Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
ĐÔI LỜI VỀ NHẠC SĨ TRẦN VIẾT BÍNH



Tôi “sang” nhà thăm nhạc sĩ Trần Viết Bính vào thời điểm TP. Biên Hoà đang thực hiện Chỉ thị 16, khi “ở nhà là yêu nước”, “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình, tổ dân phố là một pháo đài chống dịch”… Tôi ở cùng một khu chung cư với Nhạc sĩ, cách nhau chả mấy tầng lầu. Đấy là giai đoạn “lịch sử” không thể nào quên của miền Đông Nam bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng vào những ngày đầu tháng 8 năm 2021. 

Không “tay bắt, mặt mừng” như bao lần tôi sang thăm, dù rất lâu rồi ông cháu không gặp mặt, nhạc sĩ Trần Viết Bính vẫn không quên giữ khoảng cách nhất định, tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc 5K. Ông phấn khởi cho tôi “xem” bản in giấy của 5 ca khúc, có những bản còn “nóng hổi” ông vừa viết hưởng ứng cuộc vận động sáng tác của Hội VHNT Đồng Nai về phong trào phòng chống Covid-19. 

Khi Việt Nam phát hiện bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 số 1 vào ngày 23/1/2020 đến khi làn sóng dịch thứ 4 trở lại Việt Nam vào những ngày đầu tháng 6/2021 mang theo diễn biến khó lường và cực kỳ nguy hiểm tại các ổ dịch lớn và phức tạp ở Bắc Giang, TP.HCM, Đồng Nai… lão nhạc sĩ đứng ngồi không yên. Ông đau đớn khôn cùng khi bao nhiêu người ra đi vội vàng, trong đó không ít người trẻ tuổi, cả những người làm nghệ thuật giống như ông. Họ vẫn nói, vẫn cười, vẫn lên facebook, vẫn vẽ tranh, làm thơ, vẫn gọi điện bàn chuyện Covid với ông, dặn dò ông tuân thủ quy định 5K vừa mới hôm qua… Xót xa, thương cảm không sao tả hết, nhạc sĩ Trần Viết Bính lại tiếp tục trải lòng lên 5 dòng kẻ, mượn 7 nốt nhạc nói hộ tâm tình, kêu gọi hô hào người dân cả nước “Ngăn dịch như chống giặc”, “Quyết thắng Corana”… để trẻ thơ nước Việt hát vang bài ca “Em lại đến trường”… Những thanh âm, giai điệu, lời hát trong ca khúc của ông càng gần đây càng mạnh mẽ hơn, dứt khoát và quyết liệt hơn, đúng như chủ trương, tinh thần chống dịch của người Việt trong trạng thái “bình thường mới”.


z4093715191437_954650dfc0d9591e3c0a38cdd22dd48e.jpg
Nhạc sĩ Trần Viết Bính - người "chiến binh" tóc bạc da mồi giữa đại dịch Covid-19 (ảnh HQ)
 


Một buổi sáng thu năm 1957, khi theo dõi chương trình ca nhạc của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, tôi chợt bắt thấy một bài ca có âm điệu thật lạ. Khi nó trở lại vài lần cũng trên làn sóng phát thanh, tôi biết đó là bài “Dòng sông” với tác giả có cái tên lạ hoắc trong làng sáng tác âm nhạc thời đó: Trần Viết Bính.

Chỉ ít lâu sau, tôi lại gặp Trần Viết Bính vẫn qua làn sóng phát thanh, trong “Chiếc nón Huế” và cũng vẫn với cái ấn tượng “có cái gì là lạ” trong lối viết ca khúc này. Và đặc biệt mấy năm sau đó, trong một chương trình ca nhạc thiếu nhi của Đài phát thanh “Tiếng nói Việt Nam” tôi đã thực sự xúc động khi nghe “Hạt gạo làng ta”, nhạc Trần Viết Bính phổ thơ “Chú bé làm thơ” (thuở ấy): Trần Đăng Khoa. Có thể nói “Hạt gạo làng ta” là tín hiệu thứ ba và là tín hiệu cuối cùng khiến tôi phải chú ý tới “hiện tượng” Trần Viết Bính.

