Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
KỶ NIỆM BI HÙNG


   Ký của Đào Sỹ Quang

 

Tôi và Nguyễn Quang Vinh khoác áo lính năm 1971 khi tuổi đời còn ngồi ghế nhà trường. Tôi, lính bộ binh vào “B ngắn”, suýt bị “cối xay thịt”- Quảng Trị 72 “xóa sổ”. Vinh “oách” hơn vì được làm lính đặc công vô “B dài”, vùng Đông Nam Bộ. Hơn nữa anh lại được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn. Vinh ở lại miền Nam sau giải phóng một thời gian thì ra quân về Thái Nguyên công tác bên ngành ngân hàng, rồi phấn đấu trở thành cán bộ lãnh đạo. Còn tôi làm “anh giáo làng”. Trời đất xui khiến thế nào, cả hai lại có mặt ở Đồng Nai. Rồi lại do hoàn cảnh, mà Vinh phải trở ra Bắc Kạn để “làm lại cuộc đời”. Khi chia tay nhau, tôi có cảm giác như mình mất đi một cánh tay!

Năm 2018, Vinh vào Nam tìm mộ đồng đội. Sau bao ngày tìm kiếm, mới hay bạn mình đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Tân Xuân, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng có điều, tên thật của bạn là Ngô Sĩ Nguyên, thì trên bia mộ lại ghi là Hồ Sĩ Nguyên? Vinh trở ra Bắc liên lạc với Sở Lao động - Thương binh Xã hội tỉnh Nghệ An (quê của Ngô Sĩ Nguyên) để họ liên lạc với Sở Lao động - Thương binh Xã hội thành phố Hồ Chí Minh hợp tác xác định tên liệt sĩ. Kết luận cuối cùng là, Hồ Sĩ Nguyên trên bia mộ liệt sĩ ở Tân Xuân chính là Ngô Sĩ Nguyên. Sau 43 năm giải phóng, mộ liệt sĩ  Ngô Sĩ Nguyên mới được tìm thấy! Hạnh phúc và cảm động trong người đồng đội khó lòng tả xiết…

Năm 2020 vợ chồng Vinh ở Bắc Kạn, vợ chồng Thoan ở Quảng Bình cùng vào Nam để viếng mộ bạn.


IMG_20160429_120330_1.jpg
Nguyễn Quang Vinh (trái), Hoàng Trọng Thoan (phải) bên mộ liệt sĩ Ngô Sĩ Nguyên ở nghĩa trang liệt sĩ Tân Xuân - huyện Hóc Môn (ảnh: ĐSQ)


Sáng ngày 29/4/2020, chúng tôi thuê một chiếc xe hơi 7 chỗ phóng từ thành phố Biên Hòa về Ngã Tư An Sương theo tuyến Quốc lộ 1. Trời tháng Tư nắng nóng. Xe tới cầu Bình Phước 1 (cầu Bình Phước 1 nối quận Thủ Đức với quận 12, giờ có thêm cầu Bình Phước 2 nằm phía trên cầu Bình Phước 1 theo chiều dòng chảy của sông Sài Gòn) thì Vinh nói nhanh: “Đây, thằng Nguyên hi sinh trên cây cầu này vào đúng ngày hôm nay 29 tháng Tư, cách đây 43 năm!” Chiếc xe ô tô dừng lại để chúng tôi “dành một phút mặc niệm”. Cầu Bình Phước 1 đã trải qua một thời oanh liệt nào ai cũng hay? Chuyện đánh chiếm cầu Bình Phước bắt đầu được Vinh và Thoan kể lại …

Tới Ngã Tư An Sương, xe quẹo phải vào quốc lộ 22A. Chẳng mất nhiều thời gian một nghĩa trang đã xuất hiện trước mắt chúng tôi, với hai hàng chữ lớn: MẢNH ĐẤT NHỎ 18 THÔN VƯỜN TRẦU BẤT DIỆT/NGHĨA TRANG LIỆT SĨ TÂN XUÂN”. Nghĩa trang này  khoảng 500 ngôi mộ được xây cất từ năm 1982, giờ tu bổ thêm, mộ chí đều ốp đá hoa cương trông trang nghiêm, đẹp mắt. Theo vị quản trang ở đây, có tới 182 ngôi mộ chưa rõ danh tính và không phải quê ở Tp. Hồ Chí Minh .

