Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
NGẤP NGHÉ “GIANG HỒ VẶT” CÙNG LÊ MINH NHỰT


Bài viết của Khang Quốc Ngọc

 

Lê Minh Nhựt có mê bài thơ “Giang hồ” nổi tiếng của nhà thơ Phạm Hữu Quang hay không khi viết truyện ngắn rồi đặt tên cho nó là “Giang hồ vặt” thì chưa rõ, nhưng chắc chắn một điều là nhà văn có ảnh hưởng cái không khí giang hồ lạ lùng của bài thơ khi anh để cho nhân vật Long ư ử hát hai câu thơ độc đáo của bài thơ này: “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt. Nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà”.

Và cũng chính cái không khí giang hồ lạ lùng ấy nó ám vào truyện ngắn của anh. Có điều, không khí ấy ở “Giang hồ vặt” mang đậm nét đặc thù riêng. Nếu như, bài thơ “Giang hồ” là một chuỗi những tâm tư tình cảm bứt xé rồi giễu nhại của nhân vật trữ tình tìm đến những không gian “giang hồ” cho khác lạ của một con người từng trải để giãi bày, thì ở truyện ngắn “Giang hồ vặt” đó là ước mơ bay nhảy tự do của một gã thanh niên mới lớn, chưa từng trải đời, mỗi bước chân đi là mỗi lần được mở mắt, rồi được thuật lại bằng một giọng kể hài hước dí dỏm, trong sáng và yêu đời.

“Giang hồ vặt” kể về nhân vật Kiếm. Vì chán cảnh tù túng quẩn quanh và ham mê đi tìm chân trời mới bởi cái háo hức và bồng bột của tuổi trẻ mà nhân vật đã lặng lẽ bỏ nhà ra đi theo ghe của cánh gặt mướn. Ở đó có nhân vật Long được suy tôn lên làm đại ca vì một lần anh đã dũng cảm đánh đuổi bọn cướp cứu mọi người trong ghe. Vì sợ bị từ chối, nên Kiếm nghĩ ra một lí do hết sức cảm động rằng mình bị cha dượng hành hạ, chịu không thấu nên bỏ nhà đi. Mọi người chấp thuận cho Kiếm đi cùng. Sau ba năm đi theo ghe đại ca Long, Kiếm hiểu ra nhiều điều, đặc biệt nỗi nhớ và tình thương cha cứ cuộn lên trong lòng. Một lần ghe ghé bến chợ Rạch Biển bán dừa tươi, sau khi nhổ sào chuẩn bị lui ghe thì Kiếm ngẫu nhiên gặp được mẹ - người mẹ đã bỏ nhà đi mấy năm về trước. Kiếm xô ghe nhất định không chịu gặp mẹ, và cố nén đi sự tức tưởi bởi Kiếm còn rất giận mẹ. Người mẹ hớt hải lội sình xuống tận mé bến sông để cố gọi Kiếm, mong được gặp Kiếm nhưng Kiếm nhất quyết không cho gặp. Sau đó, đại ca Long khuyên Kiếm trở về nhà. Kiếm nghe lời và quay về. Về nhà, Kiếm mang chuyện mình đã từng gặp mẹ nói cho tía biết, ổng giật mình. Ngay trong đêm đó, ông già tía – Chín Nhạn – thức gần trắng đêm viết đặc chữ trong hai tờ giấy học trò, rồi sai Kiếm quay trở lại chợ Rạch Biển tìm gặp mẹ để đưa lá thư cho bà. Truyện kết thúc ở đó trong những bước chân hối hả của nhân vật: “Thằng Kiếm bước xuống đò. Chợ Rạch Biển không còn xa lắm.”


