khi miền Trung bị lũ lụt, những chuyến xe cứu trợ ngày đêm lăn bánh để kịp chở lương thực, thực phẩm và những nhu yếu phẩm có cần đến với người dân trời mưa trắng xóa, nước ngập đến nóc nhà. Rồi "kẻ ít người nhiều" trên tinh thần "lá lành đùm lá rách", thậm chí "lá rách đùm lá nát" gom góp tiền bạc, vật liệu, con giống, cây trồng… hỗ trợ cho người dân ở những nơi ngặt nghèo khi mùa màng thất bát, vật nuôi chết cóng bởi thời tiết cực đoan, nhà cửa tan hoang sau những trận cuồng phong. Khi vùng sông rạch chằng chịt, giáp biển bị hạn mặn thì người dân vùng đô thị cùng nhau hỗ trợ bình, máy và các thiết bị chứa nước để qua cơn khát nước ngọt. Chỉ cần kêu với nhau một tiếng, thấy cái cảnh người dân chịu khổ, vất vả là mọi người cùng nhau "giải cứu" những nông sản, vật nuôi của người nông dân "đầu tắt mặt tối" chắt chiu làm lụng quanh năm mà không có nơi tiêu thụ…


bộ đội giúp dân chống dịch 1.jpg
Bộ đội giúp dân chống dịch


Rồi, dịch bệnh hoành hành với đợt thứ 4 Covid-19, ai đâu có ngờ là những đô thị lớn ở các vùng miền Nam lại chịu cảnh khó khăn bởi lương thực, thực phẩm bị đứt đoạn khi thực hiện ngăn cách, giãn cách xã hội nhằm phòng ngừa dịch bệnh. Trước đây, có người ví von nhưng đúng nghĩa, tại sao đô thị Sài Gòn ít khi bị bão lớn như các nơi vì một lẽ đơn giản, Sài Gòn là dự phòng, là hậu cứ để cứu trợ cho các nơi bởi một đô thị năng động, phát triển hằng ngày với nguồn sinh lợi lớn. Thế nhưng, dịch bệnh Covid-19 đã làm nơi đô thị bậc nhất này bị bệnh, bị tổn thương. Ai có thể ngờ rằng, đô thị náo nhiệt đến từng mét đất vỉa hè cũng có thể là sinh kế nuôi sống gia đình và nhiều nhà máy, xí nghiệp, những khu công nghiệp… đã trở thành miền đất thu hút bao người từ các nơi trên mọi miền đất nước tìm đến mưu sinh, cơ hội việc làm, học tập, thậm chí để đổi đời lại là nơi nhiều bị tác hại nặng bởi dịch bệnh phức tạp. Ai đã có thời gian gắn bó với Sài Gòn, sẽ thấy đằng sau sự im lặng của phố phường vốn hối hả, kẹt xe, nắng bụi… là sự chịu đựng đến mức phải cố của con người nơi đây vì đã hằng ngày với cảnh kẹt xe, khói bụi trong nhịp sống đô thị, công nghiệp.  Nhiều người đã vội vã rời khỏi Sài Gòn trong âu lo và trước mắt, họ hồi hương để bảo đảm sự an toàn cho bản thân, gia đình trong những lúc khó khăn với mong ước sẽ một ngày quay lại để mưu sinh.

Và, dân mình, nước mình, người Việt Nam mình "nó thế". "Nó thế" ở đây là tình người trong hoạn nạn có nhau, giúp đỡ nhau khi biết trong cùng cực, ngặt nghèo… Tình người trong khó khăn được lan tỏa bởi những việc thiện nguyện khắp "hang cùng, ngỏ hẽm" giữa người Sài Gòn với nhau trong cái cảnh vùng khó khăn và chưa khó khăn, vùng còn giãn cách với vùng phong tỏa cách ly... Chắc chắn chẳng ai muốn Sài Gòn lâm vào cảnh trạng như vậy nhưng thời "chống dịch như chống giặc" nên đã xuất hiện từ cây ATM gạo đến Oxy, những điểm phát cơm thiện nguyện, phát lương thực, thực phẩm… cho những hàng người nối dài để giúp nhau vượt qua thời khốn khó. Và rồi, từ những miền quê của đất nước, cùng chi viện cho Sài Gòn từ nhân lực đến vật lực. Từng con cá, con gà, trái mướp, bịch rau, trái cây… của những người dân các vùng miền mà thậm chí ở nhiều nơi còn khó khăn mỗi ngày được gom góp, gửi theo những chuyến xe gửi vào Nam chan chứa tình yêu thương. Sài Gòn chắc chắn luôn tri ân và nhớ mãi những hình ảnh của người dân các nơi hướng về.

Cả nước đang tăng cường phòng ngừa, chống dịch Covid-19. Các tỉnh phía Nam đang tìm những giải pháp hiệu quả để phòng ngừa dịch bệnh. Những tổn thất đã xảy ra và chắc chắn sẽ còn những hệ lụy về sau nhưng chúng ta tin rằng, dịch bệnh rồi cũng qua, cuộc sống sẽ trở lại "bình thường trong điều kiện mới". Xin không nhắc đến những sự cố từ "nơi này, nơi nọ" với một thiểu số đã vô tình hay cố ý trong nhận thức và trách nhiệm của mình khi toàn xã hội ra sức phòng chống dịch. Trong hoàn cảnh dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, những chia sẻ của người dân đất nước này thật đáng trân quý. Nhiều người đã hy sinh sự bình yên của mình để "vào tâm bão", đối mặt trực diện với vi rút nguy hiểm hay trên các tuyến đầu chống dịch, giữ bình yên người dân ở các nơi với nhiệm vụ được giao và cả mệnh lệnh của trái tim vì cộng đồng. Nhiều nghệ sĩ chân chính đã đem tiếng hát từ "sân khấu" vắng lặng sự náo nhiệt để động viên các thầy thuốc, người tình nguyện và người dân trong các bệnh viện dã chiến, khu cách ly y tế. Nhiều hình ảnh của những người dân làm thiện nguyện đến với mọi người khó khăn trong từng góc phố vẫn luôn duy trì… Hãy trân quý và biết ơn. Người Việt Nam là vậy, cái tình với nhau của nghĩa đồng bào đã ngấm từ xa xưa trở thành truyền thống và hiện nay tiếp tục được phát huy để vượt qua giai đoạn phòng chống dịch đầy thách thức để hướng đến sự tốt đẹp.

P.Đ.D


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​