Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên – người đã mang phim “Địa đạo" đến với công chúng – đã thành công với một số bộ phim gây xôn xao dư luận bởi tính hiện đại và những quan điểm mới mẻ về cuộc sống và nghệ thuật. Trong đó, phim truyện “Chơi vơi" đã tạo ra nhiều tranh luận về giá trị thẩm mỹ cũng như những giới hạn của cảm xúc và tình cảm.
Chúng tôi đón bộ phim “Chơi vơi" (kịch bản Phan Đăng Di, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) khi đã nghe rất nhiều thông tin “hot" về bộ phim này, đồng thời xem phim trong tâm trạng cần phải hết sức tập trung, chú ý để “nộp quyển", mà những người đọc chúng tôi là những giáo sư, tiến sĩ rất có uy tín trong lĩnh vực lý luận, phê bình. Vì thế, phải chờ cho tâm hồn lắng lại, chúng tôi mới mạo muội đưa ra một vài ý kiến về tác phẩm điện ảnh này.
Vợ chồng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (ảnh sưu tầm)
Trong vai trò người thưởng thức
Công nghệ truyền thông đã đóng một vai trò hết sức quan trọng cho việc quảng bá bộ phim “Chơi vơi". Người xem “biết rõ" về đạo diễn, diễn viên, đề tài, thậm chí tình tiết của bộ phim rất lâu trước khi nó chính thức ra mắt khán giả. Vì thế, người thưởng thức nói chung rất háo hức được đón xem bộ phim. Và nó ra đời đúng theo kịch bản của công nghệ giải trí, đó là một màn “trình diễn" hoành tráng hơn là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Tâm lý khán giả thời nay là thế, họ chờ màn trình diễn ấy như đón chờ sự xuất hiện của những thần tượng; và có thể bỏ qua một số công đoạn (hay một số yếu tố cấu thành) của một tác phẩm nghệ thuật.
Song thú thực là chúng tôi đã cảm thấy hết sức thú vị khi được xem phim “Chơi vơi"; không chỉ vì bộ phim đáp ứng được những yếu tố mà công nghệ truyền thông đã tác động, mà còn chính bởi bộ phim này. Đúng như sự khẳng định của báo chí, đây là một bộ phim “có đẳng cấp", mới, lạ, hiện đại. Diễn viên đẹp, diễn xuất tốt, góc quay rất chọn lọc, độc đáo. Đặc biệt, trong phim có những đoạn đặc tả khiến cho tình tiết trở nên sắc nét, ví dụ như đoạn Thổ cắt đôi áo ngủ của Duyên – đoạn mổ xác Vi dưới một bóng đèn tròn lạnh toát; đoạn Cầm ngồi xông một mình trong tấm khăn hoa – đoạn hai cô gái khỏa thân ngồi bên nhau trong cô đơn tuyệt đỉnh… Nhà biên kịch đã rất giỏi trong việc lựa chọn các tình tiết ấy để thể hiện tình yêu và sự khát khao của những người đàn bà đau khổ. Bên cạnh đó, đạo diễn cũng hết sức khéo léo khi biến chúng thành những “tín hiệu" rất tinh tế, sắc sảo. Về mặt thể hiện, từng phân đoạn đều được chọn lọc khắt khe về góc cạnh, âm thanh, màu sắc, ánh sáng, thể hình v.v… Chứng tỏ một khả năng sáng tạo mạnh mẽ nhưng thông minh trong cách xử lý đề tài.
Song trên hết, bộ phim vẫn là một câu chuyện tình yêu nhân hậu, được thể hiện đan xen qua những nhân vật dường như chỉ là một nét tính cách đơn lẻ; giữa một khung cảnh, một không gian có tính bó hẹp một chiều. Ví dụ như Duyên được đóng khung trong tính cách người đàn bà đẹp khát khao hạnh phúc, Hải biểu trưng cho tính cách một cậu thiếu niên có vẻ như không bao giờ lớn, Cầm đại diện cho cái đẹp khó lòng xâm phạm (dù đó chỉ là những ngón chân), Thổ luôn đóng vai một con người chiếm hữu… Trong bộ phim, họ đi tìm chính mình và đi tìm hạnh phúc chân thực của đời mình. Họ như bơi qua những tầng không gian ngột ngạt, trong những tín hiệu le lói, tưởng như không có thật, để rồi trở về những niềm hạnh phúc đơn sơ của đời thường (những niềm hạnh phúc đã được khai mở). Những điều bí hiểm từ đầu phim trở nên rõ ràng, trong sáng, những con người trở nên người hơn, đáng yêu hơn.
