Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
Dòng sông duyên nợ



Ghi chép của nguyễn thái sơn

 (Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai Xuân 2022)

 

Năm 1978, tốt nghiệp trường kỹ thuật địa chất Vĩnh Phú, tôi được điều về công tác ở đoàn địa chất 500N Biên Hoà, rồi về đội thực địa miền Đông, chuyên khảo sát địa chất thuỷ văn các tỉnh Đồng Nai, Sông Bé, Lâm Đồng. Suốt nhiều năm, tôi có dịp trải nghiệm cùng đất, nước và con người Đồng Nai, nhất là vùng thượng nguồn. Đồng Nai thượng bạt ngàn rừng già với đủ loài cây cổ thụ, cùng với muôn vàn hoa cỏ… tạo thành tầng lớp kín, dày, bao phủ mặt đất. Vô số con suối lớn, nhỏ chảy quanh co, len lỏi trong rừng. Trên núi cao hay thung sâu, muôn vàn những mạch nước lớn, nhỏ, thậm chí li ti từ trong lòng đất, phun trào không ngừng nghỉ… Nhiệm vụ của chúng tôi là khảo sát, điều tra địa chất thuỷ văn những điểm lộ, những con suối lớn nhỏ trong lưu vực của dòng sông. Nghĩa là phải đi rất nhiều, rất sâu trong rừng đại ngàn. Hàng năm, cứ mỗi khi mùa khô đến, khoảng cuối tháng 11, chúng tôi lại vào rừng khảo sát. Cuối tháng 5 năm sau, mùa mưa bắt đầu, lại rút quân về Biên Hòa, tổng kết tài liệu và chuẩn bị kế hoạch thực địa cho mùa khô kế tiếp. Cứ thế, những tuyến lộ trình tiếp nối, kéo từ vùng đất này sang miền đất khác. Suốt nhiều năm, cuộc đời tôi theo những tuyến lộ trình khảo sát mà trải nghiệm với cuộc sống, với con người, với thiên nhiên hùng vĩ, đầy gian nan nhưng cũng rất hấp dẫn… Trong ký ức tôi, tầng tầng những kỉ niệm buồn vui với vùng Đồng Nai thượng nói chung và với dòng sông Đồng Nai nói riêng.


songdongnai-ntsvndn.jpg
​Với những khúc sông vẫn mang nét hoang sơ tươi đẹp (Ảnh: internet)


Nghề địa chất luôn phải đối mặt với hiểm nguy, không chỉ đến từ núi cao, vực thẳm, rắn rết, thú dữ… mà còn từ phía con người. Những năm 1978-1980, Phun-rô hợp tác với tàn quân Việt Nam Cộng hoà hoạt động mạnh ở vùng Đồng Nai thượng, chống phá, gây nhiều khó khăn cho chính quyền cách mạng non trẻ. Phun-rô thường là người dân tộc bản địa. Ban ngày họ là người dân sinh sống, làm nương, làm rẫy bình thường, nhưng ban đêm lại làm phỉ chống phá cách mạng, bắn giết bộ đội, cán bộ người Kinh. Công tác địa chất của chúng tôi bị cản trở nhiều. Nếu không có sự hỗ trợ của lực lượng quân sự thì nhiều tuyến lộ trình khó có thể thực hiện được. Nơi này, chỗ kia, đã có những cán bộ địa chất, lâm nghiệp bị bọn phỉ sát hại. 

Đội thực địa miền Đông có 4 tổ. Mỗi tổ có 3 hoặc 4 người. Vào mùa thực địa, xe ô tô chở cả đội tập kết ở một địa điểm nào đó, vùng trung tâm địa bàn khảo sát, rồi các tổ chia nhau theo các hướng khác nhau, đi bộ vô rừng khảo sát theo những tuyến lộ trình đã vạch sẵn trên bản đồ. Những tuyến lộ trình thường kéo dài một vài ngày, đôi khi dăm bảy ngày, hàng chục ngày tùy theo địa hình. Bởi thế, nhiều khi chúng tôi phải hành quân trong rừng thẳm rất lâu. Mỗi người một ba lô, vài bộ quần áo, tăng võng, nồi niêu, mấy lon gạo, dăm con cá khô, gói mắm tôm làm thức ăn… là hành trang. Đặc biệt, bắt buộc, mỗi người đều phải mang theo một khẩu súng quân dụng để tự bảo vệ mình, chống lại lũ phỉ khi cần. Những tuyến lộ trình, nếu may mắn, chúng tôi có thể dừng chân ở một bản nhỏ nào đó, được ăn uống, nghỉ ngơi qua đêm trong những ngôi nhà sàn có bếp lửa ấm cúng. Dân bản rất tốt bụng và cởi mở. Họ luôn đón tiếp chúng tôi một cách ân cần, chân tình. Nếu không gặp bản trên đường đi chúng tôi phải ngủ lại trong rừng. Thường thì chúng tôi mắc võng trên cây, hoặc chọn một doi cát nào đó giống như một ốc đảo giữa suối để ngủ qua đêm. Ngủ những nơi như vậy có thể tránh được thú dữ, rắn rết…

