Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
NHÀ VĂN LÝ VĂN SÂM: MỘT CĂN CƯỚC VĂN HÓA ĐỒNG NAI - ĐÔNG NAM BỘ

 



KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ VĂN LÝ VĂN SÂM (1922- 2022)

 


Nhà Lý luận - Phê bình Văn học Đỗ Ngọc Yên

 

 

Nhà văn Lý Văn Sâm sinh ngày 17 tháng 02 năm 1921, tại làng Tân Nhuận, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (cũ) - nay thuộc xã Bình Long, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai và mất ngày 14- 9- 2000 tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông còn có một số bút danh khác như: Đào Lê Nhân, Bách Thảo Sương, Ánh Minh... Ông cùng thế hệ với các nhà văn: Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Trang Thế Hy, Viễn Phương, Dương Tử Giang, Vũ Anh Khanh, Kiên Giang, Thẩm Thệ Hà, Hoàng Văn Bổn, Huỳnh Văn Nghệ…

Tuổi thiếu thời ông đi nhiều nơi để theo học, từ trường tỉnh ở Biên Hòa, Đồng Nai đến trường Pétrus Ký, Sài Gòn rồi ra Quốc học Huế. Lớn lên ông có thời gian sống và làm việc ở Sài Gòn trong ngành an ninh và ở Chiến khu D, R. Từ thời kháng chiến chống Mỹ đến trước khi ông từ giã cõi đời,  nhà văn Lý Văn Sâm từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác nhau như: Chánh văn phòng Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang tỉnh Thủ Dầu Một, Trưởng đoàn Văn công miền Nam, chủ bút báo Chiến thắng của Quân giải phóng miền Nam (1956 - 1958); Chính trị viên Đoàn Văn công giải phóng, thư ký toà soạn báo Văn nghệ giải phóng, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Bộ Văn hoá Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Tổng thư ký đầu tiên của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam… thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (1959). Ông có nhiều thời gian sống và làm việc ở những địa phương ngoài quê hương Đồng Nai. Khi nghỉ hưu, ông lại về sống ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh và mất ở đấy.

Nhà văn Lý Văn Sâm được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học- Nghệ thuật, đợt II, năm 2006.


lyvansam 01052022.png
Nhà văn Lý Văn Sâm viếng thăm mộ thi tướng - Anh hùng Huỳnh Văn Nghệ
(Nguồn: Sách Lý Văn Sâm toàn tập, NXB Đồng Nai)
 

 

1.  Cốt cách con người nhà văn Lý Văn Sâm, cũng như trong các sáng tác văn chương của ông, đặc biệt là mảng “Truyện đường rừng” được viết từ đầu những năm 40, thế kỷ trước đã xác lập ở con người này những mã văn hóa đặc trưng của vùng Đông Nam Bộ nói chung, và đặc biệt là vùng núi rừng Đồng Nai nói riêng, nơi ông từng sinh ra và có những tháng ngày tuổi thơ dữ dội và nghiệt ngã ở đấy. Có lẽ vì thế, khi nhắc đến nhà văn Lý Văn Sâm thì phần lớn người ta thường nghĩ ông là một trong số những người xứng đáng nhất mang tấm thẻ Căn cước văn hóa Đồng Nai - Đông Nam Bộ.

Có lẽ với một tuổi thơ không mấy yên ả, thậm chí là rất sóng gió, cô độc và buồn tẻ, đã hình thành nên cốt cách một cậu bé Lý Văn Sâm, người đã sinh ra và lớn lên ở miền đồng rừng, không trộn lẫn vào đâu được: vừa gan lì, trơ trọi, không sợ bất cứ ai, cái gì; vừa giàu ước mơ bay bổng lãng mạn; vừa chất chứa khí tiết ngang tàng, nhưng cũng giàu lòng vị tha, nhân ái.

Sinh thời ông cho hay: Đến năm 7 tuổi, tôi mới có dịp ra thị trấn Tân Uyên, nên từ nhỏ tôi đã có tâm hồn ẩn dật. Tôi cứ ngồi bó gối ở trong nhà bà ngoại, thấy xe hơi chạy, ao ước có lúc mình được ngồi trên chiếc xe đó. Ông già tôi làm kiểm lâm và lãnh tiền xâu trả cho công nhân đốn cây.

