Lý luận Phê bình (LLPB) là một lĩnh vực quan trọng gắn với sự phát triển của Văn học Nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai. Trong những năm qua, LLPB đã khẳng định được vai trò của mình trong đời sống nghiên cứu, sáng tác, đồng thời xây dựng một đội ngũ làm nghề tâm huyết và chắc tay.
Từ tiềm năng đến thành quả
Đồng Nai được đánh giá là địa phương có hoạt động VHNT đa dạng, sôi nổi, phong phú của khu vực Đông Nam bộ, với một lực lượng sáng tác đông đảo. Đó là thực tiễn giúp LLPB tiếp cận, nghiên cứu và đạt được những thành quả nhất định. LLPB như một “lăng kính" chiếu rọi đời sống sáng tác của các tác giả Đồng Nai, vừa góp phần đánh giá, khẳng định các giá trị VHNT, vừa góp phần động viên, khích lệ và định hướng chung.
Tuy nhiên, LLPB cũng là một lĩnh vực đòi hỏi sự nghiên cứu độc lập, thể hiện những góc nhìn, những nhận định riêng. Ở Đồng Nai không nhiều người làm được việc này. Nhiều năm qua, Nhà văn, nhà LLPB Bùi Công Thuấn đã làm việc không ngừng nghỉ, ông đạt Giải A - Giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức lần thứ V với tập sách Nhà văn Đồng Nai; và cho ra đời một số công trình cá nhân: 45 năm văn chương Việt Nam, Văn trẻ Đồng Nai… Nhà nghiên cứu Bùi Quang Huy vừa cho ra đời tập sách “Người Xưa… Người Nay…" và nhiều bài viết về văn học Đồng Nai… Họa sĩ - TS. Đoàn Minh Ngọc xuất bản tập sách “Tranh khắc gỗ Thành phố Hồ Chí Minh" và nhiều bài viết về gốm Biên Hòa. Họa sĩ - TS. Nguyễn Đức Sơn có tác phẩm “Nghệ thuật thiết kế tương tác và giao diện người dùng". Nghệ sĩ múa Phạm Thị Thu Bình thai nghén và biên soạn những tác phẩm viết về nghệ thuật múa Đồng Nai. Nhiều hội viên tham gia Hội đồng Biên soạn giáo trình Giáo dục địa phương của tỉnh Đồng Nai cung cấp nhiều kiến thức mới và đưa ra những nhận định, đánh giá chuyên môn khách quan đối với các bộ môn VHNT của Đồng Nai.
Sự trầm lặng, đơn độc của các nhà nghiên cứu, LLPB phản ánh một tinh thần khoa học nghiêm túc dành cho VHNT, đồng thời cũng thể hiện tầm nhìn, nhiệt huyết và bản lĩnh của họ. Bên cạnh các tác phẩm kể trên, các nhà phê bình Đồng Nai còn quan tâm đến VHNT toàn quốc, thậm chí là các hiện tượng, các vấn đề VHNT của nước ngoài. Chính vì thế, các nhà LLPB đã giúp VHNT Đồng Nai có tiếng nói riêng trên các diễn đàn, đồng thời luôn luôn có sự giao lưu, đối sánh và tương tác với VHNT ở các địa phương khác, tạo một động lực phát triển không ngừng. Như những con tằm nhả tơ, các nhà LLPB ở Đồng Nai còn đang ấp ủ nhiều đề tài, nhiều công trình mới…
Thế mạnh của Lý luận Phê bình trên báo chí
Hội đồng LLPB VHNT Trung ương đánh giá hoạt động LLPB trên báo chí hiện nay đang là một thế mạnh, phát huy tích cực vai trò của LLPB thời kỳ đổi mới. Với đặc điểm nhanh, gọn, kịp thời, dễ tiếp cận, các tác phẩm LLPB đã đi vào đời sống hàng ngày qua những trang báo (báo in và báo điện tử). Nhờ vậy, bạn đọc tiếp cận với các vấn đề, các trào lưu sáng tác và các tác phẩm mới nhanh chóng, dễ dàng hơn (thậm chí còn góp phần vào hoạt động LLPB qua các ý kiến, luận giải cá nhân)...