Mộ liệt sĩ Ngô Sĩ Nguyên nằm ở hàng thứ hai, tính từ trong cùng trở ra. Ngô Sĩ Nguyên, quê ở xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An là người bạn, người đồng chí có kỉ niệm sâu sắc và bi hùng với Nguyễn Quang Vinh và Hoàng Trọng Thoan trong chiến dịch cuối cùng để quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Mấy chục năm qua họ đau đáu trong lòng đi tìm mộ bạn. Đây là dịp tốt nhất để tôi hiểu hơn về đồng đội của bạn mình.

Bên mộ bạn, Vinh và Thoan bật khóc nức nở. Chính Thoan là người đã thay mặt Chi bộ tuyên bố kết nạp đảng cho Ngô Sĩ Nguyên vào ngày 29 tháng Tư năm 1975! Vinh nghẹn ngào gọi bạn: “Ơi Nguyên ơi, Thoan vào thăm mày đây này, có cả các bạn tao nữa, ới Nguyên ơi, sao mày ra đi sớm thế hả?! Chỉ còn ngày nữa thôi là giải phóng miền Nam …”.

Vinh và Thoan gọi bạn mình là “Chiến sĩ đặc công bất tử” đã hiên ngang phất cao lá cờ cho đoàn quân tiến về Sài Gòn… Mọi người lắng tai nghe câu chuyện giữa chốn lặng thầm…

 

***

 

Những ngày cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh, 1975.

Vinh, Thoan và Nguyên xếp lại quân tư trang trong cái “bồng”. Mấy hôm nay ngồi thum, chém dè mất ngủ, đôi mắt các chiến sĩ đặc công thâm đen. Trên trời máy bay địch vẫn trinh thám ráo riết. Đặc công nơi sình lầy, lúp xúp cỏ dại, chỉ cần hai cây trâm bầu là có thể làm được cái mái nhà che bằng chiếc tăng mỏng. Nằm trên võng lúc ngưng tiếng súng tha hồ mà nghĩ đủ điều. Lương thực, thực phẩm thì lính tự đi vận động trong dân. Những trận mưa pháo của địch phóng ra từ các căn cứ Đồng Dù, Tân Quy, Bến Cát không ngớt… Nguyên cất lên lời ca: “Sài Gòn ơi! Ta đã về đây, ta đã về đây. Lướt qua nắng mưa súng bon nhịp chân đi…” Vinh bắt chước giọng quê choa:

- Chu cha, đêm qua thức trắng điều nghiên, giờ mi còn nghêu ngao chi rứa, muốn ăn pháo địch hả?

- Chi mô răng rứa cái chi mô, hát để tiếng hát át tiếng bom. Cứ  nhởn đi!

- Đây là trận đánh cuối cùng, có thích đánh nữa cũng chả còn! – Thoan vừa đi họp trên C bộ về nói vậy mặt lạnh băng nhìn mọi người nói tiếp: Nhiệm vụ của đặc công là chiếm và giữ cầu Bình Phước để cho quân giải phóng tiến vào Sài Gòn trong chiến dịch này!

Vinh nhắc lại câu nói của Chính trị viên, kiêm Bí thư Chi bộ Nguyễn Ngọc Dậu: “Đảng viên phải là những người tiên phong trong chiến đấu… Không để địch phá hủy cầu! Thoan nhìn Nguyên nói không chớp mắt:

- Nếu được giao nhiệm vụ cắm cờ trên cầu Bình Phước để báo hiệu cho xe tăng tiến vào Sài Gòn, cậu có dám xung phong không?

