Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 2030)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
BÊN LỞ DÒNG SÔNG


Trích tiểu thuyết sắp xuất bản của nhà văn Nguyễn Một

(nguồn: Tạp chí Văn nghệ ĐN xuân 2022)

 


Chương một


Bên cạnh nhà ga trước rạp Do Li, quán cà phê của ông Tư Cụt là nơi để các chàng trai học trường trung học gần đó họp mặt sau mỗi giờ học. Những chàng trai lớp Đệ Nhất chuẩn bị thi Tú Tài toàn phần bắt đầu được học môn triết. Môn học mới mẻ và cao cấp này khá hấp dẫn với họ. Họ bàn về “Hố thẳm tư tưởng” của Phạm Công Thiện, “Hiện tượng luận về hiện sinh” của giáo sư Lê Thành Trị, về phong trào Hippie đang thịnh hành ở các đô thị lớn... 

Hôm nay, các chàng trai đang bàn luận sôi nổi về nỗi buồn của “Dịch hạch” với sự hoang tàn khắp mọi ngõ ngách của thành phố u ám bị màu đen của dịch bệnh bao phủ. 

- “Ôi! Nhát chém hư vô...”.

Hoàng nhắc lại lời trong bài hát “Chuyện tình buồn”, thơ của Phạm Văn Bình được Phạm Duy phổ nhạc, đang phát ra từ cái máy cassette của ông Tư Cụt.

- Thật ra, cuộc chiến chúng ta chán chường như tiểu thuyết của Remarque hơn là nỗi buồn của Camus!

Hoàng bình luận và đưa mắt nhìn Sơn như tìm kiếm sự đồng tình nhưng Sơn vẫn lặng lẽ nhìn về phía dòng sông. “Chắc hắn đang nghĩ về dòng sông miền Trung quê hắn...”. 

Ngày Sơn nhập học lớp Đệ Tam, nhiều bạn không thích Sơn, không phải chỉ bởi chất giọng miền Trung nặng trịch và tướng tá đen đúa có phần nhà quê mà vì... hắn ở nhà Diễm và nhất là cùng đi học với Diễm, cô bé được xem là hoa khôi của trường trung học ngay trong tuần đầu nhập học. Băng Hùng Hippie luôn tìm cách tìm cớ gây sự với Sơn, nhưng cậu luôn tìm cách né tránh hoặc chỉ im lặng chịu đựng, không tỏ vẻ một chút phiền trách hay phản kháng. 

Riêng Hoàng thì khác, với tâm hồn thi sĩ, Hoàng đồng cảm với các bạn nghèo ở quê ra. Như gia đình của Hoàng, ba mẹ anh luôn mở rộng cửa đón đồng bào của mình đến ở để lánh nạn chiến tranh, những người dân quê đến ở nhà anh được cha mẹ anh nuôi cơm cho đến khi họ chọn được chỗ để lập nghiệp. Thông thường họ kéo qua bên bồi của dòng sông hoặc dạt về phía thượng nguồn để phá bưng làm ruộng. Một số ít trôi về xóm “Sở Mỹ” nhặt rác Mỹ hoặc làm công trong các Sở làm của quân đội Mỹ. Những bãi rác Mỹ khổng lồ nuôi sống khá nhiều người. Buổi chiều bọn trẻ mang theo xô đứng chờ lính Mỹ đổ súp thừa để mang về nuôi heo, hoặc bán cho các nhà nuôi heo. Đôi khi trong các thùng súp ấy có cả đồng hồ bút máy mà nhiều người làm công đánh cắp bỏ vào nhưng chiều chưa lấy kịp. Người lớn thì nhặt phế liệu bán lại. Hoàng không chọc ghẹo, không chế giễu nhưng cũng không thân với Sơn và anh chỉ trở nên thân thiết sau cái lần Sơn đánh nhau với đám giang hồ nhà ga để bảo vệ cho Hoàng.


