Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 2030)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
Hát Xoan đất Tổ


 Truyện ngắn của khôi vũ

(Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai Xuân 2022)



Nhiều lần, ông Hỗ đã kể cho người nhà nghe chuyện này:

- Tỉnh Phú Thọ là một tỉnh thuộc miền Đông Bắc bộ, được xem là vùng đất Tổ, cội nguồn của nước Việt Nam. Thời vua Hùng dựng nước Văn Lang, kinh đô đặt tại Phong Châu, tức vùng quanh thành phố Việt Trì của tỉnh Phú Thọ ngày nay. Độ cao trung bình của tỉnh là từ 200 - 500m so với mực nước biển. Tỉnh có nhiều đồi gò, có ba con sông lớn chảy qua là sông Hồng, sông Đà và sông Lô. Nơi ba sông hợp lưu gọi là "ngã ba sông", dòng nước nơi đây được người dân tin là đem lại may mắn nên họ thường đến đây lấy nước về cầu may vào các dịp động thổ, làm nhà…  Có người còn làm nghề lấy nước sông ở đây đem bán.

Làng Phù Đức, xã Kim Đức thuộc thành phố Việt Trì của tỉnh Phú Thọ ngày nay được xem là nơi phát tích của hát Xoan. Chuyện kể rằng, vào ngày 13 tháng Chạp mùa xuân năm ấy, vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng đi tìm đất để lập kinh đô. Tới đây, vua gặp đám trẻ chăn trâu chơi các trò chơi như đấu vật với nhau, vừa chơi vừa hát đồng dao vui vẻ, nghe rất thích. Vua gọi lại, dạy chúng chỉnh sửa lời cho phù hợp hơn. Vua còn dựa vào đó mà nghĩ ra một số bài khác dạy thêm cho đám trẻ. Sau này người dân nhớ chuyện, cứ đến ngày 13 tháng Chạp lại tổ chức cúng lễ tạ ơn vua. Họ làm bánh nẳng(1) để ăn trưa, làm thịt lợn để ăn chiều. Đến nay, hát Xoan trở thành làn điệu cổ nhất của nước ta. Xã Kim Đức được công nhận có hai trong bốn làng Xoan cổ của tỉnh Phú Thọ. UNESCO cũng công nhận Hát Xoan Phú Thọ là Di sản Văn hóa Phi vật thể của thế giới từ năm 2017(2). Hát Xoan Phú Thọ thuộc loại hình dân ca lễ nghi phong tục, hát cửa đình, hội tụ đa yếu tố nghệ thuật như nhạc, hát, múa...

Trước kia, chỉ những người lớn tuổi mới được hát Xoan ở đình, đền. Hát Xoan bây giờ được hát ở mọi nơi, thành phần hát cũng mở rộng từ người lớn tuổi đến các em học sinh. Học trò ở Phú Thọ còn được học hát Xoan trong trường lớp của mình. Các phường Xoan ở địa phương được củng cố, phát triển vẫn giữ lệ cũ, có người đứng đầu gọi là Trùm Phường. Các bài hát Xoan cũng được giữ nguyên lời, không cải biên như nhiều làn điệu dân ca khác.

***

Hát xoan đất Tổ - Công Hoàng.jpg
Minh họa của Công Hoàng


Ông Hỗ là một Trùm Phường Xoan, năm nay đã ngoài bảy mươi. Chỉ có người cao tuổi, lại là người có uy tín mới được làm Trùm. Cái Hoàng là cháu, gọi ông Hỗ là ông nội. Năm nay con bé đang học lớp tám.

Bấm đốt ngón tay, cái Hoàng đã học hát Xoan trong trường được ba năm. Trong thực tế, nó đã thích nghe ông hát từ năm sáu tuổi, cái tuổi bắt đầu khám phá thế giới chung quanh. Rồi nó tự bắt chước ông.

Một lần, cái Hoàng nghe ông nội nói chuyện với các anh kép và cô đào:

- Các làn điệu như Quan họ, Trống quân, Cò lả… đều theo thang âm ngũ cung. Riêng hát Xoan còn có thang âm tam cung, tứ cung. Nghĩa là Hát Xoan rất cổ…

Cái Hoàng không hiểu gì, chỉ nhớ thế!

Mùa xuân năm nay, theo lệ, phường Xoan của ông nội cái Hoàng lại hát khai xuân ở đình làng. Ngoài ông Hỗ là Trùm còn có ba kép hát, có tám bà là đào. Phần âm nhạc chỉ có trống con và phách.