Hiểm nguy là vậy, nhưng mấy lần tôi suýt chết lại không phải từ bọn phỉ hay thú dữ mà vì… sông Đồng Nai. Hôm đó, theo lộ trình, chúng tôi phải vượt sông sang bờ hữu ngạn. Địa điểm vượt sông nơi thượng nguồn, nên dòng sông hẹp và không sâu, nhưng nước chảy khá mạnh. Từ bên này sang bên kia rộng chỉ chừng vài chục thước, dòng sông nhiều chỗ lộ ra những tảng đá lớn, xù xì. Nước trong vắt, nhìn thấy cả những đàn cá tung tăng. Tổ khảo sát của chúng tôi gồm 3 người. Kỹ sư Phí Văn Gừng tổ trưởng, tôi và Thuấn, tổ viên. Chúng tôi bỏ lại Thuấn bên này sông trông coi đồ đạc, tôi với tổ trưởng Gừng bơi sang bên kia, tiếp tục hành trình. Nhìn dòng sông hẹp, nước chảy không quá xiết, tôi hơi có ý chủ quan. Với nữa, trông cách tổ trưởng Gừng bơi chỉ bằng một tay, một tay giơ cao cái sắc-cốt đựng dụng cụ kỹ thuật, mà vẫn di chuyển khá nhẹ nhàng, tôi càng tin chắc là việc bơi lội dễ dàng. Chả là, vừa mấy hôm trước, cũng ở một khúc sông Đồng Nai, đoạn phía dưới, chúng tôi cho nổ một quả mìn đánh cá. Đoạn sông này khá rộng, nên chúng tôi chọn cách ném mìn vô một lùm cây ven bờ, nơi lũ cá thường ẩn náu. Cá nhiều vô kể. Quả mìn tự chế nhỏ thôi mà cá chết nổi lên mặt nước trắng xóa. Tôi biết, những con cá to thường chết chìm, nên cùng với mấy bạn khác lặn xuống đáy sông bắt cá. Cá lóc, cá chép, với các loại cá gì nữa tôi không biết tên gọi… những con rất to, chết xếp lớp quanh những gốc cây, hang hốc dưới đáy sông. Cứ mỗi lần lặn xuống, trở lên tôi lại ôm được vài chú cá thật to. Nhìn thấy Gừng vẫn ngồi trên thuyền, vớt vớt những con cá chết nổi tềnh phềnh, bé tẹo, tôi bảo anh phải lặn xuống đáy mới bắt được cá to. Gừng bảo anh không biết bơi, nên không dám xuống! Vậy mà bây giờ Gừng còn bơi qua sông nhẹ nhàng như thế, tôi ngại gì? 

… Tôi cởi bỏ đồ bảo hộ, chỉ mặc quần cụt, quàng khẩu AK qua vai, một tay cầm sắc-cốt, lò dò lội xuống sông. Khẩu AK khá nặng, tôi biết nó có thể gây nguy hiểm khi bơi, nhưng nó là vật bất ly thân, nên không thể không mang theo. Lội đến lúc nước ngang ngực, tôi uồm xuống bơi. Ngay lập tức tôi bị nước cuốn xuống, chìm nghỉm. Tôi cố ngoi lên nhưng không được. Cố đạp chân thật mạnh. Mấy lần. Vẫn không ngoi lên được. Tôi bắt đầu cảm thấy khó thở. Càng cố vùng vẫy, tôi càng bị nhấn chìm. Hoảng loạn. Tai ù ù, lùng bùng, mắt đổ hoa cà hoa cải. Nước bắt đầu ộc vào miệng, vào mũi. Tôi cảm nhận một cách rất rõ, cái chết đang đến với mình. Một điều gì đó như là một nỗi buồn, nỗi thất vọng vô cùng lớn lao xâm chiếm tâm trí tôi. Chỉ một thoáng thôi, nhưng tôi cảm nhận được rất rõ điều đó. Mãi về sau này, mỗi khi nghĩ lại, tôi vẫn nhớ như in cảm giác đó mà không lý giải được. Tại sao trước cái chết tôi lại có cảm giác buồn đến vậy? Chắc tại tôi còn quá trẻ. Nếu lúc đó tôi chết, hẳn tôi mắc nợ cuộc đời quá nhiều. Còn quá nhiều điều với cuộc đời tôi chưa kịp làm…