Từ nhỏ, tôi ở với bà ngoại, không có điều kiện trò chuyện với ai. Tôi trở thành cậu bé hết sức cô đơn. Một lần nhà bị cháy, gia đình ngoại tôi chạy từ rừng về, tưởng tôi bị chết cháy trong đó rồi. May có cô câm giúp việc tên là Quơn la ú ớ rồi nhảy vô cứu tôi. Nếu không có cô ấy thì tôi chẳng còn. Lúc 7 tuổi, tôi đã biết tiếng Tây do cha tôi dạy. Hoàn cảnh sống ở chốn rừng núi âm u làm tôi hay bất mãn, chống sự bất công của xã hội và thích ẩn dật” (1)

“Tôi bắt đầu quen ăn cơm Mọi, uống nước mạch và cùng các ủ rũ hát đối đáp dưới trăng rằm. Đêm đêm, tôi thức bên đèn giữa tiếng ngáy của Sơn Lâm say giấc và để cho lòng mình chảy thành mực trên giấy trắng” (Thâm u và cao cả)

Với một dáng vẻ bề ngoài nhỏ thó, lầm lì ít nói, chỉ biết làm và làm. Vậy mà bên trong con người ấy lại chất chứa một tấm lòng nhân văn cao cả, một tâm hồn lãng mạn phiêu bồng, một ý chí kiên cường khác lạ, một nghị lực vượt khó phi thường. Tính cách của nhà văn Lý Văn Sâm giống như những cái cây giữa đại ngàn đồng rừng Biên Hòa xưa: tự nhiên mọc và tự nhiên phải sống, dù cho thiên nhiên có khắc nghiệt đến mấy, dù cho điều kiện vật chất có khó khăn và túng thiếu đến đâu cũng không hề lay chuyển được ý chí tồn tại của cậu bé Lý Văn Sâm. Chính cậu bé Sâm ấy, ngay từ thuở mới lọt lòng đã vô thức khẳng định bản ngã tồn tại của chính mình trước khi có thể làm được một việc gì đấy, dù rất nhỏ cho mình, người thân, cộng đồng và sau là để lại cho đời. Để rồi sau này lớn lên thành anh bộ đội, người chiến sĩ công an, hay nhà quản lý văn hóa… ở đâu, công việc gì ông cũng đều làm và làm tốt khi được cấp trên tin cậy giao phó.  

***

Căn cước văn hóa là những biểu hiện đặc trưng về văn hóa của một địa phương, vùng miền nào đấy trong tương quan so sánh và khu biệt với những địa phương và vùng miền khác. Hay nói một cách cụ thể hơn, căn cước văn hóa là những mã văn hóa riêng của từng vùng miền, địa phương.

Ở nước ta có nhiều vùng miền địa lý và lịch sử mang những mã văn hóa độc đáo, riêng biệt như: Khu vực đô thị - thành phố, khu vực Tây Nguyên, khu vực duyên hải Miền Trung, khu vực miền núi phía Bắc, khu vực đồng bằng sông Hồng, khu vực Thanh - Nghệ - Tĩnh, khu vực Đông Nam Bộ, khu vực Tây Nam Bộ. Trong các khu vực ấy, xét về khía cạnh văn hóa, có thể được chia ra làm nhiều tiểu khu vực. Ví như khu vực văn hóa đô thị - thành phố có các tiểu khu vực như: Thành phố Hồ Chí Minh, Cố đô Huế, Thủ đô Hà Nội… Tuy cùng thuộc về vùng văn hóa đô thị- thành phố, nhưng ở ba thành phố này lại có những mã văn hóa rất riêng mà các thành phố khác không có…


lyvansam lienxo 1979.pngNhà văn Lý Văn Sâm tham dự Hội nghị quốc tế tại Liên Xô năm 1979

(Nguồn: Sách Lý Văn Sâm toàn tập, NXB Đồng Nai)


2. Căn cước văn hóa của một nhà văn không chỉ nằm ở đặc tính cá nhân, lối sống, cách ứng xử của anh ta với thiên nhiên, con người và xã hội trong đời sống thường nhật của nhà văn ấy. Mà ở chỗ sâu xa nhất nó còn được thể hiện ở cốt cách của cả hệ thống nhân vật trong tác phẩm mà nhà văn đã dày công hoá thân vào, xây dựng nên. Cốt cách của hệ thống nhân vật ấy của nhà văn Lý Văn Sâm là một, là duy nhất, không trộn lẫn với bất cứ ai, nhưng vẫn mang đậm những mã văn hóa của con người Đồng Nai nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung.     

