Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
KẺ ĐI TÌM

​ 


Truyện ngắn của Nguyễn Duy Đồng

1.

Trừ ngày mưa to gió lớn, còn buổi thường hay thấy lão. Khi mờ sáng, lúc đứng bóng, khi trời đã lù mù, lão lẩn thẩn hết chỗ này sang nơi khác: Ngắm! Hồi tưởng! Suy xét! Có khi thất thần như đang cố tìm cái gì đó bị mất: Quý giá lắm! Tiếc nuối lắm! 

Tôi cũng chẳng khác lão: đảo đi, tráo lại, hết góc này đến ngõ kia. Chỉ khác: lão thả bộ, tôi xe đạp cà tàng; lão trầm buồn, tôi ồn ào qua cái loa rao hàng được lập trình sẵn: “Keo dính chuột, một sản phẩm không một hóa chất nào có thể thay thế được…” với cái giọng nghe hoài chán ngắt; lão đi tìm báu vật, tôi đi tìm cái sống.  

Giáp mặt lão ngày một, nhưng với kế sống vất vả, tôi đâu còn lòng dạ và dư thời gian để điều tra về lão? Mà biết để làm gì chứ? Tuy vậy, do những chứng kiến cứ đập vào mắt, và nhờ được sự giải mã từ thầy tôi, thành ra tôi hiểu về lão. Đó là một câu chuyện lạ tôi chưa từng gặp cho đến tuổi này.


2.

Lão tầm trên dưới bảy mươi nhưng da dẻ hồng hào, tai to, mặt lớn, miệng rộng, môi dày, răng ngựa, mắt “hổ ngủ”, dáng đi đường bệ, uy nghi. Tướng mạo ấy, nếu tham bình thiên hạ hẳn ngự ngai vàng, còn nếu không màng danh lợi thì cũng được dân tôn làm Già làng. Đó là theo sách nhân tướng học tôi được đọc. Còn sự thực lão là ai và lão tìm báu vật gì bị mất thì làm sao tôi biết nổi. Nói ra xấu hổ, nhưng sớm tối chỉ biết bịch keo dính chuột bán được mấy cái, quên cả “trả bài” cho vợ thì chuyện thời sự, thời cuộc, báo chí tôi bị mù tịt là không sai. Vì thế, dẫu lão là “ông to, bà lớn”, thiên hạ biết cả thì với tôi vẫn là mù mờ.  

Chuyện lạ đầu tiên là tại cổng một khuôn viên trong đó có một tòa nhà to lớn, sân vườn hằng hà cây kiểng bonsai hiếm thấy, có non bộ, hồ bơi… trông qua hàng rào cũng thấy rõ. Tôi ngồi nghỉ ở vệ hè, dưới bóng cây, trước cổng, thì thấy lão xuất hiện. Lão nhìn toàn cảnh khuôn viên như nhìn vườn nhà mình rồi thản nhiên bước vào. Vừa qua cổng thì chú bảo vệ trẻ giữ lão lại, dìu ra và dỗ dành: “Chú đã hiểu, sao còn đến đây?”. Thái độ người bảo vệ ôn tồn, nhã nhặn như nhân viên đối với thủ trưởng. Tôi bỗng ghen: cái tướng mạo cũng quan trọng, mình cũng đến đó quảng cáo bán hàng mà bị khinh rẻ như ăn mày; còn lão, bị tâm thần mà được người ta tôn trọng chẳng khác thuộc hạ với bề trên. Lão bất giác như tỉnh ngộ điều gì, rồi lặng lẽ bỏ đi vẻ ngậm ngùi. Tuy nhiên, tôi thắc mắc: tại sao trọng lão mà lại không cho lão vào (?!)

Lần lẻn vào Bảo tàng Cung Đình bán hàng, tôi lại gặp lão. Người tham quan được phép ngồi vào ngai vàng chụp ảnh, nhưng lão đuổi ra, giành ngồi và nói: “Đây là ghế để tôi ngồi làm việc chứ không phải để các người chụp ảnh. Bảo vệ đâu, sao để dân vào quậy thế”. Cô hướng dẫn viên lại nhẹ nhàng ôm lão đứng lên, vỗ về: “Chú đã hứa không, sao còn tới đây?”. Lão đứng lên tần ngần một lúc rồi lại bất giác như tỉnh ngộ ra mình sai và từ tốn đi ra. Tôi không ghen lão được vỗ về mà chỉ ngỡ ngàng vì chưa thấy người mất trí nào lại thích ngồi ngài vàng uy nghi như lão. 