IMG_3293.JPG
Nhà văn Lê Minh Nhựt - Cà Mau


Không phải ngẫu nhiên mà mở đầu truyện ngắn tác giả lại rất kì công đi miêu tả thật kĩ, từ cái nuột lạt cho đến cách xếp lá, lợp lá, thóc nóc lá cho dù sự kì công ấy chỉ để làm một cái chòi canh cá. “Hai cha con hì hục gần mười ngày trời, căn chòi mới được hoàn thành, đây là căn chòi bề thế nhất trên cả cánh đồng này.” Cái lí ông già Chín Nhạn đưa ra khi hàng xóm qua lại thắc mắc: “Cất có cái chòi giữ cá thì làm sơ sơ được rồi, hà cớ gì dụng công kỹ lưỡng đến vậy? Chơi nổi vừa vừa thôi cha nội! Chín Nhạn cười khà khà: mất công cất một lần thì cất cho nó đã cái tay, có ai quy định là chòi thì phải cất sơ sài đâu!” Đó là một bài học nhớ đời cho thằng Kiếm và cũng là điểm nhấn cho toàn bộ câu chuyện được kể trong “Giang hồ vặt”. Chuyện vặt mà không hề vặt. Chuyện nhỏ có kĩ, có đầu tư thì mới có cơ hội mon men làm và hi vọng thành công ở những chuyện lớn trong cuộc đời được. Xét cho cùng, mục đích của việc thằng Kiếm đi giang hồ cũng là mục đích của cuộc đời con người: “Nó sẽ đi đó đi đây một thời gian, đi cho biết bốn phương tám hướng rồi về, đi cho mở mang đầu óc” đặng về mà biết cách làm ăn, biết cách sống sao cho ra sống với người ta, khác chi việc làm một cái chòi là phải qua bao nhiêu công đoạn? Rồi ông giảng giải tiếp khi đặt ra câu hỏi cho thằng con trai: “Mày có biết cất cái nhà thì cái gì là quan trọng không?” nhưng nó trả lời không được,“thì cây cột cái này chớ gì nữa mà hổng biết. Nhà cửa mà đầm ấm, ăn nên làm ra cũng ở cây cột cái này đây. Nó mà vững là ngôi nhà vững, còn nó cong vẹo xiêu ngã là hỏng bét cả ngôi nhà. Làm đàn ông cũng vậy, phải là trụ cột trong gia đình để vợ con nương tựa vào. Lúc trước mày đi giang hồ coi như phỉ chí rồi, còn bây giờ trở đi phải tập làm cây cột cái đi con à. Tao già rồi!” Cái cách già Chín Nhạn hỏi và trả lời thằng con trai mình như trên giống hệt như người ta sử dụng phương pháp nêu vấn đề trong giáo dục vậy. Bởi theo ông, bài học vỡ lòng  luôn là bài học khó nhất.” Cái gì cũng có cách xử lí của nó, ở đây đã là khó nhất thì càng cần phải có cách xử lí sao cho hợp lí nhất. Vấn đề được nhân vật Chín Nhạn nêu ra rồi đẩy liên tưởng lên từ từ. Cái quan trọng nhất của cái chòi, cũng là của cái nhà, của gia đình. Rồi ông so sánh đàn ông cũng như cây cột cái vậy, là cốt để cho thằng Kiếm hiểu ra vai trò trụ cột của mình trong tương lai. Phải chăng đây là một thông điệp giáo dục đã được Lê Minh Nhựt gắn ngay vào phần đầu tác phẩm: Đã qua trải nghiệm và thực hành của chính bản thân thì lo gì người ta không hiểu và vận dụng kiến thức sáng tạo vào cuộc đời?

Sự khát khao được “đi đó đi đây” của thằng Kiếm, kiểu mong ước du ngoạn của giới trẻ mà ngày nay người ta gọi là đi phượt, suy cho cùng cũng là khát khao của tất cả chúng ta: “Nó sẽ đi đó đi đây một thời gian, đi cho biết bốn phương tám hướng rồi về, đi cho mở mang đầu óc chớ nó chán ở nhà lắm rồi. Nó không muốn trở thành bản sao của ông già, mấy chục năm cứ lòng vòng ở vạt ruộng sau nhà rồi sanh con đẻ cái. Cứ cái vòng lẩn quẩn ấy, chán lắm”. Những tưởng sự khát khao đó là sợi chỉ tư tưởng xuyên suốt trong tác phẩm, nhưng hóa ra không phải. Nỗi nhớ gia đình (của mọi người), nhớ tía (của thằng Kiếm), nhớ má (của thằng lọ nghẹ) mới là sợi chỉ tư tưởng xuyên suốt kết nối câu chuyện. Ca dao chẳng đã nói đó là gì: “Đi cho biết đó biết đây. Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn” nhưng rồi cũng lại nói: “Gần thì cảm thấy bình thường. Xa nhau mới thấy tình thương dạt dào”. Hóa ra, cái lí do thôi thúc thằng Kiếm bỏ đi “giang hồ” cho dù là khát khao hết sức bồng bột và ngây ngô chỉ là cái cớ để cho nhà văn thể hiện ý đồ tư tưởng nghệ thuật của mình: Hãy cứ mạnh dạn bước chân ra đi là sẽ thấy được trời cao đất rộng; hãy cứ phải xa chút nữa, là để biết mình nên trân trọng cái gì, không có gì hạnh phúc nhất, yêu quý nhất bằng gia đình mình. Nhưng dẫu sao, qua câu chuyện tác giả cũng phần nào thể hiện luôn được cái nhìn về một mặt nào đó trong cuộc sống tù túng quanh quẩn nơi thôn quê của lớp trẻ đương thời.

