Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
HÌNH ẢNH BÁC HỒ TRONG LÒNG NHÂN DÂN CAMPUCHIA


Thấm thoát đã gần 10 năm, kể từ ngày tôi sang công tác trên miền Đông - Đông bắc của đất nước Chùa Tháp thân yêu. Ở đây là một vùng đất trù phú, màu mỡ, có núi, có sông, có đồng ruộng phì nhiêu cò bay thẳng cánh; có rừng cao su bạt ngàn xanh tốt trên những triền đất đỏ ba-dan; có hoa thơm trái ngọt, đủ vị bốn mùa. Người dân ở đây cũng cần cù, chịu thương, chịu khó, dãi nắng dầm mưa, trăn trở với cuộc sống trên mảnh đất của mình. 

Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này tôi không có ý định giới thiệu sâu về quê hương, đất nước và con người của bạn mà chỉ muốn nói về một tình cảm của một dân tộc đối với một con người. Đó là: Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta không chỉ sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam mà còn sống mãi trong lòng dân tộc Khme anh em. Không biết trong cuộc đời hoạt động bao la của Bác, vùng đất này đã có lần nào Bác đã đi qua? Nhưng những tiếng thơm trong lành về Bác vẫn lan tỏa như hương sữa lúa trên đồng, dìu dịu mà thân thiết và ấm áp vô cùng. Tôi tự hỏi, những người dân ở đây họ đến với Bác và hiểu về Bác từ góc độ nào? Từ môt tấm ảnh, một lời ca hay một một câu chuyện kể về thân thế và sự nghiệp của Người? Có thể là một trong những điều trên mà cũng có thể là tất cả. Nhưng ở đây, trên đất này, ngay cả những phum-sóc xa xôi hẻo lánh, người dân quanh năm chỉ biết làm ăn chứ ít khi đi ra khỏi mảnh vườn của mình, họ vẫn hiểu về Bác và nói về Bác những lời tin yêu và kính trọng.


8ead670dc147d7235086e08b95966179.jpg
Hình ảnh giản dị, thân thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh tư liệu)


Trước đây, hồi đầu năm 1981, trong chuyến đi công tác cùng với một số anh em khác về phum Chrôi Bất-mia, thuộc tỉnh Công Pông Chàm, anh em chúng tôi vào nghỉ nhờ nhà mẹ Thao Xi Na. Một buổi trưa, sau khi ăn cơm xong, chúng tôi đang ngồi nói chuyện, chợt mẹ xách từ sau nhà ra mấy cặp dừa lửa, bảo chúng tôi chặt uống rồi cùng ngồi nói chuyện với với chúng tôi. Mẹ kể cho chúng tôi về cuộc đời của mẹ và gia đình mẹ, rồi bất giác mẹ chặc lưỡi nói với chúng tôi:

-Dân tộc Việt Nam có phúc thật!

Chúng tôi nhìn nhau, chưa ai hiểu ý của mẹ thì mẹ đã nói tiếp: Dân tộc Việt Nam có Um Hồ (Bác Hồ).

Mà Um Hồ thì thật hiền, thật tài, thật đức độ. Um Hồ như Tê Ves Đa vậy. (Tê Ves Đa có nghĩa là thần thánh). Trước đây, dân tộc Việt Nam cũng khổ cực như dân tộc CămPuChia. Vậy mà có Um Hồ, dân tộc Việt Nam sướng hung rồi!

-Thế mẹ đã nhìn thấy Um Hồ chưa? Tôi hỏi.

-Chưa bao giờ thấy đâu.

-Mẹ đã được sang Việt Nam lần nào chưa?

-Chưa được sang đâu.

-Thế mẹ được nghe người khác kể về Um Hồ phải không ạ?- Tôi lại hỏi.

Mẹ không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi. Mẹ chỉ tay ra góc vườn cho chúng tôi nhìn thấy mấy gốc dừa đã bị tàn lụi vì bom đạn từ lâu, rồi kể cho chúng tôi nghe cái hồi những năm sáu chín, bảy mươi. Lính A Thiệu tới đây, bộ đội Um Hồ cũng tới đây. Lính A Thiệu thì bắn giết, tàn phá phum, làng. Còn bộ đội Um Hồ thì không làm như vậy. Bộ đội Um Hồ hiền lắm, tốt lắm, thương dân và hay giúp đỡ nhân dân. Cho đến ngày nay, bộ đội Um Hồ đi đến đâu cũng được dân mến, dân thương, Mẹ nghe kể về Um Hồ cũng nhiều, nhưng mẹ nhìn thấy bộ đội Um Hồ tốt như vậy, mẹ nghĩ cũng như mẹ làm cái bánh vậy thôi. Cái khuôn có tròn thì cái bánh mới tròn, mới đẹp được. Bộ đội tốt như vậy là nhờ có Um Hồ.