Bên lở dòng sông - Hứa Tuấn Anh.jpg
Minh họa của Hứa Tuấn Anh


Hôm ấy, đang ngồi ở quán ông Tư Cụt, Hoàng nhìn thấy một người đàn bà nhà quê mang cái túi du lịch cũ bên hông đang chờ xe Lam, bỗng có một thanh niên đi ngang qua dùng dao lam rạch nhẹ túi, Hoàng la lên:

- Coi chừng trộm!

Người đàn bà giật mình quay lại, tên trộm bỏ chạy về phía nhà ga. Người đàn bà kiểm tra lại cái túi và thật may là chưa mất gì. Bà lí nhí cảm ơn Hoàng. Hoàng cười với bà rồi đứng lên nói với ông Tư Cụt:

- Ghi sổ nha bác Tư!

Ông Tư cười bảo:

- Các em thiếu thì các em tự nhớ mà trả chứ!

Quán ông Tư vốn là nơi ưa thích của các chàng trai Trung học Thủ Biên vì ông Tư không bao giờ đòi tiền bọn trẻ, đứa nào có tiền thì trả, không có tiền cứ thiếu, muốn trả thì trả không thì ông chẳng quan tâm. Ông Tư có một thói quen kỳ lạ là dù bán café ông cũng ăn mặc khá chỉn chu, quần tây, áo sơ mi tay dài luôn cài kín nút cổ như các cha nhà thờ. Ông pha café cũng khác người, ai gọi ông mới nhẩn nha bỏ nắm hạt café rang vào cối xay tay rồi nhẩn nha quay cho mùi thơm tỏa khắp quán, sau đó ông cẩn trọng gắp cái ly và phin được đun sôi trong cái nồi nghi ngút khói rồi lèn café mới pha nước. Các chàng trai trung học thích quán ông vì họ được thưởng thức hương thơm trước và nhìn từng giọt, từng giọt café để nhớ lại những bài học trong nhà trường.

Hoàng lững thững thả bộ dọc bờ sông như thể đang tìm tứ thơ thì dưới gốc cây đa bên cạnh chợ, bốn thằng bụi đời xuất hiện. Thằng tóc dài chỉ mặt Hoàng:

- Chính nó phá chuyện làm ăn của em đó đại ca!

Chỉ nghe vậy, tay thiếu niên đầu trọc lao vào đấm đá Hoàng ngã xuống đường, văng cặp mắt kiếng trên bãi cỏ. Bất ngờ một bóng người lao đến hất tên đầu trọc ra xa bằng một động tác nhanh gọn, nhấc hắn lên và ném tõm xuống sông. Ba tên còn lại nhào vô liền bị mỗi tên một cú đá ngã lăn, mạnh thằng nào thằng nấy lồm cồm ngồi dậy trong đau đớn và đứng lớ ngớ không còn dám manh động. Bóng người ấy cúi xuống nhặt mắt kiếng đưa cho Hoàng và đỡ anh lên. Lúc này Hoàng mới nhận ra anh chàng Sơn Nẫu - người bạn học dân miền Trung và thường bị bạn bè trêu chọc. Khi tên đầu trọc lổm ngổm bò lên từ dưới sông, Sơn đẩy Hoàng ra sau lưng và đứng thủ thế. Bốn tên du đãng nhìn Sơn và lặng lẽ rút lui. 

Lúc này, Diễm mới trờ tới, dựng xe đạp rồi chạy đến rút khăn tay lau vết máu nơi khóe miệng cho Hoàng và nhìn Sơn với ánh mắt ngưỡng mộ. Hôm đó đúng là may cho Hoàng, sau giờ học Diễm nhờ Sơn chở đi mua sách và ra bờ sông dạo mát thì gặp chuyện này. 