Đề tài tình yêu và tình dục vốn là đề tài nhạy cảm đã được xử lý chừng mực, đẹp, hợp lý. Ở đây chúng tôi muốn nói đến hiệu quả hình ảnh khiến cho câu chuyện không bị dung tục hóa, người xem chấp nhận những đoạn chuyển cảnh và diễn biến sau đó, khiến cảnh “nóng" trở thành cảnh “mát". Bộ phim cũng có những thành công nhất định trong việc đưa ra cái nhìn mới, muốn giải phóng thân xác và cả số phận con người, cụ thể là số phận những người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại.
Trong vai trò người làm nghệ thuật
Xin nói ngay là chúng tôi vốn là người viết văn, điều này cũng có những hạn chế nhất định trong việc đánh giá, bình luận về một tác phẩm điện ảnh. Tuy nhiên, văn chương và điện ảnh đều đạt đến mức độ thành công như nhau nếu nó hay, xúc động, và mang đến một điều gì đó tốt đẹp cho con người.
Theo thiển ý của chúng tôi, bên cạnh những điều bộ phim đạt được như đã nêu, “Chơi vơi" còn là một tác phẩm duy mỹ khi đạo diễn cố ý xếp đặt những tính cách đơn lẻ vào cạnh nhau; tạo ra những tình huống, tình tiết khá đặc biệt để làm nổi bật sự tương phản giữa cô đơn và tình yêu, giữa năng lực cá nhân và hoàn cảnh… Mỗi người một nét, lại được gọt giũa khá kỹ càng nên con người trong phim trở nên đơn điệu, khó trở thành hình tượng nhân vật hoàn chỉnh. Người xem có thể rất xúc động, rất đau xót trước nhân vật Duyên, nhưng khó đồng tình với diễn biến nhân vật đi tìm hạnh phúc (thực chất là đi tìm một cảm giác trần trụi của xác thịt, của tình yêu). Đời sống nhân vật Cầm giống như một “tuyên ngôn" về nghệ thuật: cái đẹp được tạo nên từ sự éo le, trắc trở, từ sự cô độc đến cực đoan (như lời nhân vật nói: “Li dị còn tốt hơn!")
Hơn thế nữa, liều lượng của những tình tiết cũng hơi nhiều, khiến bộ phim hơi rối rắm. Thế nhưng chuyển động giữa những cảnh phim lại chậm chạp, rời rạc. Đây không phải là sự rời rạc cố ý, mà vì thiếu sự nối kết giữa những vấn đề trong phim. Đồng ý rằng tiết tấu chủ đạo của bộ phim là chơi vơi, nhiều câu chuyện, nhiều vấn đề được bỏ ngỏ, nhưng giá như diễn viên diễn xuất “thật" hơn một chút nữa thì người xem sẽ thấy được vẻ “đáng yêu" của Hải ngay trong đêm tân hôn (chứ không chờ đến lúc nghe Duyên nói mới thấy); hoặc đoạn Vi vật vã quá mức cần thiết chỉ để nói: “Anh ấy chưa bao giờ hôn tôi!" (mà nếu để tự khán giả cảm nhận thì vẫn hay hơn). Nhiều cảnh ăn uống, tụ tập gây phản cảm hơn là hiệu quả đối ngược với vẻ đẹp thanh khiết của tình yêu và những cảm xúc lãng mạn. Ngay cả đoạn Hải ngã cũng không thuyết phục. Do vậy, bộ phim thiếu tính cao trào, thiếu kịch tính vốn là điểm rất quan trọng trong một tác phẩm điện ảnh.