Chúng tôi xúc động nghe mẹ kể. Một bà mẹ bình thường như trăm ngàn bà mẹ khác. Sự hiểu biết của mẹ về Bác Hồ còn đơn sơ quá, ít ỏi quá, vậy mà tấm lòng của mẹ nghĩ về Bác sâu lắng biết chừng nào.

Tháng 5 năm 1984, tôi lại được nghe kể về một tấm ảnh của Bác Hồ được gia đình ông Út-Chum cất giữ hai mươi mấy năm trời ở vùng Luông Ka Ranh, thuộc huyện Sa-Tông, Tỉnh Công-Puông-Thum. Ông Út Chum trước kia là một người đi kháng chiến. Trong một đợt hoạt động ở tỉnh Cra-chê, ông quen thân với một cán bộ Việt nam tên là Hưng. Sau đó hai người xa nhau. Trước khi chia tay, ông được anh Hưng tặng cho một tấm ảnh Cụ Hồ cắt ra trong một cuốn sách nhỏ. Sau này, do điều kiện sức khỏe, ông trở về nhà làm ăn, nhưng tấm ảnh kỷ niệm đó vẫn được ông nâng niu, cất giữ như một kỷ niệm sâu sắc trong chặng đường đi theo kháng chiến của mình. Biến cố sau năm 1975 xảy ra như một giấc mơ kinh hoàng đối với toàn dân tộc. Ông chỉ kịp lấy tấm ảnh Cụ Hồ cùng với một số ảnh người thân trong gia đình, gói cùng một gói rồi đem chôn xuống nền đất trước khi rời khỏi căn nhà. Ba năm, tám tháng, hai mươi ngày ngự trị của một chế độ diệt chủng thì cũng với thời gian ấy, ông Út Chum cùng gia đình thay tên, đổi họ, lẫn trốn tha phương để tránh đòn trả thù của Ăng-ka đối với những người đi theo kháng chiến. Giữa năm bảy chín, gia đình ông mới từ Xiêm- Riệp lần trở lại quê hương. Căn nhà hoang tàn nhưng vẫn còn nguyên dấu cũ. Ông bồi hồi đào tìm lại kỷ vật từ trong lòng đất và những tấm ảnh có nấm mốc đi đôi chút nhưng vẫn không hề hấn gì, được ông trân trọng dán treo lên tường nhà. Tấm ảnh đó đến nay vẫn còn và đã được ông lồng vào khung kính cẩn thận. Những ai đến thăm gia đình ông, vẫn được ông xúc động kể lại tấm ảnh Um Hồ mà ông được anh cán bộ Hưng kỷ niệm năm nào.

Tháng 4 năm 1988, một lần nữa tôi lại gặp may khi có trong tay cuốn sổ ghi chép về Bác Hồ của anh Mía Xuôn - một cán bộ bạn ở Quân khu 2 cho mượn. Mở đầu cuốn sổ là những điều trích dẫn về các lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ. Anh kẻ rất đẹp hàng chữ “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí, Công, Vô, Tư” bằng chữ Campuchia. Những trang sau đó là các lời dạy: “Đối với mình”…”Đối với người”…”Đối với công việc”…Và anh chép toàn văn bức thư của Bác Hồ gửi “Các Ủy ban nhân dân các Bộ, Tỉnh, Huyện và làng” vào tháng10 năm 1945. Anh nói với tôi những câu trích dẫn trên đều lấy trong tập sách “Đạo đức, tác phong cách mạng của Bác Hồ” xuất bản bằng Khme ngữ ở Phnôm-pênh năm 1985. Và anh tâm đắc rằng các điều Bác dạy sao mà thiết thực và gần gũi đến thế. Cứ như Bác từng sống, từng làm việc chung với chúng ta nên mới có sự thấu hiểu ngọn nguồn đến như vậy. Rồi anh nhấn mạnh thêm: Bác Hồ còn là hiện thân của tình đoàn kết; Bác Hồ đâu chỉ phải là của riêng Việt Nam. Bác Hồ là của Đông Dương và của nhiều dân tộc khác trên thế giới.

Thế đó, trong ngót mười năm công tác trên đất bạn, hễ cứ mỗi lần được nghe từ một người dân hay một người cán bộ bạn nói về Bác Hồ là lòng tôi lại trào dâng một nỗi xúc động vô bờ. Có lẽ, nếu cũng chính những lời nói này mà được nói ra từ một người Việt Nam nào đó, chắc chắn nỗi xúc động trong tôi không thể nào bằng. Tôi hiểu đằng sau những hiểu biết ít ỏi của họ, đằng sau những lời nói đơn sơ, mộc mạc của họ là cả tấm lòng ưu ái, kính yêu và mến phục đối với Um Hồ. Tôi xúc động và sâu lắng mãi trong lòng về một tình thương của một dân tộc láng giềng dành cho vị Cha già muôn vàn kính yêu của tất cả chúng ta!

KỲ TAM


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​