Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 2030)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
Hoàng Văn Bổn – tình yêu quê hương mãnh liệt qua từng trang viết

Trong dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất (30/4/1975 – 30/4/2025), tỉnh Đồng Nai đã tôn vinh một cách trọng thể những tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc. Tại chương trình này, tên tuổi của nhà văn Hoàng Văn Bổn lại được nhắc đến dù ông đã đi xa…

Có lẽ điều khó nhất khi viết về nhà văn Hoàng Văn Bổn chính là cắt nghĩa được tình yêu mãnh liệt của ông dành cho quê hương Đồng Nai “khoai củ". Điều này có vẻ phi lý, có vẻ thừa. Bởi vì ai chẳng biết cái tên của nhà văn Hoàng Văn Bổn gắn liền với Đồng Nai từ lúc ông bắt đầu cầm bút, cho đến bây giờ, khi ông đã mất đi rồi, thì tình yêu ấy vẫn tồn tại như một nỗi “ám ảnh" lớn không chỉ của bản thân ông, mà còn là của các thế hệ cầm bút tiếp sau. Nhưng nhiệm vụ của chúng ta không đơn thuần là viết về trái tim của “máu  thịt đời thường" (chữ của  Xuân Quỳnh), mà là đi tìm trái tim linh diệu – sức sống của những trang văn ông đã viết.


HBL-HVB_395689e426fe56a7ec29bf003be8771a_800_13052025185548.jpg
Anh Hoàng Bình Long (con trai nhà văn Hoàng Văn Bổn, bìa phải) nhận biểu trưng tôn vinh của cha mình


Với 2 lần được trao giải thưởng của Bộ quốc phòng: Lần 1 cho toàn bộ 23 bộ phim chống Mỹ, lần 2 cho các tiểu thuyết: Nước mắt giã biệt (4 tập), Ngôi sao  nhớ ai, Một ánh sao đêm, hàng chục giải thưởng trong và ngoài nước dành cho các tác phẩm điện ảnh cũng như hàng chục tập sách, trong đó có nhiều tập sách dành cho thiếu nhi, người đọc luôn cảm nhận được sự cuộn chảy của dòng sông Đồng Nai, tình đất và người Đồng Nai cũng như mạch sống bất khuất của con người Việt Nam từ trẻ đến già… Trong khối “trước tác đẳng thân" của nhà văn Hoàng Văn Bổn (vốn cao trên 1,7 m), hình như không có nhịp trầm trước quê hương và con người.

Sở dĩ chúng tôi có thể khẳng định như vậy bởi nhà văn Hoàng Văn Bổn luôn hướng về quê hương bằng một tình yêu cao cả. Ông đưa tình cảm cao thượng, mãnh liệt ấy vào từng nhân vật của mình, dù đó là một “tướng" Lâm Kỳ Đạt bé bỏng trước những làn đạn của giặc Pháp; một cô Sáu Nở với những câu ca như những lời tự tình tê tái với dòng sông Đồng Nai; hay chính là người mẹ suốt đời lam lũ, vất vả và đau khổ bởi chiến tranh và đói nghèo của ông… Nhân vật của ông có hàng trăm con người với biết bao mảnh đời, số phận, con đường khác nhau, nhưng đều có chung một tình cảm gắn bó mật thiết với quê hương Đồng Nai khoai củ - một quê hương sản sinh ra Đồng Nai của chúng ta bây giờ. Cách thể  hiện về những con người ấy quen mà “lạ" lắm, chúng ta khó có thể tìm thấy ở các nhà văn khác khi viết về con người và quê hương mình.

Kể về những nhân vật ấy thì nhiều lắm, bởi mỗi nhân vật đều để lại cho chúng ta một ấn tượng khó quên. Mỗi nhân vật là một tư thế riêng, một “bản lĩnh" riêng. Dù chỉ là một kẻ nhà quê, đói rách hay làm vương làm tướng gì chăng nữa, thì những nhân vật ấy vẫn là một lời tuyên ngôn cho sứ mệnh tồn tại và gắn bó với quê hương. Ngay cả con trâu có tên là Trần Chãn tướng quân cũng có một “câu nói" đầy nghĩa khí: “Đồng Nai này là của tui. Ai đụng đến nó, tui chém đổ ruột" (Cánh đồng hoa và cỏ). Cái chết của Ngô Kỳ An (kẻ theo cha bán nước) trên dòng sông Đồng Nai trào sôi như một lời tạ tội với quê hương cũng là một cái chết đẹp, có sức cảnh tỉnh con người (Nước mắt giã biệt)… Chính tình yêu cao cả ấy khiến cho các nhân vật của Hoàng Văn Bổn luôn có một tư thế ngang tàng, mạnh mẽ, một cách sống bộc trực nhưng không  kém phần sâu sắc, trầm lắng.

