Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
Vài kỷ niệm với nhà văn Lê Văn Thảo


Bài viết của nhà văn Bùi Quang Tú

Năm 1973 tôi vượt Trường Sơn vào Tây Ninh - căn cứ của Trung ương cục miền Nam theo đoàn quân giáo dục. Chú Năm Diêu (Dương Văn Diêu) - ba của nhà văn Lê Văn Thảo - là Trưởng tiểu ban giáo dục miền Nam ký quyết định điều động tôi xuống Biên Hòa.

Vốn đam mê văn học, tập viết đủ thể loại mà chưa ra tấm ra món gì cả, vào chiến trường tôi hào hứng viết. Hồi ở Ban tuyên giáo Biên Hòa (đóng quân ở Long Thành) ngày đi làm rẫy đêm về ngồi bên bờ suối chảy róc rách bấm đèn pin ngồi trên võng viết. Một thời gian sau tôi được biệt phái sang Trường văn hóa huyện Thống Nhất (đóng ở xã Cây Gáo, nay thuộc huyện Trảng Bom), bên bờ sông Đồng Nai. Cưa gỗ đóng bàn ghế, làm kèo cột, tải gạo, đào hầm hào và dạy học liên miên mà vẫn không quên việc viết. Hồi ấy ở trường có một nữ nhân viên là người Công giáo di cư tham gia cách mạng, đây là một trường hợp rất hiếm, tôi hư cấu thêm viết thành truyện “Chị Ngần”. Sau đó còn viết thêm vài cái ký nữa. Nhưng chẳng có cách nào gửi lên cho báo Văn nghệ giải phóng. Gửi theo đường giao liên thì lo thất lạc, cũng không có ai lên Tây Ninh mà nhờ. Rồi dịp may cũng đến, tôi được cử đi họp hội nghị giáo dục toàn miền Nam vào đầu năm 1975. Họp ở Lò Gò tôi tranh thủ mượn cái xe đạp tòng tọc không chuông không chắn bùn gò lưng đạp tới Hội văn nghệ giải phóng.


nha_van Lê Văn Thảo.gif
Chân dung nhà văn Lê Văn Thảo (ảnh P.H)


Hồi còn ở Tây Ninh tôi đã đến thăm vợ chồng nhà văn Anh Đức, nhà thơ Giang Nam, nhà viết kịch Ngô Y Linh (Nguyễn Vũ), đạo diễn Hồng Sến. Nhưng chưa gặp nhà văn Lê Văn Thảo. Anh Lê Văn Thảo là một khuôn mặt đặt biệt trong Hội văn nghệ giải phóng. Không phải là tập kết rồi trở về như Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Chí Hiếu, Diệp Minh Tuyền. Cũng không là miền Bắc tăng cường như Lê Quang Trang, Trần Thị Thắng, Hà Phương. Càng không phải là nhà văn hoạt động cách mạng tại chỗ như Lý Văn Sâm, Viễn Phương... Anh là sinh viên từ ngoài thành vào, mãi tới 1965 mới cầm bút viết văn. Hồi còn ở Hà Nội tôi đã đọc tập truyện ngắn “Đêm Tháp Mười” như hình dung ra cuộc sống và chiến đấu của những con người miền Tây Nam bộ gan góc, hào phóng, chân thành và hồn nhiên giữa vùng mênh mông sông nước. Tôi rất mong được gặp anh để học hỏi. Và tôi đã được gặp. Theo chỉ dẫn của nhà văn Thạch Cương tôi lần theo lối  mòn và gặp một người dáng nhỏ nhắn đang ngồi trên võng cặm cụi viết trên cái bàn gỗ mộc, bên bụi cây bông trang hoa nở trắng muốt. Trời nắng gay gắt cũng mặc, những con chữ cứ lần lượt nẩy nở trên trang giấy. Tôi giới thiệu lí nhí. Nhà văn Lê Văn Thảo ngước nhìn tôi - thằng em Hà Nội đang sống và dạy học ở nơi bom pháo rền vang, giặc giã liên miên, làn ranh sống chết rất mong manh. Anh chỉ tôi ngồi xuống cái thùng đại liên. Tôi rụt rè lôi từ túi dết ra mấy cái bản thảo việt trên giấy kẻ học sinh, đặt lên bàn: “Em đang tập viết, nhờ anh đọc và góp ý”. Nói để tạo sự quen biết thôi, chứ xa lắc xa lơ, phương tiện chẳng có làm sao mà trao đổi. Ngồi lâu sẽ chặn mạch viết của anh, tôi cáo từ đạp xe về, lòng vui vì đã gặp được nhà văn đàn anh. Cũng chẳng có hy vọng  gì được đăng tải, thế mà một tháng sau, đi dạy học về thấy t báo Văn nghệ giải phóng nằm trên chiếc bàn tre. Tôi cầm lên. Truyện ngắn “ Chị Ngần” được đăng ở ngay trang giữa, tay tôi run bần bật, không tin ở mắt mình nữa. Hì hục viết cả mấy năm trời lần đầu tiên  được đăng cái truyện ngắn. Tôi bước đi lang thang ở giữa cánh rừng, lắng nghe tiếng chim hót líu lo như chào mừng, nhìn những bông hoa rừng nở nụ cười chúm chím… Chỉ một truyện ngắn thôi tôi đã lọt vào đội ngũ cộng tác viên của báo Văn nghệ giải phóng. Tháng 4- 1975 tôi nhận được thư đánh máy mời viết bài về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chưa kịp gửi thì đã giải phóng miền Nam.