“Giang hồ vặt” được bọc một lớp vỏ bên ngoài có vẻ “giang hồ” cho vui, nhưng kì thực, bên trong phản ánh câu chuyện kiếm sống của những con người lao động chân tay. Họ là một toán những người lao động lênh đênh làm thuê, rồi dựa vào nhau để sống. Đến mùa vụ thì lại ới nhau đi kiếm cơm. Nói như đại ca Long: “Giang hồ cái con khỉ mốc!”

Cho nên, họ đối xử với nhau chan chứa nghĩa tình mà giang hồ chính hãng gọi là nặng nghĩa. Cái nghĩa ấy nổi lên đậm nhất ở nhân vật đại ca Long. Anh sẵn sàng xả thân đánh đuổi bọn cướp tiền cánh thợ gặt mướn để cứu người và cứu mình. Điều ấy chứng tỏ, bản chất trượng nghĩa có trong con người lao động “đầu đội trời, chân đạp đất” này. Thằng lọ nghẹ vì quá nhớ nhà nhớ mẹ mà đành phải “lén lút” trốn đi. Sao phải “lén lút” trốn đi? Sợ bị phạt chăng? Không. Là nó sợ cái tình với đại ca Long níu kéo nó: “Tao nhớ bà già tao quá, Kiếm ơi! Bữa hổm ngó lên quán cà phê thấy trên tivi đăng tin bả kiếm tao. Đừng giận tao nghen Kiếm, nhắn với đại ca là tao xin lỗi ảnh, bỏ đi mà không gặp mặt để từ biệt, tại tao sợ gặp ảnh rồi tao đi không nỡ. Cứ coi như tao là thằng bất nghĩa vậy!”

Giọng điệu chính trong “Giang hồ vặt” là giọng cà giỡn vui đùa, đôi chỗ pha chút hồn nhiên ngây thơ dí dỏm nhưng lại thấm đẫm tình người. Hành trình theo chân Kiếm là một chuỗi những ngác ngơ: Từ khi ôm bọc xuống ghe theo chân mấy anh đi gặt mướn để “giang hồ” cho đến khi Kiếm về thăm và ở nhà với ông già tía Chín Nhạn. Bước chân ra đi là bước chân của sự học hỏi và khám phá: “Thằng Kiếm hiểu được một điều: làm đại ca không hẳn là phải chửi thề rôm rốp, dùng vũ lực ức hiếp kẻ khác, mà quan trọng là phải có "nghĩa khí giang hồ". Cái vỡ vạc của nhân vật Kiếm khiến người ta buồn cười: “Thì ra muốn bước chân vào chốn giang hồ điều đầu tiên là người ta phải có ngân lượng, tức là tiền”. Rồi cái lí do nó tự nghĩ ra để được đại ca Long thương tình mà chấp nhận cho đi theo cũng thật đáng thương làm sao: “Một câu chuyện nó vừa bịa ra y như thật, rằng vì bị cha dượng bạc đãi sống không nổi nên phải bỏ nhà đi bụi, giờ không biết đi đâu nhưng trở về là cầm chắc bị đánh dở sống dở chết”. Rồi cái kiểu ông già Chín Nhạn trả lời khi người ta giễu cợt chuyện hai cha con ông làm chòi canh cá cũng rất buồn cười:“Mất công cất một lần thì cất cho nó đã cái tay, có ai quy định là chòi thì phải cất sơ sài đâu! Sự chân chất và tấm lòng đối đãi nhau chân thật như anh em ruột đã tạo thêm sự hấp dẫn cho câu chuyện. Kiếm thích đi đây đó cho mở mang đầu óc thì ôm bọc quần áo xuống ghe đi, không cần hỏi han trước. Chỉ cần trao đổi qua vài câu nói là được chấp nhận đi cùng. Không mảy may nghi ngờ và cũng không đặt ra tình huống này kia để thử lòng nhau. Thằng lọ nghẹ còn đùa chọc Kiếm này nọ, còn đại ca Long khi nghe thủng câu chuyện vì sao nó muốn theo ghe “đi giang hồ” là nhân vật này chấp nhận bằng cách“đã đạp vô đít nó một cái chúi vào mui ghe lầm bầm: Thôi vô đi thằng ông nội! Rồi gã rùn gối xuống tấn nhổ cây sào cặm trước mũi ghe, cong người chống sào đẩy ghe lui ra khỏi đoạn kinh bịt bùng lá dừa nước.” Cho đi cùng mà nhẹ tênh như đùa như giỡn vậy. Và khi đã hiểu ra hoàn cảnh của thằng Kiếm, đại ca Long khuyên nó, cũng là nói với mình, những câu nói ẩn chứa sự bao dung độ lượng đến vô cùng: “Còn có nơi để mà nhớ nhung thì nên quay về đi. Anh em tao cũng đang tính ngày trở về xứ, chớ sống lênh đênh trên ghe hoài cũng không đi tới đâu.”  

