Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
GẶP GỠ TRONG TIẾT THANH MINH


Thanh minh tôi ra thăm mộ mẹ tại nghĩa trang Hoàng Quân - Cẩm Mỹ - Đồng Nai. Nơi mẹ an nghỉ cách nhà 25km.

Năm nay tôi đi thăm mộ một mình, cả nhà đều bận.

Cứ nghĩ ngày thanh minh  sẽ đông người viếng mộ lắm, nhưng tập quán nơi này không như ngoài quê tôi, mọi người viếng mộ ngay đầu năm chứ không chờ "thanh minh trong tiết tháng ba" như miền Bắc. Mùng một tết cho đến rằm tháng giêng người dân đã tấp nập đi tảo mộ rồi.

Sương sớm giăng kín lưng đèo Con Rắn, cho tới tận đường vào nghĩa trang. Con đường trải nhựa chạy giữa rừng cao su vắng lặng, hai bên hàng cây khum lại như cái vòm khổng lồ, khiến cảnh vật càng thêm u minh, huyền ảo.

Lặng lẽ dựng xe máy, xách đồ lễ vào mộ. Như mọi lần thăm mộ, tôi đổ can nước sạch mang theo ra cái thau nhỏ, vò chiếc khăn mặt mới bắt đầu lau mộ. Lau ảnh mẹ trước, tới tấm bia khắc tên mẹ và bài thơ "Khúc mai sau", bài thơ mẹ dặn trước khi mất. Lau thật chậm, từng chút, từng ngóc ngách khe cột, mái vòm, tưởng tượng như lau nhà cho mẹ, lau chỗ nằm, chỗ bàn ăn, bàn viết, như lúc mẹ vẫn hàng ngày đi về…

 

275958992_1956863454500100_3251210183535136942_n.jpg
Tranh minh họa: Bảo Thư

 


Bỗng tôi có linh cảm, ngẩng lên nhìn qua hàng mộ bên kia, giật bắn mình thấy bóng người đàn ông thấp thoáng, một cánh tay thò vào ngôi mộ lấy chai nước cúng. Rồi ngửa cổ tu.

Tôi căng thẳng, liệu gã có thấy tôi? Chắc sẽ thấy vì tôi chạy xe máy mà. Rồi cái bóng ấy hiện ra, một gã tóc tai bù xù, áo thun màu cháo lòng xộc xệch, quần đùi, chân đất... Gã nhìn sang phía tôi, tôi nhìn gã, tự hỏi người hay ma? Có lẽ gã cũng có chung một câu hỏi về tôi. Nhưng không đứa nào há được mồm. Hai đứa nhìn nhau trong câm lặng. Tôi cố nghĩ đến sự hài hước trong ngữ cảnh này cho bớt sợ.

Tim tôi đập thình thịch, như lần đầu nhìn thấy đàn ông. Hoặc như lần đầu nhìn thấy ma. Dĩ nhiên hai sự ngỡ ngàng ấy nó khác nhau hoàn toàn. 

Nhưng, cũng như bao lần gặp sự cố bất ngờ, tôi vẫn tĩnh trí tìm lối thoát. Cái xe máy của tôi lúc ấy, đương nhiên hướng đầu xe vào phía trong, mà phía trong thì lối cụt, đất đỏ dẻo quẹo vì trận mưa đêm trước. Giờ mà ra loay hoay quay xe lại cũng dở. Bản năng mách bảo tôi không nên có một hành động gì chứng tỏ  mình đang sợ hãi.

Tôi rút điện thoại gọi cho anh trai và chị dâu nhà gần đó, hai số điện thoại đổ chuông nhưng anh chị không bắt máy. Tôi nghĩ thầm, chắc kiếp trước tôi và gã có nợ gì với nhau đây, chứ không lẽ cả hai số điện thoại của anh chị tôi đều kẹt đúng lúc tôi cần?

Dù điện thoại của anh trai và chị dâu không gọi được, nhưng tôi vẫn oang oang độc thoại:  "Alo anh ạ, em ra rồi, anh mang thêm nước ra nhé, em mang ít quá không đủ lau mộ mẹ. Khỏi anh ơi, đủ hết rồi, vâng anh vâng anh...bla...bla..." vừa đàm thoại lớn tiếng, vừa đoán chừng gã kia có điên đến nỗi không hiểu ý nghĩa của cuộc đàm thoại? Tận dụng hết cả vốn đọc truyện trinh thám hồi nhỏ, rồi nghe đọc truyện ma Nguyễn Ngọc Ngạn, tôi sắp sẵn cho mình một “phương án” đối phó. Tôi sẽ tạt thẳng vào mắt gã nắm tro trong bát nhang của mẹ, nếu gã tấn công tôi.