Kẻ đi tìm.jpg
Tranh minh họa: Quang Hoàng


Lần thứ ba. Ở bến xe buýt, tôi thấy lão đứng nhìn một quý bà mặc váy màu chàm, cổ và tay đeo nhiều vòng bạc tỏ vẻ thân tình lắm, rồi nắm tay bà ta bảo: “Thôi tha thứ cho anh. Anh thấm lỗi rồi”. “Ô, lão điên tình” - bà ta la lên, vẻ ngạc nhiên, vùng mạnh, làm tay lão bật ra khỏi tay mình, rồi tránh xa lão. Lão lại bất giác hồi tỉnh và cảm thấy xấu hổ. Lần ấy, tôi không có gì phân vân với hành vi của kẻ tâm thần nhưng lại để ý nhìn cái tướng “môi dày, răng ngựa” của lão.

Lần sau nữa, lại biết lão không những mê típ mệnh phụ mà còn thích cả típ công tử. Ở công viên, lão đứng ngắm một thanh niên dáng công tử, âu yếm như quý tử của mình, rồi cũng lại nắm tay bảo: “Ô-tô đâu, chở ba về”. “Con xin lỗi bố già ạ” - gã thanh niên nói cười như thân lão lắm. Tuy nhiên, lại thấy lão như sực nhớ điều gì, nét mặt buồn hẳn.

Mới đầu, thấy lạ, hiếu kỳ đứng xem, nhiều cặp mắt thiên hạ còn tỏ ra khoái chí vì hành vi lạ của lão. Nhưng tôi lờ dần và cảm thấy thương lão. Không nên chê cười hành vi của người tâm thần, thậm chí tôi tiếc cho cái tướng mạo vương giả đó.


3.

Chuyện đời vẫn chứa nhiều bí ẩn. Tưởng câu chuyện về lão đi tìm báu vật không có gì để bàn, vì đó là một kẻ tâm thần. Ai ngờ, đó là một nhân vật bí ẩn! Tôi phát hiện ra điều đó cũng từ tình cờ gặp lại và trực tiếp chuyện trò với lão. Trưa hôm đó, tôi tấp vào quán café vườn cạnh khuôn viên có ngôi biệt thự mà lão vào bị bảo vệ mời ra. Tôi gặm xong cái bánh mỳ thì lại thấy lão đứng ngay trước mặt. Thoạt, tôi nảy ý định muốn hỏi chuyện lão cho vui. Tôi mời lão ngồi xuống ghế đối diện và cũng lịch sự mời dùng cà phê hoặc bất cứ nước gì lão thích. Nhưng lão từ chối và bảo ăn uống bây giờ phải thận trọng, vì an toàn thực phẩm kém. Tưởng dễ khai thác người khùng, ai ngờ càng trò chuyện, càng nhận ra lão không hề điên, thậm chí hiểu biết hơn tôi nhiều. Lời lẽ chính trị, thận trọng như một nhà tuyên giáo chứ không bô bô như tôi. Hỏi gì lão cũng trả lời chung chung nên chẳng khai thác được gì ở lão. Tôi thường mang theo một xị đế, khi ăn lấy ra nhấp nhấp. Tôi mời lão, lão hỏi “rượu mua à?”. Tôi bảo, rượu nhà, vợ nấu lấy bã nuôi heo. Có lẽ, lão biết nhìn người nên không cảnh giác gì tôi và cầm chén rượu đưa lên miệng. Thì ra, lão thích rượu. Lão bảo rượu Ta tốt hơn rượu Tây. Thế là tôi nhường lão cạn xị. Khi có hơi men, lão mới nói nhiều. Lão bảo khu dinh thự bên ấy chính là của lão. Lúc này tôi cho rằng lão khùng thật và nói nhảm, nhưng muốn nghe cho vui tai nên hỏi:

- Bác làm gì ra tiền mà có dinh thự ấy?

- Thưở tuổi bốn mươi tao đã có nó rồi.

- Chắc ba má bác trước đây đại tư sản? 

