Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 2030)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
Ngẫm từ việc thi cử ngày xưa


Bài viết của Lê Đăng Kháng

(Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai Xuân 2022)


Ngay từ thời nhà Lý, nhà Trần việc học và thi cử ở nước ta đã được chú trọng. Chỉ tính trong gần 4 thế kỷ của hai triều đại này đã tổ chức được 15 khoa thi cấp Nhà nước, tức thi Đình, lấy được trên 60 người đỗ Đại khoa. Nhưng phải đến thời Hồng Đức, việc học và thi cử nước ta mới đi vào phép tắc chặt chẽ, khoa học, tuyển dụng được nhiều nhân tài cho đất nước.

Thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) lấy niên hiệu Hồng Đức, là thời kỳ phong kiến cực thịnh của Đại Việt.

Trong 38 năm trị vì, triều đình đã tổ chức được 12 khoa thi Đình, lấy trúng cách 501 người đỗ Đại khoa. Gồm 9 Trạng nguyên, 10 Bảng nhãn, 10 Thám hoa, 159 Hoàng giáp, còn lại là đồng Tiến sỹ.

Nhà vua chú trọng việc cải cách nội dung học và thi cử, bổ dụng:

Bên cạnh Nho học phát triển, nội dung các môn thiên văn, toán pháp cũng được chú trọng để đào tạo quan lại có trình độ kiến trúc, xây dựng…

Việc bổ nhiệm quan lại: Bãi bỏ bổ nhiệm con em các thân vương quí tộc vào các chức quan mà chưa qua thi cử. Mọi thí sinh nhất nhất phải đỗ các kỳ thi Hương, thi Hội mới được dự kỳ thi Đình. Đỗ kỳ thi Đình mới được bổ làm quan. Ai đỗ hạng ưu sẽ được bổ vào chức quan tại các bộ. Nhưng có kỳ thi vua trực tiếp khảo hạch. Thí dụ: Khoa thi Đình tháng 4 năm 1496, vua Lê Thánh Tông cho triệu thí sinh vào cung coi nhân tướng, trắc nghiệm về Luật trị nước. Năm đó, vua đánh trượt 11 người. Điều đó chứng tỏ việc kén chọn hiền tài thời xưa nghiêm cẩn đến mức nào. Còn hạng người phạm tội phản nghịch, bất hiếu, bất nghĩa, loạn luân đều không được dự các kỳ thi.

Nhận định về kết quả thi cử thời Hồng Đức, Phan Huy Chú nhận xét:

“Khoa cử các thời thịnh, nhất là thời Hồng Đức. Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng, đời sau không thể theo kịp”.

Về qui chế trường thi: Coi sóc chung có các quan chánh, phó chủ khảo. Tuyên đề: do các giám quan. Cử soát bên ngoài là quân Kim ngô, do các quan Ngự lâm chịu trách nhiệm. Quan Ngự lâm không được cầm, dòm nom quyển thi. Ai vi phạm đều bị trị tội.

Chế độ thi cử tiến bộ, bổ nhiệm người đỗ đạt thời Hồng Đức công bằng, ảnh hưởng rất tích cực sang thời Lê Trung hưng. Do đó, năm Chính Hòa thứ 14 năm 1693, triều đình qui định: “Từ nay phép nước nhất nhất dùng thể văn Hồng Đức. Lúc làm bài văn thì tùy theo câu hỏi, cốt dụng ý của mình mà viết ra. Hơi văn hồn nhiên, không viết trầm theo thể cũ. Làm cho người có học phải làm đủ quyển, không còn sức đâu mà làm hộ người khác. Kẻ dốt chỉ lo không làm đủ quyển nên không dám đi thi”.

Thờ Lê Trung hưng, tiếp tục cải cách sâu rộng chế độ thi cử. Văn sách giảm bớt các điểm mục rườm rà, cầu ở điều thiết thực với đời. Văn cổ thì hỏi đại lược phải trái để biết học lực nông, sâu. Văn kim thì hỏi về thời vụ, cơ nghi để xem mưu trí cao thấp, chứ không đề cao lối văn sáo rỗng, không nắm được điều cốt yếu. Người đỗ Đại khoa khi ra làm quan đều có sẵn cái học để “tu - tề - trị - bình”, hiền tài cùng tiến mà thế đạo càng sáng tỏ.

Qui chế trường thi chặt chẽ là thế, song không phải thời Lê - Trịnh không xảy ra các vụ án gian lận thi cử. Điển hình là vụ quan phó chủ khảo Ngô Sách Tuân nâng điểm cho Lê Thuyên, con trai quan Tể tướng Lê Hy trong kỳ thi Hương năm 1696 được trúng cách. Sự việc bị phát giác. Triều đình khép vào tội trảm. Sau được giảm xuống tội giảo (được thắt cổ chết), vì Sách Tuân đương chức Hữu Thị lang Bộ lại. Tể tướng Lê Hy cùng con trai Lê Thuyên bình an vô sự. Các quan đồng triều ngậm ngùi thay cho Ngô Sách Tuân, mà rằng: “Sách Tuân vì chút tư lợi riêng mà thiệt mạng. Còn kẻ tố giác là quan Tham chính Phan Tự Cường chỉ dám tố cáo Sách Tuân, mà không dám tố cáo cha con Lê Hy, thật chẳng khác kẻ gian lận”.

Quan chủ khảo Ngô Hải cùng các quan coi thi nhất loạt bị giáng một chức. Khoa thi Hội năm 1775, Lê Quí Kiệt con trai Lê Quí Đôn, cùng Đinh Thì Trung đổi quyển cho nhau, vì Thì Trung học giỏi hơn Quí Kiệt. Việc bại lộ. Đinh Thì Trung bị lưu đầy 3 năm ở Quảng Yên. Lê Quí Kiệt bị giam lỏng vài tháng rồi được tha.

Năm 1841, ở Đàng trong Cao Bá Quát cũng chữa bài, nâng điểm cho Trương Đăng Trinh, cháu ruột của đại thần Trương Đăng Quế. Việc bị phát giác, Quát bị khép vào tội trảm. Sau vua Thiệu Trị xét lại, cho giảm xuống giam hậu. Hơn nữa, bài của Trương Đăng Trinh là bài văn hay, song vì có vài lỗi nhỏ, Quát thấy tiếc, bèn sửa cho chứ không có ai gửi gắm gì cả. Cao Bá Quát sau được tha, đi sứ Indonesia lập công, về được thăng thưởng.

Hiểu xưa để vì nay. Ngô Sách Tuân, Cao Bá Quát mỗi viên quan trường thi này chỉ mới nâng điểm cho một thí sinh mà phạm tội “trảm”. Ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, người ta có cả một “ê-kip” sửa bài thi, nâng điểm cho hàng trăm thí sinh. Họ chỉ vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà hành động bất chấp pháp luật. Nếu trót lọt, hàng trăm quí tử này tốt nghiệp Đại học. Bổ nhiệm lại “đúng qui trình”. Với tâm thế ấy, họ cống hiến gì cho đất nước?

Hàng ngàn phụ huynh có quyền hoài nghi, rằng còn bao nhiêu thí sinh nữa cũng “nhúng chàm” đã lọt vào Đại học? Còn bao nhiêu “quan trường thi” khác ung dung thoát án? Bộ Giáo dục và Đào tạo, dù đã muộn, nên dũng cảm cải cách chế độ thi cử. Nên bắt đầu từ việc thi cử thực sự để kén chọn nhân tài, bồi dưỡng nguồn nhân lực, gắn với nền hưng thịnh của quốc gia.

L.Đ.K


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​