Mối nhân duyên giữa nhà văn Lê Văn Thảo và tôi cứ thế mà nhân lên mãi. Sau gỉai phóng ra Hà Nội anh đến tận nhà thăm ba tôi - nhà văn Bùi Hiển. Rồi anh làm Phó tổng biên tập báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, tôi cộng tác thường xuyên ở đấy. Có lần đi lấy nhuận bút lại gặp anh. Vẫn thấy anh cặm cụi viết, nhưng lần này không phải ngồi trên chiếc võng mà trên bộ xa lông, không phải viết trên bàn gỗ mộc mà trên chiếc bàn mặt kính. Anh là nhà văn cần mẫn cày trên trang giấy. Thăm hỏi đôi ba câu lại cáo lui để anh tiếp tục niềm đam mê với chữ nghĩa.

Năm 2008 anh lên Hội văn nghệ Đồng Nai nói chuyện về chiến dịch  Tết Mậu Thân 1968 mà anh là một nhân chứng lịch sử. Trong cuộc Tổng tấn công như vũ bão ấy anh may mắn thoát khỏi cửa tử, người bạn thân của anh - nhà thơ Lê Anh Xuân - đã vĩnh viễn nằm lại. Gặp lại tôi anh mừng rỡ reo lên, trong câu chuyện phiếm bên lề buổi nói chuyện anh nhắc tới ba thằng bạn: Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Đỗ Chu - những người đã cùng anh tu nghiệp ba tháng ở trường viết văn Goóc-ki trên đất nước Liên Xô cũ. Lần nào gặp anh tôi cũng hỏi thăm về chú Năm Diêu - thủ trưởng giáo dục của tôi và là cha anh. Gia đình anh trước 1975 thuộc hai chiến tuyến. Ba anh tham gia cách mạng, bác ruột là tổng thng Dương Văn Minh, người đã tuyên bố đầu hàng quân cách mạng. Năm 2013 sau nhiều năm tháng miệt mài viết tôi mới quyết định xin vào Hội nhà văn. Anh lại tận tình giới thiệu. Đến nhà thấy anh mặc một chiếc áo ca rô và chiếc quần trắng như thể chuẩn bị đón đoàn khách nào tới. Anh bảo: “Anh đọc báo Văn nghệ thấy em viết nhiều, đọc thì thấy em đã thành nhà văn rồi đấy”. Anh nói thêm: “ Anh đang tập trung cho cuốn tiểu thuyết, chỉ đến Tết mới viết cho Văn nghệ”. Anh tặng cuốn “Những năm tháng nhọc nhằn” viết về thời sinh viên  rồi tạm biệt tôi vì Đài truyền hình thành phố nhân làm bộ phim về nhà văn Nguyễn Quang Sáng sắp tới phỏng vấn anh.

Nhà văn Lê Văn Thảo là người sống chân thành, tình cảm với bạn bè, đồng nghiệp và lớp đàn em. Do điều kiện kinh tế gia đình anh không phải vất vả mưu sinh như một số nhà văn khác nhưng anh luôn sống giản  dị, hòa đồng, sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Ngòi bút của anh luôn hướng về những ký ức thời chiến tranh với nghĩa tình đồng đội, đồng bào, gợi lên vẻ dẹp bình dị nhân ái của những người lao động bình thường sau chiến tranh và sự trăn trở khôn nguôi về sự suy thoái đạo đức, lối sống hiện nay. Dù kẻ Bắc người Nam anh luôn đối xử với tôi như một đứa em thân thiết.

Anh lặng lẽ ra đi giữa đêm khuya sau một thời gian dài chống chọi với bạo bệnh khi bao dự định sáng tác còn dang dở khiến bao đồng nghiệp, bạn bè, người thân vô cùng tiếc nuối…

B.Q.T

 

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​