Có ai đó nói nhỏ vào tai tôi: “Lặn xuống. Đừng cố ngoi lên. Lặn xuống!” Tôi lập tức lặn sâu xuống đáy sông. Nước cuốn tôi trôi đi, nhẹ bẫng. Tôi chắp hai bàn tay lên che đầu đề phòng va vào đá, lặn xuôi theo dòng. Một lúc sau thoát ra khỏi vùng xoáy, cảm thấy dòng nước chảy nhẹ, tôi ngoi lên, ngóc đầu lên khỏi mặt nước. Mũi mồm tranh nhau thở. “Sống rồi!”. Tôi hân hoan, vui mừng khôn xiết, tự nói với mình.

Một lần đối diện với cái chết khác cũng làm tôi nhớ mãi. Nó là một con rắn hổ chúa rất to, màu xám trắng. Tôi đang chăm chú lấy mẫu nước từ một dòng suối nhỏ chảy trong một cái hang rộng, bỗng cảm giác như có ai đó đang nhìn trộm mình. Cảm giác rờn rợn sau gáy. Giật mình quay lại. Tôi thấy một con rắn khổng lồ, ngóc cái cổ thật cao trên cơ thể dựng đứng, cách chỗ tôi đứng đứng chỉ chừng dăm, bảy mét. Cái đầu nó bành ra, lắc lư, lắc lư; mắt mở to, trừng trừng nhìn tôi. Tôi gần như chết lặng, toàn thân căng cứng, bất động. Lúc lâu sau, tôi dần lấy lại bình tĩnh. Một cách bản năng, tôi đưa tay sờ khẩu AK vẫn đeo trên lưng. Nhưng linh cảm mách bảo tôi, không nên gây hấn với con rắn. Có vẻ như nó không có ý tấn công tôi. Chắc là tôi đã xâm phạm hang ổ của nó. Con rắn vẫn đứng nguyên tại chỗ. Lắc lư, hăm dọa. Nếu nó có ý tấn công chắc chắn tôi đã chết. Tôi nhìn con rắn, vừa quan sát xung quanh đề phòng, từ từ đi giật lùi về phía cửa hang…   

Những năm về sau thời tiết thay đổi nhiều. Ranh giới giữa mùa khô với mùa mưa không còn rõ ràng nữa. Có năm mùa mưa đến rất sớm. Cuối tháng tư đã xuất hiện những cơn mưa đầu mùa. Những cơn mưa đến rất bất ngờ và dữ dội. Đáng sợ nhất là những cơn mưa rừng. Trời đang nắng chang chang, bất chợt gió nổi lên à à như có đàn voi rừng chạy qua. Và mưa. Mưa ầm ầm. Mưa như thác đổ. Trời đất tối sầm lại. Cả một vùng rừng núi như bị chôn vùi trong nước. Những lần gặp mưa, nếu không nhanh chân chúng tôi sẽ bị kẹt lại đâu đó trong rừng. Nếu ở đó có dòng suối chảy qua thì càng nguy hiểm hơn. Chỉ trong chốc lát, dòng suối trong vắt, đang nhẹ nhàng chảy bỗng biến thành con lũ đục ngàu, nước ngập tràn bờ, chảy băng băng, cuồn cuộn, cuốn phăng mọi thứ theo dòng. Không thể vượt suối, nhưng ở lại thì chúng tôi có thể chết vì lạnh, vì mưa. 