- Gia đình tao trước còn khổ hơn chú mày. Nếu không nhờ cái thời nhiều kẽ hở, dễ thao túng thì làm sao tao có được cơ ngơi ấy.

- Thế bác thử kể một vài chước xem?

- Tao chỉ đơn cử chuyện trong xây dựng để chú mày hiểu. Đầu tiên là mánh để trúng thầu: Theo trình tự, khi triển khai một dự án xây dựng, phải mời đấu thầu công khai. Các bên tham gia bỏ thầu sẽ lập hồ sơ, trong đó có cả bản thiết kế và dự toán sơ bộ, nộp một khoản phí nhất định làm kinh phí xét và chấm thầu. Ứng viên sáng giá được ngầm chọn trước. Trước khi mở thầu, ứng viên đó đã đến cửa sau với chủ dự án, làm 3-4 bộ hồ sơ dự thầu có đóng dấu đỏ hẳn hoi, trong đó chỉ có một bộ chính. Kết quả chấm thầu chắc chắn sẽ nghiêng về "ứng viên sáng giá" đó. Tất nhiên, sau đó là việc chung chi. Nếu là hợp đồng tư vấn, giám sát hay thiết kế, tỷ lệ có thể lên tới 20% giá trị hợp đồng. Nếu là hợp đồng thi công, tỷ lệ đó thấp hơn, chỉ khoảng 4-10% nhưng giá trị tuyệt đối rất lớn. Sau khi xong khâu trúng thầu thì đến khâu rút ruột công trình để bù lại khoản chi phí đi đêm khổng lồ đó và bỏ két riêng bạc tỉ. Có ngàn lẻ một cách rút ruột công trình chú mày ạ… 

Nghe đến đây tôi hết sức ngạc nhiên, không còn tin lão là kẻ lẩn thẩn nữa. Tôi bỗng nhớ tới “Dũng Tổng” trong vụ án PMU18, trố mắt nhìn vào “cặp mắt hổ ngủ” tinh quái của lão như nhận ra đằng sau đó, “quyền lực”, “lợi ích nhóm” mới là khủng khiếp, rút ruột công trình đúng là chuyện nhỏ như lão nói.

- Thế bác trước đây ở ngành xây dựng?

- Thằng con. Tao sao phải làm việc đó. Một nét bút tao đủ nuôi cả làng chú mày.

Tôi ngắm kỹ tướng mạo lão, nhận ra nét quen quen thường gặp trên ti vi nhưng không thể khẳng định ai, vì: vừa môi dày, răng ngựa, lại vừa mắt hổ ngủ, nét mặt vênh váo thách thức. Nhân vật đã bí ẩn về nội tâm, lại bí ẩn về hình thức bên ngoài làm tôi nghĩ về con rồng: đầu sư tử, mình rắn, chân chim, đuôi cá. Rất muốn khám phá con người bí ần này, nhưng bởi cái dạ cứ thúc vào cái thân, tôi tạm chia tay lão và lại lên đường với tiếng loa “Keo dính chuột, một sản phẩm, không hóa chất nào có thể thay thế được…” 

Bẵng một thời gian lại gặp lão đúng vào thời gian chính trưa như hôm ấy. Lần này thì tôi chủ động cố ý khai thác lão. Tưởng mình khôn hơn kẻ tâm thần ai ngờ mọi sự dẫn dụ của tôi đều vô tác dụng. Ngược lại, tôi nhận ra như lão mới là người điều trần tôi:

- Chú mày thật thà và cả tin quá nên vất vả. Nếu tinh khôn một chút thì đâu phải lếch thếch, mưa nắng thế này.

Tôi bỗng như có cái gì thúc trong cổ họng:

- Thế bác bảo em khôn ra sao?

- Mà thôi. Bọn lính chú mày chỉ đến thế. Cũng như việc xóa đói giảm nghèo mà không thể.

Tôi nóng ran người như bị xúc phạm. Chắc lão nghĩ tôi là thằng ngắn chữ, chỉ biết đi lính, chỉ biết dính theo keo dính chuột. Nhưng tôi kìm được và chất vấn:

- Bác nói xóa đói giảm nghèo mà không thể là sao?

- Đứa nghèo vốn dĩ là thế. Cái óc đó chỉ làm thuê thì sống được, còn làm chủ thì chết đói. Cho cá: ăn hết cá lại đói. Cho cần: bán luôn cần, có câu được con cá nào đâu. Sao xóa được, nghèo lại tái nghèo.