Tiếp tục gọi videophone cho người thân, trước khi gọi tôi nhắn tin để người nhà biết tình cảnh. Màn hình videophon mở liên tục, nhỡ có chuyện gì xảy ra thì mọi người còn biết.

Rồi tôi thắp nhang nghi ngút khấn mẹ, mong mẹ xua đuổi mọi điều không may mắn. 

Ở bên kia, thoắt cái gã khùng leo lên một ngôi mộ, nghiêng ngó mái vòm như tìm kiếm gì. Tôi mong mình bị ảo giác, hoặc có thể gã là thợ xây mộ, hay là quản trang gì đó, càng nghĩ tôi càng lắc đầu, thợ xây với quản trang nào một mình giờ này ra đây? Mà bộ dạng ấy chỉ có ở người mất trí. Dì tôi, một bác sĩ khoa tâm thần đã giảng cho tôi nghe về người bệnh tâm thần. Người mắc bệnh này biểu hiện đầu tiên dễ nhận biết là tan rã nhân cách. Ăn uống bừa bãi, chầu mồm người khác ăn, cực bẩn hoặc cực sạch, cười khóc vô cớ...vv..

Một kẻ ăn mặc thế kia sao có thể bình thường được?

Giữa nghĩa trang, gã ẩn hiện trong sương sớm tờ mờ, có giỏi tưởng tượng cũng chả bao giờ tôi hình dung ra trong đời lại có lần bị rơi vào tình cảnh này.

Nhớ câu chuyện mẹ kể về thời loạn lạc, khi ấy mẹ mới mười hai mười ba tuổi, mẹ đã biết tự cắt tóc như con trai để tránh bị giặc làm hại. Chợt thấy thật ngẫu nhiên, tóc tôi húi cao như tóc đàn ông, nhưng tôi không phải là đứa trẻ. Thân thể tôi rõ ràng rất đàn bà, dù đã lớn tuổi. Người bình thường sẽ nhận biết tôi chẳng còn ở cái tuổi để đàn ông thèm làm bậy. Nhưng người điên không thế... Có khi họ lại tưởng ngược lại (!)

Vừa may, lúc tôi hoảng loạn nhất, chưa biết nên thế nào ngoài sự thúc thủ, thì có hai cô gái vào nghĩa trang viếng mộ. Mẹ linh ứng chăng? Tôi đoán nhà các cô gần đó vì thấy các cô đi bộ. 

Tranh thủ còn hơn cứu hỏa, tôi quay đầu xe máy, thu dọn mọi thứ đồ lễ gọn gàng treo vào xe, trong tư thế chỉ việc nổ máy là chạy. Tôi mừng, nghĩ mình có thể nán lại với mẹ thêm chút nữa cho hết tuần nhang. Nhưng chừng vài phút quay ra không thấy hai cô gái nữa. Bên ngôi mộ người thân của hai cô còn vương làn khói mỏng, các cô biến mất cũng lặng lẽ như khi xuất hiện. 

Đã thế người nhà tôi trên màn hình videophone cứ oang oang căn dặn, cẩn thận điện thoại với xe máy đấy, điên là nó chỉ thích giật đồ... Tôi ước, giá người điên cũng biết chạy xe, biết sử dụng điện thoại, thì sự hoang tưởng của họ cũng đến như tôi là cùng.

Rặng cây phía đông nắng bắt đầu hửng, không thấy gã điên đâu nữa, chẳng lẽ gã chỉ là ảo ảnh...

***

Trên đường về tôi ghé nhà anh chị, kể lại câu chuyện ngoài nghĩa trang. Anh chị cười, bảo tôi gã đó đúng là có vấn đề về thần kinh, nhưng chưa làm hại ai cả. Xui cho tôi lúc đó anh chị bận tiếp khách, điện thoại cất trong buồng, không biết có cuộc gọi khẩn của tôi.

Gã từ đâu tới cả khu ấy không ai biết. Lang thang ở nghĩa trang lâu rồi. Đói thì ăn đồ cúng, ngủ trong mái những ngôi mộ lúc đêm về.

Cũng là một kiếp người, gã sống giữa những người đã chết. Người chết có khi lại khôn thiêng, người sống thì khờ khạo. Cuộc đời đâu phải luôn luôn thuận lẽ? Có những điều nghịch lý đến chua chát… Sự xuất hiện và đeo bám của gã đã đánh thức trong lòng tôi những cảm nhận mới về cuộc đời trong tiết thanh minh.

Giờ bình tĩnh nghĩ lại tôi thấy buồn cười, có khi lúc đó gã kia cũng sợ tôi đến chết khiếp. Thế nên, đừng tưởng chỉ mình là cao quý hay điên khùng. Mình thế nào còn do sức tưởng tượng của người đối diện. 

Trần Thị Bảo Thư

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​