Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHUNG MỘT NGUỒN CỘI, CHUNG MỘT TƯƠNG LAI…


Bài viết của Thái Công

 

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm…”


Cứ mỗi dịp Giỗ tổ Hùng Vương, tôi lại nhớ đến câu ca dao trên mà ngày thơ ấu mỗi lúc trưa hè nội thường đọc cho tôi nghe. Là một người con xứ Quảng, hiện sinh sống và làm việc trên mảnh đất Đồng Nai, tiếc rằng tôi vẫn chưa có dịp đến viếng thăm Đền Hùng ở tỉnh Phú Thọ nhưng tôi cũng như mọi người dân đất Việt khác đều hướng về đất tổ, hướng về cội nguồn của dân tộc, không chỉ trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương.


04.JPG
Khung cảnh lễ giỗ tổ Hùng Vương tại 
Công viên Văn hóa Hùng Vương (thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom)



Trong tâm thức, tôi luôn tự hào mình là dòng dõi con Rồng, cháu Tiên, mang trong mình dòng máu Lạc Hồng. Sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, ngày hôm nay (10 tháng 3 âm lịch năm Nhâm Dần), tôi có dịp tham gia Lễ Giỗ tổ Hùng Vương tổ chức tại Công viên Văn hóa Hùng Vương ở thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom. Phải nói rằng, không khí của Lễ Giỗ tổ trang nghiêm, thành kính và có phần rộn ràng của buổi lễ khiến tôi có cảm giác lâng lâng vừa tự hào vừa hãnh diện mình là con dân đất Việt, con cháu Hùng Vương. Tôi càng thấy thấm thía hơn về lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa trong buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong (Sư đoàn 308, Quân đoàn 1) chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô Hà Nội tại Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng (thuộc núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ): "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước!"

Để đất nước có được cảnh an vui, thái bình như ngày hôm nay, đó là kết quả của sự hy sinh của không biết bao nhiêu thế hệ người Việt đã chiến đấu, ngã xuống, dựng xây cho sự trường tồn, phồn vinh của đất nước. Trong tâm trí mình, tôi tưởng tượng ra hình ảnh của một vị Vua Hùng ngày xưa với dáng dấp oai nghiêm, thân thể rắn chắc, tóc bạc phơ đang chỉ đạo và cùng người dân nước Văn Lang làm thủy lợi, trồng lúa, dựng nhà, phòng thủ quân xâm lược… Rồi  hình ảnh của những thế hệ người Việt sau đó, tiếp nối công đức của Quốc tổ Hùng Vương tiếp tục sự nghiệp bảo vệ, dựng xây nước nhà. Trong hư vô, tôi như nghe thấy tiếng vang “Sát Thát!” đầy hào khí Đông A của quân dân nhà Trần, dưới sự dẫn dắt của Hưng Đạo Vương khi tiến quân đánh giáp lá cà với quân Nguyên Mông xâm lược; hay tiếng trống trận, tiếng hò reo của nghĩa quân Tây Sơn trong mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), khi đánh tan quân xâm lược Mãn Thanh…cho đến hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng chiến thắng tung bay phấp phới trên nóc nóc hầm Điện Biên Phủ chiều mùng 7-5-1954, cảnh non sông thống nhất thu về một mối vào mùa Xuân đại thắng năm 1975.