Phần hát Thờ được diễn ra trong đình, trước bàn thờ vua Hùng và các thần Thành hoàng. Nền đình là nơi diễn ra hát múa được trải kín bằng mấy chiếc chiếu hoa mới. Sáu đào tham gia hát bài đầu tiên là bài Hát chầu Vua - mời Vua. Qua bài Giáo Trống, Giáo Pháo có hai người kép đảm nhiệm vì phải diễn với những bước chân bước chéo mạnh mẽ, cần đến sức khỏe tốt. Hai bài còn lại là Thơ Nhang và Đóng Đám lại giao cho nhóm đào. Các ông đều mặc áo dài đen, đầu đội xếp khăn đen trang trọng. Tám đào chia phiên nhau hát. Họ đều mặc áo dài tứ thân màu nâu đỏ, váy đụp đen, đầu chít khăn mỏ quạ và chân đi tất trắng. Các đào vừa hát vừa múa, chủ yếu là múa bằng đôi bàn tay rất dẻo và đều nhau.

- Tay nâng một tuần nhang

Dâng lên mà thắp thờ Đại Vương

Giữ làng nhất niệm thông tam giới

Văn võ làng nay cho được sống lâu

Ô vậy nhang đã tiến lên trước án tiền

Mừng làng đây phú quý thọ thiên niên

Ô vậy nhang đã tiến lên đào tôi lui xuống…

Làn điệu hát Xoan tức Quả Cách có đến 13 bài. Trừ mấy bài hát Thờ, trong các Quả Cách khác, kép hát bao giờ cũng cầm trên tay một quyển sách, tạo dáng đưa mắt nhìn vào sách mà đọc, cho dù họ chưa thuộc hay đã thuộc lòng. Các đào hát phụ họa thì buộc phải thuộc hết lời hát và hát rất đều nhau như những bàn tay múa dẻo, những bước chân nhón về phải qua trái của họ.   

Cái Hoàng chỉ biết sơ về hai lối hát Thờ và hát Quả Cách này. Nó hỏi ông nội:

- Cháu nghe một lần ông nội bảo là Quả Cách có đến mười bốn bài nhưng sao ra đình chỉ hát có mười ba?

Ông Trùm Hỗ giải thích:

- Quả là bài hát, Cách là lối hát. Cần hiểu nghĩa là như thế cái đã. Đúng là có mười bốn bài Quả Cách nhưng chỉ hát mười ba vì bài thứ mười bốn bị thất lạc. Gần đây, người ta mới tìm được bài này nhưng ở một nơi xa Phú Thọ, tận chùa Dâu bên Bắc Ninh. Đó là bài Chơi Dâu Cách. Tuy nhiên bài này chỉ hát ở chùa, không hát được ở các đình, đền vì lời hát có chỗ không phù hợp với các ngôi đình.   

***

Hát Xoan ra đời ở đâu? Ngoài truyền thuyết ông Trùm Hỗ kể, cái Hoàng còn nghe cô giáo kể thêm mấy truyền thuyết khác, trong ấy có chuyện vợ vua Hùng có thai nhưng sinh nở khó. Một nàng hầu hiến kế mời nàng Quế Hoa hát hay múa đẹp đến biểu diễn. Bà nghe hát, xem múa xong thì dễ dàng sinh được ba người con trai vào mùa xuân ấy. Vua Hùng mừng rỡ khen thưởng nàng Quế Hoa và dạy các con gái của mình, là các Mị Nương, phải theo nàng Quế Hoa học hát múa. Vua gọi điệu hát múa ấy là Hát Xuân. Sau này vì kỵ húy con gái vua mà dân gian gọi là Hát Xoan.

Cô giáo nói thêm:

- Dù có nhiều truyền thuyết khác nhau về nguồn gốc, nhưng tất cả đều có chung một thời điểm là thời vua Hùng và một địa điểm là vùng đất cổ Phong Châu ngày ấy, tức là vùng Việt Trì, Phú Thọ ngày nay.

Trong lớp khi dạy hát Xoan, cô giáo vừa giữ trống vừa dạy những bài Xoan dễ, dành cho hát hội. Cô bảo các bài hát lễ nghi đều khó hát, lời cổ khó nhớ, cũng chưa phù hợp để học sinh hát, khi nào có điều kiện cô sẽ dạy cho một, hai bài để biết. Muốn hát được những bài này, phải đợi khi lớn lên sẽ thọ giáo số các ông Trùm, đồng thời là nghệ nhân có khả năng truyền đạt.  

Cái Hoàng nói nhỏ với bạn:

- Hát được mấy bài hát hội đã mệt ứ hơi rồi!

***

Ra hát cửa đình gọi là hát hội, là phần mọi người chờ đợi nhất. Phường Xoan làng cái Hoàng có thêm một phường Xoan làng bạn đến dự. Vậy nghĩa là chủ nhà có vai anh (Gọi là Dân), khách là vai em (Gọi là Họ). Theo lệ, trai gái hai làng không được kết hôn với nhau vì đã là anh em.   