- Sao lại không dám! Tôi xung phong! – Nguyên nói giọng đanh thép.

Thoan nhớ lại những lời của Bí thư Chi bộ Nguyễn Ngọc Dậu: “Tôi giao nhiện vụ cho đồng chí Hoàng Trọng Thoan là Chi ủy viên, tổ trưởng Đảng, đồng thời là mũi trưởng mũi thọc sâu sẽ thay mặt Chi bộ tuyên bố kết nạp Đảng cho đối tượng Ngô Sĩ Nguyên sau khi cắm cờ trên cầu Bình Phước!”…

1 giờ sáng ngày 28 tháng Tư, khi vạn vật đã vào sâu trong giấc ngủ, những người lính bùn đất, lấm lem, quân tư trang đặc chủng đã bò bẫm trong  kênh rạch, bãi sình lầy. Không một tiếng động. Thời gian, thời điểm để hành động đánh địch của đặc công lúc này quan trọng hơn bao giờ hết! Những con mắt từ các chốt của địch như mở hết công suất, như thể không để lọt qua một con kiến. Vinh nhìn Nguyên nói:

- Trận này là quyết định cuối cùng của ta giải phóng cho được Sài Gòn, cậu có gì lo nghĩ không?

- Không, tau thấy rất vinh dự được giao nhiệm vụ này!

Bao đêm ngày dầm mình dưới sình lầy ngập ngụa, nép dưới những bụi dừa nước nhưng Nguyên chẳng hề kêu ca. Nguyên nói với Vinh: “Tau đang tưởng tượng tới lá cờ giải phóng tung bay…”.

Đặc công đã tiếp cận mục tiêu cầu Bình Phước, các phân đội đã được phân công nhiệm vụ. Như kịch bản, quân ta cho nổ một quả bộc phá làm hiệu cho các phân đội đồng loạt tấn công các mục tiêu như lô cốt ở hai đầu cầu, nhà nghỉ (nửa nổi nửa chìm), ụ đại liên…Địch phản công bằng tất cả những vũ khí hiện có. Chúng tăng cường thêm lực lượng chi viện, với xe tăng, xe bọc thép ầm ầm như phá trời phá đất. Nhiều chiến sĩ đặc công đã ngã xuống…

Đêm ngày 29 tháng Tư, đặc công ta tiếp tục đánh cầu Bình Phước. Tình hình căng thẳng tăng lên từng giây từng phút. Đây là một đòn cân não với cả hai bên chiến tuyến trong việc giành gật cây cầu. Bỗng súng địch nhả đạn như mưa. Hình như chúng đoán trúng đường đi nước bước của ta? Nguyên quấn lại cờ vào cán, để dọc khẩu AK báng gấp. “Nhịp điệu bài hát Tiến về Sài Gòn vẫn hừng hực trong lòng chúng tôi”- Vinh bảo vậy khi trời sáng dần. Trung đội trưởng Hoàng Trọng Thoan phóng một loạt AK làm hiệu lệnh tấn công thay vì phải dùng bộc phá. Địch như đổ đạn bao vây cây cầu. Đặc công nước đã gỡ ngòi nổ của mìn tự hủy do địch cài trước đó! Mặt đất chuyển rung, khói lửa bao trùm. Mũi thọc sâu của Vinh đã tiến gần đầu cầu. Các mũi tiến của đặc công đã tiêu diệt khá nhiều sinh lục địch. Súng địch vơi dần rồi câm bặt.  Nguyên cầm cờ xông lên mặt cầu nhanh như sóc. Lá cờ giải phóng tung bay. Nguyên trong tư thế hiên ngang, phất cờ hô vang: “Chiếm được cầu rồi các đồng chí ơi!”. Nhưng, lá cờ tung bay chỉ trong giây phút thì Nguyên bị trúng đạn. Xác anh nằm bên lá cờ. Địch ráo riết nổ súng, áp đảo lực lượng đặc công của ta! Ngày 29 tháng Tư năm 1975, quân giải phóng vẫn chưa thể qua được cầu Bình Phước… Ông Thoan kể, tuy chưa cắm được cờ nhưng hành động của Ngô Sĩ Nguyên là một hành động anh hùng, trước tình thế cam go ác liệt. Và tôi đã dõng dạc tuyên bố: “Tôi Hoàng Trọng Thoan, chi ủy viên, chi bộ C59, thay mặt chi bộ tuyên bố kết nạp đồng chí Ngô Sĩ Nguyên vào Đảng Lao động Việt Nam kể từ ngày hôm nay 29 tháng Tư năm 1975!”.