Một ông “Con trời” chả giống ai: “Gã còn trẻ lắm. Mặt tròn, mắt sáng, đôi môi lúc nào cũng dành sẵn một nụ cười. Màu da ngâm ngâm đen, láng như đồng, tỏ rằng gã có rất nhiều sức mạnh. Gã mặc theo kiểu những người đi săn: đầu đội nón vành lớn, chân đi ủng da đen. Trông gã oai nghi, hùng dũng lắm”. (Kòn- Trô).

Qua cuộc đối đáp giữa gã và cô gái tên Phụng, một nữ thợ săn thiện nghệ, dần dần tung tích và tính cách của ông “con trời” này mới được lộ ra là chính người đang tiếp chuyện với mình: Nghe Phụng hỏi, gã mỉm cười, hỏi lại Phụng:

- Bà có nghe người ta nói đến tên Kòn- Trô lần nào không?

Phụng ngạc nhiên, trả lời:

- Có! Tôi vừa tới đây đã nghe người ta nói ở vùng này có một tướng cướp lợi hại tên là Kòn- Trô thường hay đón ô-tô du khách để đoạt tiền, hoặc bắt cóc người ta. Nhưng thưa ngài, tại sao ngài lại hỏi tôi câu ấy?

- Vậy thì bà hiện đang nằm trong đại trại của Kòn - Trô.

Phụng đứng phắt lên, trợn mắt:

- Ngài là… Kòn - Trô?

Người đàn ông cũng đứng theo lên, gật đầu:

- Vâng!

Phụng hãi hùng liếc mắt nhìn quanh để tìm một sự cầu cứu. Trong mắt nàng, Kòn - Trô đứng chắn ngang như một pho tượng đá. Không kịp nghĩ ngợi, nàng nhảy tới một bước, rút dao găm đâm vào ngực Kòn - Trô một nhát.

Kòn - Trô né mình sang một bên, đưa hai tay ra đỡ. Phụng đang lỡ đà gần ngã sấp. Chàng nói với Phụng, giọng trách móc:

- Sao bà lại định giết tôi? (Kòn- Trô)

Sau đấy gã giảng giải cho cô gái thợ săn kia biết về nguồn gốc vì sao Kòn - Trô lại gắn bó với vùng đồng rừng này lâu bền và khăng khiết đến thế. “Kòn - Trô nói với Phụng: - Bọn thủ hạ của tôi hơn một trăm người đều sống chung với nhau trong những căn trại ấy. Họ toàn một giống mọi Châu - Mạ (Tcau - Ma) gan dạ và đanh thép. Tôi dùng họ rất được việc mà họ rất trung thành với tôi. Tôi bảo chết, họ chết. Tôi bảo sống, họ sống. Họ thương tôi và kính trọng tôi như cha.

Bà nghĩ còn lòng thương nào khăng khít hơn lòng thương của những kẻ vô gia cư, không cha, không mẹ, thân thế và cuộc đời gần giống in nhau. Không cần phải cắt máu ăn thề mà họ cũng ăn ở với nhau một niềm chung thủy. Ấy cũng bởi sự chung đụng trường niên nó gây cho bọn họ cái dây đoàn thể bền bỉ, không ai có thể cắt đứt được. Ở đây, không có sự phản bội, không có sự man trá, không có sự ghen tị nó làm cho người ta phải cực lòng lo nghĩ về nhau. Tâm hồn họ đã hòa hợp cùng cỏ cây hoang dại. (Kòn - Trô).