Về mặt khoa học lịch sử, trong giới nghiên cứu vẫn có những tranh luận với các quan điểm khác nhau về thời gian tồn tại của các đời Vua Hùng, số đời Vua Hùng có phải 18 hay không, sao lại chọn ngày 10-3 âm lịch làm ngày Giỗ tổ? Những ý kiến, tranh luận ấy đều rất đáng trân trọng nhằm làm rõ hơn lịch sử nước nhà. Nhưng theo quan điểm, góc nhìn của tôi, về mặt lịch sử thì triều đại Hùng Vương có thể có sự không trùng khớp của các nghiên cứu khác nhau, nhưng điều quan trọng hơn, hình tượng Hùng Vương là sản phẩm kết tinh của văn hiến hơn bốn ngàn năm của dân tộc. Nhớ về Quốc tổ Hùng vương không chỉ là giới hạn trong phạm vi của triều đại Hùng Vương mà còn ngược dòng xa hơn là tôn vinh Quốc tổ Lạc Long Quân Tổ Mẫu Âu Cơ với sự tích “Trăm trứng trăm con” cũng như là dịp để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng dân tộc, các thế hệ tiền nhân đã hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc từ ngàn xưa cho đến hôm nay. Thế nên, ngày giỗ tổ Hùng Vương là ngày giỗ chung của dân tộc Việt Nam, dù là người Kinh hay đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào trong nước hay hải ngoại đếu hướng về.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đất nước ta từ thuở hồng hoang dưới sự lãnh đạo của các Vua Hùng cho đến thế kỷ hai mươi mốt hiện nay, vận nước dù lúc thịnh lúc suy, lúc chiến tranh hay hòa bình nhưng có một điều hiển nhiên và đã được lịch sử đã chứng minh cho câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Lịch sử Việt Nam đã cho thấy câu nói của Người hoàn toàn chính xác, qua các minh chứng như âm mưu đồng hóa người Việt thời 1000 năm đô hộ giặc Tàu”, chia cắt cả nước làm ba kỳ khác nhau dưới thời Pháp thuộc, hay âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta của ngoại bang trong thời kháng chiến chống Mỹ. Lịch sử đã cho thấy tất cả các âm mưu chia cắt đất nước ta của các thế lực thù địch đều thất bại.

Tôi đã nghe một vài câu chuyện trong chiến tranh do một số cựu chiến binh kể lại, trong một số trận đánh, khi bắt được tù binh chiến tranh bị thương là lính trong quân đội chế độ Sài Gòn cũ, những người lính phía cách mạng vẫn tận tâm, chăm sóc cứu chữa những người lính ở bên kia chiến tuyến. Tôi từng xem một bộ phim về chiến tranh, trong đó có một đoạn hội thoại mà tôi nhớ rõ là một chỉ huy của Quân đội cách mạng đã nói với chiến sĩ thuộc cấp của mình về trường hợp một người lính quân đội Sài Gòn bị thương rằng: “Hãy cứu chữa cho anh ta, dù gì anh ta cũng là người Việt Nam”. Điều đó nói lên rằng dù trong hoàn cảnh chiến tranh, dù ở thế đối đầu nhưng người Việt Nam trong bối cảnh nào cũng luôn nghĩ đến đồng bào của mình.

Giỗ tổ Hùng Vương năm nay, đất nước đã bước vào trạng thái bình thường mới. Dịch bệnh vẫn còn nhưng khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh Đồng Nai đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Điều này minh chứng cho việc với sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, tinh thần tương thân tương ái, tất cả mọi khó khăn, gian khổ đều sẽ vượt qua. Từ trong những đợt dịch bùng phát, khắp mọi nơi, những nghĩa cử cao đẹp của tinh thần dân tộc càng được bộc lộ, soi tỏ qua từng hành động, việc làm cụ thể của mỗi người, mỗi nhà. Đó cũng là hành trang vô giá để chúng ta bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Ngày hôm nay, chứng kiến đoàn ngoài nô nức đến dâng hương tưởng nhớ Quốc tổ Hùng Vương ở Công viên Văn hóa Hùng Vương huyện Trảng Bom, tôi mong ước và tin tưởng rằng với truyền thống Uống nước, nhớ nguồn, hướng về nguồn cội; với sự đoàn kết và quyết tâm… dân tộc Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, phồn vinh để xứng đáng với công lao, thành quả mà các Hùng Vương và các bậc tiền nhân đã dày công xây dựng, gìn giữ.


 MỘT SỐ HÌNH ẢNH LỄ GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG

(Công viên Văn hóa Hùng Vương, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom)


​​01.JPG


02.JPG

 03.JPG


05.JPG


06.JPG






Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​