Xuyên suốt tác phẩm còn là tiếng nói yêu thương gắn bó với lao động. Thế giới nhân vật trong truyện là thế giới của những con người lao động thật thà chất phác. Nhân vật thằng lọ nghẹ cười và nói với thằng Kiếm: “Từ nay mày theo tụi này kiếm sống chớ không phải kiếm hiệp đâu nghen huynh đệ!” Nhân vật đại ca Long vừa khuyên vừa cảnh báo với Kiếm: “Thôi ngủ đi, bữa nay uống bao nhiêu đó được rồi, mai phải thức sớm vô vườn mua dừa đem bán. Hết mùa gặt mà nằm không như vầy thì có nước cạp ván ghe ra mà ăn!” nghe sao mà chân thành da diết đến lạ!

Tinh thần trượng nghĩa và sẵn sàng bao ấp giúp đỡ nhau không vụ lợi là một điểm nhấn nữa của truyện ngắn này. Nhân vật đại ca Long kể: “Mấy năm trước tao mới vô nghề, dành dụm được một số tiền sắm được chiếc ghe này, rủ thêm vài người bạn đi gặt mướn ở mấy vùng lân cận, sau mê quá nên đi tứ xứ. Đi tới đâu rủ rê thêm người tới đó, toàn là dân nghèo rớt mồng tơi không một cục đất chọi chim hoặc là hoàn cảnh đưa đẩy như mầy với thằng lọ nghẹ. Mấy tỉnh ở Miền Tây này, cánh đồng nào cũng có dấu chân của bọn thợ gặt tụi tao.” Họ đi gặt mà như có hình bóng của ông cha đi khai hoang mở đất thuở nào. Hào phóng và rộng lượng. Họ hiểu hơn ai hết hoàn cảnh“nghèo rớt mùng tơi không cục đất chọi chim” của những người anh em như mình, để rồi cũng chính họ đã giang rộng vòng tay yêu thương mà dung nạp những người cùng cảnh ngộ như mình. “Đi tới đâu rủ rê thêm người tới đó”. Không cần đắn đo, cân nhắc. Miễn là cùng cảnh thì neo vào nhau mà sống, đi gặt mướn khắp các tỉnh Miền Tây, không đâu không in dấu chân họ. Lang bạt kì hồ nhưng không tha hương, hết mùa vụ là họ lại từ giã nhau quay trở về với gia đình họ. Đặc điểm nhất tụ nhất tán của người Miền Tây được thể hiện khá cảm động: “Trên ghe lúc này chỉ còn lại ba người: đại ca Long, thằng lọ nghẹ và thằng Kiếm. Bọn còn lại đã lên bờ về quê, bây giờ đã hết mùa gặt nên họ phải về sum họp với vợ con, kiếm sở làm khác với lại cũng nhớ đất lắm rồi.” 