Và tại sao, một tên tướng cướp như Kòn - Trô mà lại có thể đối xử tử tế với một cô gái thợ săn trẻ bị lạc đường như vậy? Mới nghe tưởng chừng như có gì đó phi lý. Mãi sau khi Phụng nghe Kòn - Trô giảng giải, mới tạm thời cảm thấy yên lòng: “- Bà coi! Bọn chúng tôi trồng khoai, cấy lúa, gieo bắp, gây riêng một thế giới phóng khoáng, xa hẳn gió bụi chốn thị thành. Chỉ vì một năm, gạo thua, lúa kém, chúng tôi mới phải ép lòng đón người giật của và cướp kho lương của ông đồn, tại đây. Từ đó, tiếng tăm Kòn - Trô nổi dậy một vùng. Nhưng chúng tôi chỉ báo động trong một năm ấy thôi, rồi thì cải ác, tùng thiện, trở về chốn cũ, cầm lại cái cày, quơ lại cái cuốc, sống một cuộc đời lương thiện như những kẻ nông dân. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại bị bao vây nhưng vì không thuộc đường lối nên trăm người vào đây, khó mà trở về cho đủ. Cuộc đời tôi từ đó càng ngày càng nặng tội, càng ngày càng lem luốc, càng ngày càng xa nhân loại. Người đời cho bọn tôi là một lũ quỉ sống, uống máu người không tanh…” (Kòn-  Trô).  

Sau này có người hỏi nhà văn Lý Văn Sâm về nguyên mẫu nhân vật Kòn - Trô trong truyện ngắn đầu tay cùng tên của ông là ai. Nhà văn không ngần ngại thú nhận rằng đấy chính là ông.

Tuy nhiên, nếu ai đó tinh ý hay có nghề, đọc truyện ngắn này đều có thể không quá khó để nhận ra sự rút hết gan ruột của nhà văn ra để hóa thân vào nhân vật Kòn - Trô này. Một chàng trai trẻ sinh ra và lớn lên ở miền đồng rừng Biên Hòa, Đồng Nai từ thuở còn nguyên sơ, hoang vắng khi con người dường như chưa tách khỏi rốn bà nhũ mẫu tự nhiên sống chung với thú dữ, chim muông và thậm chí còn ăn thịt lẫn nhau.

***

Có thể nói phần lớn các nhân vật chính của 8 truyện ngắn được tập hợp trong tập sách “Kòn - Trô” do Bùi Quang Huy sưu tầm, giới thiệu và Nhà xuất bản Tổng hợp Đồng Nai ấn hành năm 2008 đều là những con người khác lạ, thậm chí là phi thường. Có thể họ là những tên tướng cướp hay những người anh hùng, cũng có thể họ là những người bình thường nhưng có ý chí và mưu lược cũng như những hành động mà người bình thường không thể nào có và làm được, hoặc nhờ có sự trợ giúp của thần linh mà họ trở nên phi thường, như Kòn - Trô trong truyện ngắn cùng tên; Cả Tiễn trong truyện “Mũi tổ”; hai cha con Răng Sa Bang và Răng Sa Mát trong truyện “Răng Sa Mát”; ông Bader, chủ đồn điền người Đức trong “Ngăn rạch bắt sấu”; Năm Mun người Thổ lai trong “Thâm u và cao cả”; Lương Điền trong “Thần Ngư động”; bà Đổng trong “Voi đội đèn”; nữ Chúa, Ngạc Ngư thần trong “Xác Mu Mi trên núi đá”. Tất cả họ dù ít hay nhiều và ở những suy nghĩ và hành động khác nhau nhưng đầu mang tầm vóc, chiều kích của những nhân vật, người anh hùng trong sử thi của các dân tộc của cộng đồng người Việt cổ. Cứ như là giời sinh ra họ chỉ để làm những việc phi thường ngõ hầu cứu rỗi chúng sinh, khi mà đất trời, vũ trụ tự nhiên và con người chưa từng sống tách biệt với nhau, hãy còn u mê trong cõi hỗn mang. Đó là buổi loài người còn sống chung với muông thú và cùng ngơ ngác như nhau, lấy mắt nhìn năm, tháng trôi qua... Này là núi non của muôn đời tăm tối... này là cây cao, bóng cả của rừng núi âm u. Núi chưa có người đặt bước thám du, rừng cây chưa có dấu vết của lưỡi búa tiều phu hủy hoại.

Vẻ thiên nhiên còn nguyên vẹn màu trinh.

Ở một chốn sơn lâm vô danh kia có một giống Mọi man di đang giết lẫn nhau để giành sự sống. Cấu xé nhau, ăn thịt lẫn nhau chán rồi.

Họ họp nhau thành những bộ lạc ở dọc hai bên bờ của một con sông lớn (Bây giờ là sông La Ngà)” (Xác Mu Mi trên núi đá).