Nếu tinh thần mã thượng là “bản sắc" của những con người Đồng Nai trong tác phẩm của Hoàng Văn Bổn thì những yếu tố bi, hài lại là phương tiện để biểu lộ sức mạnh tình yêu con người trong tác phẩm của ông. Có thể nói nhà văn đặc biệt thành công trong việc đưa tiếng khóc tiếng cười vào đời sống nhân vật của mình, và đó cũng là nét thi pháp độc đáo của riêng ông. Truyền thống văn chương Việt Nam vốn rất nghiêm trang, nghiêm túc, thường hướng đến sự tròn trịa hoa mĩ; nên những truyện Trạng Quỳnh, truyện bác Ba Phi gần như được coi là tác phẩm dân gian, thì đối với Hoàng Văn Bổn, đó chính là chất liệu để ông sáng tác. Chính vì thế mà ông đã có Từ Khiêm – một “ông trạng" của xứ Đồng Nai, biết hát bóng và … đánh Tây. Bên cạnh đó, ông đã xây dựng thành công nhân vật Ba Râu, một người anh hùng nông dân được giác ngộ cách mạng (Trên mảnh đất này), một gia đình Ngô Kỳ Hồng với khát vọng làm bá chủ xứ Đồng Nai nhờ bợ đít các “quan thầy", hay một nhân vật Bằng – một thanh niên thoát ly đi làm cách mạng, mang theo một tình yêu trong sáng vô ngần với Hồng Loan (Nước mắt giã biệt). Khóc mà không tuyệt vọng, bi lụy, cười để tiếp thêm sức mạnh yêu đời, để tiếp tục sống và chiến đấu – những điều đó đã làm say mê biết bao thế hệ bạn đọc, từ trẻ em cho đến những người từng trải.

Chính những yếu tố thi pháp ấy đã làm nên một thế giới nghệ thuật chan chứa tình cảm, đầy sức sống và sức chiến đấu của Hoàng Văn Bổn. Có thể nói tác phẩm của nhà văn đã thoát được cái khuôn lý tính mà vẫn đạt đến một tầm tư tưởng lớn, có tính khái quát về quê hương, con người Đồng Nai nói riêng cũng như khát vọng về một đất nước tươi đẹp, hòa bình nói chung. Đã có nhà nghiên cứu kết luận (và chính nhà văn cũng đã từng thổ lộ) rằng ông đã chịu ảnh hưởng của nhà văn Liên Xô đạt giải Nobel văn chương năm 1965 M. Sôlôkhôp. Song chúng tôi muốn bổ sung thêm rằng phong cách sáng tác của ông còn có nhiều nét tương đồng với nhà văn Mạc Ngôn – Trung Quốc, tác giả của Báu vật của đời, Đàn hương hình v.v…Những nét tương đồng ấy không thể coi là ảnh hưởng trong sáng tác, mà là cách cảm nhận, cách cọ xát với cuộc đời của hai nhà văn khá giống nhau. Và cũng có thể kết luận là tình yêu cao cả của nhà văn, cùng với khát vọng sống với tất cả năng lực được khơi dậy từ trái tim kết nối với dân tộc, Hoàng Văn Bổn đã tạo được một chỗ đứng rất riêng trong lòng người đọc.

Những năm cuối đời, mặc dù tuổi cao, trái tim cũng nhiều lần làm cho ông đau đớn, nhưng nhà văn Hoàng Văn Bổn vẫn hướng đến cuộc sống tốt đẹp bằng một niềm tin tuyệt đối. Đó chính là phương châm sống “bất thành văn" của ông mà chúng tôi cảm nhận được qua tác phẩm cuối cùng: tiểu thuyết “Nhớ người xưa" (NXB Đồng Nai, 2003). Những nhân vật như Bằng, Hồng Loan, Sáu Nở v.v… mà chúng tôi đã  nhắc tới trong bài viết này đã trở lại với ông bằng những ray rứt khôn nguôi: Họ không chỉ thương, nhớ những con người của một thời chiến đấu, hy sinh đầy gian nan, khổ cực, mà họ còn nhớ chính mình. Nhớ để đi tìm, để làm sống lại, và tiếp nối một lý tưởng sống đẹp đẽ, cao cả, bất diệt.

Nhà văn Hoàng Văn Bổn, với tinh thần nhân văn thật đáng trân trọng, ông đã không lên án những điều bị coi là cái xấu, cái ác đang diễn ra trong đời, mà chấp nhận những thay đổi của thời cuộc và hướng thiện bằng tình yêu con người. Tất cả những đối đầu, những dối trá, những bất hạnh đều qua đi hết, chỉ còn tình người ở lại nhờ tinh thần hòa giải, hiểu biết. Càng trân trọng hơn nữa khi ông cố gắng hoàn thành tiểu thuyết này với tất cả ý thức của một nhà văn cách mạng, một người Đảng viên như chính một điều thiêng liêng nhất của đời ông, lý tưởng suốt đời ông đã trung thành, gắn bó.

​​ 


Đông Giang
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​