Chuyện “Sơn Nẫu” giỏi võ và ra tay cứu Hoàng thi sĩ nhanh chóng lan khắp trường và bạn bè nhìn Sơn với ánh mắt thân thiện hơn, có phần nể phục. Thực ra, Sơn không giỏi võ nhưng với cơ bắp của chàng lực điền biết được vài miếng võ do các võ sư ông nội Trạm mướn về dạy cho người nhà và các cháu phòng thân trong thời loạn lạc, Sơn dư sức hạ gục mấy thằng du đãng lều tều của đường phố! Hoàng thân với Sơn từ dạo ấy. Băng nhóm Hùng Hippie cũng không còn trêu chọc và gây gổ với Sơn như trước. 

Hoàng bấy giờ được nhiều bạn học gọi đùa là “Thi Sĩ Khùng”. Anh yêu Diễm say đắm, đã làm hàng trăm bài thơ tình gởi cho Diễm. Như thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên - một người cùng thời, thơ Hoàng cũng lãng mạn, muộn phiền. Và cũng như Duyên của Nguyễn Tất Nhiên, Diễm đón nhận thơ Hoàng như quà tặng của một người bạn, cô trân trọng tình cảm của Hoàng nhưng không xem đó là tình yêu. 

Hoàng nhỏ con, tóc xoăn, kính cận. Anh thường lặng lẽ ngồi nghe các bạn hào hứng trao đổi về triết học - một môn học mới mẻ chỉ dành cho học sinh lớp 12, thỉnh thoảng Hoàng cũng bình luận vài câu. Anh nhìn và thương những người bạn cùng thời. Anh nghĩ về con quái vật mang tên “chiến tranh” rồi đây sẽ nuốt chửng tất cả bạn bè anh!  

Hoàng già dặn so với tuổi mười bảy của mình. Nhưng không chỉ có Hoàng, thời chiến con người trưởng thành sớm hơn và phần lớn là do nền giáo dục nên chỉ mới lớp 10, lớp 11 mà bọn con trai đã nói chuyện như một trung niên, còn bọn con gái đã chuẩn bị hết Tú Tài thì lấy chồng. Từ niên học 1972 - 1973, sau khi chính quyền cải tổ bỏ thi Tú Tài 1 thì học sinh trung học học thoải mái hơn, chứ trước đó học xong lớp 11 phải thi Tú Tài bán phần hay còn gọi Tú Tài 1, đậu mới được học tiếp lớp 12 và thi Tú Tài đôi. Nếu rớt Tú Tài 1 phải đi lính ngay, vào trường hạ sĩ quan Đồng Đế, ra trường mang lon Trung Sĩ. Không biết ai đó nghĩ ra và truyền tụng bốn câu thơ khá cay đắng: “Rớt Tú Tài anh đi Trung Sĩ/ Em ở nhà lấy Mỹ sinh con/ Bao giờ xong chuyện nước non/ Anh về anh có Mỹ con anh bồng...”.

Nhiều bạn học cho rằng Hoàng là tác giả làm ra bốn câu thơ này, vì đôi khi Hoàng cũng làm những câu thơ kiểu như vậy, nhưng Hoàng phủ nhận. 

Một số thanh niên rớt Tú Tài toàn phần thì hoặc trốn lính hoặc lo lót giấy hoãn dịch để được ở nhà. Hùng học cùng Sơn nhưng rớt Tú Tài 1 niên khóa 1971-1972, được ông Tư Cụt chạy cho giấy hoãn dịch gia cảnh nên Hùng được ở nhà rong chơi. Quần ống loe, tóc dài và Honda 67 xoáy nòng, Hùng trở thành thần tượng của các chàng trai mới lớn ham chơi. 