Câu kết luận sắc sảo lắm, lão là kẻ không vừa! Tôi bỗng quên lão là người lẩn thẩn:

- Vậy nếu tinh khôn một chút thì em làm gì hở bác?

Lão vỗ vai tôi:

- Chú mày có cái thân thế rất thuận lợi: thương binh, đảng viên, lí lịch rất tốt. Cái thân thế này mà biết cách tô hồng, tận dụng thì thăng tiến, thành đạt mấy hồi.

Đang nói lão bất giác dừng lại như hiện tượng quen thuộc của lão. Hình như lão nhận ra nói hớ. Lão lặng buồn khá lâu. Khi nhận ra tôi đang chờ nghe, lão lại vỗ vai tôi:

- Nói thế thôi. Chú có cái sướng của chú…

Lão buồn thật và chính lão chia tay tôi, chứ không phải tôi bỏ lại lão vì mưu sinh như lần trước. Và vì thế có nhiều điều tôi muốn sáng tỏ với con người đầy bí ẩn này nhưng thời điểm ấy đã hết cơ hội.

4.

Những ngày mưa to gió lớn, tôi đành chịu ngưng cuộc phỉ chí tang bồng trên hè phố. Những ngày này, tôi thường đến chơi với thầy tôi. Thầy tôi là bậc tài danh nhưng rất dễ gần, thậm chí quý yêu tôi như người thân. Thầy đã ngoài bảy mươi, hơn tôi mươi tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Trước đây, thầy dạy tôi môn toán. Tuổi hưu, thầy vẫn có bục giảng. Học trò đông đúc đến mức được học thầy không dễ. Ấy vậy mà thầy dạy cho con gái tôi miễn phí. Có lẽ, người ta nghe tiếng thầy không những dạy chữ mà còn dạy người nên học trò mới đông thế. Vợ thầy cũng làm thầy - bác sĩ nổi tiếng và cũng đã nghỉ lưu. Hai con gái của gia đình nhà sư này đều nối nghiệp cha mẹ, giỏi giang và hiếu thảo. Cái khác thiên hạ là với nghề nghiệp và tài danh thế mà nhà thầy không giàu, tuy nhiên đều đầy đủ, gia cảnh thoải mái, thật dễ chịu. Tôi biết thầy không phải người địa phương vì thông qua tiếng nói, còn gốc ở đâu thì tôi không tiện hỏi vì đã quen thầy đến thế mà hỏi vậy kỳ lắm. Người thì bảo quê thầy tận núi cao phía Bắc, kẻ lại nói quê thầy ở kinh rạch miền Tây. Ở đâu cũng có người tốt, kẻ xấu, tôi không nặng tính địa phương.

Tôi cũng xin giới thiệu về lai lịch bản thân một chút: Thưở học sinh, học hành tôi làm vua xứ mù, chứ chẳng đến nỗi âm lịch thời cuộc như bây giờ. Xong tú tài, tôi tình nguyện vào lính với khí phách “Nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực”. Kết quả, không “xanh cỏ” mà cũng chẳng “đỏ ngực”. Ra quân, đắp chân, vá ruột, thương tật 61% (thương binh loại 2/4). Bị mất gần 2/3 sức khỏe, nhưng tôi không buồn, vì đổi lại đất nước được yên bình, thậm chí thấy vui hơn khi còn tráng lực mà lúc nào cũng nơm nớp kinh hoàng vì bom thù, đạn giặc. Hòa bình rồi, tôi chỉ mong mọi người cùng chung sức xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc. Tuy nhiên bị mất gần 2/3 sức khỏe thiệt thòi lắm, “khoản ấy” còn không muốn, nói chi làm việc khác. Sức khỏe là vốn quý nhất, nhưng tôi quan niệm là thứ yếu, bởi cái quý nhất là được làm người, mang bản chất nhân văn, phẩm giá và danh dự. Cái đó, tôi tin là mình chưa mất. Chế độ thương binh đủ nuôi sống bản thân, vợ con cũng không muốn tôi vất vả. Nhưng tôi chọn nghề bán rong này bởi thấy nó ít vốn, phù hợp với sức khỏe, vả lại thời buổi chuột nhiều, sản phẩm không độc hại và cũng để có việc cho vui “tàn mà không phế”. Mặt khác, cũng muốn san sẻ nỗi toan lo của vợ, tìm thêm khoản tiền nhỏ giúp con gái tôi trang trải học đại học. Không có gì xấu hổ với cái nghề bán rong của mình, nhưng thỉnh thoảng gặp người đã không mua, còn mỉa mai, làm tôi thật buồn, rằng: “Thứ keo dính chuột giả của ông mua về chỉ mất công vứt rác. Mèo lớn, chó khỏe mà chẳng săn được chuột nào thì thứ keo này vô dụng”. Tôi vẫn dùng nó, chỉ loài chuột lớn, còn chuột nhỏ, chuột nhắt dính hoài. Người ta chê sản phẩm, khinh nghề tôi hay nói móc máy gì tôi không rõ. Chỉ biết, gặp những người ấy, tôi chạnh buồn cho số phận, cho thời cuộc.