… Tôi và Kim đã thoát chết trong một trận mưa rừng như vậy. Kim là công nhân mới được cơ quan tạm tuyển, cùng với nhiều người khác, để tăng cường cho các đội thực địa. Kim được cử về tổ tôi thay Thuấn. Kim là dân Sài Gòn, chưa từng quen nắng mưa, rú rừng, gian khổ. Hôm đó, chúng tôi đang đi khảo sát, bỗng nhiên bóng tối đổ sụp xuống cánh rừng. Và mưa ập đến. Rất nhanh. Chúng tôi vội vàng thu dọn đồ đạc, chạy nhanh ra phía cửa rừng. Phía đó, có con đường lớn và có chiếc ô tô đang đợi chúng tôi. Mưa ngập trời. Những hạt mưa lạnh buốt quất vào mặt đau điếng. Đi được một thôi, Kim không chịu nổi. Người nó ướt sũng, run cầm cập, hai hàm răng đánh vào nhau côm cốp. Tôi vừa xốc nách Kim, vừa động viên nó, cố bước. Nếu Kim không đi nổi chúng tôi sẽ bị mắc kẹt lại phía bên này dòng suối và rồi không biết điều gì sẽ xảy ra. Tôi bảo Kim cởi ba lô và khẩu súng để tôi mang hộ. Khi tôi đang loay hoay giúp Kim thì Gừng quay lại, bảo: anh sẽ chạy về trước để kêu người tới hỗ trợ. Tôi định nhờ Gừng mang giúp một khẩu súng, nhưng chưa kịp gỡ ra thì bóng Gừng đã mất hút sau làn mưa. Kim mỗi lúc một yếu hơn. Người nó như cái bánh đa nhúng nước, rũ xuống. Lúc này, nếu tôi bỏ Kim lại, tôi biết nó sẽ chết. Nếu tôi dìu Kim đi không biết đến bao giờ chúng tôi mới qua được suối?! Tôi đem tất cả đồ đạc gói vào ni-lon, dấu sau một gốc cây, rồi nói Kim ôm cổ để tôi cõng về. Nó nặng lắm. Mưa mỗi lúc một to, đường rừng nhão nhoẹt, trơn truội. Tôi nghiến răng cõng Kim dò từng bước. Kim nằm trên lưng tôi, run bần bật, miệng rên hừ hừ…

Sau trận mưa rừng đó, Kim sốt rét ác tính không qua khỏi. Nó chết ở tuổi 20. Tôi cũng bị sốt rét. Những năm đó, hầu như dân địa chất chúng tôi, tất cả vẫn còn rất trẻ, nhưng đều bị sốt rét. Riêng tôi, phải vào viện điều trị đến 7 lần. Sốt đến nỗi người khô khốc, tóc quăn tít. Có lần, vừa ra khỏi cổng bệnh viện Thống Nhất - Biên Hoà, trông thấy một bà bán chanh, háo quá tôi mua cả rổ, ăn hết luôn một lần 27 quả trước sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng của bà bán chanh…

Rồi công việc khảo sát địa chất thủy văn khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai cũng kết thúc. Sang thập niên 90 tôi tham gia phương án khảo sát vùng Biên Hoà, Long Thành, Vũng Tàu. Lại có dịp trở lại hạ lưu sông Đồng Nai. Sông ở đây rộng, không có thác gềnh như vùng thượng lưu, tàu bè đi lại khá tấp nập. Một điều may mắn đến với tôi. Cuối năm 1999, Hội Văn nghệ tổ chức cuộc thi viết về Công an đường thủy Đồng Nai và tôi được mời tham gia. Ban tổ chức cuộc thi bố trí cho các nhà văn, nhà thơ đi thực tế một chuyến từ thành phố Biên Hoà ra đến cửa sông Đồng Nai bằng một chiếc tàu thuỷ. Vậy là tôi có dịp trải nghiệm suốt dọc con sông từ đầu chí cuối. Cửa sông là nơi con sông hoà mình vào với biển, kết thúc một vòng đời sông. Trời nước mênh mang… 

… Giờ đây, sau hơn bốn chục năm công tác, dừng lại những chuyến hành trình để nghỉ ngơi, những buổi chiều đẹp trời tôi vẫn thường mang cần câu ra bờ sông Đồng Nai, vừa nhìn ngắm tàu thuyền ngược xuôi, vừa ngồi câu kỷ niệm xưa. Đôi bận, kí ức ùa về, nôn nao, xúc động đã cho tôi cảm hứng để tôi có thể viết nên những trang văn về những năm tháng nhọc nhằn lặn lội với dòng sông. Mới đây, từ cảm hứng đó, tôi đã viết ca khúc “Về bên em sông Đồng Nai” (phổ thơ Nguyễn Sông Trẹm), mà tôi rất tâm đắc. Tôi xin lấy một câu để làm cái kết cho tản văn này:

“Dòng sông qua phố bồi hồi

Tóc mây em buộc một đời cùng nhau…”

N.T.S


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​