Quán café chỉ là nơi ông Tư buôn bán còn nhà của ông Tư ở xứ đạo Tân Ba, ngôi nhà lầu ba tầng nằm bên cạnh nhà thờ quanh năm có tiếng chuông và lời cầu nguyện bình an của vị cha chánh xứ già và nhăn nheo như quả táo Tàu trong thang thuốc bắc. Tiếng là Tư Cụt nhưng không phải ông cụt chân, cụt tay như những thương phế binh trở về từ mặt trận, mà để trốn quân dịch ông Tư đã tự chặt cụt ngón tay trỏ của mình. Sau khi tự chặt ngón tay, ông Tư biến mất một thời gian, không rõ đi đâu và làm gì, sau trở về mở quán café bên nhà hát gần đồn cảnh sát thành phố Thủ Biên. Cũng không ai hiểu tại sao chỉ với quán café nhỏ, chủ yếu bán cho học sinh, mà ông Tư có tiền chạy giấy hoãn dịch cho con trai, có tiền sắm xe Honda 67 và để cho cậu quý tử ăn chơi khét tiếng đất Thủ Biên. Thời chiến có nhiều điều bất hợp lý nhưng gần như không ai đủ thời gian tìm hiểu, mà cũng chẳng cần tìm hiểu làm gì khi mỗi ngày bất kỳ ai cũng có thể đối diện với cái chết do chiến tranh mang lại!

Chiếc xe máy mà Hùng Hippie sở hữu do hãng Honda Nhật Bản nhập vào miền Nam Việt Nam năm 1967 nên được gọi là Honda 67. Năm 1967, loại xe này hộp số có năm số, sơn đen, tốc độ tối đa 80 km/giờ. Hùng mang xe lên Sài Gòn gia cố, xoáy nòng đôn xilanh, độ lại bộ chế hòa khí, cổ hút to rộng, hệ thống truyền tải thì được gia cố lại... nên chiếc xe Honda 67 của Hùng đạt tốc độ từ 120 km/giờ - 160 km/ giờ. Những cuộc đua xe ngoài xa lộ, chưa lần nào các yên hùng khác qua mặt được Hùng. Tóc dài, quần loe, xe Honda 67 xoáy nòng, tiền bạc rủng rỉnh lại không phải đi lính nên Hùng thuộc loại thanh niên “bảnh”. Tuy nhiên, bồ bịch của Hùng chỉ toàn... gái nhảy, vì khổ nỗi, con gái nhà lành ngày đó lại rất dị ứng với đám “Hippie choai choai” nên kiểu của Hùng luôn bị cấm cổng.

Thật ra, phong trào Hippie rộ lên ở các đô thị lớn lúc bấy giờ chỉ là “sự ăn theo” từ một phong trào của giới trẻ nước Mỹ, mang tính hình thức văn hóa về lối sống, cổ súy cho việc chống lại sự tham gia của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam với khẩu hiệu “Make love not war” (Tình yêu không chiến tranh) và với biểu tượng là một bông hoa hình tròn với đài hoa tròn ở giữa, những cánh hoa cũng tròn đủ màu vây chung quanh. Phong trào Hippie ca ngợi sự tự nhiên trong mọi thứ và hướng giới trẻ có một đời sống hiện sinh chủ nghĩa. Chính lối sống này tạo nên sự bất đồng quan điểm đến mức khiến thế hệ trẻ luôn trong tình trạng say xỉn, nghiện ma túy và quan hệ tình dục bừa bãi. “Cách mạng tình dục”, như một số “tín đồ cực trung thành” của phong trào tin tưởng: nó sẽ là đứa con tinh thần của nền văn hóa này.

Khi Mỹ tăng cường lính Mỹ vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam (cao điểm lên đến gần 540.000 quân), đó cũng chính là lúc phong trào Hippie đòi chấm dứt chiến tranh ngày càng lan rộng trong xã hội Mỹ, đặc biệt là ở sinh viên. Cho nên có thể hiểu vì sao Hippie lại phát triển mạnh mẽ và lan ra ngoài biên giới nước Mỹ. Có người đánh giá phong trào Hippie là một phong trào phản chiến đúng đắn góp phần lớn vào việc buộc người Mỹ rút dần quân ở chiến trường Việt Nam từ 1969 đến 1973, dẫn đến ký kết Hiệp định Paris.