Đầu tiên, tôi kể thầy tôi nghe về sự kiện lão nói căn biệt thự lớn kia là của lão. Thầy tôi bảo:

- Lão ta nói đúng đấy. 

- Thế lão là Quan Huyện? - tôi đã từng nghe TV nói về biệt phủ của một ông quan huyện?

- Lớn hơn Quan Huyện nhiều.

- Thế ông là ai hả thầy?

- Không biết cũng tốt. Tránh được vạ mồm.

Biết tính thầy tôi, đã giúp là giúp hết mình, đã dạy là dạy hết chữ, nên thầy không nói ra thì tôi cũng không dám hỏi nữa, mặc dù đang rất muốn tìm hiểu về lão. 

Lần khác, tôi thuật lại chuyện lão ham típ mệnh phụ, thầy tôi bảo: “Đó là sự nhầm lẫn trong lúc mê. Chắc bà ấy có nét giống vợ lão”. Và thầy kể: “Vợ lão thùy mị, đôn hậu, một người vợ thật tuyệt vời, còn hơn cả vợ Tú Xương. Còn lão, khi có tiền tài, quyền lực lại nổi máu Thúc Sinh. Phần vì khỏe nhu cầu tình dục, phần bị nữ quái mua chuộc nên lão đánh mất mệnh phụ quý giá đó”. Tôi bỗng nhớ đến cái tướng môi dày, răng ngựa nhưng thầy đang nói không dám chen ngang. “Con mụ ấy là một chủ doanh nhân nhưng làm ăn bất minh. Lợi dụng thể xác trắng trẻo gợi dục, mụ đã dễ dàng điều hành lão háu dâm làm theo uy danh của lão để mụ tận hưởng mọi nguồn lợi. Là nữ quái, tất hẳn hết sự lợi dụng là mụ goodbye”. Luôn tiện, tôi kể và hỏi thầy: “Thế về việc lão mê cậu thanh niên nhà giàu?”. Thầy tôi lại bảo: “Đó là lão tìm con, cũng giống như hiện tượng tìm vợ”. Tôi phân vân: chuyện “trâu già thích gặm cỏ non” của các quan nhiều tiền lắm bạc, rửng mỡ thì dễ hiểu, còn việc cha để mất con quả thực tôi chưa nghĩ ra tình huống nên nhờ thầy cắt nghĩa. Vẫn tâm thế điềm đạm, chín chắn, giọng thầy vừa đủ nghe: “Công tử ấy, xong phổ thông, được du học ngoại quốc, về nước đang thong dong trên đường hoan lộ thì bị đột tử vì vấp ngã”. Đột nhiên thương lão, tôi thốt lên: “Ôi, chỉ vấp ngã mà chết hả thầy?”. “Đó là cách nói ẩn dụ. Vội vàng quá mới vấp ngã. Tại lão cả: nôn nóng, tham lam quá mức”. Tôi ngớ lên chờ thầy kể tiếp, nhưng thầy không nói gì thêm, đành hỏi: “Thế đột tử có đúng nghĩa thực không thầy?”. “Cậu tìm hiểu làm gì”. Thấy thầy trầm buồn, tôi không dám tò mò, vả lại, hay ho gì gợi lại nỗi đau chết chóc. Tôi thấy tự giải mã được vì sao lão nhận ngai vàng là chỗ ngồi của lão nên tìm hiểu ý khác:

- Thế nay lão ở với ai hả thầy?