Trong suốt ngày 29 tháng Tư ta không thể nào lấy được xác của Ngô Sĩ Nguyên, vì địch phòng thủ dày đặc. Thỉnh thoảng đặc công ta nghe thấy những loạt AR15 nổ nơi xác Ngô Sĩ Nguyên đang nằm! Sang ngày 30 tháng Tư, nhiệm vụ của C59, D115 Đặc công miền bằng mọi giá đã chiếm được cầu Bình Phước. Quân giải phón ào ạt tiến qua cầu để kịp hợp điểm các cánh quân khác ở nội đô Sài Gòn. 11 giờ 30 phút, cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, thủ phủ của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đồng đội Ngô Sĩ Nguyên “yên giấc ngàn thu” nơi cầu Bình Phước nào có hay miền Nam giải phóng…

 

***

 

Vượt trên ngàn cây số về thăm đồng đội nơi yên nghỉ cuối cùng, những cựu chiến binh đang trước mặt tôi, đớn đau đến tột cùng. Họ nát lòng bên mộ bạn mà không muốn về. Với họ, đây là sự mất mát lớn nhất trong đời mình. Ngô Sĩ Nguyên yên nghỉ trên mảnh đất “mười tám Thôn vườn trầu” đã đi qua bao mùa xuân. Chính quyền huyện Hóc Môn đã chu đáo trong việc quy tập và xây mộ liệt sĩ cho những người anh hùng đã hi sinh vì một nền độc lập.

Vinh cùng Thoan bàn nhau, một ngày gần nhất sẽ cùng gia đình, người thân của Nguyên ở Nghệ An vào Nam để đưa mộ Nguyên về quê chăm sóc. Ông Hoàng Trọng Thoan tâm sự: Khi cấp trên hỏi, ai xung phong cắm cờ? Mọi người đều giơ tay trong đó có Ngô Sĩ Nguyên,  nhưng cuối cùng Chi bộ quyết định giao cho Ngô Sĩ Nguyên. Nguyên đã hi sinh anh dũng trước khi nước nhà thống nhất. Hai người phụ nữ, vợ của hai cựu chiến binh nước mắt ướt đầm, tay run run thắp những nén nhang bên mộ bạn của chồng mình. Xót xa…

Cầu Bình Phước bây giờ ngày ngày cõng biết bao  người và phương tiện giao thông qua sông. Có ai biết rằng, trong Chiến dịch mùa Xuân năm ấy, có một chiến sĩ đặc công sinh ra và lớn lên trên quê hương Bác Hồ đã ngã xuống cây cầu này để cho đại đoàn quân tiến bước giải phóng miền Nam?

Người chiến sĩ ấy giờ đang yên giấc ở mảnh đất từng có mặt của những nhà lãnh đạo cách mạng như Tổng bí thư Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần … để triệu tập Hội nghị tiến hành cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940)…

Chiếc ô tô như có một lực cản lớn giữ lại, mãi lâu sau mới lăn bánh. Ánh mắt mọi người đỏ hoe, nặng trĩu nỗi buồn, nỗi tiếc thương và cả niềm tự hào về đồng đội…

Đ.S.Q

                                                                                                 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​