Mấy đứa bạn gái chung lớp với cái Hoàng cũng có mặt. Chúng đăng ký hát chung một bài Xoan và được chấp nhận. Dù sao thì ông Trùm Hỗ cũng là Trùm phường Xoan làng nhà, là ông nội cái Hoàng. Ông biết rõ khả năng hát Xoan của cháu gái mình đến đâu.

Nhóm cái Hoàng vừa hát xong thì một nhóm trai làng bên mời hát cùng. Nhóm này đều lớn tuổi hơn nhóm cái Hoàng, mời hát mà có ý thách thức với bài Xin Huê - Đố Huê. Cái Hoàng dí dỏm:

- Các em nhớ hát cho bằng các chị nhé!

Thì đã bảo Dân là vai trên còn Họ là vai dưới mà!

Không áo dài, khăn đội đầu, hai nhóm cứ trang phục đi xem hát cửa đình mà đứng giữa mọi người vây quanh tự nhiên hát.  

- Hái huê ta xá hái huê

Chớ thấy huê tốt mà cầm cả

Một mai huê rữa bán nửa đồng mười

Anh xin nường chút huê hỡi nường

- Trình chường quân tử

Chường chớ đãi môi

Chường bảo duyên tôi ấy huê là gì

Chường thuận huê gì cho thiếp được hay…

Lúc đầu là tiếng vỗ tay làm nhạc phụ họa thay tiếng phách, chẳng bao lâu sau có người đem trống con và phách ra cùng hòa nhịp.

… …

- Anh lại đố thời anh lại giảng qua hòa

Em chả biết thời anh lại giảng có dân làng nghe (Em chả biết thời anh lại giảng có dân làng nghe)

- Huê sim huê mua nó nở trên rừng là bạc bội

Nhược bằng huê lúa nó nở nội đồng không

Nhược bằng huê dứa nó nở bảy tám lần trông

Nhược bằng huê cải nở mùa đông vàng trắng vàng

- Lường ơi lường len hỡi ơi là len…

Hát hội thật vui nhưng rồi cũng phải đến lúc "rã" với bài Xoan "Mò cá" ()

Ba người kép của Phường Xoan chủ nhà giả làm "cá" đứng giữa, chung quanh là các đào đứng thành vòng tròn đóng vai người bắt cá.

- Ừ a… Ba mươi cá đi ăn khao

Mồng một cá ở sông Thao cá về

Mồng hai cá đi ăn thề

Mồng ba cá về cá vượt vũ môn

Làm trai lấy được vợ khôn

Khác nào cá vượt vũ môn hóa… Rồng!

Cái Hoàng không đừng được, nó chạy ra tham gia nhóm nữ. Nhiều người khách cũng nhập bọn, nam nữ gì đều đứng ở vòng ngoài, vỗ tay theo nhịp, vây ba kép "cá" ở giữa để "bắt". Không khí vui nhộn hẳn lên.

- Là vông í a vông tầm, vông vông tầm í a tầm vông

- May ra bắt được cá vàng

Mang lên cung tiến cả làng (yên) bình yên

- Là vông í a vông tầm, vông vông tầm í a tầm vông.

***

Đêm khuya. Dễ chừng trời đã dần về sáng. Thế mà cái Hoàng vẫn tỉnh như sáo, trong lòng cứ tiếc là sao buổi hát Xoan lại phải chấm dứt, mọi người bịn rịn chia tay nhau về làng mình, về nhà mình.

Trước khi ra về, cái Hoàng không quên vào trong đình vái lạy trước bàn thờ vua Hùng. Mùa xuân mới đang đến. Vua Hùng thấy dân làng hát Xoan mừng Tết rộn ràng thế này, chắc thế nào cũng nhớ đến những đứa trẻ chăn trâu ngày xưa hát đồng dao và sẽ ban cho mọi người trong làng một năm mưa thuận gió hòa, có nhiều sức khỏe để làm việc. Và chắc rằng Người cũng phò hộ cho cái Hoàng hát Xoan hay hơn nữa…

K.V

 

 _____________________________ 

1. Bánh nẳng tức là bánh tro, bánh gio, làm bằng gạo nếp ngâm nước tro lá tre, lá tranh… Bánh nẳng không cần thêm muối vì muối đã có sẵn trong tro. Bánh được gói lá rồi đem luộc.

2. Trước đó Hát Xoan bị xếp vào nhóm Di sản Văn hóa Phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Để được công nhận, Di sản phải có tính giá trị, tính cộng đồng trong việc sáng tạo và truyền dạy từ đời này qua đời khác; Di sản có sức sống mạnh mẽ đồng thời có các cam kết bảo vệ nghệ thuật này không bị biến mất trong đời sống hiện đại.


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​