Theo thói quen nghề nghiệp, tôi đã bắt đầu “chăm sóc” Trần Viết Bính bằng cách phân tích mấy tác phẩm của anh, mà tôi đã phải ký âm để có phổ bản, qua giọng hát của những ca sĩ trên Đài. Bằng vài thao tác nghiệp vụ không tới nỗi phức tạp, tôi cho rằng đã tìm ra nguyên nhân làm nẩy sinh cái cảm giác “khác lạ” trong tôi khi nghe những ca khúc của một tác giả đến từ thành phố Nam Định.

Trước hết phải nói đến phần lời ca là cái mà một người “bình thường” cảm nhận thấy đầu tiên khi nghe một khúc hát mới. Khác với phần lớn lời ca những ca khúc phổ biến trong bối cảnh lịch sử  thời đó mà phong cách hầu như nhất quán là đi theo dòng thơ của những Tố Hữu, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi…lời ca trong “Dòng sông”, “Chiếc nón Huế” lại phảng phất dòng thơ – ca dao kiểu Anh Thơ, Nguyễn Bính. Lúc sử dụng phương pháp phổ nhạc, Trần Viết Bính, với mục đích sáng tác cho lứa tuổi thiếu nhi, đã tỏ ra thật thông minh và tinh tế khi chọn “Hạt gạo làng ta”, bài thơ của một tác giả thiếu nhi đích thực, vừa hồn nhiên trong sáng lại vừa thâm thúy tinh vi, hình thức có dạng kể vè, đồng dao rõ nét. Như vậy, có thể nói, lời ca trong ca khúc của anh có những gắn bó hiển nhiên với thơ ca dân gian truyền thống.


bs TVB-goc nhìn đa chiều.JPG
Tuyển tập "Trần Viết Bính - những góc nhìn đa chiều" - tác phẩm viết về người nhạc sĩ lão thành đa tài (Ảnh TH)



Sinh năm 1934, Nhạc sĩ Trần Viết Bính từng đi qua kháng chiến chống thực dân Pháp, từng đóng góp công sức của mình vào thắng lợi vẻ vang lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu chống Đế quốc Mỹ của dân tộc cùng nhân dân cả nước. Ngay từ khi 12 tuổi, cậu bé Bính đã là một liên lạc viên cho đội tự vệ Thị xã Thái Bình.  Những năm kháng chiến chống Mỹ, chàng nghệ sĩ trẻ một vai đeo súng, một vai đeo đàn theo đội văn công xung kích đi hát ở các ụ pháo, biểu diễn khắp các chiến trường từ Bắc đến Nam, đường 9 Nam Lào đến biên giới Campuchia... Nhạc sĩ cùng các đồng đội ngày đêm vượt suối, băng rừng để đến điểm diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ trước khi bước vào trận đánh, hoặc sau trận đánh để động viên khích lệ tinh thần chiến sĩ xông lên chiến thắng quân thù. Có những buổi diễn không thể nào quên, là những đêm diễn mà diễn viên nhiều hơn khán giả, tiếng bom dội át cả tiếng ca.

Ở vào độ tuổi “cửu tuần đại khánh” hôm nay, người nhạc sĩ - chiến sĩ năm xưa tiếp tục “ra trận” ở cuộc kháng chiến thứ ba. Cuộc chiến đặc biệt này dài hơn cuộc chiến Quảng Trị 1972 khốc liệt nhất trong chiến tranh Việt Nam 1954-1975, khi kẻ thù là những con virus vô hình không mang súng đạn nhưng đa hình thái, đa chủng lây nhiễm với tốc độ lây lan nhanh, mức độ nguy hiểm cao. Theo dõi, cập nhật thông tin hàng ngày, hàng giờ, nhạc sĩ “đau xót đến nghẹn thở”, khi nhẩm tính: Riêng ở “đại gia đình” của “người anh em” với Đồng Nai là TP.HCM, số bệnh nhân Covid không qua khỏi trong hơn 3 tháng từ khi dịch bùng phát trở lại cũng đã hơn 10.000 ca, hơn một sư đoàn, nhiều hơn số tử trận mỗi bên ở Quảng Trị 1972. Có thời điểm, mỗi ngày TP.HCM có 300-400 người ra đi, bằng một tiểu đoàn, như hồi chiến tranh, ra đi không một người thân bên cạnh.