- Lão còn thằng con trai nữa, thăng tiến lắm, nhưng cũng bị ngã ngựa rồi. Căn nhà lão tìm đứng tên cậu ta nên nhà nước thu hồi. Lão cũng còn con gái, giàu lắm, chồng Việt Kiều. Nếu không bị cấm xuất cảnh thì lão sang đó với con gái.

- Thế lão bị kết án hả thầy? Vi phạm đạo đức lối sống hay lợi dụng chức vụ quyền hạn tham nhũng?

- Cả hai, nhưng khi nào truyền thông chính thức công khai mới khẳng định. Phát ngôn cần thận trọng và cảnh giác với thông tin chống phá nhà nước.

- Sao chúng ta vẫn để lọt như thế…?

- Thời nào cũng có sai lầm, có thiện, có tà, có ngay, có gian, bất kể ở cương vị nào. Vấn đề là kết luận công tội phải minh bạch, khách quan, đúng bản chất, không định kiến, nhờ gió bẻ măng, đục nước béo cò. Cái sai phải nghiêm túc thừa nhận. Nếu đúng cả thì làm gì có nơi dân còn than, tòa án thất nghiệp chứ đâu cứ đọng án.

- Thế lão không còn chỗ ở? - Tôi đoán vì thế nên lão lang thang ngoài đường.

- Lão thiếu gì nhà, đất đai bạt ngàn, nhưng cũng để làm gì. 

Tôi thực sự muốn biết cụ thể lão là ai nên mạnh dạn nêu lại câu hỏi hôm trước nhưng thầy vẫn không nói ra, lại “Cậu biết để làm gì”.                          

5.

Lại ngày mưa to, gió lớn, ngày chủ nhật, tôi nghĩ con cháu thầy đều ở nhà nên nhân lúc vợ con về ngoại chơi, tôi bắt một con gà mang đến nhà thầy ý rằng cùng dự cơm trưa.

- Em kính chào thầy, cô, chào cả nhà.

- Anh đến chơi thì được, còn gà thì làm ơn mang về hộ tôi, đã khó khăn lại hay bày vẽ - Thầy vui vẻ khi thấy tôi đến.

- Dạ, nhà em thiếu nhiều thứ, nhưng gà thì bầy đàn quậy phá bới lộn tứ tung thầy ạ.

Sau vài lời khách chủ khẩu chiến, tôi cũng được gia đình thầy chấp thuận cho việc xử tử con gà. Bữa cơm có đủ già trẻ, món ăn thuần Việt, đầy ắp tiếng chuyện trò, cười nói thật vui vẻ. Đang vui là thế, nhưng tôi lại lỡ miệng nhắc đến số phận của lão đi tìm. Tôi hối hận muốn vả vào miệng mình vì hôm nay tôi đến với thầy bằng tình cảm quý trọng, chứ không phải để phúc tra chân dung ấy. Ai ngờ, thầy tôi lại khen tôi rộng tình thương, giàu nhân đức. Thầy bảo: “Tôi quý anh là ở chỗ đó, cái tài là cần thiết, nhưng “chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Rồi đột nhiên mắt thầy đỏ lên như muốn khóc. Thầy nói: “Thật tiếc, lão là bạn nối khố của tôi, nhưng không cùng lối rẽ. Giá lão ta nghe tôi dừng lại cuộc sống như khi anh là một bộ đội phục viên, thì bây giờ gia cảnh cũng vui đâu kém. Quyền lực, tiền tài, vợ đẹp, con sang, uy tín… có cả. Nhưng mất hết! Mất sạch! Còn gì mà tìm!”.

