Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
MỘT TẤC BIỂN CẮT RỜI, VẠN TẤC ĐẤT ĐỚN ĐAU

 

 

Bài viết của Bùi Quang Tú

 


Nguyễn Việt Chiến là nhà thơ, anh công tác ở báo Thanh Niên (nay đã nghỉ hưu). Năm 2009 sau khi đi dự một trại sáng tác do quân đội tổ chức, anh đã viết bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” trong một ngày. Chọn một góc nhìn về Tổ quốc như tên bài thơ đã nêu Nguyễn Việt Chiến đã có tầm nhìn bao quát về lịch sử và hiện tại của Tổ quốc và về biển đảo. Bài thơ được tuôn trào từ những cảm xúc tích tụ, dồn nén, thể hiện bằng những hình ảnh chân thực, sống động, gợi cảm. Vì thế bài thơ đã mau chóng chinh phục được lòng người. Mở đầu anh đã gợi lên sự tích về cội nguồn dân tộc Việt Nam. Lạc Long Quân đưa 50 người con xuống biển, Âu Cơ đưa 50 người con lên núi để sinh sống. Từ vị thế của đất nước ngày hôm nay khi có kẻ đang hung hăng bành trướng chiếm biển đảo của Tổ quốc ta Nguyễn Việt Chiến đã viết những vần thơ đầy trăn trở và quyết tâm bảo vệ biển đảo:

                                    Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển

                                    Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng

                                    Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa

                                    Trong hồn người có ngọn sóng nào không

 

                                     Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa

                                     Lạc Long cha nay chưa thấy trở về

                                     Lời cha dặn phải giữ gìn từng thước đất

                                     Máu xương này con cháu hãy nhớ ghi


tai-hinh-anh-avatar-la-co-viet-nam-dep-nhat-19.jpg
Giữ vững ngọn cờ (ảnh: internet)


         Với cách nhìn sắc sảo vào lịch sử giữ nước anh đã có những câu thơ rất hay viết về chiến công hiển hách của cha ông ta đánh tan kẻ xâm lược đến từ phương Bắc:

                                    Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa

                                    Đã mười lần giặc đến tự biển Đông

                                    Những ngọn sóng hóa Bạch Đằng cảm tử

                                    Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng

           Đang xiết bao tự hào về chiến công rạng rỡ của dân tộc ta Nguyễn Việt Chiến lại viết với nỗi đau quặn thắt khi hồi nhớ tới những chiến sĩ cảm tử đã lấy thân mình bảo vệ hòn đảo Gạc Ma:

                                    Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo

                                     Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn

                                     Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy

                                     Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân

     Khổ thơ cuối là một lời khẳng định: dân tộc Việt Nam đã đổ bao xương máu để có biển trời ngày hôm nay, cho nên “quyết không để mất một tấc đất, một tấc biển”- như lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói. Hình ảnh “Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi” thể hiện sức sống, tinh thần quật cường của dân tộc:

                                      Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát

                                      Máu xương kia dằng dặc đến ngàn đời

                                      Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất

                                      Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi

          Viết bài thơ này Nguyễn Việt Chiến đã vượt qua nỗi đau riêng để nói lên nỗi đau và khát vọng của dân tộc. Phải có một tình yêu Tổ quốc dạt dào, một niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của dân tộc Việt mới có thể viết được bài thơ để đời như vậy.

       Ra đời sau bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến hai năm, bài thơ “Tổ quốc gọi tên” của Nguyễn Phan Quế Mai - một nhà thơ đang sống và làm việc ở nước ngoài lại chọn một góc nhìn khác. Từ cái tôi của tác giả thổn thức trước vận mệnh của Tổ quốc vì “kẻ lạ mặt” đang chăng lưới, bủa vây:

                              Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình

                               Bằng tiếng sóng Hoàng Sa, Trường Sa dội vào ghềnh đá

                               Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả

                                Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây

Kẻ lạ mặt với những thủ đoạn hèn hạ, những hành vi ngang nhiên trắng trợn xâm phạm chủ quyền khiến chúng ta vô cùng đau đớn:

                               Ngày hôm nay kẻ lạ mặt rập rình

                               Chúng ngang nhiên chia cắt tôi và Tổ quốc

                               Chúng dẫm đạp lên dáng hình đất nước

                               Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau

Tổ quốc Việt Nam bao gồm đất liền và biển đảo. Biển đảo là một phần  tươi đẹp, trù phú của cơ thể Việt Nam. Từ ngàn đời nay, biết bao xương máu của người dân Việt đã đổ ra để giữ từng tấc biển. Với dã tâm hòng chiếm trọn biển Đông, cho rằng biển Đông là lợi ích cốt lõi, họ đang từng bước biến cái gọi là “đường lưỡi bò” phi lý thành hiện thực bằng cách cắt rời dần từng tấc biển Việt Nam. Không chỉ đớn đau, nhức nhối mà người dân Việt Nam còn căm giận sục sôi vì bị mất mát, xúc phạm. Tôi chợt nhớ tới những câu thơ cách đây 50 năm – vào năm 1964 của nhà thơ Chế Lan Viên trong bài thơ “Sao chiến thắng”:

                             Hãy cứ đo bể ta bằng luật điều quốc tế

                             Trời xanh ta xanh bao nhiêu hải lý

                              Nhưng chớ đo lòng căm giận chúng ta

                              Máu hơn ba chục năm trời ta đã đổ ra

Những câu thơ vang vọng ấy viết ngay trong những ngày đầu Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc. Ngày nay hoàn cảnh, tình hình có khác nhưng lòng yêu Tổ quốc, trách nhiệm của mỗi người Việt Nam với Tổ quốc thì không bao giờ thay đổi:

                           Chín mươi triệu môi người thao thức tiếng “Việt Nam”

                         Chín mươi triệu người lấy thân mình chở che Tổ quốc linh thiêng

                            Để giấc ngủ trẻ thơ bình yên trong bão tố

                            Ngọn đuốc hòa bình trên tay rực lửa

                            Tôi lắng nghe

                                     Tổ quốc

                                             gọi tên mình

Những vần thơ này lay động ý thức công dân của tác giả và tất cả những ngươi dân Việt trong và ngoài nước. Ngày thường chúng ta có thể “ngủ yên trong đời chật” nhưng bây giờ được thức tỉnh bởi tình cảm rất đỗi linh thiêng: tình yêu với Tổ quốc. “Chín mươi triệu người lấy thân mình chở che Tổ quốc linh thiêng”. Người Việt Nam sẵn sàng lấy thân mình bảo vệ Tổ quốc. Bài thơ này đã được nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ nhạc và lan truyền trên sóng phát thanh, truyền hình.                                              

                                                                                 B.Q.T


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​