Tuổi đã cao, sức đã yếu, chân đã chậm, mắt đã mờ, ngoài việc đeo kính lão thường xuyên, lâu lâu phải nhờ sự trợ giúp của kính lúp khi gặp những dòng chữ nhỏ… nhạc sĩ Trần Viết Bính biết bản thân ông không thể hoà mình vào đội quân chống dịch ngoài kia. Khi hàng trăm, hàng ngàn con người thuộc các ngành tham gia phòng chống Covid đã phơi nhiễm và không ít người đã bỏ lại cuộc đời; khi từ quân – dân, chính quyền, công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp lẫn bà con tiểu thương, chị bán cá, anh phụ hồ… xả thân chống dịch mỗi ngày, thì sự “cố thủ” tại tư gia của ông thôi cũng đã là một việc làm vô cùng ý nghĩa. Song, sứ mệnh của người nghệ sĩ mà cuộc đời đã đặt lên vai mình là điều ông luôn ghi nhớ. Vậy là ông “ở yên” và sáng tác. Ông muốn dùng lời ca, tiếng hát để tuyên truyền cho phong trào phòng chống dịch bệnh, cổ vũ tinh thần các y bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng bộ đội công an, và đội ngũ tình nguyện viên… tham gia tuyến đầu chống dịch. Ông chưa bao giờ quên lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”

Khi Việt Nam đối mặt với sự lây lan của dịch bệnh Covid -19 lần thứ nhất đầu năm 2020, Nhạc sĩ Trần Viết Bính chính là người đi tiên phong tự túc kinh phí thực hiện video clip, bản thu âm MP4 để nốt nhạc vượt ra ngoài trang giấy, trở thành lời ca tiếng hát đến với mọi thế hệ, mọi tầng lớp người Việt, chuyển tải được thông điệp phòng chống dịch bệnh một cách sớm nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất, với tinh thần lạc quan nhất… mà không chờ đợi nguồn hỗ trợ tài chính nào. Trong hoàn cảnh đặc biệt, không gian đặc biệt và thời gian đặc biệt, người “chiến binh” da mồi tóc bạc đã “tự chế ra” một loại “vắcxin” đặc biệt đơn sơ mà vô cùng hữu ích, với công dụng cực kỳ đặc biệt: tăng cường sức đề kháng tinh thần cho những người dân. Khi không thể đến phòng thu chuyên nghiệp, chỉn chu như các ca khúc xưa nay, không thể “mời” ca sĩ thể hiện chuẩn tone, hợp giọng… lão nhạc sĩ của chúng ta đóng kín cửa phòng nhằm lọc tạp âm, ngăn tiếng ồn của đời thường sinh hoạt, một mình ông lão căng mắt, lắng tai, toát mồ hôi đánh vật với dàn máy toàn chữ ngoại quốc mà ông “liều mình” đầu tư và tự học được mấy tháng trước ngày giãn cách, vừa mới kịp làm quen chưa được bao lâu… để hoà âm, phối khí. Ca sĩ thể hiện chẳng ở đâu xa, toàn là “của nhà trồng được”: bài thì con, bài thì cháu, bài thì chính tác giả vừa đàn, vừa hát và vừa… thở. Không thể Kinh phí thực hiện ban đầu được Mộc mạc lắm, gần gũi lắm, mà cũng xúc động và khó quên lắm!

Tôi sực nhớ, và tìm vào trang Facebook cá nhân của ông trước tiên. Thì ra, “Tổng biên tập” tờ báo này “thời sự” và tốc độ không thua các trang báo mạng tầm quốc gia nào hết. Hơn thế nữa, những con số đau thương đều được ẩn đi đầy ngụ ý. Thắp thoáng sau từng bản MP3, MP4, và cả những bản nhạc còn nóng hổi trên khuông là những cái ôm thật chặt, là cái vỗ vai an ủi động viên, và những cái nắm tay đoàn kết, nghĩa tình với ánh mắt ấm áp trìu mến yêu thương ngập tràn niềm tin chiến thắng.


 Tô Vũ (HQ)

 

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​