Thời gian của truyện phần lớn là thời gian tuyến tính xuôi theo dòng những con kênh mà anh em “giang hồ” theo ghe thả máy đuôi tôm đi kiếm sống. Có đôi chút thời gian được nhà văn lật ngang, lật ngửa ra để đưa vài chi tiết cho sáng câu chuyện nhưng cũng không nhiều: “Thằng Kiếm trở về nhà vào đầu mùa mưa. Bài học đầu tiên của ngày trở về sau hơn ba năm lưu lạc giang hồ là bài học về cách làm nhà mà Chín Nhạn - ông già nó bắt phải dỏng lỗ tai lên mà nghe. Cách nay ba năm, trước khi bỏ nhà đi thằng Kiếm để lại vài dòng cho ông già  đại ý rằng nó sẽ đi đó đi đây một thời gian, đi cho biết bốn phương tám hướng rồi về, đi cho mở mang đầu óc chớ nó chán ở nhà lắm rồi. Đôi khi thời gian nghệ thuật như là những nếp gấp xẹt ngang cho nhân vật nhớ lại chuyện cũ: Khi bắt gặp lá thư của nó để lại thì ông ngồi xẹp xuống đất, nước mắt chảy ròng ròng y chang như cảnh tượng hồi mười năm về trước khi bà vợ dứt áo ra đi theo tiếng sét ái tình ở cái tuổi bốn mươi”. Mà tới chừng gặp thì nói làm sao hở trời? Chẳng lẽ nhìn mặt một cái rồi đi liền? Chắc là chỉ nói một câu thôi, là: Ông già tui với tui hết nhớ bà rồi! Hơi kỳ cục nhưng chỉ vậy thôi”. Cho nên có thể nói, thời gian nghệ thuật không phải là thế mạnh của Lê Minh Nhựt. Diễn biến tâm lí bám lấy từng chi tiết để thể hiện vẻ đẹp tính cách ở từng nhân vật mới là thế mạnh ở cây bút này. Nhà văn khéo léo lồng ghép và kết nối các chi tiết lại một cách tự nhiên như nó vốn thế để nhân vật qua đó mà bộc lộ tính cách của mình. Đây là một sự thành công ở “Giang hồ vặt”, vặt mà không hề vặt…

Một điểm nữa làm nên thành công cho truyện là yếu tố tự nhiên và mức độ vừa phải. Lê Minh Nhựt như một người đầu bếp khéo tay trong việc nêm nếm để xào nấu một bữa tiệc ngôn ngữ sao cho ngon miệng độc giả. Anh biết chọn lựa chi tiết để đặt đúng nơi, đúng chỗ cho nó phát huy. Những chi tiết Kiếm nói chuyện với thằng lọ nghẹ để sau đó Kiếm rút ra những nhận xét ban đầu về “đi giang hồ” phải như thế này, như thế kia; hay những chi tiết sau này Kiếm nói chuyện với con con Thu Hồng để rồi đưa đến cho nhân vật này một suy nghĩ: Như thế này thì đúng là ức hiếp người quá đáng, thằng Kiếm thầm oán ông trời đã sinh ra mình sao còn đẻ ra chi thêm một con Thu Hồng nữa”, đã làm cho câu chuyện thêm sống động và cuốn hút hơn. Điều này vừa đảm bảo tính hợp lí và vừa đủ để kích lên sức hấp dẫn tự thân của câu chuyện. Ngôn ngữ dân dã Nam Bộ (kiểu nói và sắc thái đậm chất Nam Bộ: vọt lẹ, thằng ông nội, cha nội, măn vú mẹ, cực trần thân, cạp ván ghe ra mà ăn, con khỉ mốc…) cũng được nhà văn sử dụng phù hợp ở mức độ vừa phải, đủ để bảm bảo với độc giả rằng những nhân vật ấy họ là người của vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Nói tóm lại, bao bọc lấy cái không khí giang hồ lạ lùng ấy là những cảnh đời lao động đi tìm cuộc sống nay đây mai đó. Hoàn cảnh đưa đẩy nên họ phải bước xuống ghe. Thực ra thì chẳng ai muốn cuộc đời mình lênh đênh trên sóng nước cả. Sểnh nhà ra thất nghiệp, các cụ chẳng đã dạy như thế là gì? Qua câu chuyện cà giỡn sống động của mình, Lê Minh Nhựt muốn góp thêm tiếng nói cho chúng ta thấy rằng sẽ chẳng có sự quý giá nào trên đời cả nếu như chúng ta không sống gắn bó hết mình với cuộc sống, đừng thấy những cái bình thường hiện hữu xung quanh, đôi khi gây cho ta sự nhàm chán, mà ta có quyền xem thường chúng. Hãy biết trân trọng và nâng niu những gì chúng ta đang có, chính những cái đang có là những thứ quý giá, mà đôi khi vì lí do này lí do kia, chúng ta thường bỏ quên.

K.Q.N

 

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​