3. Căn cước văn hóa của một nhà văn còn được thể hiện ở hệ thống từ vựng ngôn ngữ mà tác giả thường xuyên sử dụng trong khi sáng tác mang đậm dấu ấn đặc trưng của đời sống văn hóa ở vùng, miền, địa phương, nơi từng gắn bó với tuổi thơ, để lại nhiều kỷ niệm buồn vui đến mức chúng theo bám, ám ảnh trong kho tàng ký ức của nhà văn không thể nào có thể dứt ra hoặc tẩy gọt đi được. Đối với nhà văn Lý Văn Sâm điều ấy như một mặc định (defaut) trong bản thể tồn tại của ông về khía cạnh văn hóa (phần hồn). Nếu như tước bỏ hệ thống từ vựng ngôn ngữ ấy, thì 8 truyện ngắn trong “Kòn- Trô” không còn thuộc về ông, là của ông nữa. Dẫu biết rằng, ngôn ngữ chỉ là vỏ của tư duy, nên nó là hình thức biểu hiện cuối cùng của tác phẩm văn chương. Nhưng cái vỏ ấy quan trọng đến mức, người đọc phải nhờ vào chúng, thông qua chúng để nhận diện tác phẩm văn chương này là thuộc về (của) nhà văn này, chứ không phải của nhà văn khác. Nó thuộc vùng văn hóa này chứ không phải của những vùng văn hóa khác.

Trong 8 truyện ngắn của tập “Kòn - Trô” có tới 106 từ, cụm từ địa phương, kể cả nghĩa đen lẫn tiếng lóng cần phải được chú thích. Số từ, cụm từ ấy được phân bổ như sau: “Kòn- Trô” có 11 từ, cụm từ; “Mũi tổ”: 20; “Ngăn rạch bắt sấu”: 16; “Răng Ma Sát”: 19; “Thâm u và cao cả”: 9; “Thần Ngư động”: 6; “Voi đội đèn”: 13; “Xác Mu Mi trên núi đá”: 12. Cũng cần nói rõ thêm rằng, con số thống kê này hoàn toàn mang tính chủ quan của người viết bài này. Trong đấy có cả những từ, cụm từ mà tác giả đã chú thích ngay cuối mỗi truyện. Nhưng phần lớn là những từ, cụm từ (ghép cố định, ghép không cố định, láy…) mà nhà văn Lý Văn Sâm mặc định rằng mọi người đã biết nên không cần phải chú thích. Nhưng thực chất có rất nhiều từ mang tính vùng miền, địa phương Biên Hòa, Đồng Nai, từ cổ, từ Hán- Việt mà không phải ai cũng biết dù đấy là bạn đọc thông thường hay nhà chuyên môn về ngôn ngữ học, lý luận, phê bình văn học. Chẳng hạn như các từ: “Kợ mã” có nghĩa là kỵ mã, người cưỡi ngựa; “Bắt thường đó” nghĩa là bắt đền đó; “Gộp đá”: mô đá; “Dãy trường kiều”: cây cầu dài; “Tấm rừng”: khu rừng; “Một miếng mây”: một đám mây; “Ăn ong”: lấy mật ong; “Ăn chịu”: mắc nợ; “Miếng khói mỏng”: làn khói mỏng…

Nói như vậy để chúng ta thấy một nhà văn nào đấy muốn có một tấm thẻ “Căn cước văn hóa” của một vùng miền, địa phương, nhất thiết anh ta phải là con người sống và có những ứng xử văn hóa cũng như sáng tạo ra cho được một hệ thống nhân vật của mình có lối sống, tính cách, giọng điệu và ngôn ngữ mang những “mã văn hóa” như là thứ “tài sản” riêng của vùng miền, địa phương ấy. Nếu như vậy, Lý Văn Sâm là nhà văn xứng đáng nhất mang tấm thẻ “Căn cước văn hóa” của Đồng Nai nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung./.

____________________________ 

 

(1). Phan Phú Yên. Lý Văn Sâm vẫn quyến rũ chuyện đường rừng. Văn chương phương Nam, ngày 30/8/2021

 *Về năm sinh của nhà văn Lý Văn Sâm, nhiều tài liệu chưa thống nhất. Chúng tôi giữ nguyên nội dung này theo bài viết của các tác giả.


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​