Tuy nhiên, có một đoạn lẽ ra làm nên cao trào của bộ phim và có thể mang đến cho tác phẩm này một diện mạo khác hẳn. Theo thiển ý của chúng tôi, đó có thể là đoạn Duyên trở về sau một cuộc “phiêu lưu" vừa say đắm vừa bi thảm ấy… Lẽ ra Duyên đã không trở về với người chồng trẻ con kia, không trở về với cuộc sống tù túng, ngột ngạt xưa cũ, cũng không trở về với người chị (Cầm) sống trong nỗi u uất của tình cảm và nhục cảm kia… Giá như Duyên đừng trở về… Sự trở về của Duyên, cùng với sự phát hiện một “người lạ" trong gia đình mình làm cho câu chuyện trở nên sáo mòn và không lối thoát…
Chọn cách Duyên trở về, rồi sau đó “làm lành" với chồng, để mọi thứ vẫn tiếp diễn như trước đây, mọi người vẫn sống theo cách cũ thực ra là một sự thỏa hiệp có tính khiên cưỡng.
Bởi vì từ đầu phim, chúng ta đã thấy một không gian chật hẹp, và những con người nhỏ bé, thực sự nhỏ bé khi họ tự nguyện đi vào những mối quan hệ lẩn quẩn, đau lòng. Duyên là con người có nhiều sức sống nội sinh nhất: nàng trẻ tuổi, xinh đẹp, trái tim trong sáng, nhân hậu. Nàng đã hiểu thế nào là tình yêu tâm hồn và thể xác. Nàng biết rõ giới hạn của đời sống cũng như khả năng hòa hợp với nó. Nàng đã chứng kiến Vi đau khổ và chết như thế nào. Nàng được “linh thông" và sáng tạo về mặt tình cảm với một người phụ nữ khác – Cầm. Mọi thứ đều được dồn nén đến cực độ để chờ một giây phút, một cơ hội bùng nổ… Và nàng có khả năng tạo dựng hạnh phúc chân thực cho mình sau tất cả những điều đó. Nếu tác giả kịch bản cũng như đạo diễn tìm được cho nàng một lối đi mới thì chắc hẳn tầm vóc con người trong nàng cũng sẽ thay đổi. Và thông qua Duyên, hình ảnh con người thời đại cũng sẽ đổi mới. Chính cảnh kẹt xe phần đầu phim, và cảnh nước ngập ở cuối phim lại khiến chúng tôi cảm thấy chơi vơi nhất, hoài nghi về thông điệp của bộ phim.
Tạm kết
Tuy tác giả kịch bản Phan Đăng Di và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên lên tiếng phủ định, song cùng với thời gian, bộ phim “Chơi vơi" được coi là một tác phẩm về đề tài đồng tính; và có thể coi là bộ phim đầu tiên về đề tài “đồng tính nữ". Đây gần như là một tác phẩm có tính tiên phong trong lĩnh vực này, và vào thời điểm ra đời, bộ phim đã được khoác lên một hiện thực mang tính kỳ ảo, khiến cho người xem cảm thấy chơi vơi thực sự bởi một cuộc chơi khó đoán của tình yêu và giới tính. Với sự thể hiện của các diễn viên trẻ, tài năng như Đặng Thị Hải Yến (vai Duyên), Phạm Linh Đan (vai Cầm), Johnny Trí Nguyễn (vai Thổ), Linh Dung (vai Vi)… tình yêu, tính dục và bản năng con người đã được khai thác chậm rãi, nhưng quyết liệt.
Tác phẩm điện ảnh này cũng đánh dấu sự đổi mới về kỹ thuật, với những cảnh quay, dựng công phu, hướng tới sự hoàn mỹ một cách cầu toàn, mang đến những cảm xúc mới mẻ cho người xem. Bộ phim đã được công chiếu nhiều nơi trên thế giới, báo chí Mỹ nhận định như sau: "Chơi vơi" gợi nên một cuộc sống, một nền văn hóa mà ở đó những kiềm tỏa đạo đức đang lỏng lẻo dần, để những ý nghĩ liều lĩnh được dịp bừng lên. Một khi khát vọng được giải phóng, việc giam hãm nó trong một thế giới chật hẹp hơn sẽ không còn là một lựa chọn dễ chịu.
Tóm lại, “Chơi vơi" không chỉ là một cuộc trình diễn nghệ thuật đắt giá, mà còn khắc họa giá trị con người ở góc độ hoàn toàn mới, góc độ giải phóng tình yêu và tình dục. Tuy nhiên, đây là những đường nét mới nổi lên từ một khung cảnh cũ, cần có cái nhìn mạnh dạn hơn về chủ thể nghệ thuật của nó: Con người hiện đại!