Nhắc tới lão ấy, hầu như tiếng bi bô của lũ trẻ cũng lắng xuống. Trong bối cảnh ấy bỗng có dáng người cao to đội mưa bước vào cổng. Chúng tôi trố mắt khi nhận ra lão. Lão cũng trố mắt nhìn tôi, không ngờ thằng bán rong ấy lại có mặt nơi này. Sau vài giây ngỡ ngàng với “vị khách đặc biệt” và những lời hỏi han nhau, cuối cùng lão ngồi vào mâm cơm như thêm một thành viên trong gia đình. Tôi đang ngạc nhiên vì thái độ ấy thì lão ôm lấy thầy tôi tru tréo lên: “Đây mới là chỗ cần tìm”, rồi với sang ôm tôi: “Đây mới là chỗ cần giữ”. Lão ngập chìm trong nức nở như đàn bà tủi phận được cơ hội trút hết nỗi niềm, đâu còn một gương mặt bá vương. Bỗng, tiếng lão lịm dần, da tái ngắt, người lạnh toát, chúng tôi hốt hoảng: chẳng lẽ đó là lời sám hối cuối cùng của lão? Thật may, sau đó lão tỉnh lại, bình phục, chúng tôi mừng lắm. Dẫu ba cảnh ngộ khác nhau nhưng mâm cơm ấm lên tình người. Tôi nhận ra thầy tôi nhân đức lắm. Bỗng lão đứng lên xin cáo từ. Chúng tôi cố níu kéo, van xin lão nán lại nhưng không thể. Lão cứ bước vào vô hư. Hẳn lão vẫn cố đi tìm?

Trời lại đổ mưa. Cơn mưa trái mùa mà vần vũ, tối đen, sấm chớp đảo điên, rồi một mạch trút nước ào ào như đang giận dữ điều gì. Nước trên mặt đường cuồn cuộn rác rưởi chảy như suối nguồn. Chẳng rõ lúc này lão đã kịp về nhà hay lại lẩn thẩn đi tìm? Có chỗ nào để lão tá túc hay cái thân xác ở độ tuổi thất thập ấy lại đang ngập ngụa dưới mưa giữa dòng chảy này. Tôi thấy cay mắt. Nhìn vào thầy tôi, đôi mắt cũng đỏ nhòe đang xa xăm hướng theo dòng nước. Thầy thở dài: “Đâu cứ ngồi ngai vàng là Vua. Đâu cứ khoác cà sa là Phật. Vua ở trong lòng dân chứ không ở trên ngài vàng. Còn gì nữa mà tìm”. Còn tôi lại như văng vẳng lời lão: “Đây mới là chỗ cần tìm”, “đây mới là chỗ cần giữ”. Thầy như “đi guốc trong bụng” tôi nên bảo: “Đối với lão sự sám hối đã đủ nên tôi cũng mong trời dung tha lão”.

Thưở học sinh, tôi yêu môn văn và muốn viết văn. Nhưng xong học phổ thông, đi lính rồi bận rộn mưu sinh đã làm tôi xa hẳn chuyện bút nghiên. Câu chuyện về người bí ẩn này đã làm tôi nghĩ tới đủ yếu tố để viết thành một truyện ngắn. Và tôi viết xong “Kẻ đi tìm” chỉ trong vài đêm. Cảm thấy tâm đắc với “văn mình” nên tôi mạnh dạn mang tác phẩm tới Thầy. Tiếng là nhờ Thầy chỉ giáo nhưng trong thâm tâm tôi là khoe và chờ lời khen. Khi đặt vấn đề, Thầy tỏ ra rất vui và đọc liền. Nhưng trong quá trình đọc, Thầy trầm buồn và khi đọc xong thầy lắc đầu.

- Dạ, viết dở lắm hả thầy?

- Tôi không ngờ anh viết ra như thế, thật buồn cậu ạ. 

Tôi chờ Thầy nói thêm nữa mà chưa thấy nên thầm nghĩ thầy chê:

- Dạ, em vẫn hiểu truyện dở và không hợp gu truyện thời nay thầy ạ.

- Tôi không phải nhà phê bình nên không dám khen hay. Nhưng tôi thích và tôi nghĩ nhà văn nên bám sát thời cuộc, văn chương là tiếng nói nhân văn của thời cuộc. “Được lời như cởi tấm lòng”, tôi háo hứng chia sẻ vì sao tôi viết truyện này:

- Dạ, đọc Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Tô Hoài, Nguyễn Tuân… em thích là vì thế thầy ạ. Em vẫn trăn trở: Nhiều sự kiện xảy ra trong bốn mươi năm hòa bình mà chẳng thấy phản ánh trong văn chương ngoài “Cù lao tràm” của Nguyễn Mạnh Tuấn? Các truyện ngắn đạt giải trong các cuộc thi văn chương lớn gần đây cũng chẳng thấy truyện thời cuộc?

- Cậu viết vì trách nhiệm nhà văn hay vì giải thưởng?

- Dạ, em xin vâng lời Thầy.


N.D.Đ


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​