Các tác giả LLPB ở Đồng Nai cũng tích cực tham gia, và mang đến một không khí LLPB khá sôi động, hấp dẫn. Dù là người làm công tác LLPB chuyên nghiệp hay các cây bút không chuyên, các tác giả đều luôn có những tìm tòi, đánh giá vừa sâu về chuyên môn, vừa có tính thời sự, kịp thời giới thiệu các tác giả - tác phẩm mới. Với các diễn đàn chính của tỉnh nhà là Báo Đồng Nai và Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai, những cây bút có uy tín như Bùi Quang Huy, Bùi Công Thuấn, Đàm Chu Văn, Hoàng Ngọc Điệp, Trần Thu Hằng… đã làm khá tốt mảng phê bình VHNT trên báo chí, đồng thời có lồng ghép yếu tố lý luận, định hướng tư tưởng, góp phần nâng cao chất lượng sáng tác. Ngoài ra, nhiều cây bút mới đã xuất hiện, mang đến nhiều “giọng điệu" phê bình đầy bản sắc và cảm xúc như nữ nhạc sĩ Thy Đường, các cây bút trẻ Nguyễn Huyền Quy, Lê Thị Hồng Nhạn… Các tác giả là người Đồng Nai, có sự gần gũi, thấu hiểu bạn văn, đồng nghiệp nên hầu hết các tác phẩm đều mang thông điệp tích cực, mang ý nghĩa động viên, khuyến khích, truyền cảm hứng…
Không chỉ có thế, các diễn đàn còn đăng tải, giới thiệu nhiều tác phẩm LLPB của các cây bút ngoài tỉnh đối với tác giả - tác phẩm Đồng Nai; và một tỉ lệ (khá khiêm tốn) dành cho VHNT trong nước và thế giới. Như hiện tượng tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" của nhà văn Nguyễn Một trong năm 2023 vừa qua; hoặc các vấn đề về văn học thiếu nhi, về âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh v.v…
Nỗ lực và đổi mới
Tuy nhiên, để LLPB VHNT làm đúng chức năng, vai trò của mình, đồng thời bộc lộ hết tiềm năng và những nguồn lực của mình, chúng ta chưa thể hài lòng và yên tâm. Bởi tuy tác phẩm, thành tích LLPB đã tăng thêm bề dày, tầm vóc của nhà LLPB đã được khẳng định, song đó vẫn là hành trình đơn độc của những cá nhân, chưa tạo thành sức mạnh chung. Tuy LLPB là một bộ môn nhận được nhiều sự quan tâm của Hội VHNT Đồng Nai cũng như của tỉnh nhà và Hội đồng LLPB VHNT Trung ương, song đến nay, bộ môn này vẫn chưa có lực lượng kế thừa ở Đồng Nai. Phương pháp nghiên cứu, hệ thống lý luận và các hệ quy chiếu phục vụ cho công tác LLPB VHNT là những vấn đề quan trọng, cần thiết cho mỗi con người hoặc các trào lưu… cũng chưa có sự thống nhất trên các diễn đàn. Vì vậy, ở một địa phương như Đồng Nai thì các vấn đề này cũng chưa thể giải quyết đồng bộ, chưa tạo động lực mới cho các cây bút trẻ tin tưởng và dấn thân…
Để xây dựng và phát triển đội ngũ làm công tác LLPB VHNT của tỉnh nhà, ngoài các nguồn lực và sự động viên, cổ vũ lớn lao của xã hội, LLPB cần sự kết nối và đổi mới liên tục, người làm nghề LLPB vừa phải làm mới mình, làm mới trang viết, vừa phải củng cố quan điểm lý luận của cá nhân mình và đóng góp cho hệ thống lý luận chung. Mong sao sự nỗ lực và những năm tháng làm việc thầm lặng ấy sẽ giúp cho khu vườn VHNT Đồng Nai thêm nở rộ, thêm nhiều hương sắc, giọng điệu mới, tạo dựng được nhiều giá trị mới. Đồng thời các tác phẩm nghiên cứu, LLPB của các tác giả Đồng Nai sẽ lan tỏa rộng khắp, mang bản sắc VHNT Đồng Nai đi muôn nơi…
Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 75 (Tháng 5 năm 2024)