Phong trào Hippie có một sự phản kháng đặc trưng là chống lại “các quy tắc được áp đặt” trong các mối quan hệ, chống lại sự ngăn nắp và buồn chán của cuộc sống hàng ngày, nhất là chống chiến tranh. Nhưng khi được du nhập vào Việt Nam, nơi đang có cuộc chiến tranh khốc liệt, phong trào Hippie liền bị lợi dụng không ít, biến thành cái cớ cho một bộ phận giới trẻ “lười học nhưng không phải đi lính” thuộc tầng lớp con nhà giàu lắm tiền sống một cuộc sống ăn chơi sa đọa và gọi đó là “hiện sinh”, là “phản chiến”! Họ sống một cuộc sống vay mượn và làm dáng từ quần áo lòe loẹt quái dị cho đến tóc râu mọc dài kiểu cách, suốt ngày tụ năm tụ bảy bày lắm trò hưởng thụ cá nhân, buông thả đạo đức, vô trách nhiệm đối với xã hội và miệng luôn gào câu thần chú “Make  love not war”, rồi tự nhận mình là thành phần phản chiến! Nói như vậy để thấy rằng, những người sống đúng theo tinh thần của phong trào Hippie tại Việt Nam rất ít, đa số chỉ toàn là “Hippie nửa mùa, Hippie choai choai”, nghĩa là toàn loại Hippie giả cày, Hippie ăn theo như Hùng.

Lúc đầu, Sơn cũng ngạc nhiên và tự hỏi - nhưng không trả lời được - khi thấy Hùng Hippie sinh hoạt vô lối vô nghì, làm nhiều chuyện trái tai gai mắt như thế không biết để làm gì, được gì!? Lạ một điều là ông Tư Cụt dường như cũng chẳng có ý kiến ý cò gì, cứ để Hùng muốn làm gì thì làm, miễn không gây hậu quả nghiêm trọng. Với một thanh niên từ đồng ruộng nhà quê ra thành thị như Sơn thì Hùng Hippie đúng là một điển hình đối cực với Sơn ở hầu hết mọi thứ.

Có lần, Sơn hỏi Hoàng về chữ Hippie gắn liền sau tên của Hùng có đáng hay không, Hoàng đã nhẹ nhàng giải thích:

- Chúng ta tôn trọng mọi lối sống, mọi cách thể hiện bản thân của mọi cá nhân, miễn sao sự thể hiện ấy không nguy hại hoặc gây hậu quả đáng tiếc! Còn các tên gọi được khoác cho họ thì bạn đừng chớ mà tin, toàn là hào nhoáng cho sang thế thôi! Bọn hô hào sống cuộc sống hiện sinh có thấy chút hiện sinh nào đâu, nhóm hô hào phản chiến lại toàn ăn chơi sa đọa! Cũng như nhiều đứa bạn tụi mình, đi đâu và lúc nào cũng kè kè trong nách cuốn “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học” của Phạm Công Thiện nhưng có bao giờ đọc hết được một trang trong cuốn sách ấy đâu! Làm dáng thôi mà... Sơn ạ, đó cũng đang là bi kịch của xã hội chúng ta, của tuổi trẻ bọn mình... Lộng giả nhiều quá rồi đến lúc cứ tưởng đó là chân! Lỗi không hoàn toàn ở họ đâu. Mọi bi kịch của chúng ta, xét cho cùng, do chiến tranh mà ra cả...

Hoàng lúc nào cũng có những ý tưởng làm cho Sơn bất ngờ và thích thú. 

Khi những lệnh tổng động viên hay đôn quân buộc phải ban ra, khi những ca khúc gọi là phản chiến của Trịnh Công Sơn được phát liên tục ở các quán cà phê, khi một số bạn bè chuyền tay nhau tìm đọc cuốn “Mùa hè đỏ lửa” của Phan Nhật Nam, khi các cơ quan truyền thông đại chúng cứ lặp đi lặp lại những tên gọi như “Đại lộ kinh hoàng”... thì chiến tranh không còn mơ hồ hay xa xôi đối với tuổi trẻ thành thị nữa. Tất cả như một dự báo của tai ương u ám...

N.M


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​